Nghệ sĩ Trần Hạnh – ông lão hiền lành từ đời đến phim

401

Mai Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Xuyên suốt sự nghiệp của mình, NSND Trần Hạnh đã có nhiều vai diễn để lại ấn tượng lớn đối với khán giả.


NSND Trần Hạnh ghi dấu ấn với khán giả truyền hình qua tuyến nhân vật hiền lành, khắc khổ.

Ngày 4/3, thông tin về sự ra đi của NSND Trần Hạnh khiến nhiều khán giả không khỏi bàng hoàng, xót xa. Sinh thời, nghệ sĩ Trần Hạnh là một trong những tên tuổi gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam, đã tham gia nhiều dự án phim truyền hình và điện ảnh. Đặc biệt, cố nghệ sĩ được nhiều khán giả nhớ đến với hình ảnh gắn liền với những vai diễn nghèo khó, khắc khổ nhưng luôn đầy cảm xúc và tình yêu thương.

70 năm làm nghệ thuật, ông giữ trọn tình yêu chân thành với phim ảnh. Niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời Trần Hạnh là được diễn xuất. Nghệ sĩ không bao giờ tính toán thiệt hơn, mặc cả thù lao khi đi diễn. Hết phim, nhà sản xuất muốn đưa ông bao nhiêu thì đưa. Ông cũng hay đóng tiểu phẩm, phim ngắn giúp nhiều học sinh, sinh viên.

Năm 1998, Trần Hạnh đóng phim Tình đời của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Lúc ấy, diễn viên Tùng Dương làm tổ chức sản xuất. Phim đóng máy, thấy ông vất vả, Tùng Dương bàn với bà xã lúc ấy là diễn viên Hoa Thuý – trả thù lao ông cao hơn một chút. Lúc anh đưa phong bì, ông rút tiền bên trong ra rồi hỏi: “Ôi sao nhiều thế con, hay mày đưa nhầm”. Anh nói phim dư dả kinh phí, ông mắng “Mày điêu” rồi rút 400.000 nghìn đồng (một phần ba thù lao của ông) trả lại, nói là quà cho vợ, con anh.

Ông luôn giữ thái độ nghiêm túc với nghề. Hồi ngoài 80 tuổi, ông vẫn chạy xe Honda 82 đi theo các đoàn làm phim, lúc nào cũng đến sớm ít nhất 15 phút. Ông nói đi theo ôtô thì ở những nơi không cần thiết có mặt cả ngày, mình vẫn phải chờ đoàn tới 10h đêm, trong khi vợ, con ở ốm ở nhà.

Trong suốt sự nghiệp, ông ghi dấu ấn với tuyến nhân vật hiền lành, khắc khổ. Trong Ngõ lỗ thủng (2009), nghệ sĩ hóa thân ông Thống – người cha nghèo nuôi hai con gái những năm cuối thập niên 1980. Lớn lên, không chịu nổi cảnh khốn cùng, chúng bỏ đi xa, tìm cách làm giàu. Ông bất lực khi cha con dần trở nên xa cách, hai con trở nên thực dụng, bất chấp tất cả vì tiền.

Khi đóng vai này, ông 80 tuổi. Diễn viên Tùng Dương cho biết có lần bối cảnh phim ở Sơn Tây, anh – với vai trò hỗ trợ sản xuất – yêu cầu nhân viên đến nhà đón nghệ sĩ vì sợ ông đi đường xa, không an toàn. Tùng Dương đến phim trường sớm, đi quanh để kiểm tra bối cảnh thì nghe tiếng lầm bầm. Anh bước về phía sau, thấy Trần Hạnh đang ngồi dựa lưng vào tường, nhẩm thoại. Hóa ra, ông đã đến từ lúc nào không ai biết. Khi anh hỏi chuyện, ông nói: “Bố già rồi, trí nhớ không còn được như những năm trước. Không nhẩm kỹ lát quay quên thoại, đạo diễn mắng, rồi làm hỏng cả cảm xúc diễn của chúng mày”.

Nhiều lần, đọc kịch bản, mắt ông đỏ hoe vì thương cho các nhân vật, cho số phận con người thời kỳ đó. Ông tâm sự với Tùng Dương: “Trung Trung Đỉnh xây dựng nhân vật giỏi thật. Những số phận như đang sống quanh mình, bi kịch, không lối thoát, cay đắng và nghiệt ngã”. Nghệ sĩ sau đó được trao giải Cống hiến tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010 cho vai diễn.

Vai ông Thuật trong Kẻ không cầu may cũng khiến nghệ sĩ day dứt. Ông Thuật là nhân viên nhà nước bị cắt giảm biên chế, phải hành nghề bơm vá xe đạp kiếm sống. Ông khao khát đổi đời nhờ một tờ vé số. Nhưng cũng vì nó, ông gặp nạn rồi qua đời. Nghệ sĩ lột tả trọn vẹn tâm trạng cô đơn, tuyệt vọng của người lao động thời bao cấp. Theo ông, vai diễn gửi gắm thông điệp sâu sắc về sự an bài của số phận.

Trong Truyện cổ tích tuổi 17, Trần Hạnh vào vai Bình – ông bố đơn thân, nuôi con sau khi vợ mất. Trở về từ chiến trường, ông Bình tâm lý, điềm tĩnh, cho con gái nhiều lời khuyên khi cô trót phải lòng một chiến sĩ trẻ ở tuổi 17. Ở phim Người đàn bà thứ hai, ông hóa thân người cha nghèo từ quê lên Hà Nội ở cùng vợ chồng con trai. Chứng kiến mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu, ông bất lực. Phim Chiếc bình tiền kiếp, nghệ sĩ khắc họa thành công ông Lâm – người nông dân khắc khổ, rước họa vào nhà vì chiếc bình giả. Trong Chớp mắt cùng số phận, ông gây ám ảnh với phân cảnh mặc áo tơi lội ruộng, hướng đôi mắt buồn về phía con trai vừa đi bộ đội về và nói: “Mẹ con đã mất hơn một năm rồi”.

Ngoài ra, ông đóng bố Lài trong Tướng về hưu, bố Mai trong Hãy tha thứ cho em, bố Lực trong Cỏ lau, bố Trượng phim Người yêu đi lấy chồng, ông lão mũ trong Cha cõng con…

Cuộc đời thực của nghệ sĩ Trần Hạnh còn buồn và khổ hơn phim. Gần chục năm, ông phải tự tay lo cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau một lần bị tai biến mạch máu não. Năm 2011, vợ ông mất vì bị tai biến sau một thời gian dài nằm liệt giường.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn phải chăm cậu con trai út bị ngớ ngẩn do nhiều năm trước bị tai nạn xe máy chấn thương sọ não. Ở tuổi gần 90, NSND Trần Hạnh vẫn hằng ngày ngồi ở góc cổng khu B Ga Hà Nội bán xăng và rất nhiều thứ lặt vặt khác để mưu sinh cùng gia đình.

“Tôi ở cùng gia đình con trai, cửa hàng này tôi bán phụ con dâu, bán hàng cũng là một niềm vui mỗi ngày của tôi. Tôi yêu nghề diễn viên vô cùng, đến hiện tại vẫn có nhiều người mời tôi đóng phim” – NSND Trần Hạnh chia sẻ lúc sinh thời.


Những năm tháng cuối đời, nghệ sĩ Trần Hạnh mắc nhiều căn bệnh tuổi già. Ông hạn chế đóng phim, hàng ngày phụ bán hàng cùng con dâu.

Dù sống một cuộc sống vất vả nhưng NSND Trần Hạnh luôn là tấm gương cho các thế hệ đi sau về tình yêu nghề cũng như luôn nỗ lực cho công việc của mình.

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhận xét NSND Trần Hạnh là một gương mặt nghệ sĩ điển hình. NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cho rằng sự ra đi của các nghệ sĩ tên tuổi Hoàng Dũng và Trần Hạnh là mất mát lớn đối với nhà hát.

Đạo diễn Lương Đình Dũng, tác giả bộ phim điện ảnh cuối cùng NSND Trần Hạnh tham gia, bày tỏ nỗi buồn trước sự ra đi của diễn viên gạo cội. Anh cho hay dù là một diễn viên nổi tiếng nhưng NSND Trần Hạnh rất giản dị, yêu nghề, luôn nỗ lực để thể hiện vai diễn tốt nhất, có hồn nhất.

Đạo diễn Cha cõng con cho hay ngay khi viết kịch bản phim, anh đã nghĩ đến sự có mặt của NSND Trần Hạnh trong phim mình. Và sự lựa chọn ấy không sai, dù lúc đó đã 85 tuổi nhưng NSND Trần Hạnh vẫn luôn cố gắng hết mình cho vai diễn, sẵn sàng thực hiện những gì điều đạo diễn yêu cầu.

Nghệ sĩ Quốc Quân, người từng đóng chung phim Đời người và những chuyến đi với NSND Trần Hạnh, bày tỏ sự khâm phục người nghệ sĩ chân chính, khiêm nhường, giản dị và giàu lòng nhân ái. “Ông sống bằng những vai diễn trên sân khấu và màn ảnh. Ông chỉ cần được diễn, còn vai phụ hay chính với ông không quan trọng. Điều đó thật sự đáng quý” – nghệ sĩ Quốc Quân thổ lộ.


Ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Những năm cuối đời, niềm an ủi lớn nhất của nghệ sĩ là danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, được trao tặng năm 2019. Ông từng tâm sự: “Trước đây, tôi từng nghĩ giá như được ghi nhận sớm, trở thành Nghệ sĩ Nhân dân khi 60 tuổi thì tốt biết mấy. Như vậy, mình sẽ có động lực cống hiến. Thế nhưng sau nhiều năm, tôi không còn đặt nặng vấn đề này, chỉ mong có vai diễn để được làm nghề. Giờ đây, khi được Nhà nước, công chúng ghi nhận, tôi thấy được an ủi phần nào vì ít ra mình vẫn còn sống. Tôi tiếc nuối cho nhiều đồng nghiệp ra đi khi chưa kịp nhận danh hiệu”.

Giờ đây, khi ông ra đi, “tài sản” mang theo không chỉ có danh hiệu mà còn là tình cảm của nhiều thế hệ đồng nghiệp, khán giả, dành cho một ông lão tình cảm, hiền lành. Giây phút cuối đời, khi con, cháu hỏi về tâm nguyện cuối cùng, ông lặng im. “Bố ra đi thanh thản. Có lẽ bố mãn nguyện nhắm mắt xuôi tay sau ngần ấy năm sống và cống hiến cho nghệ thuật”, chị Hồng – con dâu nghệ sĩ – nói.

M.A (T/h)