Kazuo Ishiguro thêu dệt giai điệu bằng chữ

580

09.10.2017-00:30

 Kazuo Ishiguro lãng tử bên cây đàn guitar năm 1977 – Ảnh: Harry Ransom Center

 

Kazuo Ishiguro

– người thêu dệt giai điệu bằng con chữ

 

HIỀN TRANG

 

NVTPHCM- “Không thể tin nổi đó chính là ông ấy” hẳn là suy nghĩ của phóng viên Lévai Balázs khi cầm trên tay tấm ảnh thời thanh niên của Kazuo Ishiguro, một tên tuổi cột trụ của văn chương đương đại.

 

Ở tuổi ngoài 60, Kazuo Ishiguro thường xuất hiện với áo vest đen lịch lãm, cặp kính trắng tri thức cùng ánh mắt suy tư như một triết gia. Còn trong tấm ảnh mà ông gửi cho Balázs, Kazuo ở độ tuổi đôi mươi, nuôi tóc dài lãng tử, râu ria bờm xờm, mặc áo may ô họa tiết, ngồi gảy guitar điệu nghệ.

 

Thuở nhỏ, cậu bé Kazuo không hề có ý định sẽ làm nhà văn. “Từ tận đáy lòng, tôi muốn trở thành một ngôi sao nhạc rock” – người vừa trở thành nhà văn thứ 114 vinh dự dành giải Nobel tâm sự.

 

“Cho Bob Dylan ngửi khói”

 

Ngay khi nhận tin Ishiguro thắng giải, nhà văn Salman Rushdie đã gửi lời nhắn cho người đồng nghiệp của mình: “Nhiệt liệt chúc mừng Ish, anh bạn cũ của tôi. Tôi đã luôn yêu mến và ngưỡng mộ các tác phẩm của anh kể từ lần đầu tiên thưởng thức A pale view of hills. Và anh còn chơi cả guitar và sáng tác nhạc nữa! Cho Bob Dylan ngửi khói luôn”.

 

Dù đã tròn một năm trôi qua, mùa Nobel mới lại về, rất đông văn sĩ dường như vẫn chưa hết ấm ức với Viện Hàn lâm Thụy Điển. Năm ngoái, giữa lúc văn đàn đang tranh cãi kịch liệt xem giải thưởng liệu sẽ được trao cho Haruki Murakami, Milan Kundera hay Philip Roth, thì bỗng nhiên Bob Dylan, người vốn nổi tiếng qua âm nhạc, đột ngột xuất hiện và nẫng mất giải thưởng danh giá đó.

 

Tuy nhiên, trong số những người ủng hộ nhạc sĩ huyền thoại nước Mỹ, có cái tên Kazuo Ishiguro.

 

Bắt đầu chơi piano từ năm 5 tuổi, bén duyên với guitar năm 15 tuổi, sáng tác trên trăm ca khúc, đi chào hàng các đĩa ghi âm cho tới tận năm 22, 23 tuổi với giấc mộng trở thành ca sĩ, Ishiguro thổ lộ người hùng trong lòng ông chính là Bob Dylan. Đĩa nhạc đầu tiên của Dylan mà Ishiguro sở hữu là album John Wesley Harding. Ông đã tậu ngay sau khi nó được phát hành.

 

Phóng viên Balázs khi nhìn tấm ảnh thời thanh niên của Ishiguro đã nhận xét rằng trông như phác họa “chân dung một nhà văn thời cún con”. Chân dung một nhà văn thời cún con là tác phẩm của nhà thơ Dylan Thomas. Trùng hợp thay, nghệ danh Bob Dylan chính là mượn theo tên của thi gia này.

 

“Với Dylan, tôi cho rằng đó là trải nghiệm đầu đời của tôi về lời bài hát viết bằng kỹ thuật dòng ý thức và siêu thực”. Thật không may cho chàng Kazuo, nhưng thật may cho giới văn nghệ, khi Kazuo nhận ra mình không có giọng. Dù không theo đuổi được sự nghiệp cầm ca nhưng tiểu thuyết gia người Anh gốc Nhật cho rằng chính âm nhạc đã đem tới bước đà tốt nhất trong việc viết tiểu thuyết.

 

Thời đại văn chương đầy nhạc tính

 

Bob Dylan có thể là một kẻ phá đám. Quyết định của hội đồng xét giải năm ngoái có thể gây tranh cãi. Nhưng không thể phủ định rằng âm nhạc đang trải chiếc bóng rất lớn lên văn chương ngày nay.

 

Hãy nhìn qua một số ứng viên nặng ký qua các năm của giải thưởng này. Haruki Murakami có hơn 10.000 chiếc đĩa vinyl trong bộ sưu tập đồ sộ, và chẳng có nhân vật nào của ông, từ thủ thư tới lái taxi, mà không nghe jazz hay nhạc cổ điển. Hay như Milan Kundera, con nhà nòi âm nhạc, viết các cuốn sách như một bản giao hưởng của ngôn từ. Ông trích dẫn Bartók và Janácˇek, ông bàn luận về nghịch âm và Schoenberg.

 

Và nhãn tiền nhất, Kazuo Ishiguro luôn khăng khăng mình vẫn là một người viết nhạc: “Tôi muốn tác động đến người đọc. Với tôi, đó là văn học. Theo nghĩa đó, tôi vẫn luôn là một nhạc sĩ”.

 

Nhà soạn nhạc Claude Debussy từng nói: “Âm nhạc không nằm trong những nốt nhạc, Nó nằm trong những khoảng lặng giữa những thanh âm”. Nếu xét trên khía cạnh ấy, quá rõ ràng rằng Kazuo Ishiguro đang thêu dệt những giai điệu bằng con chữ.

 

Những câu chuyện của Ishiguro luôn cầm chừng tựa một mặt biển trước cơn dông tố, không hề tĩnh tại, cũng không hề có sóng dữ, chỉ là những đợt sóng dập dờn tấp vào bờ. Những nhân vật nằm sõng soài, cố gắng giãy giụa, dường như đã biết, lại dường như không biết những gì đang đón chờ mình dưới đáy biển sâu.

 

Không ai viết về bối cảnh phản địa đàng mà lại thiếu phản kháng kịch tính, thừa bi tình sầu muộn như ông đã làm trong Mãi đừng xa tôi. Này thì những ẩn dụ sáo mòn, này thì những lời văn lửng lơ thiếu quyết đoán, này thì đoạn mở đầu bợt bạt như lời giới thiệu bản thân trong một tờ khai hành chính: “Tôi tên là Kathy H. Tôi 31 tuổi, đã làm người chăm sóc được hơn mười một năm nay”.

 

Và nếu như những biến cố lững thững mà Ishiguro tạo ra là các nốt nhạc trắng đen, thì những hồi tưởng và chiêm bao của các nhân vật là những thinh lặng chơi vơi ở giữa, những vực sâu thăm thẳm nơi những “người khổng lồ ngủ quên” bị giam cầm.

 

Còn nhớ trong truyện ngắn Người hát tình ca của Kazuo, một ngôi sao hết thời ngồi trên thuyền gondola, cất tiếng hát cho người vợ đang đứng trên bao lơn nhìn xuống. Những bản tình ca hay biết bao. Họ vẫn còn yêu nhau biết bao. Nhưng sau đêm nay, họ sẽ chia tay mỗi người một ngả.

 

Phần đẹp nhất của buổi tối đó không phải khi người ca sĩ hát tặng vợ ông, phần đẹp nhất là khi tiếng nhạc tắt dần, tất cả chìm vào yên lặng, chỉ nghe tiếng khóc rấm rứt của người phụ nữ. Dù là văn chương hay âm nhạc, phần đẹp nhất thường phi ngôn.

 

TTO

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…