Nguyễn Quốc Trung – Tết sớm ở làng chài

1809

28.12.2017-18:30

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung

 

>> Cái thập giá của cô Sáu Quyên

>> 30 năm từ cuộc gặp gỡ ấy

 

Tết sớm ở làng chài

 

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUỐC TRUNG

 

NVTPHCM- Chiều hôm ấy, cô vợ đi taxi từ sân bay về nhà. Điều khiến tôi lấy làm lạ là cô ta vẫn thản nhiên. “Tui bị người ta tịch thu cả điện thoại, không cho thư từ, thoát được về đây là may phúc cho nhà anh Đảm lắm đó” – Cô ta nói như thể ngư phủ thoát được bão biển trở về. 

 

Tôi được đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu ở làng chài Lý Hải. Người mời tôi là Đảm, ngư dân mò hải sâm. “Biển đã sạch lại, tôi đi khơi mấy tháng nay thu hoạch rất khá còn chuyến cuối năm hy vọng cũng trúng” – Anh nói, tiếng rổn rảng của người đang phát lộc. Tắt máy được vài phút, Đảm gọi lại, tha thiết: “Làng biển bây giờ đâm ra trống người quá. Anh đến ăn tết với dân mò hải sâm bày tui nhé”. Đã nói vậy, tôi từ chối sao được.

 

Tôi biết Đảm trong chuyến từ thiện ở làng Lý Hải. Anh không nhận tiền hay quà vì gia đình thuộc diện giàu có ở vùng này, lại còn vồn vã mời chúng tôi đến nhà nghỉ ngơi rồi dẫn đi xem đền thờ ngư ông. Vợ chồng nhà này mới ngoài ba mươi, chồng thường đi biển cả tháng, vợ lo việc nhà, chăm sóc hai con nhỏ.

 

Nhà tứ trụ bằng gỗ mít, cột to gần vòng tay, cao chín thước, mua ở miền núi Hương Sơn với giá trên một tỷ, thưng kín hai phòng ngủ để gắn điều hòa nhiệt độ. Lúc đó ngây thơ tưởng máy điều hòa cũng là một thứ tài sản và để lên mặt với mấy cha thương lái hải sản, nên gắn vậy chứ ít khi bật vì khí hậu ở đây quanh năm mát rượi gió biển rồi. Ở góc vườn bên nhà có nơi để xe hơi, chưa phải siêu xe nhưng giá đã là hai tỷ.

 

Cũng là sắm làm sang vậy chứ ít khi dùng tới, đi xe máy tiện hơn. Đảm lại nói và cho tôi xem mấy món hàng anh bỏ ra tiền trăm triệu, tiền tỷ để mua. Ở làng chài này vài ngày nghe nói chuyện tiền tỷ tới độ nhàm tai. Trong lúc Đảm dẫn đi xem nhà, cô vợ chuẩn bị mâm cúng vong. Cô gái miền biển dáng thấp đậm, da bánh mật, nổi bật với mái tóc dài tới gót chân, gái hai con mà khuôn mặt vẫn bầu bĩnh, căng mịn, nụ cười không bao giờ tắt trên môi.

 

Hẳn là cuộc sống viên mãn lắm mới có nụ cười thường trực như vậy. Mà đúng thế, nhà cao cửa rộng, tiền nong xài hàng ngày dư dôi, còn trẻ nên không có bệnh tật, cuộc đời vậy còn đòi gì nữa. Họ lại biết tận hưởng hạnh phúc bình dị, lúc rảnh rỗi, thường là cuối chiều, sau bữa cơm, hai vợ chồng ngồi bên nhau, vợ choàng dải tóc qua vai chồng, nói những chuyện đời thường, một không gian thật đầm ấm. Phải chăng sống ở vùng biển con người ta hồn nhiên hơn.

 

“Tui có được cô này là phúc lắm, ngôi nhà này là vịnh cho tui neo thuyền tránh bão đó”. Đảm hồn nhiên nhưng không nông nổi, anh thường nói những câu mang tính triết lý. Hóa ra, người sống giữa biển khơi nhiều thường chiêm nghiệm về đời.

 

Trong đêm rằm tháng bảy, trăng biển ngời lên sắc sáng trắng, bên mâm cháo hải sâm vừa tế vong hồn ngư phủ phiêu dạt trên biển, Đảm kể cho tôi nghe về nghề lặn hải sâm. Nghề lặn hải sâm chỉ đầu tư con tàu là khoản lớn nhất, khi ra khơi ngoài lương thực, thực phẩm đủ dùng chừng một tháng, khoảng hai tấn muối, ba, bốn trăm cây đá dùng ướp hải sản. Mỗi ngư phủ được trang bị hai trăm mét dây hơi, gần chục ký chì để buộc quanh mình mỗi khi xuống biển, vợt lưới có thể chứa được ba chục con hải sâm.

 

Tuy vậy, thợ lặn hải sâm phải có sức khỏe, mỗi ca lặn chừng một giờ, độ sâu dưới biển áp suất nước rất lớn, có lúc thân người bị uốn cong, nhịp tim đập nhanh, tưởng chừng sắp nổ tung. Cho nên người ở trên tàu cứ hai mươi phút giật dây một lần, đúng ba mươi phút thợ lặn chạm đáy biển là phải kéo lên, dù cho hải sâm còn nhiều.

 

Khi từ dưới đáy biển lên phải qua ba công đoạn, khoảng hai mươi mét dừng nghỉ mười phút cho quen áp lực nước thay đổi. Kéo thẳng lên là toi mạng liền. Khi lên được tàu phải cấm kỵ ăn uống, hút thuốc một tiếng đồng hồ. Ngày mới đi nghề, một lần khi vừa lên lòng tàu, thấy sức khỏe bình thường nên Đảm đã lén rít một hơi thuốc lá, lập tức thân thể tê rần, đau ê ẩm, bụng cuộn lên như có con rắn bên trong. Mọi người vừa la mắng Đảm vừa nhanh chóng trục anh xuống lại biển để lấy áp suất trở lại. Cũng còn may, nếu chậm một chút là vô phương cứu chữa.

 

Đảm cho biết, khi ra khơi, tới địa điểm nào đó giữa đại dương mênh mông, tàu buông neo, ngư phủ nhanh chóng chuẩn bị, đeo chì vào người, đội mũ, ngậm dây hơi rồi nhảy xuống nước, lặn xuống đáy biển, may ra thì gặp được hải sâm, có khi lặn qua lặn lại vẫn không gặp hải sâm là phải giật dây để người trên tàu kéo lên.

 

Dưới lòng biển còn có nhiều chướng ngại mấp mô những gò, những đồi, những rặng san hô, dây hơi bị quấn rối hay bị đứt là chết người như chơi. Nghề mò hải sâm nguy hiểm như đi ra trận nhưng nguồn thu từ hải sâm vô cùng lớn nên có sức hút khó cưỡng được. Hải sâm có nhiều loại, dân nơi đây gọi là vú nàng, hải sâm đỏ gọi là vú lửa, hải sâm trắng gọi là vú trắng. Trong đó, hải sâm trắng có giá trị cao nhất. Hải sâm thuộc loại thực phẩm bổ dưỡng thượng hạng, là vị thuốc được ví là thần dược cải lão hoàn sinh.

 

Sau đợt về Lý Hải ấy, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn trò chuyện với nhau qua điện thoại. Chuyến đi biển nào thu được kết quả cao Đảm đều khoe với tôi. Sau vụ nhà máy xả nước thải làm ô nhiễm biển, đánh bắt cá phải tạm dừng, Đảm từ Lý Hải dạt vào nhà tôi. “Anh thu xếp cho tôi tránh bão nhiễm độc ít lâu, được không?” – Đảm nói, mặt bạc đi, mắt hơi đờ đẫn. Hình như anh còn chất chứa nỗi buồn gì đó lớn lắm.

 

Nghĩ vậy, nhưng tôi không hỏi. Tôi mời anh ở vì nhà còn hai phòng trống. “Tôi sẽ tìm công việc gì đó làm kiếm sống đợi biển sạch sẽ về lặn hải sâm, nếu thấy ở thành phố này thích hợp thì đón vợ con vào lập nghiệp”- Đảm nói vậy rồi ngó ra cửa sổ:

 

– Vợ tôi sang Thái Lan giúp việc nhà cho người ta rồi. Hiện tôi phải gửi hai đứa con cho nội, ngoại nuôi giúp.

 

Vậy là trận cuồng nhiễm ấy hóa ra quá lớn, đã xé nhỏ cả gia đình người ta rồi. Gia đình là tế bào nhỏ nhất của xã hội khi bị xé ra thì xã hội khó mà yên tĩnh. Tôi nghĩ vậy và hỏi:

 

– Nhà cao cửa rộng, thuộc diện giàu nhất ở làng biển Lý Hải mà chỉ mới gặp biến động ấy đã lâm vào thiếu thốn tới độ để vợ ra nước ngoài làm mướn sao?

 

Đảm cho biết, bao nhiêu tiền bạc làm ra từ những năm tháng trằn mình dưới đáy đại dương bóc từng con hải sâm đã dồn vào ngôi nhà, xe hơi, tiện nghi nên khi xảy ra vụ nhà máy thép xả chất độc hại cá chết, biển phải đóng cửa là trắng tay. Chiếc xe hơi hạ giá còn dưới một tỷ cũng chẳng ai mua. Tôi an ủi một cách hơi sáo với Đảm:

 

– Ở đời chẳng có trở ngại nào mà không vượt qua.

 

– Tôi chỉ cầu mong biển sạch để làm nghề.

 

Đảm là người của biển, từ nhỏ anh và bạn bè quen ngụp lặn trong nước biển, có thể bơi hàng giờ dập dềnh trên sóng. Vậy mà lần đầu ra khơi lặn hải sâm, cùng lặn với một ngư phủ có kinh nghiệm, khi ngậm ống hơi lặn xuống đáy biển sâu mấy chục mét, thân thể người bị áp lực nước uốn cong như con tôm, tai ù đặc, phải giật dây ra hiệu người trên thuyền kéo nhanh lên, khi bò lên được lòng thuyền, anh thảy mật xanh, mật vàng, nằm thưỡn người tưởng khó sống nổi. Nhưng bạn ngư phủ, những người đi biển đã lâu năm vẫn bình thản, họ biết ai cũng phải trải qua như thế.

 

 Quả vậy, ba hôm sau, Đảm đã lao mình xuống đáy sâu gần sáu, bảy mươi mét bóc được chục con hải sâm. Chuyến ấy, Đảm được chia cọc tiền ba chục triệu, số tiền quá lớn lần đầu được có. Với số tiền ấy, Đảm giúp cha mẹ thay mái nhà tranh bằng tôn lạnh.

 

Đảm khấp khởi, đâu ngờ làm nghề mò biển mà hưởng được thu nhập cao tới vậy, hành nghề chừng vài năm không chừng mình tậu được đất, cất được nhà. Quả đúng vậy, một năm sau, Đảm đã có gần hai trăm triệu, mua được mảnh vườn tạp ba sào của một người làm ruốc thủ công già nay theo con vào Nam, dự tính cưới vợ sẽ dựng ngôi nhà gỗ sinh sống.

 

Nhà dựng xong, thiết bị dùng hiện đại nhưng tìm mãi chẳng có người đầu gối tay ấp trăm năm. Ở vùng biển bây giờ hiếm con gái, hễ học xong phổ thông là các cô ra thành phố học đại học, học nghề rồi dạt đi đâu cả chứ không về lập nghiệp ở quê. Cũng đúng, vì đời sống phụ nữ miền biển trông chờ vào những chuyến đi biển của chồng, nếu muốn tự chủ kinh tế phải hành nghề buôn bán cá, làm nước mắm, chế biến ruốc, vất vả không thể kể xiết mà không có chỗ vui chơi.

 

Nhưng rồi, Đảm cũng tìm được vợ, một cô gái làng biển đã vào tận Bình Dương làm nghề may nhưng thấy áp lực công việc mỗi ngày làm mười, mười hai tiếng, mà lương rất bèo, chỉ đủ tiền ăn, trả tiền thuê trọ, nản quá, cô đành trở về cố hương. Đám cưới với những món ăn miền biển được tổ chức liền ba ngày.

 

Đảm dự tính nghỉ một tuần để hưởng trăng mật, nhưng được ba ngày nhớ biển anh đã lên thuyền ra khơi. Tới khi lênh đênh tìm nguồn hải sâm, Đảm thấy nhớ vợ đến nao lòng. Nay Đảm đã có hai đứa con. Một mình Đảm đi nghề hải sâm cũng khiến cuộc sống gia đình dư dả. Đùng một cái vụ biển bị ô nhiễm do thép nhà máy súc xả ống thảy chất độc khiến cá mú chết dạt vào trắng bờ. Thảm họa ấy như trận thủy thần, tàu thuyền đành neo lại, ngư phủ nhanh chóng rời làng biển đi kiếm việc khác sống qua ngày.

 

***

 

Dạt vào thành phố này mấy ngày, Đảm đã như thấy ngộp thở cho dù ở nhà tôi đứng nơi yên tĩnh, gần công viên cây xanh. Khuôn mặt cương nghị, đôi mắt nâu đờ đẫn, con người vốn có tính cách sôi động của chàng trai đi biển trở nên bạc nhược. Mỗi khi ra đường, xe chạy giữa dòng xe, dòng người như thác trên đường, Đảm ngốt, ôm ghì lưng tôi. Chàng ngư phủ dũng mãnh như con kình ngư giữa trùng khơi nhưng lại run sợ giữa dòng xe trên đường phố.

 

Tôi tìm cho Đảm công việc giữ xe máy ở một chung cư nhà cao tầng. Nghĩ rằng người cường tráng như anh dư  sức dắt xe, xếp xe dưới tầng hầm. Làm được vài ngày, Đảm đã nản, không phải vì anh không đủ sức dắt, dựng xe mà cảm thấy ngột ngạt. Nhưng chỉ làm được một tuần, Đảm tự thôi việc vì khó chịu. Sau này tôi mới biết anh khó chịu khi thấy người ta thu từng đồng tiền lẻ. Hóa ra, nghề mò hải sâm luôn thu được những khoản tiền lớn, một ký hải sâm giá trên dưới hai triệu, nhiều tháng Đảm bỏ túi năm, bảy chục triệu là bình thường. Người như vậy ngứa mắt với những tờ tiền lẻ là phải.

 

***

 

Tết Nguyên đán miền biển có hương vị riêng. Vẫn là làng xã, người miền biển chỉ thực sự đón tết khi chuyến đi biển cuối cùng của người thân trở về mới gói bánh tét, bánh chưng, giết mổ trâu bò, lợn gà. Họ quan niệm nếu làm cỗ tết trước khi người từ biển về sẽ gây ra thảm họa đến tính mạng của người đang giữa trùng khơi. Nghe đâu cũng có một tích nguồn gốc sự kiêng kỵ này.

 

Đảm cùng nhiều ngư phủ ở làng đang đi biển. Cổng ngôi nhà của Đảm khóa bằng ổ khóa to đùng bên ngoài, xem ra lâu ngày không mở nên rỉ vàng. Một ông lão đến nói với tôi:

 

– Từ lâu thằng Đảm đến ở với tôi rồi. Vợ nó ở Thái từ lâu không điện thoại hay thư từ gì về nữa rồi. Con trai khi thất bại về gia đình riêng thì về với cha mẹ cũng là sự thường.

 

Tôi kêu nhỏ:

 

– Cô ta dám bỏ người chồng tốt như anh Đảm và hai đứa con ngoan như vậy sao?

 

– Cũng chưa biết thế nào. Con người là rất khó lý giải bằng suy nghĩ người thường như bọn ta. Nhà tôi cũng ở gần đây, mời chú đến chơi. Hiện giờ ghe bọn nớ đang ở vùng biển Trường Sa. Con đi biển, cha mẹ ở bờ mà lo như bị sóng dồn bủa. Đâu dè, tìm hải sâm lại phải đi cả ngàn hải lý đến thế. Người ra trùng khơi phải đối mặt với hiểm nguy, bão tố, buông mình lặn xuống đáy biển sâu cả trăm mét, mặt biển gồ ghề với những ụ đá, rặng san hô, chỉ cần vướng víu dây hơi bẻ gập lại hay bị đứt không thở được hoặc áp suất nước quá lớn khiến tắc mạch máu não, là coi như xong đời. Trong lòng biển nước ta có hồn cốt cha ông chúng tôi nên thiêng liêng lắm.

 

***

 

Làng khai thác hải sản cũng như làng làm nông bây giờ hiếm trẻ nhỏ quá. Thanh niên vào Nam sinh sống, chỉ còn lớp trung niên, người già ở làng. Thiếu trẻ em tới độ trường phổ thông hai, ba xã phải nhập một mới đủ học sinh. Ngày tết ở quê không có tiếng trẻ nên khung cảnh trầm mặc.

 

Chiều hai mươi chín tết, vang lên tiếng reo hò khắp làng, mấy chiếc tàu đánh bắt xa bờ cuối cùng đã cập bến. Vậy là Tết Nguyên đán này, dân làng bình an, không còn lo người thân đang lênh đênh ở góc biển chân trời nào đó trong thời khắc chuyển năm. Đảm đã về tới ngõ, anh sải bước chân dài, mảng lưng trần đen bóng như thuộc nắng gió biển, vắt vai cái bao xác rắn. Thấy tôi, Đảm reo lên mừng rỡ. Tôi nói to:

 

– Kết quả của chuyến đi biển cuối năm có khá không?

 

Đảm thảy cái bao tải vào góc nhà rồi nói:

 

– Rất khá. Không ngờ cuối năm người dồn về đây đón mua hải sâm đông vậy, có cả mấy ông đại gia đán xe hơi hạng sang từ Hà Nội trực tiếp đến mua, họ muốn dùng hải sâm tươi sống không qua thương lái. Có bao nhiêu họ thầu bằng hết, không thèm mặc cả. Nhiều người lắm tiền quá.

 

Ông bố tự tay pha mật ong vào ly trà lớn trao cho con. Đảm đón ly nước uống một hơn đến cạn rồi nói:

 

– Dân mò biển về nhà được người thân cho uống ly nước chè xanh pha mật ong sức phục nhanh và mang lại sự may mắn. Hồi trước vợ thường pha cho tôi uống. Tôi không quên được cô ấy.

 

Đảm ngó ra cửa, cái nhìn trống vắng. Vừa lúc ấy, cả xóm rộ lên tiếng lợn, tiếng gà kêu, người ta bắt đầu mổ gia cầm ăn tết. Đảm với tay lấy cái bao xác rắn lôi ra những cọc tiền, toàn mệnh giá năm trăm ngàn, trao cho ông bố:

 

– Cha cầm mà tiêu tết cho thoải mái.

 

Thái độ của Đảm bình thản, xem ra cũng không phải là người quá coi trọng tiền bạc. Tôi hỏi:

 

– Chuyến này cậu được chia bao nhiêu?

– Chỉ được hơn ba trăm triệu thôi.

– Hơn ba trăm triệu mà cậu tỉnh bơ vậy sao?

 

Đảm nói nhỏ với tôi, giọng như chắt từ nước mắt:

– Từ ngày cô ấy biệt tăm, tui chẳng thiết gì nữa.

 

***

 

Sáng Mùng hai tết, tôi trở về thành phố Hồ Chí Minh. Vậy là được hưởng một cái tết ở biển.

 

Xe đi được khoảng chục cây số, tôi nhận được điện của Đảm mời trở lại gấp. “Có việc vô cùng quan trọng, vắng anh là không xong”. Đảm nói vậy. Tưởng có chuyện gì nghiêm trọng lắm tôi đành quay lại.

 

Tới cổng thấy nhiều người dồn lại ở mảnh sân nhỏ trước nhà, người ta chụm đầu bán tán gì đó, xem ra bí mật lắm. Đảm rẽ người chạy bổ ra đón tôi:

 

– Vợ tui vừa điện sắp về đây rồi. Cô ấy thoát được về đây là may lắm. Tui mừng quá, vậy là con tui không mất mẹ rồi. Tui gọi anh lại là chia vui với gia đình tui.

 

Tôi gọi điện hoãn chuyến bay để ở lại thêm một ngày. “Tui sẽ mở cuộc liên hoan” – Đảm hồ hởi nói. Mọi người cười lên vui vẻ vì thấy được cách ứng xử rộng lượng của Đảm. Đảm đi sang mở cửa nhà riêng. Phải dùng tới cưa sắt cắt khóa vì bị rỉ không mở được bằng chìa. Bà con lối xóm lập tức đến dọn dẹp nhà cửa. Thức ăn tết còn nhiều nên không phải đi chợ, họ chụm vào nấu nướng, soạn cỗ bàn, ồn ào, náo nhiệt vui hơn cả mấy ngày tết vừa qua.

 

Chiều hôm ấy, cô vợ đi taxi từ sân bay về nhà. Điều khiến tôi lấy làm lạ là cô ta vẫn thản nhiên. “Tui bị người ta tịch thu cả điện thoại, không cho thư từ, thoát được về đây là may phúc cho nhà anh Đảm lắm đó” – Cô ta nói như thể ngư phủ thoát được bão biển trở về.

 

 Sau bữa liên hoan tái hợp chồng vợ, bà con làng biển dùng trái cây tráng miệng, có thêm bánh kẹo Thái Lan cô vợ mang về làm quà. Vợ chồng Đảm ngồi cạnh nhau trên ghế bộ salon giữa phòng khách, người vợ lại choàng mái tóc dài, đen nhánh qua vai chồng, mặt hớn hở. Đảm cũng cười nói sang sảng, người đi biển tiếng cười thật trong. Nhìn họ hồn nhiên vậy bà con lối xóm cũng không thể nhịn được cười.

 

Trên đường tiễn tôi ra sân bay, Đảm hỏi:

 

– Ai đã lặn xuống đáy biển mới biết cuộc sống vô cùng quí giá ở đất liền. Nghề mò hải sâm của tui luôn vất vả, hiểm nguy nên ít chấp những chuyện ngang trái ở đời. Lên bờ là mong được sưởi ấm hơi ấm gia đình. Suy cho cùng, chúng ta tìm kiếm hạnh phúc cũng vất vả như mò hải sâm dưới đáy đại dương, vậy thì khi có được là không nên bỏ. Mà thời này luôn xảy ra thảm họa nên nhiều việc mình cần phải cho qua để sống, phải không?

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Thuyền lá – Sương Nguyệt Minh

>> Ấm áp mùa Noel – Phan Trang Hy

>> Gió heo may – Nguyễn Quang Thân

>> Câu chuyện giữa rừng – Lê Hải Chinh

>> Thói quen – Nguyễn Vũ Hồng Hà

>> Đắng ngọt đàn bà – Nguyễn Thị Lê Na

>> Người đẹp phố huyện K. – Ma Văn Kháng

>> Thú dữ – Kiều Bích Hậu

>> Theo bầy – Nguyễn Ngọc Tư

>> Từ sông Đà tới sông La Ngà – Trần Quốc Toàn

>> Mưa đầu mùa – Tạ Ngọc Điệp

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…