Nguyễn Thanh – Nơi hội tụ những dòng sông nghệ thuật

1059

Thanh Giang

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cuối thập niên 60, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm, tôi về công tác tại trường Trung học Long Mỹ, Cần Thơ. Một năm sau, Nguyễn Thanh được thuyên chuyển tới dạy tại đây.

Ngày ấy, Long Mỹ (hay Trà Ban Lớn) là một quận lớn của Cần Thơ, còn là vùng tạm chiếm ở giữa ba tỉnh Cần Thơ – Sóc Trăng và Kiên Giang. Nằm heo hút hiu cheo leo cách xa thành phố theo hướng Tây Nam hơn sáu mươi cây số, nó được coi như là vùng trái độn. Ngày ngày không ngớt vang vọng từ xa xa đì đùng tiếng bom B52 và tiếng đại bác tru đêm nghe lạnh mình trong bầu trời chói chang ánh sáng trái hỏa châu. Không khí chiến tranh với hình ảnh lầm lì và tiếng rè rè của những chiếc đàm già – phi cơ L.19 đen ngòm lầm lì bay dọ thám suốt ngày đêm săn lùng bóng địch.

Ra khỏi thị trấn không đèn này vài trăm mét thậm chí ở ngay giữa lòng nội ô thị trấn quận lỵ, người bên này bên kia có thể gặp mặt nhau mà không ai biết ai là ta hay địch. Long Mỹ có đủ cơ quan hành chánh, chi khu quân sự và một bãi đáp trực thăng  nằm sau lưng tòa hành chánh bên kia sông gần sân bóng đá. Trên mặt nước anh rêu hạ nguồn con sông Cái Lớn, mỗi năm một mùa lợ, bập bềnh những giề lục bình và đám bèo tai dâu tai chuột lang tang cuộc đời lãng tử. Từ một ao tù nước đọng được lấp trấu làm nền, trường Trung học Long Mỹ mới xây dựng, tọa lạc sát cạnh đồn Công an gần nhà lồng chợ. Cách một đường mương nhỏ hai bên bờ đấy đế sậy, mặt tiền trường khiêm tốn trông sang lưng dãy trường Tiểu học, nằm dọc bờ sông bên những cây bã đậu già có từ thời còn bóng dáng những thằng lính viễn chinh Pháp.

Sau một năm về dạy Toán tại Trung học nơi đây, thay thế Hiệu trưởng Lâm Đức Hùng, tôi vừa quản lý vừa đứng lớp. Nhà trường thiếu giáo viên ở nhiều bộ môn đang chờ bổ sung thêm.

                                               

Vào một buổi xế chiều mùa khai trường đầu thập niên bảy mươi, tôi hết sức vui mừng khi nhận được tin có giáo viên mới đến trình diện.

– Anh Thanh!

– Anh Giang!

Hai bạn thân quen học cùng lớp lâu ngày vui mừng gặp lại nhau, sau mấy năm dài xa cách. Tôi ở đường Quang Trung gần sân Vận đông, còn Thanh ở Cầu Đôi Cái Khế, Hiều nhiều Thanh về tính tình và khả năng chuyên môn cùng năng khiếu về nghệ thuật, tôi phân công anh vừa  dạy Việt văn, Mỹ thuật dù Thanh tốt nghiệp ban Toán và Văn chương – Sinh ngữ. Với tôi, con người Nguyễn Thanh thực sự là nơi hội tụ của nhiều dòng sông. Ngoài là một học sinh giỏi thực sự ở Trung và Tiểu học về nhiều môn học từ Toán Lý Hóa… Ngoại ngữ Anh- Pháp- Hoa… Nguyễn Thanh vượt trội các bạn học trong lớp về Mỹ thuật, Âm nhạc và  cả Thể dục – Võ thuật. Quả là ấn tượng không giống ai chút nào!

Trước hội đồng giáo dục trường và trong buổi lễ chào cờ đầu tuần trước sân cờ, tôi giới thiệu thầy giáo Nguyễn Thanh với giáo viên và học sinh toàn trường. Sự hiện diện của thầy Nguyễn Thanh tại Trà Ban dường như đã sớm mang lại mùa xuân rực rỡ không những cho trường trung học mà còn cho tất cả cái không gian quạnh hiu của thị rấn không đèn hông thời chiến.

Không thích ở chung cùng một nhà trọ với đồng nghiệp, Nguyễn Thanh đề nghị với nhà trường cho anh nghỉ tại một căn phòng để dụng cụ nhà trường bên cạnh văn phòng hiệu trưởng. Căn phòng ọp ẹp không rộng mà trống hoác, mái và vách lợp bằng lá dừa nước với những cây cột đủng đỉnh và so đũa da dẻ sù sì còn ngan ngát mùi sơn dã trông như túp lề của chú Tom!

Từ đầu mùa khai trường năm học đầu tiên, Nguyễn Thanh hăm hở bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu văn hóa với dồn dập bao công việc bộn bề. Ngoài việc tận tụy đứng lớp dạy học mỗi ngày trong tuần, Nguyễn Thanh thường hăng hái dẫn học trò của anh đi thực tập sáng tác phong cảnh ngoài trời bằng bút chì vào Chủ nhật và ngày lễ anh không về nhà.

Để nhà trường, học trò và phụ hunh học sinh có tiếng nói trong quần chúng, Nguyễn Thanh xin ra một tờ báo lấy tên là Niềm tin. Mỗi năm học, giai phẩm phát hành hai lần vào ngày kết thúc năm học và Tết Nguyên Đán. Báo trường học in rô-neo do hiệu trưởng Nguyễn Thanh Giang làm chủ nhiệm và Nguyễn Thanh làm chủ biên, Đinh Hoài Sơn, giáo viên Toán làm Thủ quỹ. Trong ban Biên tập còn có Đan Thanh phụ trách mỹ thuật, các học sinh La Ngọc Chí nhận phần trang trí – trình bày… Hồ Nguyễn (1) lo phần đi lấy quảng cáo và in ấn, phát hành. Sáu tờ báo lấy tên là Niềm tin ngụ ý làm nòng ấm lên tinh thần học tập và ước mơ nhân dân chiến thắng kẻ thù đế quốc, đem lại độc lập tự do cho đất nước quê hương.

Vì học cùng lớp trong một trường thời trung học tại tỉnh nhà, tôi đã biết rõ Nguyễn Thanh vốn là một võ sư đai đen. Trong những tháng chưa làm báo, tôi đề nghị Nguyễn Thanh mở lớp Võ thuật dạy Judo cho học sinh trong trường. Một sân tập hình thành từ bãi đất trống sát bên phòng trọ của anh. Không có bãi tập đàng hoàng với tapis. Thầy trò mượn của ghe của phụ huynh chở trấu xin từ nhà máy của ông Sáu Mót chở về đổ lấp bằng làm sân tập. Sau đó trải lên vài tấm đệm bàng để thầy trò luyện tập.

Mỗi ngày, sau 5 giờ chiều tan học trước khi về nhà, gác lại một bên sách vở,thầy trò bắt đầu mặc vào bộ ki – mô -nô để học võ  cho đến khoảng 6.30 giờ. Qua 6 tháng học,huấn luyện viên cho các võ sinh đấu nhau để lên đai. Chưa được hai năm, trong khi khóa võ thuật đang phát triển với khí thế hào hứng mạnh mẽ, có vài công chức và công an cộng hòa xin vào học. Sau khi cân nhắc, hiệu trưởng Nguyễn Văn Trương, theo gợi ý của phụ huynh và võ sư huấn luyện viên Nguyễn Thanh khóa võ thuật đành phải tạm dừng.

Là con người hoạt động, theo lời đề nghị của giáo viên trong một lần họp hội đồng giáo dục, Nguyễn Thanh đứng ra thành lập một ban Văn nghệ lấy tên là Ban Văn nghệ Thanh Thanh. Ý nghĩa tên ban nhạc là Màu xanh hy vọng của Tuổi trẻ. Trưởng ban nhạc Nguyễn Thanh sinh hoạt với hai bộ phận Tân và Cổ nhạc, phát thanh mỗi tuần 2 lần vào các buổi tối Thứ ba và Thứ sáu trong thời lượng 2 giờ tại phòng thông tin quận. Chương trình biểu diễn gồm hai bộ phận được phân công tập duợt bài bản. Tân nhạc do Thanh Giang tức hiệu  trưởng và giáo viên Toán Thanh Sơn sử dụng đan mandoline. Trưởng ban nhạc Nguyễn Thanh trách nhiệm chung và sáng tác ca khúc lẫn kịch bản cho nghệ sĩ biểu diễn. Thanh Giang ôm đàn guitar, cùng với Thanh Sơn hướng dẫn luyện tập Tân nhạc cho ca sĩ. Phần Cổ nhạc.do nhạc sĩ Thanh Trường phụ trách phần Cổ nhạc cho các ca sĩ, diễn viên.

Ban văn nghệ Thanh Thanh do Nguyễn Thanh thành lập có khoảng trên 10 thành viên. Mỗi người một tính cách. Về nữ ca sĩ có Thanh Thúy tức cô giáo Nguyễn Thị Son không sắc sảo nhưng có duên (về sau là bà xã của Trưởng ban) được coi là nghệ sĩ trụ cột vì ngoài chức năng đóng kịch, cô Son còn ca tốt được cả Tân lẫn Cổ nhạc.Tiếp đó là Thanh Vân đẹp, rồi Thanh Thủy vui tính. Bên giàn nam ca sĩ có Thanh Tùng, Thanh Minh,Thanh Hoàng là những thanh niên địa phưing. Phụ trách bên nhạc nhạc có Tôi (Thanh Giang), Thanh Huyền (Nguyễn Thanh), Thanh Triết (guitar) Thanh Sơn (mandoline), Thanh Quang (violon), Về sau, những lúc có nhu cầu nhân sự Nguyễn Thanh tăng cường thêm Thanh Sử, Ngọc Cơ, Ngọc Dung… trong những ngày Tết hay lễ hội. Những lúc rảnh rỗi, anh tranh thủ viết ca khúc và kịch bản. Ngoài các vở kịch thơ Huyền Trân công chúa, Mùa xuân oanh kiệt.. những ca khúc Thương hoài, Sao anh không nói, Màu trăng thương nhớ, Em gái miền Tây, … Nguyễn Thanh còn viết vọng cổ, ca cổ… Anh còn vẽ nhiều tranh chân dung danh nhân treo ở phòng họp nhà trường. Đồng thời, anh cũng làm thơ và viết truyện gửi đăng báo ở Sài gòn.

Sang năm học thứ hai, công tác của Nguyễn Thanh tại Long Mỹ đã đi vào ổn định. Tết năm ấy, nhà trường tổ chức đêm trình diễn văn nghệ tại Nhà Lồng chợ huyện Trong chương trình văn nghệ các đêm, anh đã đóng thành công vai chàng tráng sĩ trong vở kịch thơ “Linh Giang hận sử” (2), của nhà thơ Trần Quang Nghĩa và vai Trần Khắc Chung trong thi kịch lịch sử “Huyền Trân Công chúa” do anh sáng tác. Nguyễn Thanh không phải là một tài tử sân khấu chuyên nghiệp nhưng anh sở hữu được khuôn mặt ăn ảnh dễ nhìn sáng sân khấu. Đóng cặp với vai nữ là hịc sinhNguyễn Thanh đã diễn tả  xuất thần trong vai chàng tráng sĩ yêu nước và viên tướng Trần Khắc Chung đa tình trước giai nhân trong hoàn cảnh nghiệt ngã của con người và đất nước.

Vì là bạn học cùng lớp trong suốt thơi gian trung học tại trường Phan Thanh Giản và cũng cùng sống tại Tây Đô, tôi đã hiểu nhiều về Nguyễn Thanh. Anh được nhiều người biết là một học sinh Ưu hạng, hạnh kiểm Tốt trong suốt thời gian từ Tiểu học đến Trung học. Là một học sinh luôn đứng đầu lớp về gần hết các môn học ở trường nên năm nào Nguyễn Thanh cũng được cấp học bổng nguyên và lãnh phần thưởng xứng đáng tiêu biểu trong số học sinh gương mẫu ở nhà trường.

Nói đến Nguyễn Thanh, tôi và anh em đồng nghiệp nhà giáo cùng bạn bè văn nghệ sĩ đều không ngại coi anh như một điểm sáng hội tụ của những dòng sông nghệ thuật. Không chỉ là một học sinh giỏi gương mẫu về học tập và đạo đức, Nguyễn Thanh còn là một hình tượng tiêu biểu của một con ngưòi đa năng nổi bật về văn học nghệ thuật. Chưa nói đến Nguyễn Thanh là một võ sư Huấn luyện viên từng mở lớp dạy Võ thuật. Anh còn là một nhạc sĩ từng đoạt giải đầu trong cuộc thi ca khúc cấp tỉnh đã xuất bản tập nhạc “Thương hoài” trong đó  nhiều nhạc phẩm từng được trinh bày trên sân khấu và dưa lên Youtube. Nguyễn Thanh cũng đã viết vọng cổ, ca cổ cho Nhà thơ.BS Huỳnh Văn Bá: Mẹ tôi, Giận và Thương; nhà phát minh Cát sạch Võ Tấn Dũng: Tiếng hát trên tầng cao… Tranh Nguyễn Thanh (ký Đan Thanh triển lãm từng đoạt giải đầu, nhiếu họa phẩm được bán với giá cao.

Riêng về thơ văn sáng tác, dịch thuật, biên tập, phê bình… –  bộ phận chủ lực nổi trội ở sự nghiệp văn học nghệ thuật của anh tính ra đã có hơn 20 tác phẩm in riêng, hơn 30 tác phẩm in chung chưa kể đến hơn 2.000 bài viết đủ loại như thi ca, tiểu thuyết, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, võ thuật… Những bài viết của Nguyễn Thanh tên thật Nguyễn Tấn Thành (ký bút với danh khác nhau tùy theo thể loại) như Nguyễn Thanh, Đan Thanh, Diễm Thi, Phương Đình, Tương Như, Lan Đình, Minh Thư, Minh Khuê, Chàng Văn,…). Hầu hết các bài viết đăng báo đã xuất hiện trên những tờ tạp chí, trang web văn nghệ và nhật báo uy tín trong nước: Văn nghệ, Thơ, Nhà văn, Hi62n Việt, Kiến thức Ngày nay, Tuấn báo Văn nghệ TP. HCM, Văn nghệ Công an, Thời Văn, Áo Trắng, Sài Gòn Giải phóng,…

Từ những thành tựu đã nêu trên, qua lăng kính dư luận văn học và các nhà phê bình, Nguyễn Thanh đã được đánh giá là một ngòi bút tích cực trên bình diện văn học nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực: “Nguyễn Thanh – một con người tài hoa trên nhiều lĩnh vực” (Hoàng Thị Bích Hà). Và tôi đã coi Nguyễn Thanh không khác nào là nơi hôi tụ những dòng sông nghệ thuật.

T.G

(1) Hồ Văn Ngộ: gốc người Log Mỹ. là giáo viên. Sau năm 1975, là Phó Giám đốc sở Giáo dục – Đào tạo TP. Cần Thơ, là học trò của Nguyễn Thanh.

(2) Tạp chí văn nghệ Nhân loại xuất bản ở Sài Gòn trước 1954.