Sáu xứ Đông Dương | Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh

1682

06.02.2018-09:00

NVTPHCM- Về Liên bang Đông Dương thuộc Pháp ngày trước, có người cho rằng gồm có tất cả 4 xứ trực thuộc, nhưng cũng có người nói có 5 xứ hoặc 6 xứ. Vậy chính xác là bao nhiêu xứ và các xứ này tồn tại ra sao?

 

Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, triều đình phong kiến nhà Nguyễn tại Việt Nam bắt đầu suy yếu. Nhân cơ hội ấy, vào tháng 9 năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lăng Đông Dương của thực dân Pháp. Gần 30 năm sau, ngày 17 tháng 10 năm 1887, Liên bang Đông Dương (tiếng Pháp: Union Indochinoise) được chính thức thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Cộng hòa Pháp.

 

Liên bang Đông Dương, đôi khi gọi là Đông Dương thuộc Pháp (tiếng Pháp: Indochine française) hoặc Đông Pháp, lúc đầu có 4 xứ, gồm thuộc địa Nam Kỳ (Cochinchine) và ba xứ bảo hộ là Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) và Cao Miên (Cambodge, tức Campuchia ngày nay).

 

Ba xứ ở Việt Nam thường được người Pháp gọi chung bằng một địa danh “An Nam thuộc Pháp”. Bắc Kỳ (từ Ninh Bình ra Bắc) theo quy chế “nửa bảo hộ” (trừ hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng theo quy chế “nhượng địa”). Trung Kỳ (từ Thanh Hóa vào tới Bình Thuận) theo quy chế “bảo hộ” (trừ Tourane – Đà Nẵng theo quy chế “nhượng địa”). Nam Kỳ theo quy chế “thuộc địa”. Đến năm 1945, các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ được đổi thành Bắc Bộ, Nam Bộ, Trung Bộ. Tiếp nối nhà Nguyễn của Việt Nam, Pháp thực sự kiểm soát các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa năm 1920 và tuyên bố chủ quyền năm 1921.

 

Đến năm 1893, sau khi “kết nạp” thêm Lào (Laos), Đông Dương thuộc Pháp có tổ chức hoàn chỉnh gồm 5 xứ.

 

Đến năm 1900, Pháp ghép thêm vùng Quảng Châu Loan (vùng đất mà Pháp đã chiếm được của Trung Quốc) vào Liên bang Đông Dương. Như vậy, đến lúc đó có cả thảy 6 xứ trực thuộc Liên bang Đông Dương.

 

Quảng Châu Loan (tiếng Pháp: Kouang-Tchéou-Wan) hoặc Lãnh thổ Quảng Châu Loan (tiếng Pháp: Territoire de Kouang-Tchéou-Wan) là một vùng đất ở miền Nam Trung Hoa, thuộc tỉnh Quảng Đông. Quảng Châu Loan từ năm 1898 là nhượng địa của Pháp theo Hiệp ước Pháp – Thanh (năm 1887) với hạn kỳ 99 năm, nhưng đến năm 1946 đã hoàn lại chính phủ Trung Hoa. Về mặt hành chính Quảng Châu Loan trực thuộc Thống sứ Bắc Kỳ nhưng hưởng quy chế riêng chứ không sáp nhập vào Bắc Kỳ. Thuộc địa này sơ khởi được gọi là Fort Bayard, có ủy viên (Commissaire) cai quản. Kể từ năm 1900, Quảng Châu Loan là một trong 6 xứ trong Liên bang Đông Dương như đã nói trên.

 

Liên bang Đông Dương lúc đầu thủ phủ đặt tại Sài Gòn (1887 – 1901) sau chuyển ra Hà Nội (1902 – 1954). Đứng đầu liên bang là một Toàn quyền (1887 đến 1945) hay một Cao ủy (từ 1945 đến 1954) của chính phủ nước bảo hộ Pháp. Một số chính quyền địa phương đặt dưới quyền các ông vua địa phương mà thực chất là bù nhìn, vì quyền lực vẫn nằm trong tay các quan chức thực dân Pháp.

 

Liên bang Đông Dương bị Nhật Bản lật đổ vào ngày 9 tháng 3 năm 1945 khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai sắp kết thúc. Tuy nhiên, sau đó quân Nhật lại thua quân Đồng Minh và Liên bang Đông Dương chỉ thực sự tan rã sau khi Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ và Hiệp ước Genève được ký kết năm 1954.

 

ĐNCT

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…