Say một cung đàn

973

Nguyễn Thị Phụng

        (Đọc Mùa thu về qua cửa – tập thơ Nguyễn Đức Bá, NXB HNV 2020)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nếu chỉ biểu hiện mùa đất trời qua từ ngữ thì có phải là cảm thức thơ?! Thơ thật sự rung động có là những yếu tố khách quan?! Điều đó chưa khẳng định. Nhưng khi đọc Mùa thu về qua cửa – tập thơ Nguyễn Đức Bá, chút “Man mác gió đùa/ Lá rơi trong gió/ Mây trôi lửng lờ hạt nắng tỏa hương” (Đông lạc về đâu gió giao mùa) và bất chợt nhận ra rằng thi nhân lỡ Say một cung đàn rồi. Khó giải mã nguyên nhân ấy. Chính cái say khẽ khàng làm sao: “Chạm giọt sương mềm/ Giấc mơ đời mắc cạn/ Chạm vệt trăng loang vườn khuya còn đẫm lá/ Lạc trong mắt em/ Say một cung đàn…” Tự đáy lòng biên tựa những bài thơ không trùng lặp. Đó là thi hứng Nguyễn Đức Bá.

Tập thơ Mùa thu về qua cửa của Nguyễn Đức Bá 

Miền em là trầm tích vốn có rất tự nhiên ở mỗi người. Đó là nhân bản đáng quý, tiếp nối sự tồn sinh và cũng rất công bằng. Cái công bằng theo nhịp đập thời gian bất biến. Nên thơ Nguyễn Đức Bá cuốn theo chiều suy tư trong từng khoảnh khắc. Khơi nguồn tình yêu: “Từ những ngày đầu gặp gỡ/ Ta đã cho nhau nụ cười, ánh mắt/ Ta đã cho nhau tất cả tâm hồn” (Tặng em). Sự lặp lại “Ta đã cho nhau” đâu còn là khẳng định ràng buộc trong quan hệ, mà là điểm tựa niềm tin sự sống cõi nhân gian, gần nhất là tổ ấm gia đình. Những khổ đau cùng kham và hạnh phúc cũng hưởng: “Cảm ơn em đã vững tay chèo/ Đã cùng anh vượt qua bão tố/ Dù đông về vẫn thấy ấm lòng hơn”. Thật trọn vẹn thủy chung.

Miền anh lại vời vợi những nỗi niềm theo cung bậc. Những con chữ mùa đông tiếp nối, lặp lại theo từng khổ thơ vơi đầy ngổn ngang, rối bời, chồng chất tăng dần. Từ cái tĩnh lặng cảnh vật cây bàng, cây sầu đông,… hoang vắng, đến cái động “Nghe từng bước chân em”, nhưng trong xa xăm mơ hồ theo “Dấu trầm hương lặng lẽ/ Lạc loài đêm mơ/ Thuyền em trôi dạt bến bờ xưa/ Ta nhặt lại giọt sương đơn côi trong vùng hoang vắng/…/Mùa đông bâng khuâng lạc qua vùng tóc rối”. Lúc thì chênh chao đắm say cung đàn muôn điệu (Chạm nụ hôn trăng, Lạc miền gió rung, Hôn lên bóng nhớ,…). Lúc thì trống vắng thả tình trôi theo mùa (Mong manh sợi gió, Bóng hồng tình yêu, Ai nhớ… ai quên,…). Chất chứa đến tột cùng:

Trên những giọt nước mắt

Khóc cho những bi kịch cuộc đời

Phủ đầy giông bão

Chỉ còn lại thanh âm

Con sông buồn mơ về miền nhớ

Xa xăm

(Dòng sông cô đơn)

“Con sông buồn mơ về miền nhớ” nhưng không là sự thỏa hiệp cảm xúc mơ hồ. Thơ Nguyễn Đức Bá vơi đầy những mất mát của một người cha: “Tháng tư về/ Lòng ta quặn thắt/…/Để lòng ta nước mắt rơi… từng đêm trong ngõ tối/ Giọt buồn nào đọng lại giữa thời gian…” (Viết cho con). Là khắc ghi chia sẻ những kỉ niệm (Về thăm quê cũ, Viết cho em, Ai, Mảnh trăng mơ,…). Là phép màu giải tỏa đơn côi chồng chất: “Thức với trái tim nhịp rung hương cỏ/ Những nụ tình xô ngã bóng trăng mơ/…” (Em một đời lá cỏ với sương). Những hương cỏ với trái tim, những bóng trăng với nụ tình đan cài trong khoảng lặng, cho nhịp đời hát khúc thơ say, đồng cảm con người và cảnh vật.

Say một cung đàn Mùa thu về qua cửa. Hẳn là tiếng thơ Nguyễn Đức Bá. Mùa thu với thi nhân có từ xưa đến nay. Hễ bao nhiêu tác giả thì có bấy nhiêu mùa thu. Nếu như Nguyễn Khuyến với Thu ẩm, Thu điếu Thu vịnh là bức tranh thu đặc trưng của làng quê Việt Nam ngày ấy. Nếu Xuân Quỳnh với Thơ tình cuối mùa thu: “Thời gian như là gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em” của hơn năm mươi năm về trước. Nguyễn Đức Bá của hôm nay đâu chỉ còn anh và em, mà của đôi ta đã hòa trong mùa yêu thương nỗi nhớ đong đầy: “Nghiêng bóng trăng rơi một nửa mùa thu rụng/ Cỏ rối lòng mộng mị giấc chiêm bao” (Gọi một mùa thương) chút lãng đãng câu từ trong gợi tả, chút khát khao của thi nhân:

Em-Anh cùng tựa nhau hơi ấm

Để mùa Xuân về trong tiếng hát reo ca

Để quên đi những tháng ngày đau khổ

Bởi cuộc đời còn có cả hai ta

(Tựa nhau)

Giấu sao được cái nguyên hình kí ức, những hoài niệm ùa về (Còn chút… Ngày xưa). Rồi bất chợt có hay đời người tựa bóng mây trôi theo mùa, như tiết trời ấm lạnh: “Em đi qua/ Tháng giêng về/ Trời hanh vàng giọt nắng” (Nghe nắng tháng giêng). Rồi xôn xao ngộ ra nhịp đời thôi thúc, bởi: “Đêm lạnh mùa đông sẽ chìm vào ký ức/ Nắng sẽ về hôn mãi… khoảng trời xa/ Hương mùa xuân đâu đây tràn ngập lối/ Xuân lại về/ Nỗi nhớ… hóa tình yêu…” (Mùa xuân rồi sẽ về)

Nỗi nhớ… hóa tình yêu” chính là nguồn thi hứng chủ đề Mùa thu về qua cửa. Mỗi bài thơ tựa những nốt nhạc thăng trầm theo mùa xa vắng khoảng cách không gian và sum vầy trong tâm tưởng thực tại. Chính những tựa đề từ một tiếng bao hàm cho một từ vựng kiệm lời, ẩn ý. Dẫu biết Nguyễn Đức Bá là thầy giáo dạy toán, ấy mà những (Nghiêng. Vỡ. Muốn. Ai. Em. Biển. Nhớ. Mưa. Vẽ) hướng đến từng tứ thơ bung tỏa thăng hoa, như: “Anh vẽ hình em lên thu vàng nỗi nhớ/ Chờ sương giăng đan võng cuộc tình” (Vẽ).

Mùa thu về qua cửa theo từng độ nén cảm xúc, lúc cô đọng tứ thơ lục bát bốn câu trải dòng (Nhớ). Lúc thì có những bài thể như trường ca bất tận: “Tôi muốn đem câu thơ hòa vào ngọn gió/ Để muộn phiền trôi dạt cuối chân mây/ Để dòng sông mắt cười trong đêm vắng/ Chạm bóng trăng gầy đêm chảy giấc mơ xa” (Muốn). Những nhớ và muốn song hành có thể từ những ngày (Đi trong chiều không em, Nhặt cánh phượng hồng, Dã quỳ rơi trên cao nguyên). Cho đến khoảnh khắc: “Ru tình/ Ngày ấy/ Phôi phai// Nhỏ từng giọt nhớ/ Trên vai/ Ngậm ngùi// Hoàng hôn/ Nhuộm tím khoảng trời// Câu thơ ngày ấy/ Thu vời vợi/Xa...” (Chiều thu). Đã là Thu vời vợi xa đâu dễ gì níu kéo. Có chắt chiu trân trọng cũng chỉ còn kỉ niệm đẹp, xin được khép lại. Mở lòng cho tháng ngày tiếp nối, ấp iu Câu thơ ngày ấy chút bồi hồi, xôn xao cho Mùa thu về qua cửa. Thấp thoáng đâu đây vơi đầy nhung nhớ, khó mà tránh được ở thi nhân khi lội ngược đường trần.

                                                   09.06.2021

 N.T.P