NSND Lý Huỳnh – ‘Hai Lúa’ trượng nghĩa của màn ảnh Việt

597

Nghệ sĩ Nhân dân Lý Huỳnh đã qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM lúc 5 giờ sáng 22.10 vì nhiều chứng bệnh tuổi già, hưởng thọ 78 tuổi.


NSND Lý Huỳnh.

Đông đảo nghệ sĩ, khán giả bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của “cây đại thụ” nền điện ảnh Việt Nam.

Hạnh phúc khi được gọi là “Hai Lúa”

NSND Lý Huỳnh là người đa tài và gắn bó với phim trường ở rất nhiều vai trò: diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo võ thuật, nhà sản xuất, góp phần tạo ra nhiều tác phẩm điện ảnh ấn tượng. Trong sự nghiệp của mình, ông đã tham gia tổng cộng trên 50 phim. Vai diễn đầu tiên của NSND Lý Huỳnh sau năm 1975 là đại tá Hoàng trong phim Cô Nhíp của cố đạo diễn – NSƯT Khương Mễ. NSND Lý Huỳnh từng nói ông đã diễn vai đại tá Hoàng với tất cả khả năng, lòng nhiệt thành của mình và phim đã giành được giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 – năm 1977. Tại Liên hoan Thanh niên – Sinh viên thế giới ở Bình Nhưỡng năm 1978, phim Cô Nhíp cũng được tặng bằng khen của Viện Hàn lâm nghệ thuật CHDCND Triều Tiên. Đó là bước ngoặt đầu tiên, là cánh cửa mở ra cho Lý Huỳnh bước tiếp trên con đường điện ảnh cách mạng những năm sau.

Sinh thời, NSND Lý Huỳnh luôn nói rằng mình mang ơn điện ảnh cách mạng vì đã cho ông cơ hội đảm nhận các vai diễn đáng nhớ để đổi thay cả cuộc đời. NSND Lý Huỳnh từng chia sẻ: “Nếu những vai diễn trong phim trước năm 1975 ở miền Nam mà tôi đóng đa số chỉ thể hiện khả năng võ thuật, thì những vai diễn của điện ảnh cách mạng thời làm chung với cố đạo diễn Khương Mễ, cố đạo diễn – NSND Hải Ninh, cố đạo diễn – NSND Hồng Sến, cố đạo diễn – NSND Huy Thành… đã dạy cho tôi biết hóa thân vào những số phận nhân vật, để làm nên những hình tượng nghệ thuật để đời”.

Khán giả khó có thể quên được các vai diễn ấn tượng, lột tả chân thực tính cách phản diện cùng những diễn biến tâm lý nội tâm của NSND Lý Huỳnh, như vai Bách (phim Đứa con bị từ chối), Long “râu” (phim Con mèo nhung), ông Hai Củ (phim Hai Củ), đại úy Long (phim Mùa gió chướng), trung úy Sâm (phim Hòn đất), Đinh “Ba búa” (phim Mối tình đầu)…


NSND Lý Huỳnh và gia đình.

Vì muốn chứng tỏ khả năng diễn xuất đa dạng, không muốn đóng khung ở vai phản diện, Lý Huỳnh dốc sức cho vai Hai Lúa trong phim Vùng gió xoáy của đạo diễn Hồng Sến. Ông rất lo lắng bởi trước đó từng đảm nhận 13 vai sĩ quan. Vì thế, ông phải lặn lội về vùng quê miền Tây (Thủ Thừa, Long An) suốt cả tháng sống cùng nông dân, tập làm công việc đồng áng để trở thành một Hai Lúa thực thụ. Nhờ chuyến đi thực tế, ông thể hiện trọn vẹn hình ảnh Hai Lúa, đảm nhận những cảnh nguy hiểm mà không cần cascadeur. Hai Lúa – một lão nông hào sảng, trượng nghĩa, đậm chất miền Tây, dành trọn tình yêu cho đồng ruộng của Lý Huỳnh được xem là “đại biểu” nói lên tiếng lòng dân nghèo thời ấy, và đã trở thành nhân vật kinh điển, đi vào lòng nhiều thế hệ khán giả. Vai diễn để đời này giúp ông đoạt giải Bông sen vàng Diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 – năm 1983. Cùng năm, Vùng gió xoáy được chọn tham dự Festival điện ảnh tại Liên Xô với hơn 120 nước tham gia. Sau khi đóng phim này, ông được khán giả gọi là Hai Lúa và ông rất hạnh phúc với điều đó.

Đau đáu với nghệ thuật đến cuối đời

Khi điện ảnh Việt Nam qua thời bao cấp, xuất hiện các nhà làm phim tư nhân bước vào thị trường phim chiếu rạp thập niên 1990, Lý Huỳnh là người xông xáo bỏ vốn thực hiện các phim thu hút khán giả đến xem, có thể kể đến: Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Phạm Công – Cúc Hoa, Nước mắt học trò… Ông cũng đã thực hiện được nhiều phim hợp tác với điện ảnh Hồng Kông, Đài Loan, như Hồng hải tặc, Kế hoạch 99 – Lưới trời lồng lộng… mang đến cho điện ảnh Việt làn gió mới thời đó.


Lý Huỳnh trong các phim (từ trái qua và từ trên xuống): “Mùa gió chướng”, “Hòn đất”, “Vùng gió xoáy”, “Cô Nhíp”.

Khi tuổi đã cao, NSND Lý Huỳnh vẫn còn dành nhiều tâm huyết cho dòng phim dã sử – võ thuật. Năm 2010, dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, gia đình NSND Lý Huỳnh đã bỏ số vốn lớn đến hơn 12 tỉ đồng để thực hiện bộ phim Tây Sơn hào kiệt về vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Những ngày cuối đời, khi sức yếu không thể làm phim được nữa, ông dành trọn tấm lòng cho các nghệ sĩ già neo đơn. Trong năm 2020, ông đã hai lần đến Viện dưỡng lão Nghệ sĩ TP.HCM để thực hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp. Tháng 1/2020, NSND Lý Huỳnh cùng con trai là diễn viên Lý Hùng đến thăm Viện dưỡng lão Nghệ sĩ ở Q.8 để chúc tết những nghệ sĩ già neo đơn, tặng các phần quà cho nghệ sĩ đang sống tại đây. Tháng 9 vừa qua, theo nguyện vọng của NSND Lý Huỳnh, Lý Hùng đã chung tay tu dưỡng Viện dưỡng lão Nghệ sĩ, cho người cắt tỉa cây cối, dọn dẹp, sơn sửa lại phòng ốc và sắp tới là xây lại đường vào viện, sửa bếp.

Diễn viên Lý Hùng chia sẻ, cha anh – NSND Lý Huỳnh có vai trò quan trọng trong cuộc đời anh khi đã dẫn dắt anh học võ, theo nghề điện ảnh, dạy anh cách đọc kịch bản, nhập vai…

“Nếu không có NSND Lý Huỳnh dìu dắt sẽ không có cái tên diễn viên Lý Hùng từ nhiều năm qua và cho đến hôm nay. Trước khi mất, cha tôi tỉnh táo dặn dò từng người, nhất là dặn tôi chăm sóc mẹ chu đáo. Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc ông hôn từng người con trước khi nhắm mắt. Tôi ở độ tuổi 50, chưa lập gia đình, sống cùng nhà với cha mẹ nhiều năm nay nên khó có thể nguôi ngoai trước sự ra đi của cha mình”, Lý Hùng xúc động cho biết.

Trước đó, hồi tháng 3/2020, NSND Lý Huỳnh và gia đình cũng đã trao tặng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) một máy thở trị giá 500 triệu đồng để hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ: “Những điều chú làm tràn đầy tình cảm dành cho các nghệ sĩ và luôn như ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ diễn viên, đạo diễn về mặt đạo đức làm nghề, truyền thống tôn sư trọng đạo và nhất là nghiêm túc trong lao động nghệ thuật”.

Diễn viên – nhà sản xuất phim Trương Ngọc Ánh bày tỏ chị vô cùng thương tiếc bởi NSND Lý Huỳnh là cây đa cây đề của nền điện ảnh Việt Nam, được nhiều thế hệ diễn viên, đạo diễn vô cùng kính trọng: “Những cây đại thụ rồi sẽ mất dần theo thời gian, đó là quy luật của cuộc sống, nhưng mãi mãi nền điện ảnh Việt Nam sẽ luôn ghi nhớ công lao và những dấu son rực rỡ về những vai diễn ấn tượng, khuôn mẫu mà họ đã đóng góp, từ đó dẫn dắt các thế hệ sau tiếp bước làm nên diện mạo của điện ảnh Việt Nam hôm nay”.

Bà Dương Cẩm Thúy, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, cho biết: “Đoàn của Hội Điện ảnh đã đến viếng lễ tang NSND Lý Huỳnh chiều 22.10, cùng với điếu văn bày tỏ tình cảm, niềm thương tiếc của ngành điện ảnh đối với sự đóng góp to lớn cũng như rất trân trọng tài năng, tâm huyết của NSND Lý Huỳnh dành cho nhiều thời kỳ của điện ảnh Việt”.

NSND Lý Huỳnh sinh năm 1942 tại Vĩnh Long, tên thật là Lý Kim Tuyền. Ngoài vai trò diễn viên, Lý Huỳnh còn là một võ sư nổi tiếng với chiêu liên hoàn bát cước, chưởng môn của lò võ Huỳnh Tiền.

Với những cống hiến to lớn cho nền điện ảnh nước nhà, năm 1993 Lý Huỳnh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT và năm 2012 được phong tặng danh hiệu NSND.
Lễ viếng NSND Lý Huỳnh từ 15 giờ ngày 22/10 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Lễ động quan vào 10 giờ sáng 24/10, sau đó linh cữu được an táng tại nghĩa trang Phúc An Viên (Q.9, TP.HCM).

Phan Cao Tùng/Thanh niên