Rộn ràng Trung thu

685

Có một thời, Tết Trung thu là tiếng trống ếch gõ bong bong, rộn ràng của đám trẻ con trong làng đang háo hức với đèn ông sao năm cánh, năm mầu. Là một góc chiếc bánh nướng thơm phức cùng với quả hồng ngâm, quả chuối trứng cuốc dưới ánh trăng rằm sáng vằng vặc. Là gương mặt dịu dàng, sáng soi như mặt chị Hằng Nga của chị phụ trách đội thiếu nhi. Là đêm tập trung tại sân đình, sau màn múa hát là trông trăng phá cỗ…

Người lớn thời đó, lúc nào cũng bận rộn với công điểm Hợp Tác Xã nên chiếc đèn kéo quân hay đèn lồng vẫn chỉ là mơ ước, như nàng tiên con gái mặt trời mơ chàng hoàng tử trong truyện cổ tích. Nhưng đám trẻ thì lúc nào cũng nghĩ ra những trò chơi đầy hứng khởi và đam mê.

Chúng bảo nhau xin mấy chiếc nan tre đan rổ của ông nội rồi đan cài thành khung đèn ông sao năm cánh. Không có tiền mua giấy màu thì tìm giấy báo cũ mang nhuộm nước giã củ nghệ vàng tươi, nhuộm gấc đỏ chót, làm sao cho có đủ năm màu dán lên năm cánh khung đèn ông sao.

Không có nến ư? thì có khó gì đâu, buổi tối chúng rủ nhau tìm bắt đom đóm ở bờ ao nhốt trong lồng đèn là có ngay chiếc đèn ông sao tự phát sáng, phấn khởi khoe nhau. Thế rồi, háo hức vừa chạy nhảy trong ngõ xóm, vừa dâng cao chiếc đèn ông sao tự chế thích thú lắm; trong tiếng hò reo và tiếng trống ếch rộn ràng, thôi thúc làm líu ríu cả bước chân người lớn.


Trung thu xưa.

Có Tết Trung thu mới biết, có những người bố thật tâm lý. Tranh thủ buổi trưa bố dùng bông hoa mướp vàng móc vào lưỡi câu, câu con ếch  ộp ngụp dưới ao bèo, lấy da ếch bọc lên miệng ống tre luồng. Thế là thành một chiếc trống ếch đầy thi vị, gõ kêu bong bong, nghe thật vui tai. Đang suốt ngày nhảy cò rò một chân trên sân gạch hay ngồi xổm bên bờ ao chơi ô ăn quan, nay có chiếc trống ếch với âm thanh vui nhộn, giai điệu lạc quan, đứa nào cũng thích mê.

Ông nội thì bao giờ cũng tiềm tàng những vật chất cho lũ trẻ thỏa chí sáng tạo và tỷ mẩn tự làm lấy đồ chơi. Từ tờ giấy bản viết chữ nho, một loại giấy cổ xưa mỏng mềm, khô thì dai nhưng khi thấm nước thì dễ xé, để làm giấy phất diều, đến những tờ giấy bóng kính xanh đỏ tím vàng gói bánh khảo ông đã gom từ bao giờ, chờ  đến ngày Tết Trung thu  mang ra cho các cháu. Còn bà nội và mẹ thì tất tả tìm lá khúc làm bánh khúc dẻo thơm ngon  cúng rằm và làm cỗ ngọt cho con cháu ngắm trăng với ấm nước nụ hoa vối hơi đắng ngoài môi ngọt sâu trong miệng.

Nhưng nhớ nhất, vui thích nhất là những buổi tối áp ngày Trung thu, đội thiếu nhi từ sau những lũy tre về tập trung múa hát ở sân đình. Thiếu nhi các xóm đi thành đoàn rước đèn ông sao trong tiếng trống tùng rinh náo nức, rộn ràng. Những xâu hạt bưởi khô đốt cháy lóe sáng như pháo hoa…

Đám rước đèn đi qua từng dong ngõ xóm. Không có đứa trẻ nào có thể thờ ơ hay bỏ ngoài tai âm thanh rộn ràng đầy tính thúc giục ấy. Trẻ con xin bố mẹ gia nhập đoàn rước bằng được. Để đi theo đám rước đèn, ngay từ chiều đã tắm gội và mặc bộ quần áo mới nhất với tâm trạng nôn nao, đợi chờ. Hỏi sao thời ấy không có trẻ mắc bệnh tự kỷ?

Mấy chị phụ trách vừa mới năm nào còn là đội viên nay là đoàn viên thanh niên, lớn bổng với cặp tóc đuôi gà, lọn tóc mai xoắn cong tự nhiên  trước trán, gương mặt thiên thần đẹp, giòn như mặt trăng đứng bắt nhịp cho toàn đội hát tập thể. Các anh, các chị nhìn tươi tắn thế, dáng người sao mà thân yêu, thương mến. Khó mà phân tích được sự chộn rộn, xúc cảm của những con tim tuổi mới lớn đang rạo rực, đầy khát khao, mơ mộng về ngày mai.

Ông trăng rằm, thì vẫn là trăng nhưng trong đêm rằm Trung thu, ông trăng sáng lắm.  Ánh trăng dường như sáng át cả các chòm sao Thần nông, Thiên vương… sáng như đọc được sách vậy. Dư âm của đêm Trung thu trăng sáng, mãi ngân rung trong lòng con trẻ. Có lẽ cũng từ đây hồn quê thấm đẫm vào tâm trí để rồi mãi về sau, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình luôn là những bóng dáng làng quê thương nhớ.

Cũng chính từ đây trong tâm hồn trong trẻo của trẻ con cảm nhận sự chăm lo, dành cho tất cả của gia đình và xã hội. Chúng không đòi hỏi mà được tiếp nhận tự nhiên và cũng tự cảm thấy mình  chăm ngoan hơn,  không phụ lòng yêu thương của người lớn. Sự yêu thương và gắn kết thân ái với bạn bè. Cũng làm gì có chuyện bạo lực học đường, chỉ có tình thương và trao đi nhận lại sự ân cần, âu yếm rất trẻ con hồn nhiên, thơm thảo.

Trăng đêm Trung thu. Người đêm Trung thu thi nhau tỏa sáng, ánh sáng dịu dàng tha thiết. Thế mới biết thiên nhiên kỳ thú với lực hấp dẫn muôn thủa. Nhân loại có dùng hàng ngàn tấn giấy mực cũng không nêu được hết cảm xúc về ánh trăng thanh trong đêm rằm Trung thu gió mát.

Sau này khi trở thành anh chị phụ trách thiếu nhi, không hiểu từ  nguồn cơn nào, cảm hứng từ đâu mà mỗi mùa Trung thu vẫn trở nên háo hức mê hoặc đến thế. Có lẽ tại vì lây cái háo hức từ trẻ con hay là sự khao khát, ước mong thể hiện mình với các bạn trang lứa. Những buổi tối tập trung ở sân đình vẫn là những đêm đáng nhớ. Thoáng thôi cái nhìn của con mắt đen láy lấp lánh trăng sao hay một làn hương tóc gội lá chanh, lá bưởi làm cho hơi thở bỗng trở nên ngập ngừng về những mơ hồ xa xôi. Tiếng trống ếch hay trống ngực gõ nhịp xôn xao.

Rồi đến một Trung thu nào đó người lớn chợt nhận ra Trung thu là của trẻ con vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Và Trung thu cũng là của người lớn, bao nhiêu hoài niệm về những mùa Trung thu đã qua và bao xúc cảm về ánh trăng ma mị, hút hồn người với những dự cảm thao thiết, mông lung của tuổi mới lớn. Trên ngọn tre, ông trăng vằng vặc  sáng, đang lắng nghe ngọn gió thu về trong  xao xác.

Bây giờ Tết Trung thu người lớn mua nhiều quà cho trẻ con, rất nhiều trò chơi được làm bằng nhựa đủ các màu sặc sỡ, gắn vi mạch điện tử, ánh sáng nhảy nhót, nhấp nháy và âm thanh nổi.  Người lớn cũng có quà Trung thu, quà của người lớn biếu nhau là những hộp bánh to bự như vật tế lễ thánh thần. Ti Vi quảng cáo bánh Trung thu ngon giật mình với hương liệu đặc biệt. Khó mà cắt nghĩa được là so với bánh nướng, bánh khúc và chuối trứng Quốc chấm cốm của ngày xưa thứ nào ngon hơn. Có phải cái ngon thơm một khi đã trở thành ấn tượng và in sâu trong tâm thức từ cái thời gian khó thì không dễ gì nhạt phai. Cái ngon thơm thời ấy nó được ấp ủ ngay khi bà rấm chuối trong chum, hay khi mẹ ngâm hồng chờ đêm rằm dỡ bày ra mâm nên nó bền chặt lắm.

Đêm Trung thu nay ông trăng đi qua những sân chơi đầy ắp quà và đồ chơi hiện đại, ông trăng bị lu mờ phai nhạt bởi ô nhiễm ánh sáng điện cao áp hỏi sao không vô hồn.

Tết Trung Thu mãi mãi là cái Tết đầy thi vị bởi nó được tỏa sáng từ tâm hồn trẻ con, nó được người lớn hoài niệm để nhớ về tuổi thơ của mình.

Theo Nguyễn Khánh Thu Hòa/VNCA