Người cận vệ của vua Hàm Nghi

777

Một người dưới xuôi thường lên xuống các bản làng dân tộc thiểu số bán muối và mua các sản vật của rừng. Người ấy cũng đã có vài lần đến bản ông, một bản làng tận rừng sâu heo hút trên dãy Trường Sơn, nơi thượng nguồn sông Long Đại, sông Nhật Lệ, sát biên giới với nước Lào nói: Nước mình đã độc lập, không còn bị người Pháp đô hộ nữa. Ông mừng hơn ai hết trong bản làng chỉ mươi lăm nóc nhà sàn này. Từng là một nghĩa binh, bảo vệ vua Hàm Nghi, bị giặc Pháp đánh bại, ông cùng với mấy anh em nghĩa binh không chịu đầu hàng đã lẩn trốn về nơi đây.

Suốt cả một đời người uất hận, mòn mỏi đến lúc tuổi đã ngoài tám mươi như cái cây già đi hết vòng đời xanh tươi không còn hy vọng gì lại được thấy đất nước độc lập tự do! Chuyện trọng đại, quá bất ngờ làm cho ông đêm nay trằn trọc, không sao ngủ được. Ra hàng hiên, ông ngậm cái tẩu thuốc dài bằng gỗ mun đen đã lên nước, bóng loáng. Chốc chốc đầu tẩu đốm lửa nhỏ lóe lên trông rõ nếp nhăn, da mốc thếch trên khuôn mặt của một con người dày dạn, rắn rỏi chốn rừng xanh và đôi mắt bừng sáng lên một sức sống mãnh liệt như không biết thời gian, tuổi tác. Ông nhìn bóng núi chập chùng, không gian mênh mông trong vắt tinh khiết đến lạ thường. Ánh trăng thu rải vàng trên những mỏm núi xanh ngắt vời vợi. Đôi làn gió nhẹ vỗ về xao động mái tóc bạc trắng ngang vai của ông như làn mây chiều sau mưa. Bao ký ức trào dậy trong lòng ông những tháng ngày của cuộc đời tưởng mọi việc vừa mới xảy ra…

Hơn năm mươi bảy năm về trước, đêm 26  tháng 9 năm 1888, ở Chà Mạc miền thượng Tuyên Hóa, giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh núi rừng thâm u hiểm trở. Đêm đó thật khủng khiếp. Tên Hiệp quản Trương Quang Ngọc hộ giá vua Hàm Nghi phản bội. Hắn bí mật dẫn quân Mường có quân Pháp yểm trợ vào tận nơi nhà vua ngủ. Nhát kiếm của Tôn Thất Thiệp, con trai của chủ tướng Tôn Thất Thuyết vung lên, chưa kịp bổ vào đầu tên Ngọc thì bị nhiều phát súng của giặc bắn gục. Ông cùng hàng chục lính cận vệ vung gươm chống trả để bảo vệ vua cùng ngã xuống chung quanh lán trại nhà vua. Ông cũng bị một viên đạn găm vào đùi, ông lăn xuống vực núi, quơ quạng hái một nắm lá rịt vết thương cầm máu. Hồi ấy ông mới ngoài hai mươi tuổi, sức vóc cường tráng, giỏi côn quyền, trước đứng trong nghĩa binh của Vệ úy Hoàng Phúc. Khi Vệ úy Hoàng Phúc đang hoạt động vùng Quảng Bình, Quảng Trị nghe Hịch Cần Vương đã hội quân phò vua từ Tân Sở, Quảng Trị ra miền thượng Quảng Bình. Từ đấy, ông được sung vào đội cận vệ của vua. Qua một đêm đánh phá của bọn Trương Quang Ngọc và quân Pháp, căn cứ của triều đình tan nát. Toàn bộ vua tôi, số bị bắt, số tử trận. Một số ít binh sĩ thoát nạn, không chịu đầu hàng, họ trốn vào rừng rậm, trong đó có ông. Hôm sau, họ tụ tập tại một vực núi sâu, được năm người. Các nghĩa binh hỏi ông: Bây giờ đi đâu? Những khuôn mặt của tàn binh qua một đêm kinh hoàng đói khát gầy hốc, phờ phạc nhìn ông. Ông cũng chẳng hơn gì họ, vết thương còn nhức buốt, áo quần tả tơi. Chính ông cũng không biết đi đâu bây giờ giữa rừng xanh ngút ngàn này. Ông ngước mắt lên trời nghĩ ngợi. Ông lần về những tháng ngày theo nghĩa quân Vệ úy Hoàng Phúc trên nẻo đường xông pha, mong tìm đâu đó một căn cứ ẩn thân. Chợt ông nhớ ra, ngày còn ở trong quân của Vệ úy Hoàng Phúc hoạt động trong vùng Ngân Sơn – Lèn Bạc, ông nghe chủ tướng nói miền thượng nguồn Đại Giang gần biên giới Lào, giữa núi non hiểm trở có một vài vùng đất hẹp có thể dung thân khi thất thế. Ông bàn với các chiến binh. Họ theo ông. Năm, sáu ngày luồn lách qua không biết bao nhiêu rừng rúi, có khi phải lấn sang bên kia nước Lào để tránh một ngọn núi đá dựng đứng. Không lương thực, đói dùng kiếm đào củ mài, xuống suối chém cá thay cơm. Cuối cùng ông cùng các nghĩa binh đã tìm được nơi dừng chân. Đấy là một thung lũng hẹp, có con suối băng qua một vùng đất bằng mọc đầy lau sậy hoang sơ, vết chân thú dữ chồng lên nhau, ba bốn bề núi giăng, không có đường ra đường vào. Muốn về xuôi chỉ còn cách thả bè hay thuyền độc mộc một tay chèo vượt qua khe hở của bảy cái thác hung tợn lúc nhúc những tảng đá chắn đường. Nhưng cũng chỉ được mùa khô. Một cơn mưa, con suối nước dâng lên thành lũ dữ réo ầm, cuốn theo những tảng đá, những gốc cây lớn hối hả xô đẩy vào vách núi đôi bên bờ vang động như sấm. Con suối ở thung lũng này là đầu nguồn của con sông Đại Giang.

Để tìm kế sinh nhai lâu ngày, ông luồn rừng sang tận bên Lào, tìm đến những bản thiểu số xa xuôi, mang theo mấy đồng bạc trắng mà họ còn giữ được, đổi lấy muối và ngô. Khi trở về, ông phải đi quanh co núi rừng khe suối để không ai hay biết nơi các nghĩa binh ẩn náu. Ngày ngày ông cùng họ dùng kiếm, đại đao phát rẫy trồng ngô. Họ cùng ông vốn là những người tay cuốc tay cày trên đồng ruộng làm ra hạt thóc, củ khoai, củ sắn nên chuyện trồng ngô chỉ là công việc quen thuộc. Một thời gian sau có thêm mấy nghĩa binh ở các binh cơ khác bị quân Pháp đánh bại, không chịu quy hàng, chạy lên rừng thì gặp ông, họ xin ở lại với ông. Họ cho biết Vệ úy Hoàng Phúc chết trận tại Cửa Việt, Quảng Trị. Đề Én, Đề Chịt bị Pháp bắt ở Kim Sen Quảng Ninh. Giáp ranh giữa Quảng Trạch, Tuyên Hóa. Đề đốc Lê Trực đã bãi binh, về ẩn cư ở quê nhà. Những ai đi theo các chủ tướng nghĩa quân không chịu ra đầu thú bị Pháp lùng sục khắp nơi, thân thích bị bắt bớ tù đày. Tên phản bội Trương Quang Ngọc được Pháp cho làm đồn trưởng Khe Ve. Nghe đến tên Ngọc, ông thét lên: “Trương Quang Ngọc! Mày phải chết!”.

Qua mấy vụ mùa, những bãi ngô xanh um đã xua đi cái hoang dã nơi miền đất heo hút này, cái ăn không còn hành hạ họ nữa. Bấy giờ ông tìm kế đi giết tên Ngọc. Ông cho người đi thám thính đồn Khe Ve. Ông tìm đến bản làng chuyên săn bẫy thú rừng đem bạc trắng đổi lấy một bộ xương hổ. Tháng sau, ông bắt đầu khởi sự. Cả chín nghĩa bình tình nguyện theo ông. Nhưng ông chỉ chọn hai người khỏe mạnh nhất, có nước da màu sẫm – trước đó họ đã cùng ông cà răng sát lợi cho giống người anh em miền núi – đóng khố đeo gùi lên đường đi báo thù. Ông vượt sang đất Lào, bên ấy đất bằng dễ đi. Từ Buôn Na Phào xuống đèo Mụ Dạ, rồi luồn lách qua mấy ngọn núi mới đến Khe Ve. Nhưng khi đến gần Khe Ve thì bị một toán quân lớn bắt gọn. Họ cật vấn ông. Nói thế nào họ cũng không tin là người Thượng đi bán sản phẩm của rừng. Họ cho ông là quân do thám của đồn Tây. Toán của ông bị bắt giữ mấy hôm. Khi nhìn thấy binh trang, cách cư xử, hành động của họ, ông biết đó là nghĩa quân nhưng không rõ cơ đội nào, của chủ tướng nào. Ông đành nói với người chỉ huy, ông là cận vệ của vua Hàm Nghi thoát chết cùng một số anh em trong cái đêm tên Ngọc phản bội dẫn quân theo Pháp đánh phá căn cứ và bắt vua. Bây giờ ông đi lấy đầu tên phản quốc, báo thù cho những nghĩa binh đã ngã xuống. Ông trình bày kế hoạch cách giết tên Ngọc mà ông đã tính toán từ trước với một bộ xương hổ, một gùi mật ong, một gùi rượu đựng trong những trái bầu khô. Lãnh Thạc –  người chỉ huy toán quân tin ông, cho ông hay, họ là nghĩa quân Cần Vương Hương Khê, Hà Tĩnh theo lệnh của chủ tướng Phan Đình Phùng hỏi tội tên Ngọc đã bán rẻ vua cho giặc Pháp. Mưu kế của họ là phục binh, ban đêm công phá đồn, tìm giết tên Ngọc. Bây giờ hai bên bàn tính thấy kế của ông đi vào tận nơi Ngọc ở tuy mạo hiểm nhưng sẽ thành công chắc chắn, quân của chủ tướng Phan Đình Phùng ở bên ngoài hộ trợ, phá đồn. Ngày hôm sau, đúng như dự tính bàn bạc, ông cùng hai người thân tín gùi ba chiếc gùi trên vai nặng trĩu vào đồn. Tên lính gác cổng vào báo có người Thượng cà răng mình trần đóng khố đến tặng quà. Trương Quang Ngọc vốn là thủ lĩnh người Mường. Khi nghe vua Hàm Nghi từ Tân Sở ra miền thượng Quảng Bình, Ngọc đem vài mươi bộ hạ phò vua, được Tôn Thuyết Thuyết giao cho trọng trách hộ giá vua Hàm Nghi ở miền sơn cước này. Giặc Pháp đã mua chuộc hắn bằng hai thứ mà hắn nghiện đó là thuốc phiện và đồng bạc trắng. Khi nghe tin có người mang xương hổ, rượu và mật ong đến biếu là người thiểu số nên hắn thấy không có điều gì nguy hiểm, hắn cho lính dẫn vào. Khi hắn đang mân mê bộ xương hổ thì bất ngờ ông dùng một thế võ khóa tay tên Ngọc. Cũng vừa lúc ấy, bên ngoài nghe thấy tín hiệu, nghĩa quân Hương Khê ập vào. Nghĩa quân đốt trụi đồn Khe Ve. Tên Ngọc được dẫn đến nơi năm trước đây hắn bắt vua nộp cho Pháp, Ngọc bị chém, đầu bêu trên một chiếc cọc. Kết thúc việc chém đầu Ngọc, thiêu rụi đồn Khe Ve, nghĩa quân nói ông về đưa anh em đến với chủ tướng Phan. Ông đáp, trong anh em có người công giáo, quân của Bạch Xỉ. Chủ tướng Phan Đình Phùng chẳng hòa với Bạch Xỉ, bất dung công giáo. Nay chỉ mươi anh em, tụ tập lại như người một nhà, người đi kẻ ở không đành. Xin về ẩn náu, làm rẫy cuốc nương tích cóp lương thực, đóng góp cho nghĩa quân.

Thấm thoắt mới đó mà nghĩa quân sống với nhau cũng được năm, sáu năm. Lúc ấy ai ít tuổi nhất cũng đã gần ba mươi. Bây giờ bóng dáng người Kinh chỉ còn trong tâm hồn họ. Bên ngoài họ là những người con của núi rừng, của dân tộc ít người trên dãy Trường Sơn thâm u: Họ đóng khố, cà răng, mang gùi quai đeo hằn lên đôi vai, thân hình họ sạm đen, đầu đội trời, tóc xoắn râu ngô, chân trần đạp đất nứt nẻ chai sạn. Giặc Pháp có đến đây không thể nghĩ họ là những chiến binh nghĩa quân.

Lương thực đã có nhà dự trữ, mật ong đến mùa cũng được vài chục ống bương, giàn bếp treo đầy những xâu thịt nai, heo rừng xông khói. Nhưng bên những chiếc nhà sàn cô đơn tựa mé rừng rậm không có tiếng đàn bà trẻ thơ mỗi khi mặt trời khuất sau núi, không gian chìm xuống, nghe tiếng con chim ríu rít gọi nhau về tổ, nhớ quê quá, nhiều người ngóng về xuôi ôm mặt khóc, ông cũng rưng rưng, lòng quặn đau. Ông nói với anh em cha già mẹ yếu em thơ đang ngóng đợi, anh em có thể về quê, rừng xanh không níu anh em ở lại. Nhưng ai cũng lắc đầu, giống như tục người thiểu số, có chết cũng không thể thay đổi cái lắc đầu. Họ nói có nhắm mắt mà không có người thân bên cạnh ở trên mảnh đất này cũng cam, chứ không đầu hàng giặc Pháp. Vài tháng sau họ cùng ông chọn khoảnh đất lưng chừng núi đặt một con heo, một mâm xôi cúng thổ địa trời đất nơi họ dung thân xin cho một cái tên của bản làng để nương thân lâu dài: Bản Nghĩa Sơn, bản của các nghĩa binh ở trên dãy Trường Sơn.Từ đó, nhiều bản làng biết đến Nghĩa Sơn. Vài người kinh dưới xuôi vượt thác dữ ghé bản ông, ông trao đổi với họ những thứ bản ông cần: Kiếm ngắn, nồi đồng, bạc trắng là những sính lễ đi cưới vợ của dân tộc Vân Kiều. Mấy năm sau bản Nghĩa Sơn đã thêm nhiều nóc nhà, bếp lửa, bóng dáng đàn bà đã xuất hiện bên bờ suối cõng nước lên nhà. Rồi tiếng khóc oa oa vang lên xua tan đi cái hoang vắng, heo hút chốn rừng sâu. Ông cũng tìm được vợ. Cũng như những chiến binh khác, ông phải đi đến hai ngày đường. Vợ ông là con gái của một trưởng bản Vân Kiều. Vợ ông ba lần sinh nhưng chỉ nuôi được đứa thứ hai. Vợ ông qua đời cùng đứa con khi sinh lần cuối. Con trai lớn lên, đêm đêm trên lưng núi ông tập cho nó côn quyền, cách kiếm sống khi lạc vào rừng sâu. Đến tuổi lấy vợ, ông sắm đủ sính lễ như tất cả những người con trai Vân Kiều đi lấy vợ: Một thanh kiếm, một chiếc nồi đồng và bạc trắng để rước dâu về. Con dâu ông sinh được một cháu trai đích tôn. Năm ba mươi ba mốt nghe dưới xuôi có Cộng sản nổi lên chống Pháp, ông cho con về dò la tin tức, tìm cách liên lạc với những người cách mạng. Rủi thay, nó bị Pháp bắt, đưa đi biệt tích, để lại đứa con mới bốn tuổi.

Mất con khi ông sáu mươi lăm tuổi. Nhiều anh em nghĩa binh đã nằm xuống với tuổi già, bệnh tật. Ông bây giờ như bóng lay lắt nơi rừng núi thâm u, chưa biết ngày nào giờ nào đất gọi về; khi mà hận mấy mươi năm mòn mỏi nhức buốt trong tim gan, thể xác rã rời không còn hy vọng nhìn thấy non sông không còn bóng quân thù thì được nghe tin nước nhà độc lập. Ôi! Có niềm vui sung sướng nào bằng khi kiếp đời nô lệ không còn nữa…

Hồi tưởng của ông cho đến khi có tiếng gà gáy rộ, bầy vượn phía núi sau nhà nháo nhác chuyền cành hú gọi nhau một ngày mới. Nhưng cái tin đến quá lớn lao, quá bất ngờ ngoài sức mong mỏi làm cho ông ngợp, không yên lòng. Giá như ông còn cứng chân mạnh tay vượt qua mấy cái thác hung dữ để nhìn tận mắt vị tướng nào đã được trời giúp, cứu dân cứu nước giành độc lập cho thỏa thuê lòng!

Thằng cháu nội của ông đang ngủ, khẽ trở mình trên sàn, cái sàn nứa kêu kèn kẹt. Nó vừa đến tuổi mười chín, lanh lợi khôn ngoan, to khỏe như một con gấu ngựa. Một mình nó đã luồn rừng cài bẫy giết hổ. Bộ móng, tấm da con hổ đầu tiên nó giết được treo trên vách nhà sàn cùng với mấy bộ trước đây của ông. Lâu nay ông không dám cho nó về xuôi. Nó là đứa cháu nội duy nhất. Bây giờ với cái tin trọng đại như thế, dưới xuôi không còn rình rập bắt người của bọn Pháp, và không có cách nào khác, ông đánh thức nó dậy. Chờ cho nó tỉnh hẳn, ông bảo: Cháu về xuôi. Cháu xem có đúng là người mình đã đuổi được giặc Pháp giành độc lập không!

Thằng cháu đóng lại chiếc khố xám bạc màu, quàng cái típ cơm ngô qua vai, tay cầm lấy mái chèo gác ở bờ hiên, nhanh như một con báo lao xuống bến đẩy chiếc thuyền độc mộc trên bờ suối. Đứng trên dốc cao, ông nhìn theo nó, một tấm thân rắn chắc, nước da sẫm như màu gỗ lim đã lên nước, nó leo lên thuyền, làm cho con thuyền chòng chành lún sâu xuống mặt nước, gợn lên những đợt sóng làm lay động bóng núi sừng sững ở chốn thâm sơn in xuống dòng nước ban mai trong xanh. Con thuyền lao ra giữa dòng suối. Nó oằn người trên mái chèo xuôi thác. Qua một khúc hiểm, nước trào lên trắng xóa vỗ vào mạn thuyền, bắn lên không trung rồi đổ xuống lòng thuyền như muốn nhận chìm nó xuống vực sâu thẳm giữa đôi bên vách núi đá dựng đứng. Nhưng con thuyền đã rướn lên, lướt tới, vùn vụt như tên bắn. Mãi đến khi con thuyền tít mờ sau một khúc ngoặt của rặng núi, nơi mà con suối tiếp với nhiều con suối nhỏ khác để hợp thành sông, ông mới xuống suối, chao ống bương lấy nước, leo lên dốc trở về nhà. Độ nửa dốc, ông dừng chân, đưa cánh tay trần da mốc như một con trăn quệt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của ông. Ông lại tiếp tục đi. Lưng ông còng xuống khi lên dốc. Gió rung nhẹ mái tóc dài bạc trắng xỏa xuống đôi vai trần nhuộm nắng ửng lên màu nâu của đất. Những bước chân không còn thoăn thoắt như thời tráng kiện mà chậm rãi bám chắc, ngón cắm vào đất cứng trên lối hẹp, lau lách chung quanh vướng vít cả đường. Lên đến nhà. Đấy là một ngôi nhà sàn được dựng trên những chiếc cột gỗ chắc chắn, mặt sàn làm bằng nứa, mái lợp bằng lá mây ken dày. Ông treo mấy ống nước ngoài sân. Ông lại nhìn về phía chân núi dưới xuôi.

Biết rằng, một chuyến về xuôi lên ngược nhanh lắm cũng phải mất ba ngày đêm. Nhưng hai hôm sau ông vẫn ra đứng ngóng phía tận tít nơi dòng sông khuất sau mé núi đằng đông. Ông mong ngóng ở đấy ló ra con thuyền của cháu ông đang ngược suối mang đến cái tin ông hằng mong đợi. Đến ngày thứ năm, mé mút núi ấy, nơi các con suối hợp thành sông vẫn không thấy con thuyền nào xuất hiện. Lòng ông nôn nao ngóng đợi, lo lắng. Bát ngô ông nhai trệu trạo giữa hai nửa hàm răng không còn biết vị béo bùi. Chút mật ong cho vào miệng cũng chỉ thấy đắng chát. Ông thực sự đứng ngồi không yên. Đêm trước đó, giữa trời khuya, trong giấc ngủ chập chờn có tiếng động tưởng đứa cháu đang bước vội lên cầu thang. Mở mắt ra, nghe tiếng gió núi đập vào mấy ống bương đựng nước lách cách đầu hiên nhà. Ông nóng lòng, có lúc đau thắt ở ngực. Đã có chuyện gì không hay xảy với đứa cháu của ông? Ông nghĩ đến đứa con trai mười mấy năm trước về xuôi mà không bao giờ trở lại làm cho ông mệt lả, chân run run khi bước đến mỏm núi để nhìn về xuôi. Đến sớm ngày thứ sáu, ông chưa kịp nhóm bếp bung ngô thì cháu ông đã về. Nó nhảy hai bậc một lên cầu thang và reo to:

– Ông ơi! Thật rồi. Cụ Hồ cầm đầu Việt Minh giành độc lập. Dưới xuôi ai gặp con họ đều gọi con là Việt Nam mới, không như trước đây mình là mọi cà răng căng tai. Họ đưa con vào trong một ngôi nhà đẹp, họ chỉ vào ảnh một ông già có chòm râu bạc, mắt sáng đấy là Cụ Hồ. Họ còn cho con mang về một lá cờ Tổ quốc màu đỏ, sao vàng năm cánh để cắm lên đầu bản, báo hiệu bản này là bản của người Việt Nam, con dân đất đai trong bản là của Tổ quốc Việt Nam độc lập. Nghe cháu nói, ông xúc động quá, dang tay đón nhận là cờ đỏ sao vàng. Ngắm nghía hồi lâu, ông giục giã cháu:

– Cháu đi với ông, lên nơi những ngôi mộ ông hay đến viếng.

Lưng chừng núi cao, trên một khoảng đất trống nơi mà hơn năm mươi năm về trước các nghĩa binh làm lễ cúng thần linh sông núi cho họ được có tên bản làng, có chín ngôi mộ đất, đá được đắp lên cao, đá đã sẫm màu rêu xanh đều đều như một binh đội xếp hàng ngang, đầu gác núi, chân hướng đằng đông. Ông cắm lá cờ trước các ngôi mộ. Ông nói:

– Vì nghĩa hiệp, gặp lúc vận nước lâm nguy, anh em cố quên cha mẹ lìa bỏ quê hương, không tiếc thân mình để  đi cứu nước. Đại sự không thành, không chịu khuất phục giặc Pháp, thân gửi rừng xanh, hồn tưởng sẽ đời đời ôm mối hận vùi dưới đất đen. Nào ngờ có cứu tinh xuất hiện. Chủ tướng là Cụ Hồ đánh đuổi giặc Pháp, giành độc lập cho non sông. Tôi may còn sống được thấy ngày rửa nhục. Đây là cờ Tổ quốc, hồn thiêng của đất nước đến với anh em, mong anh em hả lòng hả dạ.

 Nói xong, ông quay lại nói với đứa cháu:

– Cháu nhớ cho chắc. Quay mặt vào những ngôi mộ về phía tay phải là phương Bắc. Thứ tự từ Bắc vào ngôi mộ thứ nhất là Ông Lời, ngôi thứ hai là ông Trạc người Thanh Thủy huyện Quảng Trạch, quân của Đề đốc Lê Trực và Lãnh binh Mai Lượng. Ngôi thứ ba, ông Hán ở Hòa Ninh, người Công giáo, nghĩa quân binh đội Bạch Xỉ. Ngôi thứ tư ông Xấn, thứ năm ông Thới, thứ sáu ông Dục quê tổng Võ Xá, quân của thượng tướng Nguyễn Phạm Tuân. Thứ bảy ông Uy, thứ tám ông Hiệc người Cổ Hiền, quân của Đề Én, Đề Chít. Ngôi thứ chín ông Liễn, quân của Vệ úy Hoàng Phúc ở Châu Xá người cùng quê với nội. Giờ hết giặc Pháp, không còn truy lùng các nghĩa quân, không còn khủng bố thân nhân gia đình của họ nữa. Bây giờ ông già yếu, liệu không đủ sức về quê quán của các chiến binh bạn ông. Cháu sẽ thay ông, bằng cách nào đó tìm đến thân nhân cháu chắt của các vong linh, tin cho họ biết ông, cố của họ không chịu quy phục bọn cướp nước đã nằm xuống nơi đây, đã thành lập một bản làng mới mà cư dân là con cháu của các nghĩa binh. Cháu không được quên lời ông dặn.

Cháu ông vâng lời. Cả hai ông cháu cùng quỳ xuống, mắt đăm đăm nhìn ngọn cờ đỏ như một vệt lửa cháy sáng giữa rừng xanh phất phới bay trong nắng sớm ban mai trước những nấm mồ của nghĩa quân.

Theo Trần Thúc Hà/Văn nghệ