Mùa dịch đi qua, yêu thương ở lại

1084

Đồng Bằng

Bài giới tập sách Đi qua hai mùa dịch của Tác giả Dy Khoa

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong hai tuần giãn cách xã hội vừa qua, Dy Khoa, một tác giả trẻ thuộc thế hệ 9X, đã hoàn thành “Đi qua hai mùa dịch”. Cuốn sách kể về câu chuyện 11 năm trước dương tính với cúm A/H1N1 và lần thứ hai đối diện với cơn đại dịch COVID-19 hiện tại. Tâm thế của một người từng nhiễm bệnh, sống trong khoảng thời gian đối diện với lằn ranh sinh tử, nhiều cảm xúc và kí ức xưa cũ như sống lại trong tác giả. Vậy làm sao sống sót trong mùa dịch. Chúng ta sẽ đối diện với những ngày giãn cách như thế nào? Đó luôn là câu hỏi chung cho mỗi chúng ta, khi cơn đại dịch quay lại lần thứ 2, sau 100 ngày yên bình.

Tập sách Đi qua hai mùa dịch

Ở những thời điểm khó khăn, con người sẽ biết mình thực sự cần thiết làm gì, tạm buông bớt những chuyện không cần thiết để thích nghi. “Ai cũng có những ký ức để nhớ. Nó đẹp đẽ hay xấu xí không quan trọng. Quan trọng là nó làm ta trưởng thành hơn” – Dy Khoa tâm sự. Chính sự trải nghiệm của 11 năm trước đã cho chàng trai trẻ sự điềm nhiên và tĩnh lặng để gởi những thông điệp chan chứa tin yêu vào cuốn sách này.

“Mùa này mình chỉ nói thương nhau”, Khoa đã thể hiện sự chia sẻ tận tâm khảm những nỗi niềm, những kinh nghiệm mà chính mình đã trải qua, để giúp mọi người bình tâm đi qua mùa dịch. Không điều gì có thể giúp chúng ta đi qua cơn đại dịch này bằng chính tình thương giữa con người với nhau. Ta biết thương mình, thương người. Từ tình thương đó, chúng ta lan tỏa thành một lối sống đẹp, chia sẻ và tương trợ nhau đối diện với khoảng thời gian khốn khó này. Cùng nắm tay nhau, đi qua những ngày hoang hoải và buồn đau.

Độc giả trong buổi ra mắt sách Đi qua hai mùa dịch

Đi qua hai mùa dịch được chia thành hai phần: Mùa dịch 11 năm trước và Câu chuyện mùa dịch COVID-19. Trong đó, phần I là các bài viết nhắc về câu chuyện của chính tác giả, từng là một bệnh nhân dương tính với virus cúm A/H1N1. Phần này được kể khá chi tiết từ khi anh có biểu hiện sốt đến khi được xuất viện. Xung quanh đó là những tình cảm đáng quý giữa những bệnh nhân với nhau và với các nhân viên y tế. Tác giả nhấn mạnh về sự may mắn khi nhận được yêu thương, giúp đỡ từ mọi người, nhất là mẹ của mình. Điều may mắn nhất trong cuộc đời là trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào chúng ta vẫn còn mẹ, còn người thân bên cạnh.

Lời thông báo của bác sĩ trực tiếp thăm khám cho Khoa năm ấy kết luận: “Em mắc cúm A/H1N1”. Thời điểm đó, có rất ít thông tin, tin tức lan truyền rộng rãi như bây giờ. Còn nhớ lời chị điều dưỡng kể về mẹ: “Sau khi khóc hết nước mắt, quay lại đưa cho Khoa balo quần áo thì mắt mẹ đã sưng húp, Khoa thì mệt lả người không di chuyển gì nhiều nổi”. Hai mẹ con chưa gặp lại khi nhau khi Khoa được đưa vào khu vực cách ly. Giá như, ở thời điểm đó, những  thông tin về bệnh dịch không bị thiếu hụt, hay những kiến thức phòng tránh cơ bản được phổ biến như bây giờ thì bệnh sẽ không phát tán và khả năng lây nhiễm sẽ hạn chế ở mức thấp nhất.

Tác giả Dy Khoa ký sách trong ngày ra mắt 

Ở phần II, tác giả trong vai một người quan sát và lắng nghe tâm sự từ mọi người về những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến cộng đồng. Có những người bạn hàng rơi nước mắt, có những người bạn bị mất thu nhập… Và còn có vô số cảm xúc tiêu cực khác trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2. Trong thời gian này, mọi người đang chất chứa ít nhiều nguồn năng lượng tiêu cực. Nó có thể là bực bội từ chuyện cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp do dịch. Ai trong chúng ta đều trở thành những cá thể dễ dàng buồn, dễ dàng căng thẳng và cuối cùng là dễ dàng bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi mà! Dy Khoa gợi ý một số bài tập, lời khuyên để gia tăng tích cực, cổ vũ vượt qua đại dịch.

Ờ một góc nhìn khác, Dy Khoa chia sẻ về đội ngũ y bác sĩ. Thật ra họ cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt. Việc chọn nghề y vừa là sứ mệnh vừa là áp lực về tâm lý. Họ cũng có rất nhiều trăn trở với nghề, có những quyết định thép trước những giây phút sinh tử mà người nhà bệnh nhân đặt niềm tin vào họ. Nhưng không phải lúc nào bệnh nhân cũng may mắn vượt qua cửa sinh tử. Bác sĩ cũng có nhiều nỗi buồn không đếm xuể, cũng không thể chia sẻ. Tác giả cứ nhớ mãi câu nói của một bác sĩ cấp cứu mình quen biết từng nói: “Thật ra mình cũng muốn khóc lắm. Nhưng ca nào cũng khóc thì không còn sức để làm việc”.

Dy Khoa giao lưu cùng bạn đọc

“Đặc biệt, “Đi qua hai mùa dịch” cũng là lời cảm ơn đặc biệt của tôi đến với mẹ của mình, cũng như đội ngũ nhân viên y tế, họ là những chiến sĩ tuyến đầu bảo vệ sức khỏe nhân dân. Họ cũng có những điều trăn trở của mình. Vậy nên chọn yêu thương để đối xử với nhau sẽ tốt hơn”. – Dy Khoa chia sẻ. Quả thật như vậy, chính các bác sĩ và cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch cần một lời cảm ơn, một sự đồng hành và một niềm tin tuyệt đối. Chỉ có vậy, mới khiến họ ấm lòng mà bền bỉ chiến đấu trong cuộc chống dịch muôn trùng gian nguy này.

Tại buổi giao lưu ra mắt sách, chính Dy Khoa cũng kể lại những khó khăn khi người trẻ đối diện với cơn đại dịch Covid 19 này. Không chỉ là công việc, cuộc sống, mà ngay cả tâm tính của người trẻ cũng bắt đầu bị ảnh hưởng. Chúng ta luôn xoay vần đời mình với phố xá thị thành, với cơm áo gạo tiền. Chợt một ngày vắng lặng tất cả, phải bó gối trong chính ngôi nhà chúng ta. Làm sao nhanh chóng thích nghi? Làm sao để mạng xã hội là cầu nối giúp mọi người liên lạc với nhau thật hữu ích? Cơn đại dịch đem đến cho giới trẻ những chiêm nghiệm như thế nào với chính ngôi nhà và những người thân trong gia đình?

Cuốn sách đầy ắp những yêu thương. Đúng như Dy Khoa nói, chỉ cần nột chữ thương, mọi con đường đều sẽ nở hoa, khi cơn đại dịch đi qua.

Đ.B