Thật ra, tôi chẳng lấy làm lạ khi nhà văn Lại Văn Long được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận bộ tiểu thuyết hình sự Hồ sơ lửa (6 tập) của anh là bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam (11/2022). Bởi, thời buổi này, ít ai có can đảm viết dài như thế. Quý hơn, Hồ sơ lửa được nhà văn ấp ủ và viết trong 30 năm (1992-2022). Cũng hiếm có đồng nghiệp nào dám “mon men gợi ý” anh tặng cho bộ sách dày hơn 2.400 trang này. Đơn giản vì bộ sách khá đắt tiền và bản thân tác giả chỉ được nhà đầu tư tặng 20 bộ thay cho nhuận bút.
Đại diện tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác nhận kỷ lục cho nhà văn Lại Văn Long.
Quả tình không có nhuận bút cho bộ sách được viết trong 30 năm này. Ngạc nhiên hỏi tại sao, Lại Văn Long giải thích hiền khô: “In bộ sách này tốn rất nhiều tiền, có người in dùm đưa ra thị trường là mừng rồi, còn dám mơ chi nhuận bút!”. Ừ, thì cũng rơi vào tình trạng của nhiều nhà văn Việt Nam hiện nay. Có điều, tác phẩm được cưu mang và “cắc ca cắc củm” viết trong 30 năm mà in ra, không có nhuận bút nghe cũng “xót”. “Xót” hơn nữa là, bạn thấy nhà văn Lại Văn Long bên bàn viết chưa? Toàn viết tay, không xài máy tính. Từng chồng từng chồng bản thảo cao cao lên theo ngày tháng… Tôi hỏi Hồ sơ lửa anh viết cao bao nhiêu, suy nghĩ chút rồi bảo, chắc hơn nửa mét. Hỏi tại sao không xài word, bảo đánh dấu chữ Việt Nam không quen. Vợ và con cũng đã mua cho Lại Văn Long mấy máy tính màn hình khủng rồi, “chứng nào tật nấy”, cũng chỉ viết tay thôi. Viết tay cho sách nó thơm, anh lại cười hiền khô bảo thế!
Nhà văn viết tay của Việt Nam giờ hẳn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chủ yếu rơi vào các cụ thế hệ 4X. Còn Lại Văn Long thuộc thế hệ 6X, thế hệ gần như tiếp thu trọn tinh hoa máy tính du nhập vào Việt Nam vào những năm đầu thập kỷ 1990. Có khi “làm ngơ với máy tính” vậy mà hay, “nhà văn đi ngược chuyến tàu” mà! Viết trên word giờ, còn mấy nhà văn viết chữ đẹp, còn chữ Lại Văn Long vẫn nắn nót như cậu trò nhỏ cách nay vài chục năm.
Ơn đời “kẻ sát nhân lương thiện”
Lại Văn Long kể, cuộc đời anh “lên voi xuống chó” như đồ thị hình sin. Con nhà nghèo, học xong đại học, tự đi tìm việc làm ở một cơ quan nhà nước. Nhưng những giấc mơ về cuộc đời nhà hiền triết (đã vận vào nhiều tiểu thuyết của anh sau này) vẫn không thôi ấp ủ (sinh viên ngành triết mà!). May thời, ngày đẹp trời lang thang trong thành phố Đà Lạt, gặp nhà thơ thứ thiệt tận Hà Nội vào, khuyên anh viết văn để thực hiện giấc mơ này. Thế là Kẻ sát nhân lương thiện ra đời. Kẻ sát nhân lương thiện nổi đình nổi đám đưa chàng trai thật thà phố núi vào cơn viễn du định mệnh của nghề báo công an. Sau giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1990-1991, tác giả Kẻ sát nhân lương thiện được chính sếp báo Công an TP. Hồ Chí Minh mời về làm việc. Cái thời làm báo Công an TP. Hồ Chí Minh “tiền vô như nước sông Đà” với bao bận rộn đã khiến “nhà văn mới chớm” Lại Văn Long sớm biến mất trên văn đàn sau giải thưởng Kẻ sát nhân lương thiện đình đám.
Hồi người viết bài này (tôi) cũng đang viết văn ngon lành, tự dưng bỏ đi làm báo, các cụ nhà văn đỡ đầu bảo: “Đừng tay báo tay văn, coi chừng nghề văn sẽ chết!”. Chỉ đúng phần nào sau thời gian người viết tự thích nghi “tay báo tay văn” thôi. Chứ sau đó, máu mê văn chương tràn đầy thì nghề báo sẽ là “trợ thủ đắc lực” cho nghề văn. Tôi và Lại Văn Long nằm trong trường hợp này. Sau thời gian bận rộn và say mê nghề báo, Lại Văn Long cũng sớm trở lại nghề văn với hàng loạt sáng tác. Tâm sự với tôi, anh bảo: “Không có nghề báo thì tôi không có những cảnh đời cảnh người thực tế để trở thành tác giả 12 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn như hôm nay”.
Kẻ sát nhân lương thiện ra đời hơn 30 năm, giờ đọc lại vẫn thấy hay. “Tay” chập chững viết truyện ngắn một mạch liền tù tì (theo cái kiểu nghĩ được gì thì viết vội ra, kẻo “mất”) mà đọc rất “đượm”. Đường lối chủ nghĩa xã hội vận vào miền Nam những ngày sau 1975, cái gì cũng mới toanh. Mới cả trong cách nghĩ của một anh “con nhà” có cha đi làm cách mạng ba mươi năm. Mới hồn nhiên đến nỗi đọc qua không biết anh ta “phe” nào. Phe nào cũng xấu cũng tốt, phe nào cũng có điều nên và không nên nhưng nếu “lỡ xúc xiểm” vào cái ngưỡng được quyền làm người lương thiện của anh ta thì không được. Một cú đấm vào ngực thằng thất cơ lỡ vận, thế là bùng, thế là “sát nhân lương thiện”. Cách nhìn, cách nghĩ về “phe này phe kia” trong Kẻ sát nhân lương thiện của Lại Văn Long đến bây giờ vẫn còn mới. Và nhà văn cứ nhìn, cứ nghĩ theo cái cách của mình; chứ không nhìn không nghĩ hộ ai hết, cho nên nhà văn thắng. Tuổi 26 mà viết vậy là “siêu” rồi! Chẳng thế mà từ Kẻ sát nhân lương thiện, Lại Văn Long từ Lâm Đồng chuyển về TP. Hồ Chí Minh làm báo công an nổi đình nổi đám, gầy dựng nên cơ nghiệp cho đến ngày nay, nên anh “ơn đời Kẻ sát nhân lương thiện” là phải!
Nhà văn Lại Văn Long ký tặng sách cho bạn đọc
Đường trần gian ai đã qua đây…
Lại Văn Long cho biết, bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa là ước mơ cả đời anh. Hơn 2.400 trang với hơn 500 nhân vật chở nặng một đời làm văn làm báo. Tập 1 mang tên Mật danh D9 – tiếp theo là Oán thù trớ trêu, Gia tộc tướng cướp, Phát súng chính nghĩa, Lật án tử hình và Hồng nhan sương khói. Tất cả là những “pha” phòng chống tội phạm đầy gian khổ mà hào hùng, mưu trí của lực lượng công an. Hỏi anh vừa ý tập nào nhất, bảo tập nào cũng thích vì đó là “chắt chiu nghề nghiệp” và “gia sản để đời”. Về những nhân vật trong các vụ án cũng có nhiều nhà văn công an viết, hơn 500 nhân vật của Lại Văn Long trong Hồ sơ lửa khác các nhân vật của các nhà văn khác như thế nào? Trả lời đơn giản: “Tôi viết thành tiểu thuyết; còn các đồng nghiệp viết bút ký, truyện ngắn”.
Nhà văn máu mê tiểu thuyết này còn đến những ba bản thảo tiểu thuyết chờ in. Có thể hào hứng giới thiệu trước tiểu thuyết Thánh thi. Mà thật ra, Thánh thi cũng đã dự in đôi ba lần nhưng còn chờ “tút” lại cho hợp lý hơn, hấp dẫn hơn. Thánh thi khoảng 800 trang, gần như là tiểu thuyết huyền ảo giữa bề bộn đời thường. Các bậc thánh nhân trong Thánh thi luôn trăn trở và muốn đời sống con người ngày càng tốt đẹp hơn, ngày càng phải được trở về đúng “ngăn” của nó. Cũng “thẳng ruột ngựa” như Kẻ sát nhân lương thiện, cái nào tốt thì cũng đã tốt, cái nào xấu thì cũng đã xấu; vấn đề còn lại là loài người phải “sàng sảy”, chọn lọc như thế nào để ra một đời sống hợp lý hơn.
Trăn trở với nghề báo, sống chết với nghề văn nhưng nhà báo – nhà văn Lại Văn Long không “tơ hào” gì đến con đường danh vọng. Hạnh phúc của anh được tâm niệm là một cuộc sống gia đình yên ổn, một công việc được mình yêu thích. Đặc biệt riêng với anh, tâm niệm đến cuối đời phải có một bộ tiểu thuyết vài ngàn trang, với Hồ sơ lửa, xem như anh đã mãn nguyện. Thế, liệu anh sẽ còn cho ra đời tác phẩm gì nữa không? Bảo, không nói trước được, nhà văn không thể nói gác bút lúc này hay lúc khác, khi nào thấy cuộc sống thôi thúc thì lại viết.
Cùng là nhà văn nhà báo trong ngành công an như các đồng nghiệp khác, nhưng sau hơn 30 năm lăn lộn trong nghề, Lại Văn Long vẫn không có một “phiên hiệu” nào đặc biệt. Đơn giản vì anh quá “máu nghề” nên có thời gian bị “vướng” tai nạn nghề nghiệp. Dẫu vậy, sau cơn mưa trời lại sáng, khi rắc rối qua đi, anh lại tiếp tục là một tay viết mẫn cán, một tay biên tập có nghề và có trách nhiệm. Trải lòng giữa đồng nghiệp với nhau, Lại Văn Long tâm sự: “Nhà văn nhà báo được làm nghề cho thật máu lửa là thích nhất, còn các chức danh và giải thưởng này nọ chỉ là hương hoa cho đời đẹp hơn thôi, đúng không?”.
Tuổi năm mươi ngấp nghé thềm sáu mươi, tuổi chưa già nhưng cũng không còn trẻ nữa, tôi đồ rằng, ngòi bút nhà báo nhà văn Lại Văn Long sẽ vẫn thẳng băng cho đến hết đời. Bởi đọc anh, tiếp xúc với anh, tôi thấy anh quả thật là một nhà báo nhà văn hồn nhiên và lương thiện. Chữ nghĩa của anh không có bề ẻo lả để hướng theo những hơi huốm chính trị thịnh hành, mà vẫn như thế, vẫn là anh nông dân tốt nghiệp đại học như cái thời chàng trai trẻ xông thẳng vào công đường xin việc ở tuổi hai mươi hai. Cái gì phải tốt thì vẫn tốt. Cái gì đã xấu thì vẫn xấu. Cứ thẳng băng như thế cho nhẹ nhàng. Tôi cũng như các đồng nghiệp khác, đang chờ đọc Thánh thi và Á nhân của Lại Văn Long. Các nhân vật triết học sẽ xuất hiện hơi nhiều trong hai tác phẩm này. Nhưng quả thật, đã được nghe tác giả “bật mí” sơ sơ về hai tác phẩm, tôi thấy các nhân vật triết học của Thánh thi – Á nhân suy nghĩ và hành động trên tinh thần hiệp sĩ hơn là tinh thần triết học – đúng như con người ông nhà văn Lại Văn Long vậy. Đường trần gian ai đã qua đây, ai chưa qua chưa phải là người…
Theo Thu Trân/Văn nghệ