Nhìn về phía trước

652

Nguyễn Thanh

*Nhớ anh Trần Hoán

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sột soạt!… Rào rào!… Tiếng chổi quét lá cây khô, tiếng học sinh trò chuyện đan xen nhau, tạo nên một thứ âm thanh lào xào, rì rầm trong buổi lao động ở một góc sân trường, chuẩn bị ngày khai giảng năm học mới. Ngày ấy, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, một buổi sáng, nắng mai từ phương đông, trong suốt như thủy tinh, len lỏi xuyên qua tàng còng già, óng ánh chiếu trên những khuôn mặt trẻ ướt đẫm mồ hôi mà vẫn như chưa thấm mệt.

– Gần hoàn thành công tác rồi các em ơi! Gắng hốt gọn sạch rác cỏ nữa là xong.

Giọng nói ấm áp thân mật của Phong vang lên khi anh trìu mến đưa mắt nhìn về những học sinh đang hăng say lao động. Phút chốc, sân trường Cấp 3 Thành phố đã sạch sẽ, chan hòa ánh nắng vừa mát dịu lại của một ngày cuối thu.

– Xong việc, một lát nữa mời thầy Phong lên phòng hiệu trưởng nhé. Chi Gương Sáng muốn gặp thầy để trao đổi chút việc.

Phong nghe rõ giọng nói quen thuộc của chị Hồng, giám thị của trường đang đứng bên hành lang gần đó, nhìn về anh.

Phòng hiệu trưởng không rộng, chỉ đủ chứa vài đồ đạc và dụng cụ cần thiết: tủ đựng hồ sơ quan trọng, bảng phân giờ dạy cho giáo viên… Trên một mảng tường ngang bên trái, treo lủ khủ từng xấp đồ dùng dạy học. Bàn làm việc hiệu trưởng nằm ở giữa phòng sát tường, nhìn xéo ra cửa vào. Trên cao mảng tường đối diện với hiệu trưởng là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang trọng trong khuôn kiếng màu sáng trong đó Bác Hồ đang nhìn về mọi người với nụ cười thân thiện. Bên dưới ảnh lãnh tụ là câu danh ngôn: KHÔNG CÓ GÌ QUÍ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO mà Phong đã bắt thang vẽ trong những ngày đầu tháng 5/1975. Câu nói nổi tiếng của Bác Hồ được kỹ lưỡng sơn màu đỏ thắm với nét chữ chân phương dễ đọc, nổi bật trên nền tường lam dịu.

– Dạ, thưa chị…

– Chào đồng chí Phong. Mời đồng chí ngồi vào đây. Chị Gương Sáng thân mật mời Phong.

– Thưa, hiệu trưởng gọi tôi?

– Tôi có chút việc muốn đề nghị với đồng chí.

– Dạ…?

– Như đồng chí biết, trường ta đang dần đi vào ổn định các mặt. Bên cạnh phần chuyên môn được coi là nòng cốt, các phong trào thi đua cũng cần được phát huy nội dung lời dạy của Bác Hồ cho giáo viên và học sinh: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải ra sức dạy tốt, học tốt”.

Công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên vô cùng quan trọng. Nó là bệ phóng tốt cho mọi hoạt động khác của nhà trường. Do vậy, tôi có ý này muốn bàn với đồng chí… Hiệu trưởng Nguyễn Thị Gương Sáng dừng lại một phút, chậm rãi nói tiếp:

– Năm học mới này, tôi muốn phân công đồng chí chủ nhiệm lớp 11C2, thay cho anh Nguyễn Đình Sửu đã chủ nhiệm lớp này trong năm học vừa qua. Biết đồng chí cũng đang bận rộn với nhiều công tác đoàn thể khác và mới đi công tác hè “Diệt dốt” vừa qua ở Ba Trinh. Nhưng tôi tin ở khả năng và nhiệt tình của đồng chí.

– Dạ, xin cảm ơn hiệu trưởng về sự chiếu cố đến tôi. Nhưng tôi chỉ e sự cố gắng hạn chế của mình có thể làm phụ lòng chị. Tôi nghĩ trong nhà trường còn nhiều giáo viên trẻ năng nổ, tích cực, có thể làm tốt công tác đó.

– Anh đừng ngại, mình vừa làm vừa rút kinh nghiệm mà.

Trước đề nghị khéo của hiệu trưởng, Phong nhận công tác vì anh cũng đang đứng lớp dạy Văn trong khối.

“Được tín nhiệm và nhận nhiều công tác trong hoàn cảnh đất nước mới giải phóng là điều hạnh phúc”, Phong tự nghĩ. Giờ đây, anh nhận chủ nhiệm thêm lớp 11C ngoài việc phụ trách khối, còn công tác ở ban chấp hành Hội văn nghệ giải phóng thành phố, kiêm thêm ban Tuyên truyền – Báo chí và ban Trang trí ở trường. Không lo vì công việc đa đoan hay nặng nhọc, Phong chỉ băn khoăn sợ mình không làm tròn hết công việc cấp trên giao phó.

Chỉ còn hơn tuần lễ nữa là tới ngày khai giảng năm học mới.

Mọi công việc đã được chuẩn bị chu đáo. Sân trường sạch cỏ, thoáng mát thêm vì mấy cây điệp còi, vài cây còng lão đã được thay thế bằng những bồn hoa đẹp đủ loại. Màu lam dịu còn thơm mùi nước vôi mới của vách tường ba dãy lớp và phòng thí nghiệm làm nổi bật sắc cờ hồng phấp phới dưới bầu trời quang đãng. Ngày 5/9 đến gần, Phong càng nghĩ đến trách nhiệm của mình. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân thoái bộ của phong trào lớp ở năm trước, Phong nhận xét: đa phần học sinh chăm học, có ý thức tổ chức và kỷ luật. Sức mạnh của tập thể lớp biết đâu có thể như một mạch nước ngầm. Phong hâm hở quyết khơi dậy mạch nước ngầm đó.

Bắt đầu ổn định giàn cán bộ lớp xong, trước tiên anh đi thăm từng gia đình học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phong tự nghĩ: Chiến thắng không gian khổ thì không vinh quang” và Phong ra nghị quyết cho mình:

– Lớp 11C2 phải vươn lên, “chiến thắng” và đạt cờ đỏ trong khối năm nay! Và có thể còn đi xa, bay cao hơn nữa…? Anh phấn khởi vì không có học sinh cá biệt trong lớp. Phong xem lại sổ đầu bài của lớp năm trước và của lớp anh đang chủ nhiệm năm nay để đọc kỹ nhận xét, đánh giá của giáo viên bộ môn. Phong thấy hầu hết là tiết B, C… Tuần nào cũng có tiết D. Trong khi tiết A quí giá lại hiếm khi xuất hiện, đó là điều làm anh phải quan tâm. Phong quyết tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân dẫn đến sự đánh giá của giáo viên.

– Phải làm cho tiết A nở ra, giảm tiết C và không để tiết D có mặt trong sổ đầu bài!

Anh lạc quan, tin tưởng ở học sinh và ở mình.

Công tác ở trường mỗi ngày nối tiếp đều đặn như một mắt xích khiến Phong quên dần đi hoàn cảnh đặc biệt của mình: một đám con thơ chiu chít mồ côi mẹ đã gần mười năm thường xuyên phải ăn cơm độn khoai, bắp trong khi anh mỗi ngày phải thức dậy từ 3 giờ khuya để chạy xe đạp ôm. Phong hì hục mang chiếc xe đạp cà tàng, khi ra Bến Xe Mới hay bến bắc, khi ở đèn Ba Ngọn hoặc Chợ Gà, chực chờ đón khách mong kiếm được ít tiền còm để nuôi đám con bất hạnh…

Những buổi trống giờ hoặc không đứng lớp, Phong tranh thủ xin phép dự giờ giảng của tất cả đồng nghiệp có giờ dạy ở lớp mình. Với vốn kiến thức khá về các môn học chính, tích lũy được từ quá trình cần cù ham học bẩm sinh, anh tiếp thu và đánh giá không mấy khó về các tiết lên lớp của giáo viên cũng như năng lực học tập, ý thức kỷ luật của học sinh lớp mình chủ nhiệm. Từ đó, Phong sớm phát hiện ra nguyên nhân trì trệ của đám học trò mình trong thời gian trước đây. Anh tự nhủ:

Là ngọn đuốc sáng cho học sinh, trước hết mình phải tự thân nổ lực và dũng cảm hơn. Anh soạn giáo án công phu, sạch đẹp sau khi thông qua ở nhóm chuyên môn. Phong bắt đầu mạnh dạn phê tiết A một cách khách quan vào sổ đầu bài lớp mình. Vì các em đã thật sự xứng đáng: thuộc và hiểu bài, làm tốt đủ bài tập, phát biểu hăng hái, sinh động mà lớp học vẫn trật tự, yên lặng. Trong khi một vài giáo viên bộ môn đến bây giờ đây vẫn chưa cho lớp tiết học tốt vì định kiến đã hằn vết trong tâm thức, dù các em đã “ngộ” hoàn toàn, tự lột xác kén để hóa thân thành những chú bướm đẹp bay lên! Vài tuần lễ qua, Phong sung sướng nhận ra ở sổ đầu bài của lớp chủ nhiệm các tiết học A xuất hiện mỗi lúc càng tăng, tiết C giảm rõ, đi dần đến chỗ ít thấy.

Và tiết D “hung thần”, nỗi sợ hãi của cả lớp đã bị thầy trò Phong tiêu diệt mất dạng. Kiểm điểm lại thành tựu bước đầu, Phong xúc động nhớ kế hoạch đề ra, học sinh anh đã thực thi sát sao nên đã làm nên chiến thắng vẻ vang. “Đám con anh” vẫn tiếp tục phát huy cao độ thành tích tuyệt vời đã đạt được: học tập tốt, tự tin, các tổ học tập trong lớp thi đua hăng hái đưa tay phát biểu ý kiến sôi nổi như “trăm hoa đua nở”.

Giáo viên bộ môn bắt đầu nhìn lớp 11C với “đôi mắt xanh”. Mỗi tuần, Phong âm thầm tổng kết và so sánh với tiết học tốt của lớp mình với các lớp khác trong khối. Nhất là những lớp thường dẫn đầu khối trước đây. Anh đã bám theo lớp mình như bóng với hình, coi học sinh như những đứa con thân yêu trong một đại gia đình. Kết quả rực rỡ đến với thầy trò Phong vượt quá mong ước ban đầu của anh!

Trong các đợt thi đua do nhà trường hay khối phát động, lớp 11C nhiệt tình tham gia đầy đủ và đã thắng lợi về nhiều mặt: học tập, báo chí, văn nghệ, thể thao, lao động…

Lễ tổng kết thi đua đợt đầu của năm học tổ chức trong sân trường. Em Lê Văn Quận, học sinh lớp trưởng, với vóc người gầy ốm, vẻ mặt hiền lành, cứ lục tục thay mặt lớp, được gọi ra lãnh cờ đỏ, giấy khen… trước sự ngạc nhiên và tán thưởng nồng nhiệt của toàn trường và phụ huynh học sinh.

Ngồi trên kháng đài giáo viên trong sân cờ, Phong cảm thấy sung sướng tự hào về mình thì ít, mà về lớp anh chủ nhiệm thì nhiều. Anh thầm nghĩ với một nỗi xúc động chân thành: Các em đã đi lên từ một lớp cờ vàng, vượt qua cờ xanh và vươn lên giành được cờ đỏ, dẫn đầu khối về thi đua một cách “thần kỳ”. Thầy trò ta xứng đáng được hưởng niềm vui cao đẹp đó như một phần thưởng quí báu của tuổi học trò và trong đời nhà giáo – “người kỹ sư tâm hồn” trong sự nghiệp trồng người.

Buổi sáng gần cuối chạp âm lịch tại phòng Truyền thống, Phong thanh thản ngồi vẽ cho tờ báo xuân “Vững bước đi lên” của trường cùng các em học sinh trong ban Trang trí. Theo đề nghị của anh Phó Ty Giáo dục Trần Hoán, anh Vũ Xuân Hương, cán bộ phụ trách Công đoàn Ty Giáo dục, được cử đến trường Cấp 3/TP để gặp Phong.

– Xin anh Phong cho biết “bí quyết” nào để giúp một giáo viên có hoàn cảnh vô cùng khó khăn như anh, đưa được lớp chủ nhiệm của mình từ yếu lên tốt và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ như vậy?

– Thưa anh, chân thành mà nói, tôi không có chi gọi là “bí quyết” trong thành tựu đó cả. Có được kết quả đó là do một quyết tâm cao ở thầy trò chúng tôi cộng với sự giúp đỡ của khối, sự tin cậy của ban lãnh đạo nhà trường. Và trên hết cả, chúng tôi luôn làm việc theo lời khuyên quí giá của Bác Hồ kính yêu: “Quyết chí ắt làm nên”.

Trên cành sao chênh vênh trước cổng trường, chú chim chìa vôi bỗng líu lo cất lên những tiếng hót vui vầy. Mấy con én chờ xuân không biết từ đâu bất chợt bay về đậu trên nóc lầu cao, nhí nhảnh ngó dáo dác rồi yên lặng như đang lắng nghe… Ánh nắng trưa xanh màu ngọc bích của những ngày chớm xuân bỗng rực sáng lên, khiến quang cảnh sân trường thêm mênh mông và ấm áp như tâm hồn Phong lúc bấy giờ.

N.T