Những khoảnh khắc dịu mát

671

                                                                                                         Bích Ngân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Như bất kỳ người theo đuổi nghề nghiệp mang tính sáng tạo, nhà văn nhà thơ cũng là những kẻ độc hành, dù đang đồng hành với đồng nghiệp, với bạn bè hay với cả thế gian. 

Lần này, như lần trước năm trước, được sự phân công của Ban chấp hành Hội, tôi lại đưa đoàn nhà văn TP. Hồ Chí Minh đến Đà Lạt dự trại viết.

Với tôi, những chuyến đi mang tính tập thể của người cầm bút như dự trại viết, đi thực tế đó đây cũng chỉ là những cơ hội để có thể thấy rõ hơn hay trong tình huống nào đó, trong không gian gặp gỡ nào đó, có thể làm mờ nhòe cái ranh giới giữa cái riêng và cái không riêng. Người giữ được thế giới riêng tư cứ giữ. Người gia nhập được vào cái vừa riêng vừa chung cứ hồn nhiên nhập cuộc. Và thực tế cho thấy, cả người giữ kín niềm riêng và người bộc bạch nỗi niềm đều có thể tìm thấy hoặc tìm gặp được những điều có thể sẻ chia và cũng có thể tìm được một chút men nào đó có thể kích thích hay gợi mở ý tưởng sáng tạo, từ nơi mà họ đến, gặp gỡ, chia tay hay lưu giữ, kỷ niệm và ký ức.

Cũng như trại viết lần trước, lần này, anh chị em đoàn nhà văn qua sự nhiệt tâm tình nguyện làm “nhịp cầu” kết nối của PGS-TS, nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh, đã được đến tham quan Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, nơi có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố rộng rãi trong nước và trên các tạp chí quốc tế, đống thời tạo ra những công trình nghiên cứu, những sản phẩm khoa học phục vụ đời sống xã hội.

Tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, đoàn nhà văn được TS Nguyễn Trọng Ngọ, Phó Viện trưởng tiếp đón, sau đó được vào tham quan Lò phản ứng hạt nhân. Tại đây, đoàn được anh Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ, người trực tiếp điều hành sự vận hành của Lò, giới thiệu cụ thể hơn về sự vận hành và về những sản phẩm từ Lò phản ứng đã đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển của tỉnh Lâm Đồng thông qua những ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các dược chất phóng xạ được ứng dụng trong việc điều trị bệnh ung thư.

Lãnh đạo Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt tiếp đoàn nhà văn trước khi đoàn vào tham quan Lò phản ứng hạt nhân

Nhà văn Cao Chiến song ca cùng PGS –TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó giám đốc Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trong buổi khai mạc trai viết

Và cũng như lần trước, đoàn nhà văn TP.HCM được tham quan một số phong cảnh thiên nhiên, một số công trình kiến trúc, công trình văn hóa nổi tiếng của Đà Lạt.

Nhưng, khác với trại viết lần trước, lần này, trong buổi khai mạc có sự tham dự của nhà báo, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng. Sau buổi khai mạc, ngay lúc dự liên hoan, Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng đã liên lạc và mượn được xe của Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Lâm Đồng để đưa đoàn nhà văn thành phố tham quan Làng Cù Lần vào chiều hôm sau.

Chiều hôm sau, cùng đoàn đến Làng Cù Lần, ngoài nhà văn Nguyễn Thanh Đạm còn có nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hữu Nết, Phó chủ tịch Hội VHNT Lâm và nhạc sĩ Đình Nghĩ, nguyên Trưởng đoàn Ca múa nhạc tỉnh Lâm Đồng.

Làng Cù Lần là một thung lũng nằm giữa rừng thông, cách Đà Lạt khoảng hơn 20 cây số. Tại Làng Cù Lần, đoàn nhà văn chầm chậm bước theo con đường thoai thoải dốc dưới bóng cây, dừng lại ngắm ngắm nghía những gian hàng được thiết kế và xây dựng theo mô hình phỏng theo không gian văn hóa của núi rừng.

Tôi cùng một vài anh chị thích thú dừng lại khá lâu ở thư viện, nơi có hàng trăm đầu sách quý, trong đó có nhiều quyển sách bằng tiếng Pháp và những quyển được dịch sang tiếng Việt của Jacques Dournes được một học giả lớn về Tây Nguyên và một số tác giả chuyên gia về rừng tặng Làng.

Rồi chân tôi như không muốn bước khi ngắm những bức tượng gỗ u mặc với nhiều thế đứng ngồi được đặt ở nhiều nơi, bên những ngưỡng cửa, bệ cửa, lối đi chạy dài theo mái nhà rông…

Do trời đổ mưa nên đoàn không đi tham quan tiếp, đành bỏ lỡ dịp được ngắm nhìn thêm nhiều “tác phẩm” thấp thoáng giữa rừng xanh trong tiếng gió tiếng mưa.

Đoàn tập trung tại một sân khấu được thiết kế được phỏng theo hình ảnh ngôi nhà dài của đồng bào dân tộc K’Ho và thưởng thức chương trình văn nghệ cồng chiêng do các nghệ sĩ người dân tộc bản địa biểu diễn.

Sau khi thưởng thức chương trình văn nghệ mang ít nhiều hồn cốt núi rừng, đoàn nhà văn cùng các văn nghệ sĩ của Hội VHNT Lâm Đồng được ông chủ Làng Cù Lần, nhạc sĩ Văn Tuấn Anh thết đãi bữa tối với thực đơn đặc biệt – thực đơn Tây Nguyên (Cơm Lam, rượu cần, gà nướng, heo nướng, trứng luộc, bắp nướng và tráng miệng bằng khoai lang nướng chấm mật) và cùng “thết nhau” những câu chuyện về việc giữ rừng, giữ vẻ đẹp của rừng, giữ không gian văn hóa riêng biệt của Tây Nguyên…

Lúc rượu cần vài ba lượt, theo yêu cầu, nhạc sĩ Đình Nghĩ ôm đàn ghi ta và cất tiếng hát: “Yêu câu ca dao thương tiếng nước tôi. Dập dồi mơ đêm xanh mờ. Thuyền ngược xuôi chở buồn vui. Tiếng Việt rung rinh con tim mặt trời. Soi nghiêng chớp vắng chắn sóng cùng về. Tiếng Việt rêu phong Nam ai Nam bằng. Thanh âm ríu rít quấn quýt đưa nôi. Thiêng liêng tiếng Việt nước tôi…”.

Ca từ, giai điệu và giọng hát hết sức thiết tha của nhạc sĩ Đình Nghĩ, lại khiến tôi xúc động, như lần tôi không kềm được nước mắt khi nghe lời hát cất lên “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi…” mở đầu chương trình chào mừng Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức hồi đầu năm 2019, tại Hà Nội.

Có lẽ cũng xúc động trước bài hát “Ầu ơ tiếng Việt” được nhạc sĩ Đình Nghĩ hát bằng cả trái tim, nhà văn Nhật Chiêu hào hứng chứng minh về sự sức sống diệu kỳ của tiếng Việt. Nhà văn, dịch giả còn mở không gian rộng đến tận Ai Cập để nói về đế quốc từng có thời làm mưa gió cả thế giới mà không còn tiếng nói, không còn ngôn ngữ riêng cho dân tộc mình. Nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh góp thêm về sự gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt cũng như việc bảo vệ sự đa dạng của tiếng nói của các dân tộc khác, trong đó có tiếng nói của dân tộc Tây Nguyên. Trước đề tài ngẫu hứng mà lý thú và sôi nổi, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm gợi ý, Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng và Hội Nhà văn TP.HCM có thể tổ chức buổi tọa đàm về việc giữ gìn và làm phong phú thêm tiếng Việt trong sáng tác Văn học nghệ thuật.

Một số nhà văn của đoàn chụp hình với các nghệ sĩ dân tộc K” Ho

Đến lượt ông chủ Làng Cù Lần mà những người quen thân hay gọi là “Thằng Cù Lần”, khảy đàn và hát: “Thằng Cù Lần ngây thơ. Sống ở non cao rừng già. Chuyện đời mình quên. Lo đâu đâu chuyện nắng mưa. Lo thiên nhiên cháy. Lo tang hoang núi đồi. Nghe sông xanh ai lấp. Nghe ai đang ngăn suối. Tim hắn đau như thú hoang trúng thương bên đồi…”

Cảm xúc người nghe chợt vỡ hòa. Nhìn “Thằng Cù Lần”đắm say theo giai điệu và ca từ bài hát, tôi chợt thấy gương mặt người tạo ra bài hát “Cù Lần mơ” và tạo ra cả Làng Cù Lần, một địa chỉ văn hóa sinh thái khác biệt, nơi thu hút hàng trăm du khách trong nước và quốc tế mỗi ngày, thật hồn nhiên. Hồn nhiên và thơ trẻ. Như thiên nhiên. Như chú nai ngơ ngác giữa núi rừng. Và, cũng hồn nhiên đau cái nỗi đau “như thú hoang trúng thương bên đồi”.

Có lẽ, chính nhờ những giây phút thơ trẻ hồn nhiên đó, những giây phút “phiêu” tận mây xanh và cả những đớn đau kéo xuống vực sâu khi nhìn rừng bị tàn phá mà doanh nhân – nhạc sĩ Văn Tuấn Anh đã liều lĩnh tạo ra được Làng Cù Lần, một địa chỉ thật xanh cho một Tây Nguyên đang mất dần màu xanh vốn có của núi rừng.

Cảm xúc về rừng, về thiên nhiên như tràn trên các trang sáng tác của anh chị em đoàn nhà văn TP.HCM. Và dường như ai cũng có những bài thơ, những tản văn từ núi rừng, từ Đà Lạt, từ Tây Nguyên.

Dư vị từ Làng Cù Lần, dư hương từ núi rừng trong cơn mưa lất phất và dư âm từ những mất còn của rừng, của Tây Nguyên không dứt ra khỏi buổi lễ Bế mạc Trại viết.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, nhạc sĩ Văn Tuấn Anh, ông chủ Làng Cù Lần chụp hình cùng một số anh chị em dự trại viết

Ý kiến nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả như Nhật Chiêu, Tần Hoài Dạ Vũ, Tôn Nữ Thu Thủy, Cao Chiến, Trần Hoài Anh, Trầm Hương, Kao Sơn và ý kiến của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng – nhà văn Nguyễn Thanh Đạm và Nhà nhiếp ảnh Hà Hữu Nết, Tiến sĩ – nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh tập trung về chủ đề vừa thời sự vừa muôn đời: Sức sống thiên nhiên cũng như những nguy cơ hủy diệt môi trường sinh thái và nỗ lực góp phần bảo vệ thiên nhiên trong sáng tác văn học nghệ thuật, đặc biệt là thơ văn trong việc góp phần giữ gìn bảo vệ “bà mẹ thiên nhiên”, bảo vệ “sinh mệnh văn hóa bản địa”…

Buổi bế mạc trại trờ thành một bàn tròn về sinh thái và văn học sinh thái với nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi của nhà văn nhà thơ: Nhật Chiêu, Tôn nữ Thu Thủy, Trầm Hương, Trần Hoài Anh, Trần Hoài Dạ Vũ, Bạch  Nhật Phương, Kao Sơn, Nguyên Hùng…

Với tôi, người nhiều lần đến Đà lạt, dự trại viết của Hội Nhà văn Việt Nam, của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và hai lần đưa đoàn nhà văn dự trại viết tại Nhà Sáng tác Đà Lạt, được tiếp xúc với người Đà Lạt hay những người đã coi Đà Lạt là quê xứ của mình như PSG -TS Nguyễn Mộng Sinh, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm, nhà nhiếp ảnh Hà Hữu Nết, nhạc sĩ – doanh nhân Văn Tuấn Anh… tôi càng nhận rõ hơn, thứ tài sản quý giá của Đà Lạt, của Lâm Đồng còn là con người chân thành, mến khách và hào phóng.

Tính cách hào phóng, mến khách và quý bạn văn bạn viết của người Đà Lạt được nhà văn Nguyễn Thanh Đạm tô đậm thêm khi anh thay mặt Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng mời 5 nhà văn TP. HCM tham dự trại viết do Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại TP.Bảo Lộc vào cuối năm nay.

Bảy ngày cho một chuyến đi, một trại viết là quá ngắn. Tuy nhiên, trong bảy ngày ấy, những người cầm bút của TP. HCM và của Lâm Đồng cũng đã được gặp nhau, được sẻ chia, được khơi gợi nhiều cảm xúc và có những cảm xúc đã thành thơ, thành văn, thành những ký ức, thành những kỷ niệm được trân quý, nâng niu.

Đó là những khoảnh khắc dịu mát dưới bóng râm mà người cầm bút được gặp trong hành trình đầy nắng gió.

B.N