Nguyễn Thị Việt Nga – Ông nội và kẹo lạc

929

21.12.2017-10:00

 Nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga

 

Ông nội và kẹo lạc

 

NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

 

NVTPHCM- Ngày ấy, bố mẹ đi làm xa, chị em tôi ở quê với ông bà nội.

               

Mỗi khi sắp tết, hai chị em  vui lắm. Đến lớp mẫu giáo, cô giáo thường cho cả lớp hát vang bài “sắp đến Tết rồi, sắp đến Tết rồi, về nhà rất vui, đến trường rất vui, mẹ đang may áo mới nhé, ai cũng vui mừng ghê. Mùa xuân nay em đã lớn, biết đi thăm ông bà”. Chúng tôi hào hứng hát đi hát lại, đứa nào cũng gân cổ gào lên thật to trong niềm phấn khích khi tưởng tượng ra những ngày Tết thần tiên đang ở rất gần. Năm nào Tết đến, chị em tôi cũng được mặc quần áo mới. Có năm mỗi đứa có đến hai bộ  mới, vì bà đã mua rồi, mẹ về lại mua thêm nữa. Nhưng quần áo mới thì tận sáng sớm ngày mồng một Tết mới được mặc. Khoảng thời gian chờ đợi từ khi có quần áo mới đến khi được mặc nó trên người bao giờ cũng lâu ơi là lâu.

               

Trong lúc đợi chờ được mặc quần áo mới, chị em tôi có một niềm vui khác, đó là làm “phụ tá” cho ông nấu  kẹo lạc. Ngày ấy ở quê nhà ai cũng rất nghèo. Toàn bộ cái Tết chỉ dồn vào một nồi bánh chưng, một nồi thịt kho đông, ít măng miến và con gà luộc cúng lúc giao thừa, miếng thịt cúng sáng mồng một Tết. Mâm ngũ quả trên bàn thờ Tết cũng chỉ gồm những loại quả thân thuộc trong vườn: chuối, cam, bưởi, trứng gà, quất, thậm chí cả ớt đỏ và khế chua. Hiếm hoi lắm mới có nhà mua được gói bánh, gói kẹo, hộp chè để lên bàn thờ Tết. Đó là những nhà có người thân đi xa về, nhiều tiền.

               

Ông bà nội không có nhiều tiền. Bố mẹ tôi cũng vậy. Ông tự tay nấu kẹo lạc để thờ. Có cái vỏ hộp kẹo lạc từ năm lâu lắm, ông bà được một người họ hàng biếu. Kẹo lạc ăn hết, bà cẩn thận cất cái vỏ hộp thật kỹ. Thế là cứ khi Tết đến, ông lại hì hụi nấu kẹo lạc, cho vào cái hộp vẫn còn mới nguyên, trịnh trọng đặt lên bàn thờ. Chị em tôi xúm xít quanh ông ngay từ lúc ông chọn lạc. Bà mang những chai thuỷ tinh đựng lạc được cất kỹ trong buồng ra sân, đổ vào một cái mẹt. Thế là cả nhà quây quần nhặt những hạt hỏng, hạt lép loại ra. Ông bảo lạc phải đều nhau thì khi rang mới chín đều, không hạt sống, hạt cháy làm hỏng cả mẻ kẹo. Nhặt lạc xong rồi, bà cần mẫn ngồi thái phên đường đen  thành những vụn đường nhỏ xíu, còn ông chịu trách nhiệm việc rang lạc. Hai chị em tôi tíu tít, hết chạy vào trong bếp với ông lại chạy ra sân ngóng bà. Thi thoảng, bà nhặt cho mỗi đứa một mẩu đường bằng đầu ngón tay. Chúng tôi bỏ tọt vào miệng ngậm, thấy ngon lạ lùng. Ông thì cứ xua tay, đuổi các cháu ra sân kẻo trong bếp khói um, cay mắt. Nhưng chẳng đứa nào chịu ra, cứ vừa dụi mắt vừa háo hức nhìn tay ông đảo lạc trong cái chảo gang to đùng. Lạc chín, ông lại đổ ra cái mẹt, xát sạch lần vỏ lụa bên ngoài rồi ủ trong lá chuối khô một lúc cho giòn. Quan trọng hơn cả vẫn là khâu nấu lạc đã rang thành kẹo. Đường được đổ vào chảo, đun nhỏ lửa cho chảy ra, sánh vàng. Rồi ông đổ cả chỗ lạc vừa rang vào chảo đường, đảo thật nhanh tay, thật đều. Rất nhanh, bà bê vào cạnh ông cái mâm đã lót lá chuối tươi. Ông đổ cả mẻ kẹo ra mâm, cán mỏng bằng cái chai thuỷ tinh rồi lấy dao xắt thành từng thanh nhỏ hình chữ nhật. Lát sau kẹo khô, thế là có thể bẻ ra từng thanh, thận trọng đặt vào cái vỏ hộp, rồi đặt lên bàn thờ. Chị em tôi được nếm những thanh bị gãy vụn, những đầu mẩu thừa ra, còn lại, phải đợi đến Tết mới được ăn.

               

Bàn thờ ngày tết nhà ông bà năm nào cũng có hộp kẹo lạc ông tự tay “sáng tác”. Hộp kẹo ấy chỉ được hạ xuống ăn khi đã “hoá vàng”, nghĩa là bữa cúng cuối cùng của Tết. Kẹo lạc ăn với bánh chưng, giản dị thế thôi nhưng chị em tôi như thấy mình đang được thưởng thức những cao lương mỹ vị quý nhất trần đời. Dẫu cho kẹo lạc ông nấu có khi cứng quá, phần lạc nhiều hơn phần đường, có khi đường hơi quá lửa, ngăm ngăm đắng. ăn xong, bà lại cẩn thận mang chiếc vỏ hộp cất thật kỹ vào một chỗ nào đó chỉ bà mới biết, để năm sau hạ xuống, chúng tôi vẫn thấy nó còn mới nguyên…

               

Chẳng biết ông thôi nấu kẹo lạc để thờ Tết từ khi nào nữa. Lớn hơn chút nữa, chị em tôi đi theo bố mẹ. Mấy gian nhà tranh kẽo kẹt chỉ còn lại ông bà. Có năm cả nhà tôi về ăn Tết, cũng có năm bố mẹ chỉ đảo qua trước Tết rồi đi. Cuốc sống ngày một sung túc hơn. Trên bàn thờ ngày Tết của ông bà có biết bao loại bánh kẹo bố mẹ mua về. Rồi hàm răng ông, bà cũng không còn mấy chiếc để có thể ăn kẹo lạc. Rồi những hộp kẹo lạc cũng trở nên tầm thường, xoàng xĩnh, không ai còn đặt lên bàn thờ Tết nữa… Mỗi năm một Tết. Thuở ấu thơ, ngóng chờ Tết đến thấy thật lâu. Còn sau này, khi đã trưởng thành lại cứ thấy giật mình vì thời gian trôi nhanh quá, vừa Tết này đã thấy nối ngay Tết khác…

               

Lại một cái Tết đang về. Nhìn hoa đào nở, nhìn mọi người tấp nập rộn ràng đi sắm Tết, thấy khoé mắt thật cay. Nhớ ông bà nội và những chiều giáp Tết cả nhà xúm xít bên mẻ kẹo lạc ông vừa nấu. Chao ôi! Những kỷ niệm ấu thơ ngọt ngào mà làm ta rưng rưng nước mắt…

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…