Nguyễn Thành Tâm: Con nước trôi đi, lòng người mải miết

651

Lê Thành Nghị

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Con nước trôi đi, lòng người mải miết” là câu thơ của Nguyễn Thành Tâm, phần nào nói lên tính cách của tác giả. Trong số những nhà thơ trẻ xuất hiện mấy năm gần đây của Hội nhà văn Việt Nam, Nguyễn Thành Tâm là gương mặt đáng nhớ.

Thơ Nguyễn Thành Tâm là lời tâm sự nhiều cung bậc cảm xúc, hồn nhiên và ưu tư, nồng nàn, chân thành và mộc mạc, là âm thanh thì thầm quen thuộc của gió, lời rì rào mải miết của sông, là nắng sau vườn, mưa ngoài thảm cỏ… những gì thân thuộc với mỗi con người. Nếu biết Tâm có quê nội ở Thanh Hóa, quê ngoại Hà Tĩnh, sinh ra ở Hà Nội lại đi theo sự luân chuyển công tác của cha mẹ đến nhiều nơi trên đất nước và 17 tuổi quay lại Hà Nội học tập, làm việc cho đến bây giờ thì ta sẽ không ngạc nhiên khi Tâm dùng phương ngữ hay chính ngữ đều rất linh hoạt.


Nhà thơ Nguyễn Thành Tâm.

Phẩm chất của một nhà thơ trước hết là những xúc cảm chân thật trong tâm hồn. Thơ Nguyễn Thành Tâm là sự day dứt, trăn trở của một người con đi xa, luôn luôn nhớ về quê hương với những kỷ niệm suốt một thời tuổi nhỏ. Đừng bao giờ đánh giá thấp những kỷ niệm tuổi nhỏ. Nó là một phần của thế giới tâm hồn, đốm lửa đầu tiên để có những tình cảm ấp áp với thế giới chung quanh, nó là nền móng trước khi có những tình cảm cao đẹp khác, là thước đo phẩm chất của một ngòi bút. Sống nông cạn, hời hợt, không có những kỷ niệm tuổi nhỏ và không có ý thức ghi nhớ những kỷ niệm tuổi nhỏ ấy, con người sẽ trở nên nghèo nàn. Một tâm hồn nghèo nàn thì sao có thể viết được những câu thơ lay động lòng người:

Sông quê vẫn tím lục bình

Ngày xưa người hái cho mình ta chơi

Dòng sông thơ ấu xa rồi

Người xa với cả khoảng trời xa thương.

(Khoảng trời xa)

Những câu thơ cho thấy không chỉ là kỷ niệm. Chen trong kỷ niệm, trong nỗi nhớ dòng sông quê, là vấn vương hình bóng con người: “Ngày xưa người hái…”. Và chen trong hình bóng một con người là thương nhớ: “khoảng trời xa thương”. Sự đa cảm vốn là “bản năng gốc” của thi nhân. Nhưng ở đây không còn là đa cảm chung chung, mà gắn với con người. Và, tuy “người hái”, “người xa” ở đây như thể chỉ để lại một thoáng xúc động, một kỷ niệm thoáng qua chưa thể gọi tên ngay được, nhưng là “nguyên cớ” để kỷ niệm sống mãi với thời gian.

Nỗi nhớ thắt lòng này trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Thành Tâm. Câu chữ như thể không đứng yên, không bình yên, cho dù bầu trời thì vẫn thế, lục bình trôi thì vẫn như thể, nhưng cái nhìn của tác giả là “tĩnh trong động”: “Khoảng trời thì vẫn cứ xanh/ Lục bình thì vẫn chòng chành ngày xưa”. Và không gian lúc này thì không còn đứng yên… “Gió xô vạt cải rối bời/ Vàng nghiêng trước gió, nghẹn lời hoàng hôn” (Gió xô vạt cải). Sống động trong tâm trạng người viết là vạt hoa cải vàng gió xô dào dạt, rối bời. Nó báo hiệu sắp những ngày cuối năm, là khi nhớ nhung dồn về, là khi mưa bụi đầy trời và vì vậy tâm trạng trở nên hoang hoải, hoang vu. Những ai lớn lên ở nông thôn sẽ nhớ mãi khung cảnh này:

Em về chung lại cơn mưa

Lối xưa hoang vắng, người xưa đâu rồi

…Cỏ may đan kín chỗ ngồi ngày xưa

(Lời hẹn xưa)

Nhưng quê hương vốn không trừu tượng. Quê hương gắn với những người thân yêu nhất. Hình ảnh người cha mất sớm trong thơ Nguyễn Thành Tâm rất xúc động. Tác giả nhớ cha với tấm áo bạc màu trên đồng ruộng. Điều này cho thấy cuộc sống vất vả của người cha, nhưng cảm động hơn: sự vất vả ấy đã không kịp được đền đáp. Người cha đã lao động cực nhọc và ra đi khi mùa lúa đang chín, không kịp nhìn thấy thành quả. Người đọc có thể liên tưởng như một ẩn dụ: cha nhọc nhằn nuôi các con khôn lớn, công cha như núi Thái Sơn, nhưng đến khi các con đã có thể bù đắp thì cha đã về cõi vĩnh hằng… Câu thơ làm nghẹn lòng những ai đọc tới: “Con xin lội lại đồng sâu/ Để mong nhìn thấy bạc mầu áo cha/…Cha ơi gạo đỏ triền đê/ Cha đi để lại con tê tái lòng/ Cha đi lúa chín trên đồng/ Trĩu cong mình lúa cha không gặt rồi” (Nhớ cha); “Tháng ba… người về trong mộng/ Hoa xoan lặng tím góc vườn/ Chiều đưa câu Kiều trên võng…” (Tháng ba cha không về nữa). Nhớ về quê là nhớ những mùa bão lũ bất thường miền trung:

Đồng xanh mướt giờ ngập trắng nước rồi

Lòng mẹ xác xơ mỗi mùa bão nổi

Lưng cha còng cố khơi cho nước vợi

Khói thuốc lào cay mắt lắm bão ơi

(Sau cơn bão)

Như bất cứ một người xa quê nào, rất nhiều lần giữa chốn thị thành phồn hoa, đua chen, bụi bặm, Nguyễn Thành Tâm ao ước được trở về chốn xưa, nơi sinh ra và lớn lên, nơi đã trải qua những tình cảm thanh sạch, thánh thiện không vướng bận bất cứ chút “bụi trần” nào: “Quê hương với tôi/ Là nỗi nhớ lặng thầm/ Giữa phồn hoa Hà thành ngày Tết”; “là vời vợi nội về đội một thúng chợ xa”; (Quê hương); “Bỏ hành trình hư danh con về bên mẹ/… bỏ giày cao gót chạy dọc triền đê/ Thèm thả cánh diều mải mê dĩ vãng/ Con về ôm mẹ xin một ngày quên mình đã lớn/ Quên bộn bề nơi thành phố xôn xao/ Tìm tĩnh lặng trong mùi mồ hôi áo mẹ thuở nào” (Con đi tìm lại mình); “Em muốn rời phồn hoa giữa đô thành/ Về với buổi chiều lấm lem khoai nướng” (Mong trở về)…

Thơ Nguyễn Thành Tâm không chỉ là dừng lại ở tình cảm gia đình, người thân, quê hương, làng xóm… thơ Tâm còn là nơi bộc lộ chân thành những suy nghĩ về cuộc sống, về nhân tình thế thái, những trăn trở về hạnh phúc. Với một trái tim nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn, tác giả dễ nhận ra những trạng thái nhân sinh so lệch, những phận người chìm nổi, những hoàn cảnh không may mắn của số phận con người. Có khi là một em bé mồ côi không nơi nương tựa, có khi là hoàn cảnh của một phụ nữ vừa đèo con ngủ trên xe đạp, vừa bán hàng kiếm cơm cho cả nhà: “Nào con trai! lại mẹ yêu/ Thế gian rộng lớn còn nhiều trái ngang/ Nhìn con mà thắt ruột gan/ Ta ôm con nhé mênh đất trời…” (Lại đây con); Em không phải địu trên lưng/ Mà nằm vắt vẻo ngang chừng đuôi xe (Giấc xanh), có khi là một khung cảnh trớ trêu: “Giữa bao sự no đủ/ Em đói rách lầm than/ Ai cho em bình an/ Em cần nơi nương tựa” (Cho em chút tình).

Có phải nhân gian nơi chúng ta đang sống vốn không thiếu những thói bạc tình, những kẻ thực dụng, xem nhẹ tình cảm con người, luôn sống bạc ác, gieo rắc tai họa cho người khác. Tác giả đã bao lần khắc khoải tự vấn lương tâm mình, lương tâm người: “Nhân gian dễ dãi/ Câu yêu thương chưa đọng đã rơi rồi” (Vu vơ); “Đừng gieo oán, thương nhau thôi nhé/ Trần gian kiếp tạm vạn luân hồi” (Kiếp nào ta đã nợ nhau); Hoặc khi chứng kiến em bé ngủ trên đuôi xe đạp của người mẹ, Nguyễn Thành Tâm có những câu thơ mà nỗi đau như được nén dồn bằng ngôn từ ẩn dụ: “một bó gió sương”. Nỗi thương cảm như được xoa dịu bằng một liên tưởng lãng mạn: “Tôi mua một bó gió sương/ Làm bạn em một đoạn đường đầy sao” (Giấc xanh). Có thể nhận ra ở Nguyễn Thành Tâm lòng trắc ẩn luôn hiện diện trong “tự vấn lương tâm”, như một khả năng gìn giữ sự ấm nóng tâm hồn mình trước nỗi đau của con người và vạn vật: “Tiểu ơi lá rụng sân đình/ mũ ni che được phận mình hay không” (Mũ ni); “Biết có bao người trong ô cửa/ Có nỗi riêng lòng đang thấm mưa/ Ngoài kia sỏi đá nào ai chắn/ Mấy lớp phong sương mới đủ thừa” (Nỗi riêng); “Trên đường đời thương nhé cả cỏ cây/ Bởi bao kiếp luân hồi ta đâu tỏ/ Sỏi đá dưới chân biết đâu ta thở/ Lặng im thương trên mỗi lối ta về” (Thương nhau thôi nhé), vì thấu hiểu đời người mấy ai thoát được những xót xa, như thể sinh ra là để hứng chịu những đắng cay không ai lường trước được. Những câu thơ đưa ta về giới hạn của sự vô thường: tiếng chuông ngân nơi sân chùa như chỉ vọng đến chỗ vô định, không hứa hẹn sự yên bình vì trước mặt vẫn là bão dông của trần gian: “Trời xanh dông tố ai tường/ Niềm tin vụn vỡ trăm đường đắng cay/ Chuông chùa vọng đến chân mây/ Mà không ngăn nổi trời đầy bão dông” (Niềm tin vụn vỡ)

Một mảng sâu đậm trong thơ Nguyễn Thành Tâm là nỗi trăn trở về hạnh phúc, một lĩnh vực thấm bao nước mắt của người đời: “Hạnh phúc như Xương rồng trên sa mạc”; “Bàn tay còn thức giữa đời/Mà không cầm nổi một lời đã xưa”(Chùm thơ hai câu). Hơn ai hết các nhà thơ nữ nhạy cảm đặc biệt với hạnh phúc. Đi tìm hoặc gọi tên “một nửa” trong thơ Nguyễn Thành Tâm là không thể, và cũng không nên. Bởi vì với nhà thơ nói riêng và văn học nói chung “một nửa” kia có khi là hình ảnh của số đông, của những gương mặt, là “tổng hòa” của những kỷ niệm, là nơi gửi gắm những tâm trạng, những ước vọng…

“Anh ở đâu, một nửa của em?” (Gửi một nửa của em). Đi tìm “một nửa” là cuộc đi tìm miên viễn, có khi loay hoay hết cả một cuộc người: “Bao buồn vui chỉ trong câu chữ/ Ảo vọng cuối ngày câu thơ không tải đủ/ Những mỏi chờ giằng níu mỗi hoàng hôn” (Gửi một nửa của em). Thượng đế vốn là ông già khó tính, lại thích đùa cho nên thế gian cứ thế xô lệch, cái cầm trên tay có thể bỗng chốc hóa phù vân. Nhưng như vậy không có nghĩa cuộc “đi tìm” kia là tuyệt vọng, không ai có thể tìm được. Nguyễn Thành Tâm có những câu thơ nói về sự muôn một của khoảnh khắc, khoảnh khắc hiếm hoi vô giá của đôi lứa:

Em là bản nhạc

Vô tình chạm-nhưng chỉ anh dạo được

Khúc tình ca ngủ suốt nghìn năm bỗng cao vút giữa núi đồi.

(Giấc mơ)

Bài thơ có tên là Giấc mơ, nghĩa là thực đấy mà cũng là mơ đấy, nghĩa là thế gian chỉ có thể có một người “đọc” được bản nhạc kia, mở được cánh cửa tâm hồn kia. Chỉ khi đó mới là hạnh phúc, một hạnh phúc đích thực nhưng hiếm hoi và mong manh của đời người! Và như thế đi tìm một sự toàn bích trong thế giới bất toàn này là điều bất khả. Chỉ một sự vênh lệch nhỏ giữa những ý niệm đạo đức và khát vọng cá nhân cũng có thể dẫn đến bất thành, nhất là với những ai muốn được sống đúng bản chất của mình, muốn lắng nghe những biến thái dù nhỏ nhất tâm hồn mình:

Đau đớn thế làm sao em chịu được

Đạo bao nhiêu mà đè nặng kiếp người

Ảo vọng thế biết bao giờ là thực

Đến bao giờ khép lại một buông trôi.

(Đến bao giờ)

Và bởi vậy nên sự đợi chờ là niềm tin là hy vọng giải cứu nỗi nỗi thắt chặt con tim

“Ta chờ thế để thấy đời còn đợi/ lá vàng rơi mùa cũ chỉ đâu đây/…/ Mùa cứ thế tháng năm nào tạc tượng/ Dẫu vĩnh hằng câm lặng phía mây bay/ Ta chờ thế giữa muôn trùng gió biển/ Mặn nghìn năm đá đâu khóc thành lời” (Đợi)

Người trong cuộc có thể là người không toại nguyện, bị vây bủa của “đạo”, những tín điều trầm tích của thời gian…nhưng người trong cuộc cũng đã từng gắng sức, đã từng muốn vượt thoát để đến với những niềm vui trần thế:

“Em lặn lội xiêm y nghìn năm trước

Trút bỏ thần tiên trần tục làm người

Anh phút ấy giấu đi đôi cánh

Lại sợ ngày không dối nổi cao xanh”

Những tưởng

“Em không thể về trời còn ta do dự/Những bồng lai đổi lấy bụi trần”

Nhưng rồi lại vẫn là nhưng “phân vân” giằng xé cõi người

“Em thuần khiết bên hồ xanh thế

Ta tục trần vây bủa những phân vân”

(Tục trần)

Hình như càng nén trong cuộc đời thực với chồng chéo luân thường đạo lý thì những câu thơ bay lên là cứu cánh cho một tâm hồn tha thiết yêu thương con người, cây cỏ trong hữu hạn cuộc người, và vì vậy người trong cuộc chưa bao giờ vơi cạn niềm tin, khát vọng, đợi chờ: “Về đi anh, hồ vẫn đầy mà mắt em đã cạn/ Những vì sao ngày cũ lẻ đôi buồn/ Trăng vẫn thắp niềm tin mây che khuất/ Đủ soi một góc đường – em đợi anh” (Anh về đi). Cho dù không phải không có những lúc cảm thấy đuối sức, như thể Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận (Phạm Hầu). Nguyễn Thành Tâm như đang tự lắng nghe sự hoang vắng trong lòng mình: “Em ơi trước biển mênh mông thế/ Mà vết chân mình cát phủ nhanh/ Ngoài kia mờ mịt xa tầm với…” (Trước vô cùng), như đang tự cảm thấy những “khuyết thiếu”, “thực hư”, những “vết xước” đau đớn của thời gian, của đời người: “…Giữa muôn vàn xa cách/ Vết thời gian đỏ mắt những ngược dòng/ Ta nợ ta những khuyết đầy hư thực/ Có góc nào không vết xước trầm luân” (Thương đủ mấy ngàn năm). Cho nên, thơ Nguyễn Thành Tâm nhiều khi hiện lên nguyên dạng những câu hỏi trần thế: “Mình có về đi lễ với em không?/ Có mang về lời thỉnh cầu mười tám?”; “Mình có về lối cũ kịp Noel/ Kịp tóc còn xanh qua bao mùa đợi; Lời thỉnh càu không lẽ Chúa bỏ quên?…” (Mình có về lối cũ kịp Noel). Nhưng cũng thường khi Nguyễn Thành Tâm lắng được sự hữu hạn của kiếp người trước cái vô biên của đất trời:

Em cũng biết trời xanh là vô tận

Nhưng biếc xanh đâu mãi mãi cho mình

Em cũng biết mây bay là vĩnh viến

Xin mây dành một thoáng ấm vì em.

(Em biết)

Hay biết rõ cái “tuyệt đối” chỉ là khát vọng trước muôn vàn “tương đối”: “Nếu lúc này được nhắm mắt để mơ/ Ta muốn được yêu như Juliet/ Quỳ trước chúa một tình yêu bất diệt/ Không có trên đời – Ôi! Thánh giá – noel” (Noel)

Chỉ đến khi tĩnh lặng trong tâm hồn, nhận biết sâu sắc quy luật của đất trời, của nhân thế, chỉ đến khi biết đặt mình trước vô tận…, mới có thể cảm nhận được hết những gì là hạnh phúc trên trần gian. Thơ Nguyễn Thành Tâm lúc da diết, dạt dào, lúc xót xa thương cảm chấp nhận sự thât “cuộc đời như một dòng sông”, lúc bình thản như một nốt lặng của sông ra đến biển-những cung bậc của tâm hồn có sức lan tỏa đến người đọc: “Một hành trình ra biển mênh mông/Sông có lúc cạn dòng nước biếc/Lúc cuộn trôi mệt nhoài cùng kiệt/Nắng sóng đùa sao cháy tận đáy sông” (Sông).

Trong số những người học toán nhưng làm thơ đáng chú ý như Vương Trọng, Lê Quốc Hán, Đặng Hấn… chúng ta có thêm Nguyễn Thành Tâm. Vốn là “dân chuyên toán” từ khi học phổ thông, không chỉ có tư duy logic chặt chẽ, không chỉ có cảm giác về không gian chuẩn xác…, Nguyễn Thành Tâm còn có sự nhạy cảm về ngôn ngữ thơ mỗi khi cần diễn tả, biểu hiện một tâm trạng nào đó của người viết. Thơ Nguyễn Thành Tâm vì vậy vừa giàu cảm xúc vừa giàu triết lý. Tâm thích thơ từ nhỏ, thuộc thơ rồi lén lút gieo vần trong sự “kiểm soát” của người bố không khuyến khích con cái vào con đường “chông gai” mà bao người nản chí. Vào Đại học Bách Khoa học khoa Công nghệ thông tin, Tâm tham gia Hội Thơ sinh viên Bách Khoa, rồi làm thơ như một sự giải bày những nỗi niềm của một con người trước thời cuộc (trong thơ Nguyễn Thành Tâm nhiều bài viết về những tiêu cực trong đời sống hiện nay, về những người mẹ chờ con là liệt sỹ đã hy sinh, về những số phận bất hạnh gặp trong cuộc đời, những mùa lũ lụt trên mọi miền đất nước…), hoặc biểu hiện những suy nghĩ, những tâm trạng cá nhân trước cuộc đời. Chẳng hạn, đây là một không gian “hình học” bị trộn lẫn trong tâm trạng. Một ngã ba của ngổn ngang tâm thế:

Gió chiều xoáy giữa ngã ba

Sóng Tây Hồ xoáy giữa ta một chiều.

(Ngã ba)

Đó là khung cảnh một “ngã ba”, còn đây là một sân ga, nơi những “ánh nhìn” đang bị “gấp khúc” trong không gian:

Sân ga muộn

Mưa chừng cũng muộn

Nụ hôn nghiêng gấp khúc mọi ánh nhìn.

(Tiễn anh)

Cũng có khi là một khoảnh khắc dửng dưng giữa bề bộn phố phường, như thể tâm tư đang không xác định, mọi vật như bị nhòe mờ, không rạch ròi, không hiện hữu, trong khi sự “vu vơ” đang xâm chiếm tâm hồn:

Vịn phía nào để ngày không cũ

Xưa không xa, mai cũng chẳng phải chờ

Đường dài thế và phố đông người quá

Lời buộc vào thăm thẳm cách xa.

(Lặng)

Hãy chú ý cách diến đạt rất thơ của tác giả: vịn (động từ), để (kết từ), ngày không cũ (trạng từ). Hình như có sự “vi phạm cố ý” logic hình thức ở đây, vì nghe qua tưởng như vô lý: vịn để ngày không cũ. Tiếp đến là câu cảm thán đóng vai trò “lấy đà”: “Đường dài thế và phố đông người quá” để đi đến câu cuối gợi sự mông lung, siêu thực, mở rộng biên độ của tưởng tượng: “Lời buộc vào thăm thẳm cách xa!”. Những câu thơ này không dễ hiểu, mỗi người đọc tùy theo cảm nhận của mình để hiểu, và khi đã hiểu thì cái thi vị sẽ làm tăng thêm sự thú vị.

Thơ Nguyễn Thành Tâm không thiên về tả thực, nhưng nếu một khi cần tả thực thì thơ “tả thực” của Nguyễn Thành Tâm cũng gây được ấn tượng:

Hà Nội lạnh

Lời yêu như chăn mỏng

Hình như ngắn-hình như không đủ rộng

Co phía nào cũng khuyết một vòng xưa.

(Lời yêu)

Lời yêu như chăn mỏng! Câu thơ làm ta liên tưởng đến câu nói của Nam Cao: “Hạnh phúc trên đời như một chiếc chăn hẹp người này co, người kia sẽ mất”. Nhưng sắc thái trong câu thơ trên của Nguyễn Thành Tâm không diễn tả sự lấn át, co kéo, giành giật (người này co, người kia mất). Ở đây là “một mình mình biết, một mình mình hay”. Chiếc chăn mỏng ở đây gợi nhớ sự “khuyết một vòng xưa” như một kỷ niệm về hạnh phúc đã đi qua. Trong cách diễn đạt này, hình như người viết có ý thức dồn nghĩa, tăng dung lượng, tăng sức chứa, sức nén cho câu thơ.

Làm thơ, Nguyễn Thành Tâm rất chú ý lối diễn đạt “kép” để câu thơ trở nên hàm súc, ý thơ trở nên dồn nén “bình phương”, “lập phương”. Câu thơ vì vậy có sức ám ảnh người đọc bằng cảm giác màu sắc, bằng sự liên tưởng với tâm trạng, qua ngôn từ mang gam màu gắt và mạnh: đỏ, gió thổi, một mình, cháy hết…:

“Hoa gạo đỏ phía sông Hồng gió thổi

Em một mình cháy hết tháng ba”

(Hạnh phúc)

Câu thơ này khá điển hình cho lối diễn đạt của Nguyễn Thành Tâm. Câu trên: “Hoa gạo đỏ phía sông Hồng gió thổi” là câu miêu tả báo hiệu. Câu dưới: “Em một mình cháy hết tháng ba” là câu có sự “mờ nhòe” biểu hiện tâm trạng. Sự hòa trộn giữa màu sắc thiên nhiên và tâm trạng con người trong câu thơ này tạo ra ấn tượng đẹp trong tiếp nhận của người đọc. Nhiều câu thơ khác cũng có lối diễn đạt “kép” như vậy. Chẳng hạn: “Đừng ép cây rừng thành xanh nhựa/ Xanh vô tri không khát gió bao giờ” (Đứng ép); “Đừng mang giông gió ngoài biên ải/ Kiếm trở vô tình một vết thương” (Nhớ hạ); “Em như ngọn lửa tay anh nhóm/ Củi rút vơi rồi có đượm không?”; “Xanh có phải xanh cuối cùng để tắt/ Xanh tận cùng xa xót để được xanh”; “Những nao nức e dè chưa kịp chọn/ Đã bơ vơ tắt đợi giữa phút chờ”; “Mai rồi nay cũng hoá xưa/Sẽ phong sương kín nẻo vừa bước qua”; “Hạnh phúc như Xương rồng trên sa mạc/ Cháy khát tận cùng vẫn lọc cát bung hoa”; (Chùm thơ 2 câu) “Tháng ba cha không về nữa/ …Con chân trần rơm rớm cỏ…” (Tháng ba).

Thơ Tâm có nhiều bài mang tính triết lý nhân sinh: “Nếu không phải trời xanh đến thế/ Cây đâu vươn khát vọng lá cành/ Nhưng cũng chính từ nơi khát vọng/ Cây oằn mình thương tích khắp châu thân” (Khát vọng)

Đan xen chút gì đó ẩn ức nhân tình thế thái: “Những thế núi ôm trong lòng mạch chảy/ Những tủi hờn ứa lệ hóa thành sông” (Thầm lặng)

“Thơ tôi gió bỏng từ sa mạc/Người tránh đường đi kẻo đau thương” (Chùm thơ hai câu). Có nghĩa thơ ấy là những lời từ tâm can, mang nặng nỗi niềm, chất chứa buồn thương, gợi mở suy nghĩ, xáo trộn tâm tư người đọc. Thơ ấy là “tiếng lòng” của một người đa cảm, nhiều trắc ẩn. Với năng lực trực cảm vượt trội, thơ Nguyễn Thành Tâm biểu hiện chân thành sự tinh tế nội tâm của người viết. Kỷ niệm sống phong phú, cảm xúc tràn đầy, ngôn ngữ tự nhiên nhưng có sự cân nhắc, chọn lọc… thơ ấy dễ đi vào lòng người, dễ tạo ra sự đồng cảm.

Tháng 12 năm 2020 
L.T.N

————————

*Nguyễn Thành Tâm: “Tràn trong nỗi nhớ”, NXB Hội Nhà văn 2016; “Qua vùng bão nổi”, NXB Hội Nhà văn 2017; “Chạm nẻo người dưng”, NXB Hội Nhà văn 2017 và “Người về trong vô tận” (sắp in)