Rừng cây và đời người

839

 

Ghi chép của Bích Ngân

Hôm đưa đoàn văn nghệ sĩ đến tham quan Khu di tích chiến khu Đ, lúc đi ngang qua một cây xanh khẳng khiu mới cao ngang ngực, được trồng trước một ngôi nhà gỗ xinh xắn, anh Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, đừng lại, chỉ vào cây xanh còn yếu ớt, và hình như trên thân cây có bảng tên người trồng cây, nói với tôi: “Cây này do một nữ cựu tù Côn Đảo trồng làm kỷ niệm”. Tôi buột miệng: “Nên chăng, mỗi văn nghệ sĩ có tác phẩm về rừng cũng được trồng một cây xanh cho cánh rừng này !”. Anh Minh Tâm tỏ ra hào hứng: “Được, quá được nhưng phải là tác phẩm hay!”.

SONY DSC

Giờ, sau khi đọc hết phần văn xuôi các tác phẩm của anh chị em tham gia “Trại sáng tác văn học nghệ thuật về khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai” tôi chợt nhớ lại câu trả lời đầy ngẫu hứng của anh Nguyễn Minh Tâm.

Câu nói đó, có lẽ không chỉ là mong muốn của anh Nguyễn Minh Tâm mà còn là khao khát của những ai đã và đang gắn bó với rừng, coi rừng là ngôi nhà thiêng của chính mình. Và rồi, tôi lại ngẫm nghĩ. Không chỉ nghĩ về những tác phẩm của anh chị em ở trại viết – một trại viết được tổ chức thời gian quá ngắn nếu so với sự tồn sinh của rừng cũng như với những con người đã dành trọn cuộc đời cho rừng – mà tôi cũng là một thành viên. Tôi nghĩ về những tên tuổi từng có tác phẩm hay về rừng.

Tác phẩm hay mà lại viết về rừng quả là một thử thách đối người sáng tác. Một tác phẩm hay, ngoài nội lực sáng tạo của mỗi người, còn cần có một bề dày vốn sống. Vốn sống không có được từ trí tưởng tượng hay sự tài hoa. Vốn sống chỉ có được bằng sự trải nghiệm. Cuộc sống với rừng, cuộc sống của rừng, cuộc sống của muôn loài được cưu mang từ rừng… Đó là một thế giới rộng lớn, thẳm sâu đến nỗi nhiều cuộc đời, nhiều thế hệ tiếp nối cũng chỉ có thể khám phá được phần nào cái thế giới kỳ bí đến vô cùng đó.

Sáng tác về rừng, về cuộc sống của con người sống chết với rừng, để bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ con người mà cụ thể là rừng miền Đông, trong đó có rừng Đồng Nai, có chiến khu Đ đã có không ít tác phẩm, trong đó có những tác phẩm có giá trị lâu dài.

Theo tiêu chí “tác phẩm hay” như anh Nguyễn Minh Tâm nói, thì theo tôi, KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN ĐỒNG NAI nên chọn những cây quý, những cây có gốc rễ vững chãi, thân cây cao to để gắn chặt vào đó tên tuổi của những người con được sinh ra từ Đồng Nai – những người sống và viết không chỉ về rừng, nhưng đã có những tác phẩm “để đời” về rừng, về con người sống, lao động và chiến đấu từ những cánh rừng miền Đông vừa gian lao vừa anh dũng này. Có thể kể, như: Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, nhà văn Lý Văn Sâm, nhà văn Hoàng Văn Bổn.

Đọc lại bài thơ Huỳnh Văn Nghệ viết tặng Nguyễn Bình khi vị tướng rời chiến khu Đ từ năm 1946, tôi vẫn thấy bồi hồi: Từ độ chàng đi vung kiếm thép/Mịt mù khói lửa khuất binh nhung/Rừng xanh thương nhớ như chinh phụ/Hồi hộp nghe từng tin chiến công. Hay bài thơ “Rừng đẹp” Huỳnh Văn Nghệ viết năm 1951, cũng tại chiến khu Đ, là một bức tranh  sống động mà thơ mộng về rừng. Bức tranh mà hôm nay, gần bảy mươi năm sau kể từ khi Huỳnh Văn Nghệ đặt bút viết bài thơ, chúng ta, thế hệ con cháu của thi tướng, trải qua lắm gian truân, và còn phải vượt qua không ít thác ghềnh, cũng nhằm vươn tới cái đích, là tìm lại, là khôi phục lại vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho rừng: Rừng đẹp như một bài thơ cổ/cành cao vượn hú/ rít rít tổ chim/ Bờ suối đỏ hoa sim/Thảm cỏ xanh điểm vàng quả bứa/Đêm trăng một người một ngựa/Lỏng cương cho gió ráo mồ hôi…

Lý Văn Sâm, một nhà văn có một quãng đời gắn chặt chốn rừng núi thâm u và luôn khao khát vượt thoát nỗi cô đơn, vượt thoát sự bất công, trong đó có sự bất công được nẩy sinh từ mối lợi do rừng mang đến. Với vốn sống về rừng ngấm vào máu thịt, những tác phẩm viết về rừng, về những con người sống chết cùng với rừng mà người đọc quen gọi là Truyện đường rừng là thứ tài sản vô giá mà nhà văn Lý Văn Sâm dâng tặng, không chỉ cho rừng.

Nhân vật trong các tác phẩm của nhà văn Hoàng Văn Bổn tuy không có cái khí phách ngang tàng dữ dội như nhiều nhân vật trong loạt truyện đường rừng của nhà văn Lý Văn Sâm, nhưng nhân vật của Hoàng Văn Bổn vẫn cho người đọc nhận ra tính cách trung hậu, trọng nghĩa khinh tài của những con người được cưu mang từ cánh rừng và sông nước Đồng Nai.Trong khối tài sản văn chương đồ sộ mà nhà văn Hoàng Văn Bổn để lại, người đọc có thể lọc ra được những viên ngọc óng ánh vẻ đẹp của rừng và từ rừng.

Có thể còn nhiều, rất nhiều tác phẩm hay về rừng mà tôi chưa được đọc. Cũng như nhiều tác phẩm hay về rừng của nhiều tác giả, nhiều ngành nghệ thuật khác (Sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh…) mà tôi chưa được thưởng lãm nên đã không thể nhắc tới trong bài viết  này.

Xin được nhắc đến những tác phẩm tham gia trại viết về Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Như đã nói trên, viết về rừng là một thử thách, nếu không muốn nói là một thử thách quá khó khăn. Và anh chị em, bằng nỗ lực âm thầm với trách nhiệm của người được “đặt hàng”, đặc biệt là với tình yêu đã trở nên mật thiết như hơi thở của mỗi người đối với lá phổi thiên nhiên, đã hoàn tất nhiều tác phẩm, đáp ứng được yêu cầu trại viết đặt ra. Là người đọc kỹ từng bản thảo của các tác giả văn xuôi gởi đến, theo tôi, đây là một trại viết thành công. Một trại viết có thể chọn ra, lọc ra những tác phẩm có được đời sống của rừng.

Những tác phẩm nêu được đời sống sinh động của rừng đều được viết từ nội lực của những người có vốn sống, có ký ức đằm sâu về rừng.

Như một lời sám hối, nhà văn Nguyễn Trí kể câu chuyện về hành trình cam go của kẻ từng có “thành tích” lẫy lừng về phá rừng trở thành một người tích cực bảo vệ rừng. Là truyện ngắn, nhiều tình tiết, nhiều tình huống hư cấu nhưng tác giả đã làm người đọc tin được vào khả năng hướng thiện của một “lâm tặc”, khi trái tim anh ta chưa đến nỗi chai sạn và còn biết cảm kích trước tình người, tình đời.

Cũng xoáy vào chủ đề sự hướng thiện của con người, với truyện ngắn Tự thú, nhà văn Đào Sỹ Quang miêu tả khá sinh động từ âm mưu, hành động của những kẻ gieo rắc sự hủy diệt cho rừng, cụ thể là săn bắt và giết động vật quý, cho tới cảnh “hành lạc” rợn người khi họ lấy bộ óc khỉ “hầu vương” còn kêu la chí chóe, làm món  “kích âm bổ dương”, rồi tội lỗi thành bóng ma ám ảnh, đeo bám, truy bức, dồn ép đến mức họ phải tự thú tội ác trước rừng xanh, trước chút lương tâm còn sót lại.

Ở truyện ngắn Quên, tác giả không đề cập chuyện phá rừng lấy cắp gỗ quý hay săn lùng động vật quý hiếm rồi mua bán, giết chóc chúng một cách dã man.  Với Quên nhà văn Hoàng Đình Quang nhẩn nha kể về một thứ tội ác như loài cỏ dại gặp mưa, đang tỏa lan rậm rịt không chỉ ở những cánh rừng, dù bối cảnh của truyện ngắn là ở rừng. Đó là kẻ quay lưng ngoảnh mặt, trút bỏ trách nhiệm, dứt bỏ lương tâm. Loại người chỉ biết đến cảm giác khoái lạc của bản thân mình, dường như, bằng cách này hay cách khác, chúng chính là sự hiểm nguy đang đe dọa không chỉ đối với rừng.

Với hai bài bút ký Chút tản mạn về rừngTri kỷ của rừng, nhà văn, nhà báo Hoàng Ngọc Điệp thể hiện tình yêu nồng ấm đối với rừng, đặc biệt đối với những người mà “rừng đã trở thành một phần máu thịt của họ”. Ký ức tuổi thơ, sự từng trải cuộc đời với nhiều cung bậc cảm xúc, những chuyến vào rừng, những lần gặp gỡ trò chuyện, nghe chuyện đời của những người gắn chặt cuộc đời với rừng, rồi trách nhiệm của người làm báo đối với rừng…tất cả được gửi vào trang viết. Rừng với Hoàng Ngọc Điệp, một cô gái Hà Nội đã gắn bó gần cả cuộc đời với mảnh đất Đồng Nai có lẽ còn như sự tri ân. Tri ân đối với rừng và đối với những người đã góp phần đưa đời sống của rừng vào trang viết của mình.

Nhà thơ Phan Trung Thành có sự quan sát và cảm nhận khá tinh tế qua bài bút ký Thiên đường ngay dưới chân. Không chỉ nhìn ngắm và cảm nhận, nhà thơ còn tìm kiếm tư liệu, cũng như tri thức về rừng cùng ích lợi dài lâu của rừng. Để rồi, với Khu dữ trữ sinh quyển Đồng Nai, tác giả mong muốn “không những tiếp tục giữ gìn nguyên vẹn lá phổi xanh cho nhân loại mà còn khai thác những mô hình du lịch dã ngoại để góp phần cất cánh cho tỉnh Đồng Nai. Đưa vào nhà trường những tiết học lí thú về rừng bản địa, và hơn hết là giáo dục cho con em hãy làm một công dân thời thượng biết bảo vệ môi trường, đi du lịch xanh với tiêu chí hãy đừng lấy đi cái gì ngoài những bức ảnh, hãy đừng để lại gì ngoài những dấu chân

Bút ký Người gác rừng thời đại tác giả Ngô Hường phác họa được phần nào chân dung vị “Tổng tư lệnh” của “binh đoàn” bảo vệ rừng, bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Chân dung Tiến sỹ Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu DTSQ Đồng Nai, qua ngòi bút của cô nhà báo trẻ hiện ra gần gũi, mộc mạc, chân thành. Chân thành từ suy nghĩ đến hành động. Cương trực và quyết đoán. Đủ tâm, đủ tầm. Tận tâm, tận lực. Dấn thân cho sự nghiệp bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.

Cùng đề tài với Người gác rừng thời đạiTri kỷ của rừng, bút ký Gặp “thần rừng” ở rừng lớn nhất nhì phương Nam của nhà văn Võ Thu Hương thêm màu sắc cho bức chân dung của những “thần rừng”. Những “thần rừng” mà tác giả gặp được, không chỉ là ông Trần Văn Mùi, mà còn là anh Tô Bá Thanh, anh Nguyễn Hoàng Hảo, anh Nguyễn Minh Tâm… những “thần rừng” đối với Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai không chỉ là tri kỷ, trách nhiệm, tâm huyết mà còn là tri thức. Các anh đang cùng với những “thần rừng” chưa được nhắc đến trong bài viết, cùng với đội ngũ anh em bảo vệ rừng, nỗ lực kết nối cộng đồng trong sứ mệnh bảo vệ môi trường sống.

“Bảo vệ rừng từ các hoạt động kết nối” là công việc đem lại sinh khí mới cho Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai trong bút ký Câu lạc bộ xanh cho rừng lại xanh của nhà văn Thu Trân. Qua nhiều nội dung sinh hoạt của các “câu lạc bộ xanh”, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai,  ngoài lực lượng giữ và bảo vệ rừng chuyên trách, còn “lôi kéo’’ hàng trăm người dân địa phương biết chung tay chung sức bảo vệ rừng. Từ nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực của các “Câu lạc bộ xanh”, trong bài viết của mình, nhà văn Thu Trân đúc kết: “Hoạt động phối hợp giữ và bảo vệ rừng của các “Câu lạc bộ xanh” ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai như những vòng sóng lan xa, lan xa trên mặt hồ”

Từng sống với rừng trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, cựu chiến binh, nhà giáo Bùi Quang Tú vẫn giữ nguyên vẹn những ký ức và cảm xúc dạt dào về rừng qua bài bút ký Ký ức về rừng. Và hôm nay, khi trở lại với rừng và cảm nhận được sức sống hiện tại của rừng, khiến tác giả đã thốt lên: “Xin cảm tạ rừng đã chở che, đùm bọc bao đồng chí, đồng đội và thầy trò chúng tôi trong những năm tháng gian lao để có được ngày hôm nay!”

Phóng trí tưởng tượng của mình tác phẩm, nhà văn Nguyễn Hiệp với truyện ngắn Hóa thân; nhà văn Trần Thu Hằng với truyện dài Kho báu rừng thiêng gởi tới người đọc những thông điệp nhân sinh từ những hành xử của người với thú, người với rừng, người với muôn loài, người với con người, với cộng đồng, với thiên nhiên và đặc biệt là con người với chính bản ngã của mình. Và dù có “hóa thân” hay hóa kiếp, cái “kho báu” thiêng mà con người dốc hết cho hành trình hữu hạn của mình để kiếm tìm, đó là tìm lại chính mình, là hồi sinh những giá trị bất biến về nghĩa – nhân, trong dòng đời vạn biến này.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin được nhắc lại câu nói của Tiến sĩ Trần Văn Mùi, khi ông đưa đoàn văn nghệ sĩ tham quan hồ Trị An mà nhà thơ Phan Trung Thành ghi lại được trong bài ký Thiên đường ngay dưới chân của mình. “Lúc đó, ông hướng mắt phía lòng hồ nói nhỏ với chúng tôi: “Ở nơi đây cần có một nghĩa trang, nghĩa trang dưới nước”.

“Nghĩa trang dưới nước”, chỉ mấy từ ngắn gọn. Nhưng bốn từ đó, không chỉ hàm chứa cả lịch sử phát triển Khu dự trữ sinh quyến thế giới Đồng Nai gắn liền với đất đai, sông ngòi, nông nghiệp, nông nghiệp… trong đó có công trình thủy điện Thủy An, có lòng hồ Trị An; mà còn là văn hóa ứng xử, là vẻ đẹp truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Đã có biết bao là sự hy sinh, trong đó có sự hy sinh tính mệnh của những con người mà xác thân họ vẫn còn đâu đó dưới lòng hồ mênh mông.

Cũng từ câu nói mang khát vọng được tri ân của Tiến sĩ Trần Văn Mùi, theo tôi, có lẽ, “tiêu chí” mà anh Nguyễn Minh Tâm buột miệng nói, là phải có tác phẩm hay về rừng thì anh em văn nghệ sĩ mới được trồng cây kỷ niệm mang tên mình, nên mở rộng hơn. Đó là, tất cả những người đã và đang lặng lẽ dâng trọn đời mình cho sự tồn sinh của rừng, nên chăng được trồng một cây xanh.

Rừng sẽ xanh hơn. Cuộc đời của những con người biết sống, biết chết, có lẽ, cũng sẽ dài hơn.

BN

Chú thích ảnh. Gia đình Tiến sĩ Trần Văn Mùi, người gần suốt đời gắn bó cả đời với rừng, đã mua độc bản tập thơ Mộc của nhà văn Thu Trân để góp tiền giúp bệnh nhân nghèo của Đồng Nai (Buổi ra mắt sách được tổ chức ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) – Ảnh BN.