Tập truyện Bến chờ của Nguyễn Chí Ngoan

1056

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bến chờ – tập truyện ngắn đầu tay của tác giả trẻ Nguyễn Chí Ngoan tựa như cuốn nhật ký về cuộc sống gia đình, xã hội thường nhật nơi miền Tây sông nước.

10 câu chuyện, chính là sự “trả nợ” dành cho những cảm xúc cứ lớn dần bởi những thân phận con người khác nhau mà tác giả đã gặp ở đâu đó.

“Viết để trả nợ ơn tình, xúc cảm đối với những người từng gặp, những góc đường đồng quá đỗi thân thuộc của mẹ của cha, cái sàn lãn mùa nước nổi, để cân bằng cuộc sống và để nhiều người hơn biết đến miền Tây sông nước, để mọi người chúng ta có thể khóc cùng khó khăn của họ, sẻ chia nụ cười cùng họ”, tác giả Nguyễn Chí Ngoan nói về tập truyện ngắn đầu tiên của mình.

Với Bến chờ, chúng ta sẽ nửa giận – nửa thương cô Nhiên chung tình quá đỗi trong Sáo ơi về đâu, cho dù người chồng Út Đua chẳng đoái hoài gì đến cô ngay từ những ngày xa lắm, thậm chí ngay trong cái đêm động phòng, bởi tận rất sâu trong tâm trí của “chú rể ngó con sáo là khóc ròng” vẫn mãi là hình bóng người con gái khác.

Nhiên hiểu rõ, mình đang mải mê đuổi theo một cái bóng quá lớn của người khác mà Út Đua chẳng bao giờ nhận ra. Nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, ngày Út Đua lượm hết của cải và bỏ đi theo Lài, thì mẹ chồng của cô, cũng là hiện thân cho tất cả người phụ nữ, người mẹ trên thế gian này, dang rộng vòng tay chở che mẹ con Nhiên và không quên để mở một lối thoát đầy nhân văn “đi chán thì nó về hà…” cho kẻ phụ tình.

Nhắc đến miền Tây, là nhắc đến những mùa lũ, và dưới góc nhìn chân phương của tác giả trong tác phẩm Rồi lũ cũng tan, là hình ảnh bọn trẻ mừng rỡ vì được nghỉ học, tụm ba tụm năm tắm sông, giăng lưới cá, bẫy nhái, chọi sình…

Lũ mang về phù sa giúp đồng lúa thêm phần tốt tươi, nhưng thi thoảng cũng nhẫn tâm cuốn phăng hạnh phúc, chí ít với gia đình của cô bé Tí Nị khi mà “thằng em của nó té xuống nước, bị lũ cuốn trôi  không tìm lại được”.

Ngày lũ rút, nhà nhà vui, người người mừng, song dường như dưới ánh hoàng hôn, thì nước lũ rút cũng đã mang theo ánh mắt của người ở lại, sự biệt ly da diết bỗng chốc lại quặn thắt trong lồng ngực và rồi đắng nghẹn nơi cổ họng.

Cao trào của tập truyện ngắn được tác giả tô đậm ở Ngày buồn quá thể, với nhân vật lão Trứ siêng năng đi ghe biển đánh cá chỉ cần một gia đình, nơi để Trứ trở về sau những chuyến đi xa, mà không phải cô quạnh, lủi thủi một mình như ngày anh còn bé, lang bạt khắp nơi. Dù rằng thằng Tí mà Trứ một mực xem là con ruột được cô vợ hư lẫn tánh cả nết sanh non ở tháng thai kỳ thứ 6 cùng lời xì xầm của bàn dân thiên hạ “sanh non mà đẻ ra thiếu điều muốn cưới vợ cho nó được”.

Ngày Trứ kết liễu sự sống của tình địch, cũng là ngày Trứ tự giải thoát cho nỗi đau trong tim vốn bị bóp chặt, thắt nghẹn bấy lâu của mình. Hình ảnh Trứ cùng chiếc ghe nhỏ cưỡi những ngọn sóng cao thẳng về phía biển để đại dương bao la ôm trọn Trứ vào lòng, cùng hình ảnh

Hừng bội bạc hóa điên lang thang và khản giọng gọi tìm đứa con đã khuất, có lẽ sẽ khiến bất kỳ ai trong mỗi chúng ta phải rơi lệ. Nhân quả luân hồi, và dù cho tác giả có nhân văn đến thế nào đi chăng nữa, thì mọi sai lầm, tội ác đều phải trả giá, ngay cả với Trứ.

Với Bến chờ, chúng ta sẽ cùng được hòa nhịp cùng hơi thở của gia đình, của tình huynh đệ keo sơn dù cứ giáp mặt thì cãi mà hổng gặp thì lại nhớ, tình máu mủ liêng thiêng, công sinh thành dưỡng dục, sự tảo tần của người phụ nữ trong truyện ngắn Anh Hai, Thâm tình, Trận đùa, Đón Tết nghèo cũng như khát khao trở thành nhà văn của cô bé An trong Cổ tích nhiệm mầu, hay câu chuyện sầu bi của má thằng Út vốn bị nghi kỵ là “con lạc dòng” nhưng thực chất hổng phải vậy trong Người buông bỏ chưa.

“Mà má hay kể cho thằng Út nghe, hổng biết ông ngoại có là người tạo ra má hay không nhưng cái lần ông ngoại bây cứu má dưới mương lên, má đã là con gái của ông ngoại”, tác giả viết đầy chân phương, đầy cảm thông như thế, “Ăn cơm của người một ngày thôi đã là nợ, huống hồ má ăn cơm của ngoại suốt thời con gái”.

Và rồi, Bến chờ cũng là hình ảnh của con bé Thảo hay ngó mớ lục bình trôi xớ rớ dưới sông vì nhớ má, hay bọn trẻ nhà quê chờ gánh xiếc trên ghe đến xóm để trèo lên cành coi cọp, và rồi là thằng cu Tí mới hôm nào còn vênh mệt với còn thằng Minh giờ cũng theo ghe xiếc rời bến.

Tất cả hình ảnh thân thuộc của đời sống vùng miền sông nước miền Tây được tác giả khắc họa dung dị, không mỹ từ nhưng rất ư dạt dào cảm xúc.

Thông tin về tác giả

Nguyễn Chí Ngoan

Quê quán: Thuận Hòa, An Minh, Kiên Giang

Tác giả Nguyễn Chí Ngoan sinh ngày 22/2/1991, là hội viên Hội VHNT tỉnh Kiên Giang

Các trích đoạn hay:

 (1) Út Đua đâu biết, Nhiên đã thực sự chết trong đêm động phòng. Sau cú đổ ập lên người Nhiên là nước mắt, là những lời bén ngót đủ làm Nhiên chới với.

– Lài ơi, anh nhớ em. Sao em bỏ anh vậy Lài ơi…

(Sáo ơi về đâu, trang 28)

(2) Chú rể ngó con sáo khóc ròng. Bà Bảy Ngộ bảo cô dâu dắt chú rể vô buồng. Trời tạnh mưa. Nhiên nằm chao chát ngó lên nóc mùng, chồng vẫn xoay lưng vào vách. Lũ thằn lăn rượt nhau chí chóe trên mái nhà, Nhiên nhè nhẹ kéo cái áo bị chồng nằm lên đắp vào ngực mình. Cổ họng Nhiên đắng ngắt, giọt nước mắt chảy tràn. Tuyệt nhiên không có tiếng nấc nào được phát ra.

(Sáo ơi về đâu, trang 34)

(3) Đêm nằm bên Trứ. Sau cơn hì hục của người đàn ông suốt mấy tháng trời vắng vợ. Lênh đênh trên biển. Hừng hưởng ứng cho có lệ trước cơn khát của chồng….

… Trứ về vào một đêm biển động. Phía bên kia buồng, những cái ghì nhau rên xiết. Trong ánh đèn mờ nhạt, Hừng như lạc vào cơn mơ, đôi mắt Hừng nhắm ghì, bàn tay bấu vào thành chõng. Cảnh tượng đó Trứ chưa bao giờ được thấy khi chung đụng cùng Hừng… Ê chề. Chua chát. Những tiếng cười khe khẽ rót vào màn đêm đặc quánh. Mặc ngoài kia từng đợt sóng biển hung hãn dội vào bờ. Trứ nghe tim mình nhói lên từng hồi như có ai bóp chặt, thắt nghẹn.

(Ngày buồn quá thể, trang 52)

(4) Mà má hay kể cho thằng Út nghe, hổng biết ông ngoại có là người tạo ra má hay không nhưng cái lần ông ngọai bây cứu má dưới mương lên, má đã là con gái của ông ngoại. Ăn cơm của người một ngày thôi đã là nợ, huống hồ má ăn cơm của ngoại suốt thời con gái.

(Người buông bỏ chưa, trang 71)

(5) Thằng Út nhìn ngọn gió đồng mang mớ tro vừa đốt bay đi trong làn mưa trắng xóa. Không biết giây phút lìa đời Ngoại đã buông bỏ chưa hay còn giữ lại trong lòng mình những đầm đìa nghi kỵ. Biết được sự thật chắc không vui như thằng Út nghĩ vì cái gì rồi cũng thành hư vô, ông ngoại đến cùng vẫn không biết được sự thật.

(Người buông bỏ chưa, trang 73)

(6) Năm nào lũ cũng kéo về, chỉ khác lớn nhỏ tùy theo ông trời. Cái thằng Củi giận ông trời, sao cứ bắt người xóm Mù U của nó khổ ơ là khổ. Nhà thím Ba lúa mới no đồng thì đã bị lũ nhấn trong dòng nước lạnh căm, nhà Cố Mười có đàn heo mới sinh cũng không kịp chạy lũ. Tội nhất có lẽ là nhà con Tí Nị, thằng em của nó bị té xuống nước bị lũ cuốn trôi không tìm lại được. Bữa qua nhà thấy gia đình Tí Nị ngồi ngó mâm cơm nguội lạnh, nhìn thôi cũng xót xa.

(Rồi lũ cũng tan, trang 84)

(7) Vẫn những buổi chiều không tên, bà con xóm Mù U lại thấy đám trẻ con náo động cả khúc sông quê. Hôm nay Tí Nị không tắm sông, Tí Nị ngồi trên cái sàn lãn nhìn đám bạn tắm sông, giỡn hớt. Thằng Củi thấy lòng lung lắm. Nó chạy lại ngồi kế Tí Nị mặc cho gió làm nó đánh bò cạp liên tục.

– Sao hôm nay mày hổng tắm sông?

– Hông, tao muốn ngồi đây nhìn dòng lũ rút đi. – Tí Nị lắc đầu nguầy nguậy.

– Để làm gì

– Vì trong dòng nước đó có em của tao. Hổng biết nó có nhớ đường để về nhà không nữa. Nước rút rồi sao nó vẫn chưa về?

….. Nước lũ đã rút đi mang theo cả ánh nhìn người ở lại

(Rồi lũ cũng tan, trang 92)

(8) Buổi sáng hôm đó, gánh xiếc đã bắt đầu dọn bãi, người ta vác mọi thứ xuống ghe chỉ còn một khoảng đất trống trơ. Chiếc ghe rời bến đâu có lưu lại dấu nằm dưới sông. Thằng Tí ngó lên bờ nhìn ba đứa trẻ nước mắt đầm đìa. Mấy cái vẫy tay của chúng tôi đâu có kéo chiếc ghe về lại. Thằng Tí gọi với lên bờ:

– Tụi mày đợi tao về nghen.

Chúng tôi đứng lại bến sông rất lâu. Chiếc ghe đã rẽ sóng trôi đi mặc kệ ánh nhìn của người ở lại. Thằng Tí sẽ về đâu giữa biển người mênh mông đó. Chiều đó con Thảo giúp ba nó mang lú giao cho nhà bác Chín. Lúc đi ngang cây cầu dừa, con Thảo lí nhí, ba để con xách tiếp cho. Giọng con Thảo nhỏ lắm mà đủ làm người đàn ông đi trước nó bật khóc….

(Bến chờ, trang 120-121)

(9) Thằng Út hí hửng lục tung cái bọc má mang về. Mắt Nương nằng nặng nước, lúc má giũ bộ đồ ướm lên người thằng Út. Nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt của má, Nương thấy xót quá chừng. Nương hâm lại đồ ăn rồi dọn lên bàn.

– Sao mấy đứa không ăn cơm trước đi, đợi má làm chi. Đói rồi sao?

– Có má, con mới ăn được. – thằng Út nũng nịu

Mâm cơm chiều tất niên thành mâm cơm đón Giao thừa. Thằng Út gắp thịt vô chén cho má, má ăn nhiều nghen má. Má nhìn nó cười hiền, con cũng ăn đi cho mau lớn để đỡ đần tiếp chị hai nghen.

… Thời khắc Giao thừa vừa điểm, ba mái đầu lặng lẽ ngồi cùng nhau trong căn nhà xập xệ… Tiếng gà gáy như đánh thức mọi vật từ trong bóng đêm. Ngày mai sẽ là một cuộc hành trình với những khởi đầu mới mẻ. Bình minh sẽ về lại với xóm Rẫy, nắng Xuân ấm áp rồi sẽ về sưởi ấm những mảnh đời lẻ loi.

– Ngày mai má nghỉ đi bán một ngày nghen má…

(Đón Tết nghèo, trang 132-133)

Thông tin Nhà xuất bản:

Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP.HCM