Niềm yêu hiển lộ từ những lớp ví dụ

516

31.10.2017-07:00

  >> Thư viện Nguyễn Hồng

 

Niềm yêu hiển lộ từ những lớp ví dụ

 

TRẦN QUANG QUÝ

 

NVTPHCM- Ví dụ anh, tập thơ đầu tay của một Cử nhân luật, một người đàn bà tuổi Tân Dậu. Chưa biết cái tuổi “con gà tân” mà các thầy tử vi thường hay phán “tân toan” có thực tân toan, nỗi niềm gì hay không nhưng chắc chắn tâm trạng, những bươn trải gập ghềnh, những vết ỉu của số phận không chỉ là mảnh đất nhuận mầu cho thơ nảy mầm, rỉ rả giục trái tim lên tiếng và tự giải tỏa mà thi ca của những nỗi người ấy bao giờ cũng dễ rung động, sâu lắng, cảm thông, tìm kiếm sự sẻ chia đồng cảm hơn là tươi vui hơn hớn. Hơn hớn phần nhiều thuộc về ca, ấy là lẽ thường. Mà cụ Xuân Diệu cũng nói rồi: “Trái đất ba phần tư nước mắt”.

 

Sao lại Ví dụ anh, sao không anh thật, ví dụ làm gì? Là nghĩ khơi khơi một cách hài hước vậy. Ví dụ có thể là một mẫu hình để minh chứng, có thể một giả tưởng để tìm lối biện giải. Ví dụ anh của Nguyễn Hồng là cái gì? “Chiều nhấn nhá vào em một phiên bản nháp buồn tênh/ Một ngày mưa ướt phố/ Một ngày em rối nhớ/ Nguệch ngoạc mơ hồ những ví dụ về anh/ Ví dụ có anh rất thật/ Và đêm ngực ấm môi mềm/ Và em bồng bềnh cỏ ướt/… Không anh mắt phố vô hồn/ Hiên đời co ro trú tạm/… Chiều buồn/ Mưa nháp/ Vậy thôi” (Ví dụ anh). “Mưa nháp” trên những trang tình vắng anh, vắng đến “phố vô hồn”, và người trên hè phố mưa nháp ấy, cứ đưa ra phiên bản nháp… tình mà tự giải tỏa lòng mình, tìm cứu cánh cho mình trong một chiều buồn. Từ những ví dụ này lan tỏa, quả nhiên, tập thơ đầu tay tinh khôi của nàng thơ Nguyễn Hồng tụ lại ở cảm thức tình yêu. Tình yêu, gia đình và bè bạn là mối quan tâm xuyên suốt, nhất quán, riêng tư của một phụ nữ giầu nhiệt năng và men cảm. Dù thơ có đổi dòng, vắt chữ, nhịp nọ vần kia cũng chỉ để bày tỏ những mối quan hệ rất Nguyễn Hồng này mà thôi, không mở rộng biên độ đến những vấn đề lớn lao, to tát khác. Điều đó cũng hiển lộ, đây là một giọng thơ giàu nữ tính, không chỉ ở vấn đề quan tâm mà cả ở những hình tượng nghệ thuật, điệu thơ, cảm xúc và nỗi niềm bày tỏ.

 

Cung bậc tình yêu của Nguyễn Hồng khá đa dạng, nhiều trạng huống, ngữ cảnh khác nhau, không chỉ dừng ở cách nói, ở ngôn ngữ thơ vừa truyền thống vừa hiện đại, mà bằng cả những chuyển động trong cách nghĩ mới mẻ, khá lạ, trên những thi ảnh quen thuộc: “Góc phố em chờ anh gió đã khóa môi chiều/ Anh khóa em vào muôn vàn trò yêu thương con trẻ/ Nắm tay nhau chặt nhé/ Em kiễng chân hái những vì sao” (Ngày xương rồng nở hoa). Trong một giấc mơ yêu, dù “Đêm ánh ngời thịt da”, tưởng hào quang của da thịt ngời ngời ấy sẽ dẫn đến sự “bùng nổ” và mê đắm của hạnh phúc thì đêm lại “quánh đặc màu tan vỡ/ Bánh hạnh phúc chuyển mùi/ Đẫm ướt giấc mơ yêu…” (Mơ). Thật khủng khiếp, tình yêu như miếng bánh đang phân hủy. May mà đó chỉ là một cơn ác mộng. Nhưng ít nhất giấc mơ ấy mang đến một thông điệp, “da thịt” không chắc đã bảo an cho tình yêu, hạnh phúc. Nó còn phải là cái gì khác thế, cái gì khác trên cả nhục dục.

 

Một cơn dỗi, bướng bỉnh một cách đàn bà, theo cách của Nguyễn Hồng: “Người gói những lý lẽ sắc tựa dao/ Mà em chỉ biết cùn/ Đành nói bằng im lặng/ Em giấu nỗi buồn vụng dại/ Gả vào chiều bình yên” (Dỗi). Tưởng cái người “chỉ biết cùn” cự cãi, làm hỏng cuộc chơi, nhưng cũng rất mau lẹ “gả vào chiều bình yên” nỗi buồn vụng dại để neo giữ cái người có lý lẽ sắc tựa dao kia, thế thì nàng đâu có “dỗi”. Hay dỗi là điệu bộ đấy thôi, người đàn ông phải biết sự nhạy cảm, tinh tế rất đàn bà này. Và đây, sau dỗi là một cơn giận: “Giận nắng một ngày đỏng đảnh/ Thổi khô cong những hẹn hò/… Đền em một chiều ủ nhớ/ Tóc nắng thơm hương cỏ mềm” (Giận nắng). Nắng thổi khô cong những hẹn hò không chỉ lạ mà nó hàm chứa cái nắng dữ dội miền Trung, với gió Lào khô nóng cực khó chịu, mà ta còn thấy cụ thể hơn ở một bài thơ khác, bài Ngày nắng: “Nắng chảy tràn cốc cà phê sáng/ Thành Vinh 40 độ/ Phố biếng cười/ Thương gió mồ côi”. Hẹn nhau những ngày ấy thì nhìn nhau đã… vã mồ hôi rồi. Nhớp nháp nhọt nhẹt lắm! Nhưng có vẻ Hồng mượn cái nắng cực để “kể khổ”, để lấy cớ bắt đền một chiều ủ nhớ, để “tóc nắng thơm hương cỏ mềm” với nhau mà thôi. Khéo nhỉ. Ấy là tôi đọc từ các chữ của Nguyễn Hồng ra, không biết đúng không, người thơ tinh ngịch, láu lỉnh, và cũng lắm “chiêu”?

Tập thơ Ví dụ anh của Nguyễn Hồng

 

Cuộc sống bề bộn của thời công nghiệp, thời công nghệ, kỹ trị lên ngôi lại phản ánh những “khủng hoảng” khác của tâm hồn. Đến nỗi, người phụ nữ hiện đại: “Thèm một giây cách ly thế giới/ Không fb, không viber, không công việc rối màn hình/ Tận hưởng những phút giây cô độc/ Khoái cảm rung chuông tạ thế nụ cười” (Thèm). Và, trong những ngập tràn, căng óc, câu thúc của thời gian và công việc, người ta không chỉ thèm những giây phút từ bỏ hết công việc, được cách ly thế giới, được cô độc mà còn thèm cả những cơn mưa, thèm ngược về những ký ức tươi xanh, những kỷ niệm đẹp. Mặc dù, đi ngược về những cơn mưa như thế, có thể lại gặp những nỗi buồn vu vơ khác: “Đan vào cơn mưa chiều những lấp xấp buồn/ Ngơ ngác/ Em/ Sài Gòn vắng/ Sài Gòn mưa không anh/ Sài Gòn mưa không tên/ Không phải tại mưa/ Tại em/ Cơn mưa lòng chưa dứt” (Ngược mưa). “Lấp xấp buồn” cũng mới, trong ngữ cảnh mưa. Cái cơn mưa lòng là chúa… lòng thòng, sinh ra những vân vi nhung nhớ, một thuộc tính phổ biến của người Việt. Tình yêu hay vương vào đầu dây mối nhợ này. Nếu không, nó chỉ còn lý trí khô khan “cưa đứt đục suốt”, liệu còn có nỗi buồn nhớ, còn thi vị gì không nhỉ?

 

Những nỗi niềm vô định trong cuộc đời cũng là quy luật cuộc sống, tùy nhịp điệu khác nhau của từng số phận, hoàn cảnh. Vui buồn, được mất trong tình yêu cũng vậy. Nó sẽ là tự nhiên cho những ai tự sáng ngộ, tự “chế” mình. Có người nhờ tình bạn để có thể vợi chia, như tình bạn hiếm gặp ở bộ ba này: “Ba đứa mình mỗi đứa một nơi/ Gặp nhau ở ngã ba lòng không thể dấu/ Đứa hôm qua con sốt/ Đứa hôm nay dỗi chồng/ Chẳng có gì là không thể chung nhau/ Nên tụ tập lúc nào cũng là sáu đứa/… Dòm trước ngó sau đặt chữ THÂN làm mặc định/ Cãi nhau tan tành chỉ để chung tất cả/ Trừ ba gã chồng tự bảo quản lấy mà thôi” (Bạn).

 

Ngoài bạn hữu, những lúc chông chênh trong cuộc đời, không ai khác, chỉ có thể chồng, con là điểm tựa, là giải pháp sẻ chia, nâng đỡ. Chắc chắn là thế rồi, trừ khi người đàn bà chán chồng. Đã chán thì… giời cũng chưa chắc đã cứu được! Nguyễn Hồng cũng không ngoài điểm tựa gia đình ấy. Những lúc đó người thiếu phụ trải nghiệm xử sự thế nào? Đó là cách thỏ thẻ, “Nói nhỏ với chồng: “Em chẳng còn mơn mởn như lúc anh vừa thương/ Môi căng/ Ngực căng/ Chờ anh để chín/… Bận bịu yêu anh quên tháng quên ngày”. Thôi thì cứ giãi bày, thành thật: “Ai bảo cưới em làm chi/ Đến giấc ngủ cũng nhọc nhằn chia nửa/ Anh ký gửi đời mình mặc em tính toán/ Lãi suất trả anh là 2 thằng con nghịch hơn quỷ sứ nhà trời”. Các cụ nhà mình vẫn có câu “Sinh con sinh của”. Có thể hiểu có con là thêm phúc, lộc. Vậy thì có hai thằng quỷ sứ nhà trời là thặng dư quá lớn rồi, đừng tham vọng viển vông gì nữa. Ý là thế? Nhưng nàng vẫn ngọt nhạt nịnh khéo: “Anh tự nguyện chung thân trong ngôi nhà có vợ làm quản giáo/ Hai thằng con làm lính canh có ưu ái bố đôi lần/… Chia sẻ cùng em nhé anh/ Người đàn bà sống chưa kịp đời mình lại đèo bòng cuộc đời người khác/ Bể dâu lúc nào cũng khuyết/ Chỉ có anh cho em tròn”. Xem ra, người đàn ông khó mà trách cứ lắm đây. Sẽ có nhiều người đàn ông thèm và ghen với cách ứng xử này đây.

 

Còn với con, tâm nguyện của người mẹ Nguyễn Hồng là gì? Là rất đời thường, không mong con thành vĩ nhân, thành người lúc nào cũng về nhất, chỉ giản dị con mãi là con: Mẹ đợi con mỗi ngày từ chằng chịt âu lo/ Mẹ muốn dạy con yêu từ thuở nằm nôi/ Để biết thương người đàn bà cùng con xây tổ ấm/ Chưa kịp vẹn tròn chữ hiếu/ Đã vội đa đoan nhà người” (Khúc hát ru con). Dạy yêu từ thuở còn nằm nôi thì có vẻ khiên cưỡng, “ép” quá. Nhưng có thể cảm thông vì cái bài học chưa tròn chữ hiếu “đã vội đa đoan nhà người” ở Hồng, một thiếu phụ đã sớm trải, và chắc cứ ân hận vì chưa giúp gì được cho bố mẹ đẻ của mình, nên mới có ý định “thực hành” bắt đầu từ những tháng tuổi đầu đời ở con như thế. Những nền giáo dục tiên tiến quanh ta, ngay từ bé, cái dạy quan trọng nhất cũng là dạy làm người, làm người sống có trách nhiệm, biết yêu thương chứ không nhồi ép kiến thức.

 

Ví dụ anh của Nguyễn Hồng cũng rất nhiều tháng, nhiều mùa: Tháng Ba, Tháng Tám, Tháng Chín, Tháng Hai rét ngọt, Tháng Tư… Nó vừa hiển hiện sự thích thay đổi, những chuyển động của không gian, thời gian, của tự nhiên. Nhưng, tháng đi, mùa đi cũng chính là cơn cớ làm người ta dễ rung động, nhớ những gì đã qua, hồi hộp chờ cái gì sắp tới, như người ta hay bảng lảng nhớ nhung sương khói, lá vàng mùa thu chẳng hạn. “Tháng tám/ Sen khắc khoải đợi người/ Rũ tàn cánh mỏng/ Chấp chới nỗi buồn thân phận/ Khép một mùa hương/… Tháng tám mất rồi/ buồn vui chia nửa…”. Rõ ràng mùa đi còn là sự nuối tiếc, cũng ngầm chứa lời nhắn nhủ hãy yêu, hãy tận hưởng, sống có ích với thời gian hiện hữu, ngay cả những khoảnh khắc trong cuộc đời.

 

Thơ Nguyễn Hồng cũng thật nhiều nỗi tự sự, nghĩa là tự ngỏ lòng mình trước những gì bắt trái tim đồng điệu thổn thức ra, tự kể ra: Tự khóc, Tự khúc buổi sáng, Tự sự, Tự vỡ… Bản chất của thơ là “tự”, vì tự trong chiều sâu thức cảm, biểu hiện, nên thơ không thể giả được. Sự giả, sự vay mượn cũng chính thơ tự tố ra, không giấu được ai. Đây là một khúc “tự”: “Phố không đủ dài cho ta đi hết đêm/ Hai kẻ cuồng trong cơn say ch­ưa muốn tỉnh/ Em dỗ quá khứ ngủ yên trong nhọc nhằn tiếng thở/ Thắt lòng giữa nhớ và quên” (Tự khóc). Một “Tự sự” về chức phận héo hắt làm mẹ, mà từ đó lại liên tưởng đến những ngày bú mẹ mình: “Tôi lại vắt kiệt mình thành sữa nuôi con/ Tóp teo bầu vú mỏng/ Đêm thảng thốt kiếm tìm bé dại/ Áp mặt vào ngực con mà cứ ngỡ ngực mẹ mình” (Tự sự). Thêm một khúc “tự” buổi sáng nọ: “Đợi một ngày chín gió/ Đợi một ngày nắng xanh/… Buổi sáng nắng thơm mùi cũ/ Tháng Tư đến hẹn lại chào/ Lữ khách bần thần/ Câu hát/ Vu vơ thôi mà…/ Em nhớ anh” (Tự khúc buổi sáng). Vẫn là những tự khúc của tình yêu và gia đình trong mối quan tâm của Nguyễn Hồng.

 

Thơ Nguyễn Hồng mạnh mẽ, vừa riết róng vừa hôi hổi cảm xúc của người thơ đa cảm. Thơ của những nỗi nhớ được đẩy đến tận cùng. Chắc hẳn, có lúc, chị cảm như thơ ngắn không đủ chứa dung lượng cảm xúc đang cuộn chảy nên có những bài thơ văn xuôi để tải (Đoản khúc lạnh, Tháng Ba, Tháng Hai rét ngọt, Tháng Tư). Tuy nhiên, phần thơ này tản mạn, bố cục chưa chặt, nó là những mảnh ghép vụn của diễn tả, thiếu tính khái quát, nó giống tản văn hơn là thơ.

 

Nỗi nhớ rất nét riêng của Nguyễn Hồng thường chỉ rạo rực, hoặc thảng thốt… từ những bài thơ không văn xuôi. Nhớ anh thì: “Nhớ anh nhưng nhức ngực mềm”. Nhớ mùa, hoặc những ẩn hiện trong mùa thì: “Ta hong nỗi nhớ từ thu ấy/ Đến tận thu này vẫn chưa khô” (Thu). Còn nhớ Hà Nội là cái nhớ mơ màng, tỉnh tỉnh lú lú: “Anh giấu Hà Nội đi đâu/ Em kiếm lạc mình không thấy/ Nỗi nhớ gọi tên anh đấy/ Chiều Hồ Tây đang rất xanh/ Phải lòng Hà Nội vì anh/ Phải lòng anh em yêu Hà Nội”. Đó là những câu thơ hay về sự nhớ, không phải lúc nào cũng “chộp” được. Còn trong nỗi nhớ cha, nhớ con của chị cũng thật nhiều day dứt, yêu thương. Một người cha, chắc hẳn cũng làm nghề “phu chữ” hiện lên từ giãi bày của chị: “Bây giờ con lại theo cha/ Đợi đêm long cong gõ phím/ Nước mắt có bao giờ chảy ngược/ Đêm ngày cha khóc cùng con” (Với cha). Khóc cùng con vì dường như người cha đã nhận ra đứa con gái yêu, hồng nhan, như định mệnh, bắt đầu vương vào nghiệp chữ đa đoan, biết đâu phía trước?

 

Như đã dẫn, thơ Nguyễn Hồng có nhiều câu tìm tòi, mới lạ, một xu hướng rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, sự mới lạ phải bắt đầu từ nội hàm cảm xúc, từ ý thơ, tứ thơ mà đặt đúng vị trí, ngữ cảnh của câu. Cảnh giác với sự cố tìm sự lạ, nó dễ trở nên cầu kỳ, khiên cưỡng, làm duyên làm dáng. Sự “ham” nói cho hết, cho rõ cũng sẽ giảm độ nén cảm xúc và sự gợi mở của ngôn ngữ thơ, ý thơ. Là nói để mong chị luôn nhóm ngọn lửa tự thức ngộ. Với một tập thơ đầu tay như Ví dụ anh, khó đòi hỏi gì hơn thế? Mừng cho những niềm yêu, rất đáng yêu vừa bóc ra từ những vỉa tầng ví dụ.

 

Hà Nội, 16.9.2015

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Về bộ phim tài liệu Mỹ The Vietnam War – Tô Hoàng

>> Nhà văn đương đại di cư ngôn ngữ – Inrasara

>> Truyện ngắn nữ trong văn xuôi Việt Nam đương đại – Phạm Thị Thanh Phượng

>> Chabbi – nỗi khắc khoải phận người – Cao Thị Hồng

>> Bí ẩn lời yêu trong Đêm thơm lựng mùi sen – Trúc Linh Lan

>> Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc – Huyền Minh

>> Chữ bầu lên nhà thơ – Lê Đạt

>> Những câu thơ viết trong miên cảm – Nguyễn Minh Khiêm

>> Chúng ta đã phản bội thơ như thế nào? – Nguyễn Thanh Tâm

>> Trần Thế Tuyển & Phía sau mặt trời – Nguyễn Vũ Quỳnh

>> Đinh Hùng một hồn thơ kỳ ảo – Võ Tấn Cường

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…