Sóng tan – Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh Hoàng

562

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông chồm người qua hàng ghế phía cửa sổ, ngạc nhiên trước sự thay đổi đến không ngờ. Một chút lo lắng hiện lên đôi mắt ông, lẫn một ít bồi hồi.

Tranh minh họa – Tác giả: Nguyễn Quang Tuấn

Trống ngực ông đập thình thình theo tiếng nhân viên buồng lái thông báo: “Máy bay sắp hạ cánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất. Xin quý khách vui lòng thắt lại dây an toàn. Nhiệt độ bên ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh hiện tại là 32 độ C, giờ Việt Nam là 13 giờ 20 phút. Hãng hàng không chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý khách. Chúc quý khách có những ngày du lịch và làm việc ở Việt Nam thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. Xin hẹn gặp lại”.

Vợ chồng Hạnh và hai đứa con đang vẫy hoa đón ngoài cửa kính. Ông bước mà như bay. Chiếc xe đẩy nhiều hành lý làm quà bỗng trở nên nhẹ một cách kỳ lạ. Hai đứa trẻ bụ bẫm, xinh xắn tỏ vẻ e dè khi ông nắm tay chúng. Hai chữ “ông ngoại” tụi nó đã học rồi mà sao kêu lên nghe lạ hoắc.

Đường về Lai Vung bây giờ xe chạy không quá 3 tiếng. Chiếc cầu treo Mỹ Thuận bắc qua sông, rực rỡ ánh đèn đêm lung linh hai bờ sông Tiền êm ả. Sông đầy gió quyện hương vị trái cây, mùi cỏ ngọt như câu hát quê hương đong đưa chòm khế. Ông không khỏi ngạc nhiên vì suốt chặng đường không thấy đoạn nào là đất, tất cả đã bê tông hóa, láng nhựa phẳng phiu. Con đường cao tốc nối liền các tỉnh miền tây với thành phố Hồ Chí Minh lướt băng băng trong gió. Đất nước đổi thay ngoài sức tưởng tượng của ông – Hơn bốn mươi năm rồi còn gì.

Căn nhà gỗ cũ kỹ đã không còn. Thay vào đó là cái nhà tường khá khang trang, gạch bông mát rượi. Vườn cây trái sau nhà thấp thoáng lá đùa trăng. Ao nuôi cá sạch rộng hơn 2ha đang trang điểm mặt nước bằng những chòm sao đêm nhấp nháy. Hình ảnh con trâu lẽo đẽo cái cày không thấy nữa. Khoa học kỹ thuật đã lấn sâu vào tận những con đê uốn lượn trên đồng. Hầu hết bà con ai cũng biết áp dụng những tiến bộ của thời đại thông tin vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều người tò mò đến xem, ai cũng muốn tận mắt coi ông Việt kiều ra sao, nói tiếng Việt thế nào? Tụi nhỏ trong xóm ló đầu vô “hé lô hé lơ” lia lịa.

Đêm đầu tiên được nằm trên mảnh đất quê hương, ông nghe rõ tiếng nhóc nhen gọi ngoài vườn, côn trùng tấu một bản hòa ca, êm ái, nhẹ nhàng như sẵn lòng ru ông vào giấc ngủ. Ông mở toang cửa sổ, nghiêng đầu ngắm ánh trăng hạ tuần đã nghiêng về phía Tây. Hình như là đã có đến chừng ấy năm ông không nhìn được vầng trăng tròn, khuyết. Ông lắng tai, cố thu tất cả những âm thanh của đêm: Kia là tiếng cá ngớp móng dưới ao; đây là tiếng của mầm non vừa tách nụ… Yên bình quá !

*

Sáng nay, nhà văn hóa huyện tổ chức mít-tinh kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ. Mặt trời còn ngáy ngủ đã thấy băng rol, cờ hoa trang trí khắp các lối đi vào sân bãi. Mọi người tập trung khá đông, phụ việc cho Ban tổ chức. Dịp này Hội Văn học Nghệ thuật phối hợp với Tỉnh Đoàn triển lãm tranh với chủ đề “Tiếp lửa truyền thống” và “Mãi mãi tuổi 20”. Nhiều ánh mắt nhìn về phía hai bức tranh lớn. Câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm muốn tìm hiểu chính là tác giả của bức tranh. Nét cọ rất mạnh mẽ, sống động và những điểm nhấn bằng gam màu đặc trưng.

Sau buổi lễ long trọng và trang nghiêm, nhiều người đã ồ lên khi biết tác giả của hai bức tranh là một người khuyết tật. Anh ngồi trên chiếc xe lăn – có gắn động cơ do chính tay anh sáng chế, trang bị đầy đủ bộ phận đề, tay lái, cần thắng hẳn hoi – Anh lăn xe ra trước phía cửa đã treo những sợi ruy băng đỏ. Lãnh đạo huyện cùng các vị khách mời cùng bước lên cắt băng triển lãm. Dòng người nối theo sau xe của anh tiến thẳng vào bên trong hội trường. Những bức tranh tả thực rất mộc mạc được trưng bày theo từng chủ đề khác nhau. Ông dừng lại trước bức tranh nửa tối nửa sáng. Đôi mắt đỏ trong tranh chảy sệ xuống cái mũi đã cong che lấp một phần môi trên của cô gái, mái tóc hất tung về phía sau, có nhiều sợi quấn lấy mấy cành cây khô trơ trọi lá.

Xin một phiếu mua tranh nơi bàn tiếp khách, ông ngập ngừng một lúc rồi viết: Dương Thế Huy nhà số… đường… thị trấn… và một con số điện thoại di động khá dài. Tờ giấy được gắn lên bức tranh như một thông điệp khẳng định chủ sở hữu mới. Ông lùi lại xa hơn và ngắm kỹ thêm lần nữa trước khi hòa vào dòng người đang trôi theo những cảm xúc khác nhau.

Trưa, nắng lên gay gắt. Khách tham quan cũng đã thưa dần.

Bước ra khỏi khu nhà văn hóa một đỗi, thì ông nghe có tiếng chân gấp gáp phía sau. Cô gái nơi bàn tiếp khách lúc nãy dừng lại trước mặt ông, vừa thở vừa nói.

– Xin lỗi, chúng cháu không thể bán bức tranh ấy cho chú được.

– Tại sao?

– Mẹ của tác giả không chịu.

– Không chịu? Tại sao?

– Cháu không biết nữa, nhưng thấy bà rất giận dữ… Bà đã úp ngược bức tranh đó vào tường và xé nát tờ giấy, rồi bỏ về. Cháu xin lỗi.

Cơn giận trong lòng ông bật lên. Sao bà ta có thể hành động một cách khiếm nhã như vậy? Ông lớn tiếng.

– Cô có thể dẫn tôi gặp bà ấy được không?

– Nói thiệt là cháu không biết chính xác nhà của bà, nhưng chú có thể hỏi những người xung quanh, vì cháu mới về làm ở đây hơn nửa tháng.

– Thôi được. Cám ơn cô!

Ông không thể nào ngồi yên với câu chuyện sáng nay. Đây là lần đầu tiên ông bị “từ chối” kể từ khi chiếc Boeing hạ cánh xuống sân bay. Chẳng phải mọi người đã niềm nở đón tiếp ông trong suốt tuần qua đó sao? Ngay cả những đứa học trò không quen ông chúng cũng cúi đầu chào mỗi khi gặp ông trên đường kia mà! Hay như ông Sáu ở đầu xóm, người từng đứng về phía đối diện với ông gần như một còn một mất, thì nay cũng sẵn lòng bỏ cả buổi đồng áng mà đến nhà trò chuyện, thăm nom.

Tại sao chứ?

*

Nhớ đến chuyện ông Sáu hôm qua, ông không khỏi bùi ngùi.

Tuổi thơ của ông đã được bắt đầu từ những điều nghịch lý. Có phải chính số phận nghiệt ngã ngay từ buổi sơ sinh đã khiến phần xác át phần hồn của ông trong suốt thời trai trẻ. “Tam niên vô tử bất thành thê”. Định kiến hẹp hòi, khắc khe đó úp lên thân phận người phụ nữ và cũng là cái cớ để ông Hội đồng chiếm đoạt thể xác “con sen” mà sinh ra ông theo cái kiểu chuyện đã rồi.

Mẹ ông phải cắn răng chịu đựng những lời chì chiết đay nghiến, hành hạ của bà Hội đồng. Những trận đòn thừa chết từ chiếc roi của gia đình ông Hội đã quất xuống thân thể bà như quất vào mông những con trâu kéo cày trên ruộng. Bà bỏ mặc bản thân cũng chỉ vì cái mầm sống đang lớn dần để chờ ngày nở nhụy khai hoa. Vậy mà khi đứa trẻ tu oa cất tiếng khóc chào đời, thì ngay cả cái quyền làm mẹ mà người ta cũng không cho bà được có.

Đứa con ấy lớn lên không biết nguồn cội là gì. Cũng đúng thôi, bởi ai dám hé răng trước uy quyền nhà ông Hội. Đất đai ông Hội cho làm, nợ mẹ nợ con còn chưa trả nổi kia mà. Chính sự bần cùng, khốn khố của người dân đã trở thành tảng băng nhấn chìm câu chuyện thật giữa dòng đời đầy dẫy những bất công thời đó.

Mấy mươi năm rồi mà ông Sáu vẫn không thể nào quên. Mà làm sao ông có thể quên đi giọt nước mắt của cô Tư rơi bộp xuống nền nhà, khi chính bản thân ông Sáu cũng không thể nói được gì, giúp được gì trước thân phận tôi đòi của người ăn kẻ ở.

Ông Sáu thở dài và bảo.

– Ngày mai đám giỗ chị Tư, lo mà thắp nhang tạ lỗi với mẹ bây. Có ai sinh con mà cả cuộc đời hổng được kêu bằng mẹ chớ?

– Nếu vậy thì tại sao bà lại tiếp tay cho Việt Minh cướp của gia đình?

– Việt cộng nào cướp của nhà bây. Lợi dụng tình hình hỗn loạn lúc Nhật đảo chính, tụi hương cả, chức việc nhắm mấy nhà giàu đổ vô cướp bóc chia nhau ăn, rồi đổ thừa cho đằng mình, hòng chia năm xẻ bảy. Mẹ bây chết cũng do cái vụ cướp bóc đó mà ra.

– …

– Cha bây đổ tội cho chị Tư tiếp tay, dọn đường cho tụi cướp, đánh tới nằm liệt giường, khoảng mấy tháng sau thì mất. Bây lớn lên không biết phải trái gì, thấy mùi tiền của bọn tay sai thì bám theo mà hại bà con, làng xóm…

– Thật vậy sao?

– Tao gạt mày được cái gì? – Ông Sáu lớn tiếng – Nói với mày một hồi chắc tới nước tao tức lên mà đi theo chỉ!

Gương mặt ông Sáu nóng phừng phừng, ông hất cặn trà ra sân rồi đứng lên bỏ về nhà một mạch.

Chuyện hôm qua là một biến cố lớn đối với ông. Biền biệt mấy chục năm xa quê, giờ trước mắt ông là một sự thật đến ngỡ ngàng. Cái giá ông trả đáng không? Làm sao nó có thể bù đắp được những gì đã trót lỡ gây ra. Sự thù hằn, mùi thuốc súng, đô la… đã quấn siết ông lao theo dòng nhả đạn. Những đêm hỏa châu và những trận bão lửa đã đốt cháy tâm hồn và tình yêu thương của ông tự bao giờ. Ông chai sạn trước những cảm xúc của mình, nhất là từ khi biết tin trái bom B52 đã ném ngay mâm cơm gia đình ông ở quê nhà. Tất cả đã không còn. Ông đào ngũ quay về và điên cuồng đào bới từng viên gạch để tìm xác họ. Vô vọng đến quẫn tâm, ông lại tiếp tục làm con thiêu thân lao vào cuộc chiến chinh mà không biết đâu là thiên thần, đâu là ác quỷ. Đứa con gái may mắn còn sống sót vì vắng mặt lúc Mỹ dội bom, đã khóc đến khản giọng mà vẫn không giữ được chân ông. Bà con lối xóm khuyên ông ở lại để làm tròn trách nhiệm với đứa con và những phần việc mồ mả cho người vừa khuất. Người ta nói với ông nhiều điều về những sự việc xảy ra khi ông vắng nhà, nhưng đời nào ông để tâm tới. Sự độc đoán, cố chấp được lòng thù hận nung sôi đã đẩy ông trở lại chiến trường và thờ ơ trước những trận đòn tra tấn dã man, lạnh lùng trước những tia máu của biết bao người phun đỏ trên bốn bức tường của Ban Hai ở đồn quận trưởng.

Ông nhìn lên bàn thờ, không thấy hình của mẹ, chỉ có khung vải đỏ ghi chữ Lê Thị Tư – người mà ông chưa một lần gọi tên. Những ngày nơi xứ lạ quê xa, ông đã từng nhận được thư con gái kể về những gì mà ông không tin. Ngày con lấy chồng, ông cũng không rũ bỏ được những mặc cảm, thành kiến dường như đã ăn sâu vào kẽ tóc chân tơ. Mấy tháng sau, khi nhận được thư và hình chụp đám cưới của con gởi qua, ông mới nhận ra người chủ hôn là ông Sáu.

Những đổi thay liên tục qua lăng kính của phóng viên truyền hình nước ngoài, đã dần dần để lại trong ông một cái nhìn về quê hương đã một thời điêu tàn vì bom đạn. Những người yêu chuộng hòa bình đã đến gõ cửa nhà để xin ông một chữ ký ủng hộ cho hàng vạn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ông giật mình khi ý nghĩ chợt lóe lên. “Chiến tranh vẫn chưa thể khép trước những nỗi đau âm ỉ như thế sao?”. Tiếp đó là hàng loạt những câu chuyện mà bạn bè ông đang đầu tư làm ăn ở Việt Nam kể lại. Tất cả đã chứng minh và phủ nhận hoàn toàn với những gì được nuôi dưỡng trong đầu ông kể từ ngày ông vượt biên sau năm giải phóng. Không ai chối bỏ được quá khứ của mình. Ngày hôm qua khẳng định sự tồn tại cho hôm nay và tương lai phía trước. Cũng như đứa con gái của ông, nếu ngày xưa không kiên quyết ở lại lo hương hỏa ông bà, thì bây giờ ông đã chưa có mặt ở đây để được thấy, được nghe sự đổi thay từng ngày của quê hương xứ sở.

Tiếng con vện sủa vang đã cắt đứt những suy nghĩ trong đầu, ông đứng lên và quay vào nhà sau gọi lớn.

– Hạnh à? Cha có chút chuyện phải đi, chiều nếu về muộn thì vợ chồng con với mấy cháu ăn cơm trước, khỏi chờ cha!

– Cha đi đâu vậy?

– Tìm thăm mấy người quen hồi trước thôi.

– Cha nhớ về sớm nghen, hai đứa nhỏ đi học về mà hổng thấy cha, chắc con dỗ hổng nổi quá!

Ông nghe lòng vui lạ. Hai chữ “ông ngoại” cả tuần nay ấm áp lắm. Gần gũi quá và cũng thiêng liêng quá. Vậy mà… với ông, có một tình thương thiêng liêng hơn thế cũng bị đặt sai đi. Xót xa cho đời ông, hay trách hờn số phận?

Ông bước ra đường, ngoắc một chiếc xe đò chạy về hướng cầu Kinh Ranh.

*

Hạnh không hiểu vì sao hai ngày nay ông nằm dào dào suốt buổi, kể từ khi trở về lúc 9 giờ tối đêm trước. Mùi rượu toát ra từ người ông đến nghẹt mũi. Mấy đứa cháu không chịu ngủ chung với ông nữa. Hai đứa cứ bịt mũi chạy ra sau mỗi khi thấy ông nôn mửa xuống sàn nhà.

Nếu là bè bạn gặp nhau sau mấy mươi năm, thì dẫu có quá chén cũng dành thời giờ phấn chấn để hàn huyên. Đằng này, ông không buồn để ý đến chung quanh, ngay trong lúc ngồi vào bàn ăn ông cũng như người thất hồn, tâm trí để đẩu đâu. Hạnh hỏi, thì chỉ nhận được câu trả lời: “Ba thấy hơi mệt một chút”.

Hai đứa cháu nhìn ông dè dặt hơn, bởi chúng không sao hiểu được những gì người lớn thường hay bảo: “Con nít còn nhỏ không biết đâu, lớn lên thì mới hiểu”. Mà làm sao chúng hiểu được tâm trạng ông lúc này, hầu như tất cả chỉ là những thước phim quay chậm…

…Ông đủ can đảm tìm tới đây sao? Nếu còn một chút người chứ không phải là con thì ông đi cho khuất mắt! Trái đất này tròn thiệt mà. Cũng may là nó chưa chết như lời nguyền rủa của ông. Trời cao có mắt đó!

– Bà nói ai chết, ai nguyền rủa ai?

– Ông khéo quên. Mà cũng phải thôi. Ai đủ can đảm để nhớ tội lỗi của mình.

– Tôi vẫn không hiểu bà nói gì? Tôi với bà quen biết bao giờ… Sao bà có những lời lẽ nặng nề như vậy?

– Phải. Ông không biết tôi. Nhưng tôi thì biết rất rõ ông nữa là đằng khác. Lần đó, nếu không vì bảo vệ cho đồng chí Bí thư với mấy anh chính trị viên, thì tôi đã liều mạng với ông rồi. Tôi không sao xóa được hình ảnh trong đầu mình về cái ngày hôm đó.

– Vậy bà là…

– Người mà bọn ông treo giá bằng đô la của 50 năm trước.

Ông nhổm đít lên, mắt mở to, miệng há rộng.

– Năm Vân?

– Cám ơn ông còn nhớ bí danh của tôi, và chắc ông cũng không thể quên được cái tên Út Thu chứ!

– Con bà Hai bánh kẹp.

Ông nghe như điện giật khỏi ghế, giống hệt như chiều hôm đó…

… Tên cố vấn chỉa mũi súng vào đầu Thu. Nó cộc lốc một tiếng

– Khai!

Còn gã thiếu úy bước tới hấc mặt nói.

– Ai cung cấp tin cho mày, thằng nào ở đây là cha của nó? Nói!

Đứa bé bồng trên tay Thu khóc ré lên trước bọn người mặt đỏ căng từng thớ thịt, như sẵn sàng ăn tươi nuốt sống cô. Bọn lính vây quanh như sợ vuột mất miếng mồi. Mắt Thu nhìn thẳng tên cố vấn, rồi bất thình lình cô nhổ toẹt một nhúm nước bọt vào mặt hắn. “Đùng!”. Tiếng nổ xé tan bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt trong quán. Tia máu phún ra lấm lem mặt tên cố vấn. Thu lảo đảo nhưng cố đứng vững một lúc trên đôi chân mình. Tay buông thỏng thằng bé từ từ xuống đất. Không nghe tiếng con khóc, mắt chị mở trừng trừng trước những gương mặt cắt không còn chút máu của bọn tay sai đang thụt lùi tỉnh rượu. Chị ngã xuống bên cạnh thằng bé bất động.

Ông gần như chết điếng trước sự việc diễn ra quá nhanh mà không biết phải làm gì. Giá như ông không chiếm đoạt Thu trong một tít tắt cô đơn không kềm chế, thì ngay lúc này đây ông dễ dàng ngoảnh mặt. Một cái gì đó bỗng thôi thúc, níu kéo ông ngoái đầu lại nhìn khi tên Mỹ ra lệnh rút, bọn lính không quên đập phá tan nát những gì còn lại trong quán. Cái quán mà ba năm qua Thu đã hy sinh phần đời con gái của mình để nắm bắt tin tức đưa về cho cơ sở…

Bà Năm nước mắt chảy dài, gần như tắt giọng khi nhớ lại ký ức ngày xưa. Tay quẹt nước mắt nhìn ông, bà thổn thức.

– Bật nắp hầm lao lên tôi chỉ còn biết ôm xác nó mà khóc…

Ông rút chiếc khăn trong túi ra, chậm lên mắt mình.

– Vậy mồ mả cô Út giờ ở đâu? Còn đứa con… sống hay chết?

– Ông còn biết quan tâm tới nó sao? Ông mong nó chết để ông nhẹ tội chớ gì! Ơn trời… Con Út vẫn còn có người lo hương hỏa cho nó.

Ông như bừng tỉnh ra và chồm tới, hỏi gấp.

– Nó… nó phải là…

– Tui cấm ông! Nó là con tôi. Ông nghe rõ chưa! Ông hãy để cho mẹ con tôi yên. Mấy chục năm qua, nó chưa bao giờ biết được cái ngày kinh hoàng đó. Dù tật nguyền, nhưng nó vẫn không chấp nhận cam chịu số phận. Để có ngày hôm nay, mẹ con tôi đã đánh đổi rất nhiều. Ông không có quyền làm xáo trộn mọi thứ ở đây. Ông không có quyền!

“Ông không có quyền!”. “Ông không có quyền!”

Bốn chữ thốt ra từ miệng của bà Năm như những nhát búa bổ vào đầu ông đau nhức nhối. Đúng! Ông không có quyền khơi gợi những vết thương đã đi qua. Ông không có quyền tước mất đi những giá trị cuộc sống mà con ông đã nỗ lực rất nhiều để khẳng định sự tồn tại của mình, dù khiếm khuyết. Bỗng dưng ông nghe trong lòng mình có một đóm lửa ấm áp nhen nhóm bùng lên, thay cho sự thèm khát một tình thương mà đến lúc tuổi xế chiều rồi thì ông mới quan tâm đến.

Ông cẩn thận chọn một bộ quần áo tươm tất, nhưng giản đơn, rồi tranh thủ tắm rửa sớm hơn mấy ngày trước. Chiều nay trông sắc mặt ông đã đỡ hơn nhiều. Ông bước ra bước vào trước sự ngạc nhiên của con gái.

– Cha đi đâu nữa vậy?

*

Giữa sân khấu là hai bàn tay úp lên nhau, bên dưới dòng chữ trắng “Chung tay xoa dịu nỗi đau”. Đêm nhạc của những tâm hồn yêu thương và khát khao cuộc sống hòa bình. Người giới thiệu chương trình là một thanh niên khiếm thị. Giọng nói trầm ấm của anh đủ sức lay động không gian, thời gian và ấm lại những tình yêu mà bà con huyện nhà có mặt cùng chia sẻ.

– Xin giới thiệu với Quý đại biểu, khách dự và quý khán giả. Tiết mục tiếp theo là ca khúc “Cho nhau một trái tim” do chính tác giả trình bày. Anh là hội viên của Hội văn học nghệ thuật tỉnh nhà, cũng là người của địa phương. Xin giới thiệu anh, họa sĩ Hùng Thắng.

Giữa lúc mọi người hân hoan vỗ tay chào đón anh, thì trong đầu ông lại xuất hiện hàng chục câu hỏi khác.

Tại sao anh không có tên là Hoài Hận hay Văn Thù như bao nhiêu đứa trẻ khác bị bỏ rơi? Tại sao anh không lành lặn như những đứa con ngoài giá thú? Anh tàn tật sao không mụ mẫm như những đứa trẻ mất đi quyền được làm người? Sao anh không mất trí, bại não như hàng triệu nạn nhân tương tự? Tại sao anh lại chính là bản sao của ông? Anh ngồi đó, thản nhiên cất tiếng hát như chưa từng được hát. Anh khát khao một ý chí chiến thắng tật nguyền hay chia sẻ trước những con người cùng cảnh ngộ như mình? Lạ thay, tiếng hát của anh đã khiến ông đau buốt đến tận cùng. Sự dằn xé, ray rức từ chóp tóc đến tận móng chân. Chúng điều khiển ông không thể nào ngồi yên trên chiếc ghế nhựa như muốn méo mó, biến dạng. Ông muốn đứng lên, nhưng lại phải ngồi yên. Hai bàn tay đã chạm vào nhau mà không sao vỗ lên thành tiếng. Đôi mắt ông cố mở lớn để trông thấy anh rõ hơn, nhưng tay ông lại kéo cái nón xuống che nửa khuôn mặt mình. Đến khi chiếc xe lăn được đẩy vào cánh gà thì chân ông dường như bất động. Ông đứng dậy, chợt nghe chân mình đang chao đảo, dù chúng vẫn cứ bám chặt trên nền đất đã một thời là những hàng rào thép gai.

Ông tính quay đi thì sân khấu xuất hiện một người đàn ông, người khách ấy đẩy thêm một chiếc xe lăn. Ông giật mình nhận ra gương mặt có mái tóc vàng và đôi mắt xanh màu nước biển.

Jonh trở ra sân khấu dưới ánh đèn gần như mở hết công suất. Nốt nhạc cuối cùng trên sợi đàn độc nhất của bài hát “Chiếc đàn bầu” của cô bé dẫu lặng đi, nhưng âm thanh ấy vẫn cứ bay bổng và lan xa khắp sân bãi. Không cần đợi đến người phiên dịch, ông vẫn nghe rõ từng câu tiếng Việt của Jonh.

– Chúng tôi nợ đất nước các bạn quá nhiều. Bản thân tôi cũng phải chịu một phần trong đó. Tôi không nhắc đến quá khứ của hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng bây giờ, ngay trong lúc này đây… Đứa con gái tật nguyền đáng thương này của tôi cũng đã gánh chịu. Cũng như các bạn, những người lính ngày trước như tôi, nay vẫn âm thầm ray rức về chất độc da cam, một nỗi mất mát quá lớn. Ông tướng các bạn nói đúng. Chúng ta không ai thắng ai thua, chỉ có dân tộc Việt Nam đã thắng một cường quốc, để có một kỳ tích vẻ vang ghi vào trang sử của hành tinh này.

Đôi mắt Jonh đọng nước, và ông cũng nghe mi mắt mình hơi nóng đang dâng. Cái micro hạ xuống thấp hơn, trong tiếng bập bẹ chưa tròn vành, cô bé nghẹn lời.

– Mình cần… một tình yêu… và… mình yêu các bạn… Việt Nam.

Những tiếng vỗ tay vang lên như không muốn dừng lại. Đêm nhạc kết thúc bằng một thông điệp vượt cả không gian, biên giới, và như có một sức mạnh gắn kết những tấm lòng nhân ái xích lại gần nhau.

Ông về nhà, nằm vắt tay lên trán. Đêm nghe rõ tiếng vạc sành. Từng khắc, từng khắc ông đếm được. Có đến năm canh.

Những giọt sương đêm còn nướng níu cành khô như rửa mặt cho một ngày mới đang trở mình bừng sáng. Ông đã rời khỏi nhà và lặng lẽ một mình bước chậm rãi trên con đường làng giờ đã lót đan. Gió nhẹ lay sợi sương giăng mỏng manh trên bụi trúc đầu làng. Tiếng chim câu gù nhau tung cánh vẫy chào những gì tinh tươm nhất của ban mai. Chúng vẽ những đường bay cùng tia nắng và thanh thản đáp xuống mặt đường một cách yên bình. Ông hít thật sâu, thật nhiều và bước chân như dừng lại trước khóm trúc vàng trước ngõ nhà ông Sáu. Thời gian rất công bằng khi dành cho tất cả mọi người những khoảnh khắc tít tắt giống nhau, song sự cảm nhận hay đổi thay thì không bao giờ bằng nhau được.

Bên kia bờ sông, quầng đỏ rạng rỡ đã sáng. Những tia nắng nhảy nhót chang đầy con nước, đẹp như một bức tranh mà đến nửa cuộc đời sau ông mới cảm nhận. Lạ sao, chúng chẳng tan đi, và cũng không trôi như bao dòng nước khác? Gió đằng tây thổi mạnh cũng chẳng suy siểng chút nào. Ngụm nước ngọt ngào hương vị quê hương lúc này trong mắt ông đã thôi không buồn chảy. Có lẽ nó biết mình đến lúc phải về đâu.

*

Ngồi trong phòng cách ly ở sân bay cảm xúc ông đan xen quá nhiều. Cuộc đời dần khép phía sau lưng và trước mặt cũng chỉ là một đoạn đường đời quá ngắn khi tuổi về chiều. Việc cần làm cũng đã quyết định xong, nhưng sao ông vẫn cứ thấy nuối tiếc. Tấm ảnh chụp chung mọi người quây quần bên mâm cơm giỗ mẹ, giờ này hạnh phúc lắm, quý giá lắm. Ông nâng niu nó trên tay, ước chi nó hiện diện trong cuộc đời ông từ rất lâu thì vui biết mấy.

– Xin lỗi chú. Có phải chú là Dương Thế Huy?

Tiếng anh bảo vệ sân bay bất ngờ cắt ngang dòng suy nghĩ của ông.

– Phải. Sao chú biết tên tôi?

Anh bảo vệ cúi người xuống thấp hơn.

– Có người nhờ cháu trao món quà này đến chú. Chúc chú có một chuyến bay an toàn và thoải mái. Chào chú!

Đôi tay ông run lên, giọt nước nóng hổi trào ra, rơi vào đôi mắt của bức tranh nửa khuôn mặt người thiếu nữ hôm nào. Mấy dòng chữ nhòe đi trên tờ giấy nhỏ “Kính tặng ba! Hùng Thắng”.

Ông nhổm người lao ra cửa kính, cố tìm một ánh mắt cảm thông bên ngoài sân ga, nhưng chỉ có làn mưa bụi mỏng manh đang bay trên lối vào sãnh chờ. Mọi người vẫn hối hả cho chuyến hành trình phía trước. Ông đâu thấy được ở một góc khuất bên quầy vé, có hai người đang bùi ngùi bên chiếc xe lăn.

Con chim sắt mang biểu tượng cánh sen hình chữ S đã rời đường băng khá lâu, nhưng giọng nói của ông Sáu vẫn còn vang bên tai ông rõ từng chữ một. Không ai kể lại quá khứ để đào sâu thêm sự thù hằn, mà chỉ để nhắc nhở nhau sống tốt hơn, đẹp hơn, xứng đáng hơn với những người đã khuất.

L.N.M.H