Mặc nhiên nhỏ xuống nỗi đau vàng

826

(Đọc “Mặc nhiên” của Dung Thị Vân, NXB Hội Nhà văn, 2017)

Lê Bá Duy

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Mặc nhiên” – tập thơ thứ 7 của nhà thơ Dung Thị Vân lại tiếp tục ra mắt độc giả. Lần này, vẫn phần lớn thể thơ tự do mới chuyển tải tình – ý trong hồn thơ của chị. Nhẹ nhàng, không cầu kỳ, bí hiểm, mà như “mặc nhiên” vốn có chảy từ trái tim thơ của tác giả. Từ đó “nhỏ xuống nỗi đau vàng” để người đọc suy ngẫm, bâng khuâng…


Tập thơ “Mặc nhiên” của Dung Thị Vân.

Bài thơ được lấy tựa đề cho cả tập xuất hiện ngay từ đầu sách. Bài thơ có ba khổ. Khổ thứ nhất 6 dòng; khổ thứ hai 4 dòng và khổ cuối có một dòng. Nếu như khổ thơ đầu là suy ngẫm của tác giả về cõi ta bà – chỉ là quán trọ của kiếp người, để con người “tựa đầu” nghỉ ngơi trong hành trình của một “linh hồn” xuyên qua “vạn kiếp” thì khổ thứ hai là sự mặc nhiên vốn có của người phụ nữ. Phải chăng cõi người là cõi ảo, là “quán trọ”? Nên mặc nhiên “áo gấm” mặc nhiên “nhung lụa trang đài khóa then”? Để rồi kết bằng một câu “Này em nâng cánh hồng sen…”. Khổ thơ kết nhưng lại mở ra một hướng mới hơn, hay hơn và độc đáo hơn.

Trên đời này tình yêu là sức mạnh giúp ta vượt qua sự mệt mỏi trong cuộc đời mưu sinh. Với Dung Thị Vân, tình yêu của “anh” đã cho nhân vật trữ tình trong bài thơ không hề mệt mỏi. Và tình yêu là duy nhất với anh mà thôi, là định mệnh ràng buộc “em” và “anh”. Sự chung thủy thật hiếm có trên đời:

Yêu một lần

-là vĩnh viễn buộc tình nhau.

(Tình yêu anh)

Cũng vì yêu anh mà “Em sẽ là

Những tế bào

-phủ kín trái tim anh.

…là hơi thở để anh không bao giờ biết mệt

Là nụ cười để lúc nào anh cũng thấy đời vui…

(Em sẽ là)

Người làm thơ tâm hồn rất nhạy cảm. Một chiếc lá rụng, một người bạn văn ra đi… cũng làm nên những giọt nước mắt đắng cay “nhỏ xuống nỗi đau vàng”. Nhà thơ Nguyễn Nguy Anh ra đi vào cái ngày mùng Ba Tết Bính Thân 2016 và cả sự đau lòng vĩnh biệt người bạn văn chương Trần Thanh Giao ra đi cùng một năm với Nguyễn Nguy Anh:

Từ đây mai mốt không còn nữa

Ta tiễn bạn về cõi hóa mơ…

(Nguyễn Nguy Anh)

Hoặc:

Người đi về nẻo luân hồi

Có con chim lạc hót lời xanh xao

Về đâu anh Trần Thanh Giao

Nợ du lịch khuyết đã vào thiên thu….

(Trần Thanh Giao)

cũng đủ làm trái tim nhà thơ đau đớn. Nhà thơ Dung Thị Vân không những nhạy cảm với tình yêu, với bè bạn văn chương mà còn với gia đình như người mẹ kính yêu của mình, lúc đớn đau quá chị thốt gọi:

Mẹ ơi nỗi xót không bao giờ hủy hoặc

Một năm nhanh quá đã là đâu

Con xé ruột bầm gan chưa thể nào quên được

Hình bóng mẹ về nát cả chiêm bao…

(Mẹ về nát cả chiêm bao)

Do vậy nhà thơ mong cầu được bình yên từ người Mẹ Việt:

Mẹ Việt ơi bốn ngàn năm

Miền Trung luôn gánh chịu

Cơn mưa trời dòng nước lũ tai ương

Sao cứ trừng trừng uất ức

Hãy ban phát cho chúng con

-khúc ruột miền Trung

-đừng bao giờ gánh lũ

Để chúng con an lành trên đất nước Việt Nam.

Thơ của Dung Thị Vân là thơ có sự đau buồn trăn trở, nhưng vì là thơ của nữ thi sĩ nên ngôn ngữ nhẹ nhàng, chắt lọc. Tôi thích những cung bậc trầm lắng và những dòng chảy trong trường cảm xúc buồn đau lắng đọng của chị như:

Chiều nay mưa đã khóc hộ em

Mưa khóc vì anh thức suốt đêm

Cho em vá lại giờ thao thức

Là bóng người đan lẻ ướt mềm…

(Mưa đổ)

Không biết ngẫu nhiên hay có dụng ý mà tác giả thường có nhiều bài thơ liên quan tháng Tư? Tháng Tư nhiều kỷ niệm chắc là không phải ngẫu nhiên rồi! Chẳng hạn “Chiều ba mươi tháng Tư” có 4 khúc, tất cả đều hoài niệm về mẹ, về người tình “khuyết bạc” “vĩnh viễn” ra đi. Để đứa con đau đớn thốt lên: “Mẹ ơi chiều nay con viết bài thơ vỡ/ Lạc mất người tình tuổi áo trắng ngu ngơ/ Cho đến bay giờ/ con cũng chẳng biết tại vì sao…” Thực ra tác giả nói với mẹ nhưng cũng tự thì thầm với chính mình:

Nói với mẹ

Mẹ trên đồi cỏ úa

Đành thì thầm

-cõi vắng một mình con

Hoặc tháng Tư còn có “Tháng Tư buồn” “cá chết nước dạ thưa”; và “Tháng Tư hoàng úa” nhân vật trữ tình trong bài thơ muốn quên nỗi đau chia lìa hôm gặp anh lần cuối. Nhưng nỗi đau ấy cứ ám ảnh trong “em” bởi vì “Tháng Tư tan vỡ màu huyết phượng/ ta chẳng cùng nhau vịn khoảng trời” và “Ngày tháng có bao giờ trở lại/ Tháng Tư vàng úa tháng chia hai/ em không đếm nổi chiều xa cách/ sao cánh phượng tà nhuộm đẫm vai…

Hoặc tháng Bảy tác giả có hai bài: “Tháng Bảy cũng về”; “Soi tháng Bảy”. Hình như tác giả không chỉ viết cho tình nhân mà viết cho chính mình: “Tháng mưa ngâu quạ trọc đầu xây cầu Ô Thướt/ Cho Chức Nữ chàng Ngưu gặp gỡ chỉ một lần/ huyền thoại ấy cứ nhọc nhằn khoanh đêm tháng sáu/ Vẽ tháng bảy về- trời đất cũng xôn xao!” (Soi tháng bảy). Do vậy câu thơ cứ thủ thỉ, cứ dằn xé tâm can nhà thơ để nhân vật trữ tình “thảng thốt vẽ mặt trời xuyên tháng bảy”.

Đọc “Mặc nhiên”, người đọc hình dung về nỗi đau vàng nhỏ xuống những trang thơ đời Dung Thị Vân có cả những giọt nước mắt đắng cay xen lẫn ngọt ngào. Nỗi buồn càng cô đặc hơn khi ngôn ngữ càng cô đọng, chắt lọc. Tình cảm yêu thương tác giả dành cho cha mẹ, cho Anh và những người bạn văn chương đã không còn ở lại quanh mình. Dựa vào số lượng bài ta thấy nhà thơ rung động phần nhiều ở các bài thơ viết về nhân vật “người anh”, người mẹ” gắn với những ký ức đẹp đẽ xa xưa.

Có thể nói “Mặc nhiên” là những giọt tình yêu, những giọt đau thương, những giọt rung động mãnh liệt xót xa (kể cả hạnh phúc) đã và đang chảy, nhỏ xuống từng trang thơ hóa thành những nỗi đau quý giá mà nhà thơ trân trọng gom vào thi tập. Với tôi, đây là một tập thơ đáng đọc đáng suy ngẫm để cùng đồng cảm sẻ chia với tác giả. Xin chúc mừng tập thơ mới của nhà thơ Dung Thị Vân và mong được đọc những tập thơ tiếp theo của chị!

Bình Định, 22/4/2019

L.B.D