Phan Vũ – nốt thiên tài lẫn trong mảnh vỡ

864

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Cuộc đời Phan Vũ có thể xem là đẹp khi ông vừa chấm dứt cõi trường niên ở tuổi 94 vào sáng 17/7/2019. Ông sinh năm 1926. Trong cuộc lữ nghệ sĩ của mình ông có nhiều đóng góp cho các lĩnh vực điện ảnh, kịch, hội họa. Tuy vậy, có thể nói với thơ và trường hợp đặc biệt của bài “Em ơi Hà Nội phố” là có vị trí nhất định trong lịch sử thi ca Việt Nam. Tác phẩm được công chúng đánh giá là một trong những kiệt tác viết về Hà Nội.

Về tên của bài thơ đến nay vẫn có hai cách nhìn nhận. Nguyên tác theo nhiều nhà nghiên cứu văn học cho biết đó là bài “Hà Nội phố”, được xem là trường ca bởi khá dài, tổng cộng 23 đoạn. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là một bài thơ dài thì đúng hơn vì nó được viết tuôn chảy dào dạt trong một mạch xúc cảm khó kiềm chế và đoán định. Trong khi trường ca thì ngược lại, nó cần sự cân đối, tỉnh táo và kiểm soát toàn diện ngôn ngữ, tình tiết để đi đến tính hiệu quả. Một bài thơ xuất thần thì không cần điều đó. Nó chỉ làm công việc duy nhất là giải phóng tuyệt đối tâm trạng thăng hoa (ngột ngạt) của người nghệ sĩ để tìm đến một năng lượng mới thăng bằng. Phan Vũ đã viết “Hà Nội phố” trong một tâm thế đảo lộn thế giới quan. Ông đã bị chấn động trước hiện tượng Hà Nội một thủ đô, một thành phố cổ và tầng lũy văn hóa hàng nghìn năm đã nằm dưới tầm rải thảm B52 của Mỹ vào mùa đông năm 1972. Và bài thơ như là một cuộc rượt đuổi, ghi hối hả, rốt ráo những ánh nhìn, kỷ niệm, những sự việc, những vui buồn linh hiển về những điều tốt đẹp có thể trong cuộc rải thảm này sẽ mất. Vì thế những câu thơ bồng bềnh, phiêu hốt cứ lặp đi lặp lại “Ta còn em/ Ta còn em/ Ta còn em”…

Em ơi! Hà Nội – phố
Ta còn em khuya phố mênh mông.
Vùng sáng nhỏ.
Bà quán ê a chuyện nàng Kiều.
Rượu làng Vân lung linh men ngọt.
Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa…

Ngơ ngẩn bao chàng trai Kẻ Chợ.
Cơn say quá dài thành một cơn mê…

Chở nguyên Hà Nội nhớ,
Những bó hoa và cả vết môi hôn…

Người nghệ sĩ không có em vốn đã cô đơn mà một thành phố không có em lại càng trơ trống.

Nhà thơ Phan Vũ qua trí nhớ họa sĩ trẻ Phan Trọng Văn, vẽ nhanh trong sáng 17/7 gửi Duyên Dáng Việt Nam khi nghe tin nhà thơ vừa qua đời.

Tuy nhiên phải thấy rõ một điều là trước khi nhạc sĩ Phú Quang chọn và phổ một vài ý, đoạn bài thơ dài “Hà Nội phố” thành ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” thì tên tuổi và thơ Phan Vũ mới được công chúng biết đến nhiều hơn. Hai từ “Em ơi” đặt vào trước ba chữ “Hà Nội phố” đã làm cho câu hát mềm đi, lung linh hơn, đầy chất cảm, sâu trầm hơn so với chất mô tả, trơ, vật dụng trước đó. Điều này cũng dễ hiểu vì ở đâu có “em” thì ở đó mọi thứ nên thơ hơn và mềm mại trở lại. Người nghệ sĩ không có em vốn đã cô đơn mà một thành phố không có em lại càng trơ trống.

Nhà thơ Phan Vũ và nhạc sĩ Phú Quang

Càng kỳ diệu hơn khi em xõa tóc, ngồi trước hàng phím piano: “Mùa đông năm ấy tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/ Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”.

Tôi phải công nhận một điều là Phú Quang rất tài tình khi đã chọn ra được những câu thơ hay nhất, đắt giá nhất trong bài thơ “Hà Nội phố” của thi sĩ Phan Vũ để phổ thành ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”. Những câu thơ chỉ đọc một lần đủ ghim vào trí nhớ huống hồ đã được bọc, được ve chuốt lả lơi, tài hoa bằng âm nhạc “Một chiều phai tóc em bay/ Chợt nhòa chợt hiện”, Hay “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/ Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”.

Tác giả “Em ơi, Hà Nội phố” bên nhà báo Nguyễn Trọng Chức

“Hà Nội phố” của Phan Vũ được sáng tác từ năm 1972 nhưng suốt thời gian dài không được công bố chính thức trong bất cứ hình thức nào. Có thể từ số không đến vô định của Arthur Koestler. Nhưng số phận của bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” do Phú Quang phổ nhạc đã có kết thúc có hậu hơn. Ca khúc đã lên sóng phát thanh vào năm 1987 qua tiếng hát ca sĩ Lệ Thu.

Do không được in nên bài thơ có nhiều dị bản lưu truyền. Ví dụ như mấy câu sau đây. Bốn câu đầu thì đã vươn ra ánh sáng. Riêng câu thứ năm rất độc đáo vẫn còn ở trong bóng tối. Nó để lại một vực thẳm bên cạnh bài thơ.

Một tháng Chạp,
Cây bàng mồ côi mùa đông,
Nóc phố mồ côi, mùa đông,
Mảnh trăng mồ côi, mùa đông.

Tháng Chạp năm ấy in – hình – bao- mộ – phố!

Người nghệ sĩ của một ‘Hà Nội phố’

Người nghệ sĩ không nhớ nổi những ngóc ngách trên con đường sâu thẳm sáng tạo. Cũng như Phan Vũ. Ông đã ra đi và mang theo nhiều bí mật chưa kể hết về bài thơ. Nhưng có sao! Nguyên tác bài thơ mới được in trong tập Phan Vũ – thơ (NXB Văn học). Bản chép ở đây đã được tác giả xác nhận là bản sửa đổi cuối cùng. Nhưng chắc chưa phải bí mật cuối cùng.

Tôi tìm thấy trong bài thơ dài này một câu “nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ”. Bài thơ hay nhất cũng chính là những mảnh vỡ ghép lại chứ không bao giờ có một gương mặt hoàn chỉnh. Không bao giờ!

Nguồn: DDVN