Nhà thơ Nguyên Sa và tình yêu tuổi ngọc

3040

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trên văn đàn từ thập niên 50-60 thế kỷ trước ở Sài Gòn, nhà thơ Nguyên Sa là một ngôi sao lớn có ánh sáng đặc thù trong vũ trụ thi ca. Ngoài những tác phẩm văn xuôi, thơ của Nguyên Sa vừa có tính cách tân vừa hòa hợp ít tìm thấy trong thơ của các thi sĩ cùng thời.

Nhà thơ Nguyên Sa khi còn trẻ

Sau khi đỗ tú tài I, từ Cần Thơ, tôi được thầy dạy tiếng Pháp của tôi, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Kính, gởi lên học tiếp tại trường Chu Văn An ở cuối đường Trần Bình Trọng, gần Trung tâm Học liệu ngày ấy. Vì lúc bấy giờ ở tỉnh nhà chưa có lớp Đệ Nhất (lớp 12 ngày nay). Thầy tôi dịu dàng bảo: Ở đó có nhiều giáo sư giỏi, thầy có quen với hiệu trưởng Trần Văn Việt, con học ở đó tốt lắm.

Ngày nhập học, từ nhà trọ ở khu Nancy đường Trần Hưng Đạo, trên chiếc xe đạp cà tàng, tôi một mình lần mò đến ngôi trường trung học xa lạ chưa quen lớp quen thầy. Vào trường, nhìn lên tường xem sơ đồ và thời dụng biểu để tìm lớp, tôi vào học lớp Đệ Nhất B3, ban Toán có môn Triết do giáo sư Trần Bích Lan phụ trách. Tôi thoáng cảm thấy là lạ với cái tên rất con gái của thầy dạy Triết. Khi vào học, tôi mới biết ra thầy Trần Bích Lan là nam giáo sư và đó cũng chính là nhà thơ nổi tiếng lẫy lừng Nguyên Sa trên thi đàn miền Nam lúc bấy giờ, có nhiều bài thơ hay tôi đã thuộc lòng từ thời Đệ Nhất cấp và tôi cũng đã mua gần đủ hết tác phẩm của thi sĩ.

Nhà thơ Nguyên Sa(1932-1998) – có nghĩa chỉ là hạt cát, còn có bút danh Hư Trúc, tức giáo sư tên thật Trần Bích Lan, là người gốc Huế có ông cố là Trần Trạm làm Thương thư bộ Lại thời nhà Nguyễn, sau về hưu tại thủ đô. Sinh ra tại Hà Nội, Trần Bích                                                                   Lan xuất thân từ một gia đình trí thức công giáo. Khi cuộc kháng chiến 9 năm bùng nổ, cả nhà  ông tản cư đi Hà Đông. Nơi đây, 14 tuổi, lúc cha đang làm kinh tài cho Việt Minh, cậu bé Trần Bích Lan được chính quyền kháng chiến tạm giữ chân một thời gian vì ngại người cha không chịu nỗi gian khổ mà bỏ về thành. Sau khi hồi cư về Hà Nội một năm, Trần Bích Lan được gia đình cho qua Pháp (1949) du học tại kinh đô ánh sáng Paris. Sau khi đậu Tú Tài (Baccalauréat) năm 1953, Trần Bích Lan ghi danh học Triết (Philosophie) tại Đại học Sorbonne và bắt đầu sáng tác thơ. Ngoài những buổi học ở nhà trường, chàng sinh viên yêu văn chương thường lân la đến khu Saint Germain des Prés – Paris, cái nôi của thanh niên lớp “đợt sóng mới” thường đọc Buồn nôn (La nausée – J. Paul Sartre) , Vị khách mời (L’Invitée – Simoine de Beauvoir) hay Người xa lạ (L’Étranger – Albert Camus) những tác phẩm có khuynh hướng cổ xúy cho tư tưởng Hiện sinh (L’Existentialisme (1)) được coi là chủ trương lối sống hiện tại, yêu vội sống cuồng.

Sau khi đỗ Cử nhân Triết (Licencié en Philosophie), Nguyên Sa lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga (1955). Một năm sau, hai ông bà về nước và sống tại Sài Gòn. Vừa dạy Triết tại trường Trung học Chu Văn An,  Đại học Văn khoa Sài Gòn, vừa mở lớp dạy Triết thêm tại nhà cho học sinh. Hoạt động văn hóa văn nghệ không mệt mỏi, Trần Bích Lan cũng mở thêm hai tư thục, cộng tác với nhiều trường tư khác ở Sài Gòn đồng thời chủ trương tạp chí Hiện Đại, một trong các tạp chí văn học hàng đầu ở miền Nam như: Nhân loại (Đông Hồ), Nghiên cứu Văn học (LM. Thanh Lãng), Văn học (Phan Kim Thịnh), Văn (Trần Phong Giao)…

Trên lĩnh vực thi đàn ở Sài Gòn lúc bấy giờ, trong số những văn nghệ sĩ được công chúng biết tới như: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Viễn Phương, Kiên Giang, Vũ Anh Khanh, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Phạm Thiên Thư… nhà thơ Nguyên Sa là một khuôn mặt thi ca nổi tiếng, khác biệt rõ nét ở phong cách sáng tác về nội dung chủ đề và bút pháp nghệ thuật.

Một tập thơ của Nguyên Sa

Trên bình diện bút pháp nghệ thuật, Nguyên Sa không quá câu nệ theo sát vần điệu, câu cú, tiếng trắc bình như các nhà thơ luật hay thơ mới. Nguyên Sa chia sẻ: “Vần chỉnh không cần sự hỗ trợ, không cần sự phối âm, nhưng sử dụng nền âm thanh khác biệt có khả năng làm cho vần thông trở thành vần chính, vần cưỡng và ngay cả vần lạc cũng được nắm tay giữ được trong khoảng không gian giữa trời, giữa đất mênh mông”.

Từ chủ trương thoáng mở về thi pháp đó mà nhiều bài thơ của Nguyên Sa có giai điệu phong phú, khá độc đáo ngoài cái thi tứ mới lạ sâu lắng về nội dung tư tưởng. Ngoài truyện dài “Vài ngày làm iệc ở Chung Sự Vụ”  hay “Sân bắn” (trước 1975 ở Sài Gòn) là có dính dáng đến chiến tranh chết chóc và đến ta-địch, Nguyên Sa chỉ khu biệt chủ đề tư tưởng sáng tác của mình trong không gian tình yêu tuổi mới lớn gần hơn hết là ở phạm vi trường học. Nguyên Sa muốn tránh đi cái hoàn cảnh xã hội đau thương tang tóc bên ngoài vì chiến tranh mà tìm nơi ẩn trú trong không gian vô biên giới của thi ca.

Tình yêu hay ái tình (Amour/Love),theo nhà văn Roger Vaillant là những gì xảy ra giữa hai người yêu nhau (2). Với ta, có thể coi đó là một thế giới phi vật thể mênh mông sâu thẳm, của đối tác tình cảm trong cuộc. Tình yêu của tuổi mới lớn càng chập chùng như ma trận.  Mỗi nhà thơ nhìn phạm trù siêu thực này không giống nhau.

*

Khi ông hoàng thơ tình Xuân Diệu khắc khoải nhìn tình yêu bằng đôi mắt triết lý qua những cánh thư tình đầu tiên, còn đắn đo e ấp: “Thư thì mỏng như cuộc đời mộng ảo/ Tình thì buồn như tất cả chia ly/ Giấy phong kín mang thầm trong túi áo/ Mãi trăm lần chép lại mới đưa đi”. Thì, Huy Cận nói đến nó với nỗi bất ngờ, thảng thốt: “Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn/ Tuổi hai mươi đến có ai ngờ/ Một hôm trận gió tình yêu lại/ Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” Và Kiên Giang thi vị, mộc mạc, dùng dằng: “Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông/ Làm thơ sầu mộng dệt tình thương/ Để nghe khe khẽ lời em nguyện/ Thơ thẩn chờ em trước giáo đường”. Trong khi Lưu Trọng Lư, đa tình và mơ mộng hơn: “Chưa biết tên nàng, biết tuổi nàng/ Mà sầu trong dạ đã mang mang/ Tình yêu như bóng trăng hiu quạnh/ Lặng lẽ đêm trường dải gió sương”. Khi Vũ Hoàng Chương khắc khoải hoài niệm: “Yêu một phút để mang sầu trọn kiếp/ Tình mười năm còn lại mấy tờ thư” thì Nguyễn Bính hồn nhiên ngây thơ trong tình cảm lứa đôi của tuổi học trò: “Học trò trường huyện ngày năm ấy/ Anh tuổi bằng em, lớp tuổi thơ/ Những buổi học về không có nón/ Đội đầu chung một lá sen tơ”. Nghiệt ngã đắng cay hơn, tình yêu – hội ngộ với Ngũ Lang mang ý nghĩa phù vân, khắc khoải một nỗi niềm ly biệt – chia xa: “Tình yêu như cánh gió/ Chợt đến rồi bay đi/ Chỉ một câu đoàn tụ/ Mang nghìn nghĩa biệt ly/ Gặp nhau mới lần đầu/ Sao lại là lần cuối/ Ân ái chửa tươi màu/ Xui hồn lên khắc khoải” (Bến tình)… Hàn Mặc Tử cảm nhận tình yêu mất là chết đi nửa mình: “Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Một nhà thơ phương Tây thì khắc khoải khi vắng bóng người thương: “Một người mà thiếu một người/ Vắng em là cả đất trời quạnh hiu” (Un seul être vous manque, tout est dépeuplé (3)). Thế giới tình yêu trong thơ Nguyên Sa đến với ta bằng tất cả cảm nhận mới và lạ, vừa hòa hợp sắc màu nghệ thuật, vừa sâu lắng thi tứ khiến người đọc phải bâng khuâng tư duy không ít.

Nhà thơ Nguyên Sa coi tình yêu từ tuổi teen hồn nhiên trước hết ở sự đồng nhất giữa hai đối tác, mới mong hạnh phúc: “Áo nàng vàng, tôi về yêu hoa cúc/ Áo nàng xanh, tôi mến lá sân trường/ Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương/ Tôi thay mực cho vừa màu áo tím” (Tuổi mười ba), tác giả đã sử dụng thể thơ mới 8 chữ (alexandrin) theo vần liền, loại vần chính: trường/đương một cách sát sao, đoạn thơ có dùng biện pháp liên tưởng: tóc vàng > hoa cúc; áo xanh > lá sân trường; áo tím > thay mực (tím) hoặc: “Mái tóc 15 trên lá tung tăng/ Em ném vào phố phường niềm vui rừng núi” (Buổi sáng học trò). Tình yêu tuổi ngọc cũng là: sự vuông tròn – như một cặp đôi, hai mà là một/một mà hai:“Không có anh lấy ai đưa em đi học về/ Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học/ Ai lau nước mắt cho em ngồi khóc/ Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa” (Cần thiết), câu thơ không cần đúng 8 chữ nhưng lời lẽ tự nhiên như câu nói thường nhật thể hiện sự chân thành trong yêu đương. Có những câu thơ tả thực hay mượn chi tiết cô đặc, hình ảnh, màu sắc rất thi vị để gợi lên ý tưởng: “Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm/ Tờ hoa trong sách cũng nằm im/ Đầu thư và cuối cùng trang giấy/ Những chữ y dài trông rất ngoan” hoặc “Sài Gòn tối đi học một mình/ Cột đèn theo gót bóng lung linh/ Mặt trăng theo ánh đèn trăng sáng/ Đôi mắt trông vời theo ánh trăng”, tác giả đảm bảo ý bằng cách dùng vần thông: nghiêm-im-ngoan// mình -linh- trăng huống chi là thanh âm bằng trắc. Trong các bài được coi là nổi tiếng của Nguyên Sa được nhiều người thuộc lòng: Paris có gì lạ không em Áo lụa Hà Đông, nhà thơ đã xen cả tiếng Tây: Seine/ Solex/ gants vào bài thơ mới 7 chữ tiếng Việt để làm mới một bài thơ vốn đã giàu nhạc điệu và hình ảnh: “Mai anh về giữa bến sông Seine”// “Sài Gòn phóng Solex rất nhanh/ Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants” (bao tay).

Nhận định về nhà thơ Nguyên Sa, một nhà văn-họa sĩ có tiếng trong làng văn học nghệ thuật miền Nam lúc bấy giờ, đã viết trong Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay: “Nỗi đau của Nguyên Sa đã biến thành cái Đẹp… Nếu có một dòng thơ nào nhắc đến chiến tranh, Nguyên Sa cố cho nó lướt nhanh và mờ đi giữa những hình ảnh và ý nghĩ dạt dào nóng bỏng của môi hôn. Nguyên Sa đã sống ngoài cuộc sống và đặt thi ca vào đúng vị trí của nó trong môi trường vĩnh cửu” (Tạ Tỵ).                                                                                                                                              

Chung kết lại, trên văn đàn từ thập niên 50-60 ở Sài Gòn, nhà thơ Nguyên Sa là một ngôi sao lớn có ánh sáng đặc thù trong vũ trụ thi ca. Ngoài những tác phẩm văn xuôi, thơ của Nguyên Sa vừa có tính cách tân vừa hòa hợp ít tìm thấy trong thơ của các thi sĩ cùng thời. Về mảng thơ tình, những bài thơ của Nguyên Sa sáng tác về tình yêu tuổi ngọc được xem là độc đáo, nhiều bài được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc và được trình bày rộng khắp một thời ở miền Nam. Do hoàn cảnh đất nước trước đây, nhà thơ Nguyên Sa hiếm được nhắc tới nên chưa được đánh giá đúng mức với tài năng thực sự của nhà thơ. Trong tương lai gần hy vọng giáo sư, nhà thơ tình yêu tuổi ngọc Nguyên Sa sẽ có một vị trí xứng đáng trong nền văn học thống nhất và hòa hợp của nước nhà.

Thông tin thêm về nhà thơ Nguyên Sa

Xuất thân từ một giáo sư Triết, Nguyên Sa là một thi sĩ lãng mạn, viết về lứa tuổi mới lớn. Dù có truyện, biên khảo, hồi ký và soạn sách giáo khoa, nhà thơ Nguyên Sa vẫn nổi tiếng hơn ở thi ca từ thập niên đầu nửa sau thế kỷ 20. Phong cách thơ Nguyễn Sa rất riêng ở nội dung và đặc thù trong nghệ thuật. 

Tác phẩm của Nguyên Sa gồm có:

Thơ:
– Thơ Nguyên Sa (tập 1,2,3,4)
– Thơ Nguyên Sa toàn tập; Truyện dài: Giấc mơ (tập 1,2,3), Vài ngày làm việc ở Chung Sự Vụ

Truyện ngắn:
– Gõ đầu trẻ
– Mây bay đi

Bút ký:
– Đông du ký:

Hồi ký:
Nguyên Sa – Hồi ký

Biên khảo:
– Descartes nhìn từ phương Đông
– Một mình một ngựa
– Cuộc hành trình tên là lục bát

Sách giáo khoa:
– Luận lý học
– Tâm lý học

Những bài  thơ của Nguyên Sa được lớp tuổi teen (teenage) lúc bấy giờ chép trong nhật ký là: Tuổi mười ba, Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, Cần thiết, Tám phố Sài Gòn, Tháng Sáu trời mưa, Tương tư,…                                     

N.T 

(1)Người ta quen dùng từ: Existentialisme/Existentialism/Existentialismus mang nghĩ chủ nghĩa Hiện sinh. Thực ra ý nghĩa đúng của từ này là: sự chủ nghĩa Tồn tại, xuất phát từ động từ exister/ to exist/ existieren (tiếng Pháp/ Anh/Đức, có nghĩa là: tồn tại, có.

(2)L’Amour, c’est ce qui se passe entre deux personnes qui s’aiment

(3)Un seul être vous manque, tout est dépeuplé.