Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: ‘Hãy học những bông hoa nở trong bóng tối’

974

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam được biết đến nhiều cả ở tư cách nghệ sĩ lẫn quản lý. Ông cũng là người cởi mở với báo chí, nhưng chúng tôi tin chắc đây là lần đầu tiên ông bộc bạch chân thành nhất cả về đời sống.

* Thưa, ông vừa sinh nhật tuổi 65, nếu phải nói gọn nhất về con người mình, ông sẽ nói gì?

– Tôi là người trung thực với bản thân, đắm đuối với đời sống và đam mê nghệ thuật. Nhìn nhận lại, đến tuổi này, những gì tôi đã sống, đã hành động, đã sáng tạo tôi thấy mình không có gì ân hận.

Nếu được sống lại, tôi vẫn sẽ sống như vậy. Chỉ có một sự tiếc nuối là mình chưa đủ tài năng, chưa nhận thức được sớm hơn những điều đẹp đẽ khác để hiện thực hóa khát vọng sáng tạo của mình.

Nghĩ lại, cũng thấy còn bao nhiêu điều đẹp đẽ, lớn lao mà mình chưa làm được. Nên nếu được sống lại, tôi vẫn đi trên con đường đã đi, chắc chắn tôi sẽ học hành kỹ lưỡng hơn, quyết liệt hơn trong công việc.

* Theo ông, những người xung quanh ông có cảm nhận được ông là con người như vậy?

– Tôi thấy hầu hết họ cảm nhận như thế. Tôi cũng thấy khi gần gũi tôi hơn thì ở không ít người sự ngờ vực giảm đi, sự yên tâm, tin tưởng nhiều lên.

Có những người nhiều năm trước cảm nhận về tôi cực tồi tệ, bất kỳ cái gì của tôi họ cũng “phang” nhưng giờ thì ngược lại đến mức cực đoan. Cái gì của tôi họ cũng thích, cũng ca ngợi.

Vì thế, có những người nói rằng hãy đến, hãy trao đổi, hãy chia sẻ và hãy làm việc cùng Nguyễn Quang Thiều thì sẽ hiểu rõ hơn con người tôi như thế nào.

* Ngoài đời, người ta thấy ông hè thì quần bò áo phông, lạnh thì khoác áo da, trông như một họa sĩ hơn là một lãnh đạo của Hội Nhà văn?

– Tôi thường thích gì mặc ấy miễn là bản thân tôi cảm thấy thoải mái nhất. Tất nhiên, trong những sự kiện lễ tân, tiếp những vị khách đặc biệt, tôi sẽ thay đổi trang phục để thể hiện sự trọng thị của mình đối với họ.

Tôi luôn nghĩ vật chất luôn đến rồi đi. Nó là phương tiện chứ không phải mục đích.

Nhưng nếu chúng ta phải bò ra để kiếm từng cọng rau, bơ gạo thì chắc chắn sẽ rất ít thời gian cho văn hóa.

Tôi cũng thấy, nếu thoát khỏi sự đói khát thì con người sẽ có nhiều điều kiện nghĩ đến và hành động về những điều tốt đẹp, những cái lớn lao. Thế nên, với tôi vật chất chỉ nên ở mức độ vừa đủ để không phải quá bận tâm về nó.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khi còn làm Bộ trưởng Công Thương có nhắn tôi viết bài cho tạp chí của ngành. Tôi đã viết bài “Hạnh phúc là phép trừ”. Trong đó có nói, nếu chúng ta mong muốn có 100 tỷ, rồi lại mong muốn có 150 tỷ, rồi 1.000 tỷ rồi khát khao con số đó cứ cộng thêm mãi. Cứ để ham muốn đó cuốn đi thì có khi nhiều người sẵn lòng thực hiện những việc đen tối để đạt mục đích đó. Nhưng nếu có 100 tỷ, chúng ta chi ra 10 tỷ cho du lịch, mua vài bức tranh, nghe hòa nhạc… thì sẽ khác. Sự kỳ diệu của thiên nhiên, sự hấp dẫn, trong lành của nghệ thuật khiến họ dễ chạm đến hạnh phúc.

* Nhưng bản thân ông đã sử dụng một chiếc xe hơi sang trọng, đắt tiền từ chục năm trước?

– Chiếc xe đó với tôi chỉ là sự tình cờ. Tôi hiện ở một ngôi nhà nhỏ ở Hà Đông. Nếu như bây giờ, tôi có một ngôi nhà rộng lớn và lộng lẫy chưa chắc tôi đã quen, đã thích.

Vật chất nhiều không giải quyết được gì, vì nó không phải mục đích của tôi, nó không thay cho các giá trị khác.

Từ khi tôi làm Chủ tịch Hội Nhà văn, đi nhiều nơi, người ta cứ mời tôi ngồi hàng đầu. Việc này cũng làm tôi ngại. Bao năm qua tôi thích một cuộc sống bình thường. Nhiều năm trước, tôi làm ở báo Văn Nghệ, bao giờ tôi cũng ngồi hàng ghế cuối, ghế số 3. Tôi không muốn vượt lên ai. Tôi luôn muốn mình bình thường như tất cả những người bình thường khác. Với tôi, đó là điều tuyệt vời nhất.

* Cho đến giờ, nhìn lại điều gì khiến ông thấy sợ hãi nhất?

– Tôi sợ hãi nhất nếu đánh mất đi ngọn lửa đam mê trong con người mình. Tôi luôn sống với đam mê, đam mê từ cuộc hẹn uống cà phê, làm một bài thơ, viết một câu chuyện, vẽ một bức tranh…

Nếu mất đi sự đam mê thì đó là điều kinh hãi nhất bởi cuộc sống chẳng còn có ý nghĩa gì.

Ở tuổi 65, tôi luôn luôn mong ước trong tâm hồn mình là một chàng trai 18 đam mê, dại dột, dám làm những điều mình muốn.

* Ông thường làm gì để vượt qua sự sợ hãi?

– Tôi thường chia sẻ. Chia sẻ mọi thứ với mọi người mình tin cậy và làm việc. Đó là hai cách vượt qua sự sợ hãi. Tôi cũng chưa bao giờ thù oán ai. Tôi có thể khinh bỉ một số người nhưng không thù hận họ.

Mẹ tôi có dạy tôi nếu con thù hận ai đó thì sự thù hận đó như hòn đá tảng ngày càng nặng sẽ kéo con chết chìm.

* Ông thường suy nghĩ và quyết định thế nào khi có sự xung đột về cái chung và cái riêng?

– Đây là việc cực khó nhưng phải cân bằng được thì mới giải quyết được nhiều vấn đề lớn trong cuộc đời.

Vì cái riêng nhiều thì sẽ trở nên hẹp hòi, ích kỷ nhưng chỉ vì cái chung thì rõ ràng là không thật và là điều không tưởng. Thế nên, tôi luôn tôn trọng bản thân tôi cũng như tôn trọng những người khác. Tôi cũng luôn coi lợi ích của mình quan trọng như lợi ích của người khác. Khi làm việc gì để tôn trọng mình và tôn trọng người khác đòi hỏi sự trau dồi, học hỏi và cân nhắc trong cả cuộc đời. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy hạnh phúc, thấy ý nghĩa của sự dâng hiến.

* Ông quan niệm thế nào về quyền lực?

– Có nhiều thứ quyền lực. Quyền lực về vị trí, quyền lực về chức tước, quyền lực tri thức, quyền lực văn hóa, quyền lực từ cái đẹp…

Tôi thấy quyền cao nhất là quyền được tự do sáng tạo. Quyền được lên tiếng về cái mà mình cho là lẽ phải.

Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ quyền lực là ban phát cho người này cái này, người khác cái kia. Thứ quyền lực mà tôi thích nhất là lôi cuốn được những người khác cùng lao vào làm những điều tốt đẹp. Khi nhiều điều tốt đẹp lan tỏa ra cộng đồng lại có thêm nhiều nhiều người khác cảm thấy bị thuyết phục lại tham gia thì đó là điều tuyệt vời nhất. Tôi gọi đó là quyền lực của cái đẹp.

* Ông là hội viên, rồi Phó chủ tịch và giờ là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, con người của ông thay đổi thế nào qua những vị trí đó?

– Từ hội viên lên Phó chủ tịch rồi Chủ tịch là sự thay đổi về công việc. Con người và tinh thần của tôi luôn thống nhất, không có sự thay đổi nào.

Cũng như nhiều người khác, tôi bước chân vào Hội Nhà văn bởi đam mê sáng tạo được cái gì đó mang lại những vẻ đẹp cho đời sống. Nếu tôi không phải là hội viên tôi cũng có đam mê như vậy, chẳng khác gì Chủ tịch Hội Nhà văn. Có chăng là có chức vụ thì trách nhiệm phải cao hơn.

* Đứng trước một quyết định luôn phải đối mặt với sự dị nghị. Ông thường tính toán thế nào để vượt qua những điều đó?

– Cuộc đời thật đa dạng. Ai cũng phải đứng trước những dị nghị, những điều tiếng thậm chí những sự thật bị bóp méo. Nếu chọn sự yên ấm thì không làm được gì cả. Cách tốt nhất là đối mặt, xử lý cho những dị nghị đó tan đi chứ không phải chạy trốn. Bởi càng trốn chạy thì sự dị nghị đó sẽ càng mạnh, càng đuổi theo chúng ta nhanh hơn.

Ngay cả trong một gia đình có 4, 5 người sống với nhau cũng đã có không ít những khác biệt. Tốt nhất là nói ra điều chúng ra muốn làm, minh chứng cho lẽ phải bằng hành động, đó là cách xóa tan dị nghị.

* Ông có thể nêu một vài chuyện cụ thể mà ông đã làm để xóa đi những dị nghị?

– Khi Ban chấp hành Hội Nhà văn tiến hành kiện toàn nhân sự các hội đồng có rất nhiều ý kiến nói rằng nếu để nhà thơ Inrasara làm Chủ tịch Hội đồng Thơ thì tan mất Hội Nhà văn. Vì ông ta ủng hộ thơ hậu hiện đại. Tôi nghĩ hậu hiện đại hay lục bát cũng chỉ là cách thể hiện mà thôi. Và cho đến giờ thì mọi việc diễn ra ổn thỏa.

Hay như câu chuyện về trường hợp nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh mới đây. Tôi vận động anh ấy vào hội bởi nhận thấy có thêm anh ấy sẽ tạo ra sự đa dạng. Anh ấy là người có những sáng tạo riêng biệt. Giá trị của sự đa dạng là điều đáng để quan tâm. Nếu tất cả đều giống nhau hay gần giống nhau thì tôi nghĩ, chúng ta chỉ cần Nguyễn Du, Nguyễn Trãi làm thơ đã là đủ. Nhưng đời sống luôn mở ra vô vàn điều kỳ lạ, mỗi cánh cửa lại chứa những vẻ đẹp khác nhau.

Ban chấp hành Hội Nhà văn đã bàn đi bàn lại về một bài thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh từ 19 năm trước. Trong bài đó, có nhắc đến tên một người hiện trong Ban chấp hành. Mọi người cùng nhận thấy, 19 năm ít ra là một phần tư đời người. Và mọi người thống nhất cần phải đóng lại điều đó, cùng mở ra tương lai tốt đẹp hơn nên quyết định để Nguyễn Hữu Hồng Minh vào hội. Chúng tôi thấy đó là quyết định không sai. Rất nhiều ý kiến bắt tôi phải xin lỗi về chuyện này nhưng tôi không xin lỗi. Ngày mai tôi nghỉ việc ngay tôi cũng không xin lỗi.

Dù rằng, quyết định cuối cùng được đưa ra là kết quả của sự lắng nghe, tôn trọng nhiều ý kiến và đặc biệt tôi không thuyết phục được Nguyễn Hữu Hồng Minh thay đổi được quyết định vào Hội Nhà văn của anh ấy.

Tôi thấy thật buồn về chuyện này. Chúng ta không được phép lãng quên nhưng cũng không để chết chìm bởi quá khứ. Đời sống và lịch sử có quá nhiều câu chuyện sống động về việc này. Ngay cả với những quốc gia thù địch, chúng ta cũng đã bắc nhịp cầu hữu nghị. Từ thù địch, đến bắt tay rồi đến hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Việc chúng ta phủ kín vắc xin, tôi cho là việc vĩ đại. Khi chúng ta mở lời, nhiều cường quốc đã chìa tay và điều đó cho thấy khi chúng ta khép lại quá khứ cùng vì hạnh phúc của con người, vì sự hùng cường của quốc gia và vì sự tiến bộ của nhân loại thì sẽ đạt được những điều kỳ vĩ. Nghĩ vậy, tôi thấy buồn về chuyện Nguyễn Hữu Hồng Minh.

* Có thể thấy, ông là người lôi kéo được tài năng. Chẳng hạn khi về Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, ông đã lôi kéo được những người lâu nay bặt tiếng xuất hiện trở lại như nhà văn Bảo Ninh chẳng hạn… Ông làm cách nào để đạt được điều đó?

– Chẳng có cách nào ngoài sự trung thực, sự tôn trọng, sự chân thành của tôi đối với họ. Thêm nữa, sự đánh giá đúng năng lực của họ làm họ suy nghĩ và hành động. Tôi đọc lục bát của Lê Đình Tiến và tôi lập tức gửi thư cho nhà thơ này và nói, quỹ Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn sẽ bỏ tiền in thơ cho Tiến. Hay tôi đọc những vần thơ của một cô bé 13 tuổi, tôi thấy ở cô đầy tố chất của một thi sĩ cũng lập tức tôi viết thư động viên cô.

Rộng ra, tôi nghĩ, đất nước nên đặt lòng tin vào những người tử tế, tài năng. Chắc chắn, họ sẽ làm điều gì đó xứng đáng với nghĩa cử và sự tin tưởng đó.

Tôi cũng nói thêm là bản thân tôi cũng được nhiều người nâng đỡ. Khi còn làm biên tập viên thơ, đọc chùm thơ của tôi gửi dự thi ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phạm Tiến Duật có nói với tôi “em chưa đủ lông, đủ cánh”. Vài năm sau, khi đọc thơ tôi, nhà thơ có nói “hãy bay đi”. Không những vậy, ông còn mời cơm khoảng hơn chục người viết trẻ, trong bữa cơm đó, nhà thơ có nói ai có thể đi đâu thì đi, riêng Nguyễn Quang Thiều hãy ở lại và sống với thơ. Đến giờ tôi vẫn còn nguyên sự xúc động về điều đó.

Hay như nhà văn Triệu Bôn, khi công tác ở Nhà xuất bản Thanh niên, sau khi đọc bản thảo truyện ngắn của tôi, ông bèn gọi tôi ra hồ Hale trò truyện. Ông nói, em hãy viết đi, đừng bao giờ từ bỏ cây bút của mình. Những người đáng kính này tạo cho tôi sự tự tin trên con đường sáng tạo. Và nay, nếu có điều kiện tôi luôn làm vậy với những người tôi thấy có khả năng.

* Ông có thể nhìn nhận thêm về tài năng hiện tại của đất nước?

Tôi chỉ nói kỹ trong lĩnh vực văn học. Ở ta, đa phần mọi người đi học, học xong mong đi làm, đi làm rồi mong mua nhà, tậu xe. Gặp nhau ở đâu thường hỏi “lên đời xe gì rồi”. Trong khi những người ở phương Tây, đa số họ sẵn sàng ở nhà thuê, họ dồn thời gian và vật lực để thực hiện một khát vọng nào đó.

Cách tiếp cận về cuộc sống của chúng ta như tôi nói trên dễ làm thui chột tài năng.

Chưa kể ở ta đã và đang có không ít tài năng văn học nghệ thuật đầy hứa hẹn, nhưng rồi vì nhiều lý do không phát triển lên được. Đó là điều rất đáng tiếc.

Nhiều người có nói với tôi rằng, họ đã in ba tập thơ mà không ai biết đến. Tôi có nói lại lại rằng hãy cứ làm, hãy cứ tìm tòi theo đam mê của mình. Biết đâu đó, có một cô bé khi gặp hoàn cảnh gần như tuyệt vọng chẳng hạn, giờ phút đó cô bé bước vào thư viện, tìm trong những chồng sách cũ, bỗng dưng gặp được một câu thơ. Câu thơ đó dẫn dắt cô bé đến bên cửa sổ tràn ngập ánh sáng và đó chính là điều kỳ diệu của sáng tạo.

Năm 2003, tôi được mời sang Ailen dự trại sáng tác. Họ bố trí tôi ở một ngôi nhà trên núi. Khi tôi đi qua các vách núi, tôi vẫn thấy những bông hoa bừng nở trong bóng tối của khe núi. Ở đó rất ít người đặt chân đến. Tôi nghĩ, phải chăng những bông hoa kia âm thầm nở trong bóng tối và chờ đợi mình. Tôi cúi đầu trước những bông hoa âm thầm đó. Hay như người làng Chùa, nơi tôi sinh,  cũng có câu “hãy học những bông hoa nở trong bóng tối”.

Tôi muốn nói với mọi người trong sáng tạo đừng nên sốt ruột, cứ lặng lẽ lao động hết mình thì sự kỳ diệu sẽ hiện ra.

* Không phải bây giờ, từ trên chục năm trước ông từng nói sẽ có nhà văn Việt Nam giành giải Nobel, vì sao lúc đó ông dám nói như vậy?

– Tôi thực sự thất vọng khi nhiều người giễu cợt khát vọng đó. Tôi không nói cái gì vô cớ. Những nhà văn có tiếng ở bắc Âu có nói với tôi rằng họ thèm khát hiện thực ở Việt Nam. Bởi đất nước của họ yên bình quá, mọi thứ ngăn nắp, trật tự quá, rất khó có gì nổi lên để viết. Họ nói, Việt Nam có hiện thực kỳ lạ và nếu họ được sống ở nước ta họ sẽ làm được cái gì đó.

Chúng ta có hiện thực, có khát vọng. Đã có những người Việt đạt được những thành tích tương tự.

Không chỉ vậy, ngay trong bóng đá, chúng ta cũng đã có những bước tiến dài trên hành trình phấn đấu dự World Cup. Vậy với giải Nobel, nếu giờ chưa có ai được trao thì 10 năm, 20 năm thậm chí 50 năm nữa sẽ có thể có.

Mấy ngày trước, Viện Hàn lâm Thụy Điển có gửi thư cho Hội Nhà văn Việt Nam. Trong thư, họ có đề nghị Hội Nhà văn tiến cử cho họ ứng viên tham dự giải Nobel 2022. Ít nhất đó là tín hiệu tốt bởi từ khi Hội Nhà văn thành lập đến nay mới nhận được thư đề nghị tiến cử của Viện hàn lâm Thụy Điển.

* Theo ông, vì sao thời điểm này họ mới gửi thư đề nghị Hội Nhà văn tiến cử ứng viên cho giải Nobel?

Có hai chuyện mà tôi muốn nói để trả lời câu hỏi này. Thứ nhất, giải Nobel có yếu tố chính trị hay không? Phải nói là có. Thế nhưng ngày nay Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và trở thành thành viên tin cậy của cộng đồng thế giới nên ranh giới ngày càng bị xóa mờ. Khi hội nhập như vậy, nhiều quốc gia họ thấy rõ rằng ở Việt Nam có một nền văn chương thực sự.

Thứ đến, với sự xuất hiện và được các giải thưởng quốc tế khác nhau của nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam cũng đã khiến cho Viện hàn lâm Thụy Điển thấy rõ ở nền văn học Việt Nam có thể có điều gì đó.

Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn!

Theo Khôi Nguyên/VietNamNet