Sương Nguyệt Minh – Không đợi mùa, hoa súng

952

18.9.2017-09:45

 Nhà văn Sương Nguyệt Minh  

 

Không đợi mùa, hoa súng

 

SƯƠNG NGUYỆT MINH

 

NVTPHCM- Cây hoa súng mọc hoang dại ở đầm hồ, ao, hay mảnh ruộng trũng để hoang. Cây súng ưa nước ngọt và làm bạn bầu với cá chuối, cá rô, cá chày, cá diếc, ốc, ếch, chão chuộc, ễnh ương… trong một thế giới nhà quê an lành, dân dã. Một con nhái bén nhỏ nhắng nhít chễm chệ trên lá súng đón nắng mới xôn xao, vừa tinh nghịch như một hoàng tử bé vô thức ngồi trên ngai vàng của vua cha trong chuyện cổ tích, vừa bình dị, tự nhiên như trật tự làng quê ngàn năm ngưng đọng. Một đầm súng bên lũy tre làng lặng thầm, mỗi sớm mai hoa nở nhìn theo bước chân trâu gõ móng trên đường làng. Một cái thuyền nan cắm sào đợi cô thôn nữ ngực căng, mắt bồ câu, da nâu ra mặt hồ hái hoa súng mỗi buổi sáng tinh khôi… Tất cả, chỉ còn trong ký ức của người già đêm đêm mất ngủ thương con nhớ cháu.

 

Lá súng tròn nhẵn, nhưng cũng có lá đường viền hình răng cưa thoáng, to nhỏ không đều, có xẻ hình chữ V. Nếu như lá sen chen nhau vươn lên khỏi mặt nước lao xao đón gió, đón mặt trời, thì lá hoa súng nằm lặng trải mình trên mặt nước yên phận một loài hoa dân dã khiêm nhường. Đôi khi gió mạnh, lá hoa súng cố một lần “nổi loạn” lật lá nhìn rõ màu nâu và những đường gân nổi. Thảng hoặc, sáng ra bắt gặp cả một đầm súng lá lật. Lá này lật, lá kia cũng lật từ lúc nào. Rồi một lúc nào đó lại thấy lá hoa súng nằm trải rộng trên mặt nước lặng im. Ấy cũng là một sự động và tĩnh khiêm nhường của cây hoa súng mà ít người để ý, nhận ra.

 

Cọng hoa súng dài, màu nâu. Gốc cọng hoa súng màu trắng nõn. Người miền Tây Nam bộ thu hái cả thuyền ba lá, buộc lại từng bó bán cho thương lái chở đến chợ nổi hoặc thị trấn bán. Cọng súng còn được chở đi xa hơn lên Sài Gòn, Cần Thơ, Sa Đéc…vào nhà hàng làm món ăn cho thực khách. Nhưng, ăn các món ăn chế từ cọng súng ngon tươi thì vẫn phải về chính cái nơi cây hoa súng sinh sống và nở hoa, bầu bạn với người quê ấy. “Muốn ăn bông súng mắm kho. Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm” là thế!

 

Không đợi mùa, hoa súng nở. Nở miên man mặc ngày hạ nắng cháy đổ lửa xuống mặt nước ao đầm, hay mùa đông se se gió lạnh, sóng nước lăn tăn. Nếu như hoa sen như thiếu phụ đài các quý phái đầy đặn, sung mãn tuổi ba mươi thì hoa súng mong manh, như cô bé dại tinh nghịch tuổi hoa niên. Cuối thu, nhạn bay từng đàn về phương Nam, sen đã tàn, cọng và lá bắt đầu khô khỏng một mùa chết chóc để sinh thành, thì cây hoa súng vẫn nở cả mùa dài quanh năm khoe sắc. Nếu như lá sen to bản, cọng lá vươn cao lên mặt nước kiêu hãnh làm mộc cản gió thì lá súng lại khiêm nhường thả mình thư giãn một cách dễ chịu bằng lòng, không có chút gắng gượng, gồng sức, đua chen, để rồi hòa lẫn vào với thiên nhiên vi diệu tĩnh lặng.

 

Hoa súng nở ban ngày, nhưng khi hoàng hôn buông thì từ từ khép cánh và cụp lại, ẩn mình, như hãi sợ ếch nhái kiếm ăn đêm vô tình va phải làm rụng cánh hoa. Cụp lại, giấu mình và êm đềm ngủ trên mặt nước cho đến lúc bình minh rạng thì lại từ từ bung cánh, phơi nhụy dưới ánh mặt trời, dâng hiến sắc hoa, màu lá và hương thơm dân dã cho đời. Không kiêu sa đài các như hoa sen, hoa hải đường, hoa lan…, hoa súng dung dị, gần gũi với làng quên, xóm mạc, với cánh áo nâu, nón lá trắng thấp thoáng chiều hôm. Buổi sớm mùa đông, quằn quặn gió bấc thổi, hoa súng mong manh, thấp thoáng trong sướng lạnh. Lại có khi nắng mai xôn xao trong tiếng hót của bầy chim sẻ, chiếc thuyền nan chở cô thôn nữ mặc áo cánh nâu, ngực đầy, nhẹ nhàng rẽ nước trên trên đầm nước, chen giữa bạt ngàn hoa súng trắng, hoa súng vàng, hoa súng tím… Con chão chuộc ngồi trên lá súng vội vàng lao xuống nước. Đàn cá mè ăn nổi đớp nước rồi lặn mất tăm. Con chuồn cánh mỏng nán lại trên búp hoa súng chẳng muốn rời. Xôn xao nắng mới. Làng quê. Xóm mạc. Thanh bình. Yên ả. Không có chiến tranh. Chẳng có dối lừa, chụp giật, thanh toán, hận thù. Đầm hoa súng như một thế giới riêng dân dã bị bỏ quên từ một thế kỉ trước.

 

Hoa súng có nhiều màu sắc. Một màu trắng tinh khôi hoa súng gợi đến thanh khiết trắng trong tâm hồn. Một màu hồng phớt hoa súng là cảm xúc nồng ấm, tươi mới lãng mạn. Một màu tím xa xăm của thủy chung son sắt… Lúc sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên nhìn màu hoa súng tím lặng lẽ, xót xa rồi suy tư: “Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc. Chỉ lặng im sắc tím để mà đau. Người đời chỉ biết màu sen anh đỏ rực. Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu.”

 

Hoa súng dung dị, dân dã. Hoa súng lặng thầm, băn khoăn, trăn trở và suy tư.

 

Bây giờ, đầm ao bị san lấp hết để làm nhà tầng với chất liệu xi măng cốt thép. Khu công nghiệp áp sát lũy tre làng và thôn trên xóm dưới đều xi măng trạt đường. Thôn quê mà không còn hoa súng hoa sen. Xóm mạc mà không còn trâu bò. Con thuyền nan rẽ nước ra giữa đầm hoa súng biến mất cùng tiếng trâu gõ móng và tiếng sáo diều mỗi lúc hoàng hôn thôn quê. Dĩ nhiên, đầm ao hoa súng cũng chỉ còn trong câu chuyện nuối tiếc của người già và cái thờ ơ hững hờ của con trẻ. Hoa súng bỏ xóm mạc rồi. Hoa súng làm cuộc thiên di lên thành phố. Hoa súng ngự ở gầm cầu thang, ở phòng khách, rồi hoa súng ra lan can, lên sân thượng của người phố đón mặt trời. Người thành phố biết trồng hoa súng Thái Lan, Ấn độ, biết nuôi các loài hoa súng giỏi hơn người thôn quê. Tất nhiên, cũng biết thụ hưởng vẻ đẹp dân dã dung dị của cây hoa súng. Ai đã tước đoạt hoa súng khỏi làng quê và đời sống người nhà quê? Không có tiếng trả lời! Chỉ thấy cây hoa súng bình dị xốn xang trong nắng mới trải dài và gió đồng phóng khoáng ngày xưa đã bị giam cầm khốn khổ ở chậu nhựa, chậu sành, bị cột chặt vào khoảng không gian bê tông cốt sắt của nhà cao tầng, hoặc hồng phúc là mọc trong cái ao tù đọng cùng hòn non bộ của người phố thời kỹ thuật số. Khốn khổ thay hoa súng của làng quê!

 

Cuộc sống vẫn tiếp diễn không hề ngưng nghỉ. Chúng ta vẫn phải sống, đôi lúc bất lực, thảng tốt và hoang mang khi trên màn hình đang dạy cách trồng hoa súng trong chậu nhựa. Cây hoa súng vẫn phải sống trong một thế giới đầy nghịch lý và hỗn độn.

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…