Trước hết là người tử tế

1120

Trần Thế Tuyển

(Vanchuongphuongnam.vn) – Các thầy cô giáo luôn ý thức được sứ mệnh cao cả. Muốn “trò ra trò”, trước hết phải “thầy ra thầy” – Thầy phải là người tử tế cả trong suy nghĩ và hành động. Có như thế mới xứng đáng là tấm gương lớn để các thế hệ học trò noi theo.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Từ xa xưa, khi chưa xuất hiện các mỹ từ thời thượng chỉ “người tốt, việc tốt”, ông cha ta đã dùng cụm từ “tử tế“ để “trao tặng“ cho những người có suy nghĩ và hành động tốt, trước hết là sự hy sinh lợi ích bản thân, cống hiến hết mình cho cộng đồng và xã hội.

Theo đó, người tử tế không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, tuổi tác, sắc tộc, cương vị công tác… miễn sao những việc làm, sự cống hiến của họ từ trái tim, không vụ lợi, hướng tới mọi người.

Nghề dạy học là một nghề như thế. Bởi vậy, ngàn xưa cha ông ta đã có sự trân trọng người làm nghề thầy giáo, tôn sư trọng đạo, không thầy đố mày làm nên…

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Đảng và nhà nước ta cũng đặc biệt chú trọng những người làm công tác trên mặt trận “trồng người“ này. Đó là những người hội đủ phẩm chất đạo đức và tài năng, xứng đáng là tấm gương lớn để các thế hệ học trò noi theo. Đó chính là những người tử tế để đủ tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng ra các thế hệ người tử tế.

Thực tiễn cho thấy, những người làm công tác giáo dục hiện nay đa số xứng đáng với sự tin cậy đó.

Họ là những người tử tế thể hiện ở cách nghĩ và cách làm tử tế. Chúng ta đã thấy hàng trăm sinh viên rời mái trường sư phạm “đã dám“ tạm biệt phố phường, đô thị phồn hoa tình nguyện “cõng chữ“ lên rẻo cao, biên giới, hải đảo. Chúng ta đã mục sở thị những thầy cô giáo âm thầm làm việc gần như hết cuộc đời mình với đồng lương khiêm tốn, chưa nói có nguy cơ bị hủy hợp đồng dạy học… Và, trong đó còn có cả những chiến sỹ quân hàm xanh, vừa miệt mài luyện tập, nắm chắc tay súng giữ yên bờ cõi của tổ quốc, vừa trực tiếp làm thầy giáo xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc ít người nơi heo hút và đem con chữ, nếp sống văn hóa đến với các em thơ…

Họ hoàn toàn xa lạ với cám dỗ, bổng lộc, lợi ích nhóm hay gian lận thi cử, sửa điểm “ăn tiền“ như hàng chục người làm quản lý giáo dục vừa qua phải phơi mặt trước tòa. Họ hoàn toàn xa lạ với số ít giáo viên đổi tình lấy điểm và dạy ở trường cho qua, còn dành tinh hoa mở lớp dạy thêm để “tăng thu nhập“…

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, “mặt trận trồng người” hơn bao giờ hết được coi trọng. Muốn làm tốt việc hệ trọng này cần phải có những con người tử tế thực thi thì chủ trương đường lối về giáo dục của Đảng và nhà nước mới đi vào cuộc sống với cách làm phù hợp, hiệu quả nhất.

Nếu đổ lỗi tất cả bất cập hiện nay trong ngành giáo dục cho các thầy giáo, cô giáo thì không công bằng. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống, trước hết là những người lãnh đạo và quản lý giáo dục. Nhưng quả thực, vai trò của những nhà giáo, với góc độ là tấm gương lớn đối với xã hội nói chung và các thế hệ học trò nói riêng thì trách nhiệm thật không nhỏ. Đến lúc cần nhận thức lại về ngành giáo dục, theo hướng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cụ thể là cái gì thuộc về đạo lý, triết lý giáo dục, tinh hoa truyền thống văn hóa thì kiên định không thay đổi. Cái có thể thay đổi là biện pháp, sao cho phù hợp từng địa bàn, từng đối tượng. Điều này nữa, phải kiên quyết loại những người không còn xứng danh làm thầy giáo ra khỏi guồng máy giáo dục, kể cả những người làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục.

Đến lượt mình, các thầy cô giáo luôn ý thức được sứ mệnh cao cả. Muốn “trò ra trò”, trước hết phải “thầy ra thầy” – Thầy phải là người tử tế cả trong suy nghĩ và hành động. Có như thế mới xứng đáng là tấm gương lớn để các thế hệ học trò noi theo.
T.T.T