Tháng tư về miền Đông

904

(Vanchuongphuongnam.vn) – Xúc cảnh sinh tình là một trạng thái của tâm hồn (1), ngoại cảnh thường giúp cho nghệ sĩ nguồn cảm hứng trong sáng tác. Trong khi đó, thế giới quanh ta biến đổi theo từng sat-na thời gian. Do vậy, văn nghệ sĩ quan niệm đi thực tế như một nhu cầu tất yếu để có điều kiện hình thành tác phẩm. Đi xa thâm nhập môi trường mới để quan sát, tìm hiểu hiện thực, tích lũy kiến thức và phong phú hóa cuộc sống người sáng tác. Đi để hâm nóng, khơi dậy nguồn cảm xúc, tránh cho nó không bị hóa thạch hay tư tưởng không bị đóng băng vì tự mãn.

Văn nghệ sĩ đi thực tế như nhà vườn đi lượm hạt giống đem về chọn lựa, dọn về gieo hạt ươm cây…

Ra quân đầu tiên trong năm 20… lần này, ‘‘biệt đoàn’’ văn nghệ sĩ Tây Đô háo hức khi biết được đi thực tế về Tây Ninh thuộc miền Đông với dấu ấn Cục ‘‘R’’ lịch sử, với hồ Dầu Tiếng mênh mông và núi Bà Đen huyền thoại…

Vừa rạng sáng, trước cửa trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật  thành phố Cần Thơ đã lù lù đậu sẵn chiếc xe hơi quen thuộc. Trên lề đường mới lát gạch bóng loáng, những ‘‘chiến hữu’’ dày dạn gió sương đã hiện diện đầy đủ với ba lô, máy ảnh… ghi nhớ lời dặn kỳ vọng tâm huyết mấy hôm trước của chủ tịch hội. Đúng 6 giờ sáng, xe bắt đầu lăn bánh mang theo những tấm long hăng hái của an hem với tinh thần ‘‘Quyết chiến quyết thắng’’ của những ngày tháng Tư lịch sử. Bầu trời quang đãng, không khí mát dịu với làn gió cuối xuân thổi vào từ song Cái Khế. Xe chạy bon bon qua cầu Nhị Kiều, hướng về bến bắc, trong đầu tôi thoang lên hy vọng sao cho chiếc cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu sớm thông nhịp để rút ngắn bớt thời gian di chuyển trong những lần đi thực tế sau này.

Ngồi trên ô tô, mọi người vui vẻ trò chuyện như hiếm có dịp được gặp gỡ nhau trong những chuyến đi xa. Trong khi nghệ sĩ ưu tú Trúc Linh thân mật gợi chuyện với an hem để quên đi quãng đường dài, nhà văn đoàn trưởng – Nguyễn Khai Phong vẻ trầm ngâm nghĩ ngợi như đang tìm ý trước cho những ‘‘Bài thơ gởi lại’’. Cảnh vui nhộn trên xe làm anh em quên phắt đi con đường xa lắc với đủ loại xe đang chạy nườm nượp, ồn ào tiếng máy, inh ỏi tiếng còi. Anh em không hay, sau khi qua chiếc cầu thế kỷ Mỹ Thuận lan can cao vút như cổng trời, vừa khỏi Bến Lức xe bắt đầu rẻ trái chạy dọc sông Vàm Cỏ Đông. Chiếc xe hơi lao vùn vụt như con tuấn mã xé bụi đường trên lộ nhựa thẳng băng giữa những vườn điều và cao su bạt ngàn, xanh thẩm che khuất tầm mắt con người ở một vùng đất từng hứng chịu bom đạn Mỹ trong mấy mươi năm: Đức Hòa – Đức Huệ – Gò Dầu. Tôi cảm thấy bâng khuâng khi xe chạy ngang qua những nơi có dấu vết địa đạo Củ Chi trước khi đến Trảng Bàng – Tây Ninh.

Đến sớm thật chẳng ngờ. Mới 2 giờ chiều, chiếc xe chở đoàn văn nghệ sĩ Cần Thơ đã chạy phom phom vào cửa 4 nội ô Tây Ninh. Chúng tôi đặt chân lên giữa lòng thị trấn trong sự đón tiếp chân tình nồng nhiệt của hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh có trụ sở đặt tại đây. Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Thanh Hiền, Chủ tịch hội và anh em nghệ sĩ địa phương tay bắt mặt mừng khiến chúng tôi trong khoảnh khắc sớm quên đi những nỗi mệt nhọc đường xa. Sự hướng dẫn tận tình của anh Vũ Miên Thảo và cô Phượng Thanh, thơ ký hội suốt cả ngày hôm sau khiến đoàn văn nghệ sĩ đồng bằng không còn mặc cảm mình là ‘‘kẻ ở miền xa’’. Ngay lúc còn ngồi trên xe hơi, chúng tôi được các bạn giới thiệu những nét cơ bản về lịch sử, con người Tây Ninh trong quá khứ đấu tranh và hôm nay xây dựng , truyền thuyết về núi Bà Đen… khiến mọi người hiểu biết thêm nhiều điều thú vị. Thỉnh thoảng tiếng cười giòn giã của người đẹp báo Văn nghệ Tây Ninh nổ lên làm ấm lòng cả đoàn trên xe, khiến mọi người không biết là đã qua khỏi căn cứ ngày nào của MTDTGPMN để tới khu kỷ niệm di tích Trung ương Cục miền Nam nằm giữa trái tim của miền Đông Tổ quốc thời chống Mỹ. Tôi cảm thấy bâng khuâng, lòng dạt dào xúc động vì lần đầu tiên trong đời mới đặt chân đến đây. ‘‘Rừng thần’’, chiến khu năm xưa giờ đây rực sáng lên với bao sức sống(2). Nắng xuân dìu dịu để tôi thấy được bầu trời rộng và cao hơn bao trùm khu rừng nguyên sinh mênh mang, biêng biếc một màu xanh hoan dã mà tìm tàng bao kỷ niệm từ hai thập kỷ đấu tranh của nhân dân miền Đông Nam bộ.

Cơn mưa bất chợt vùng cao đêm qua đã mang đến cho tôi cảm giác dễ chịu. Đoàn văn nghệ sĩ bắt đầu ‘‘hành hương’’ vào những gian phòng trang nghiêm tĩnh lặng, đầy ấp những kỷ vật, hình ảnh của các đồng chí lảnh đạo Trung ương Cục. Bên cạnh chân dung đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn là hình ảnh đỉnh đạc với khuôn mặt đôn hậu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được vẽ bằng sơn dầu, sáng rực lên trong mắt anh em với câu nói nổi tiếng khuyên chiến sĩ ta về chiến thuật ‘‘Bám thắt lưng địch mà đánh”. Còn đây, chiếc xe đạp sơn màu sáng của đồng chí Nguyễn Văn Linh, vị Tổng Bí thư sau giải phóng được nhân dân mãi khắc ghi ơn sâu với chính sách mở cửa bắt cầu. Đôi mắt đen to sáng long lanh của chị Ba Định, ‘‘nữ tướng rừng dừa’’ trong khuôn ảnh gần đó nhắc mọi người nhớ đến phong trào Đông Khởi và ‘‘Quân đội tóc dài’’ ở Bến Tre. Chúng tôi đi chậm rãi, ghi chép trong gian phòng trang nghiêm tĩnh lặng như đi giữa thánh đường.

Những ánh chớp từ máy ảnh liên tục lóe lên để ghi lại những dấu ấn không thể nào quên của một quá khứ gian khổ, đầy máu lửa mà đẹp hào hùng.

Trong khi mọi người còn bâng khuâng với hiện thực trước mắt, đồng chí nam trẻ tuổi phụ trách thuyết minh đề nghị chúng tôi đi ra cửa để tiếp tục thâm nhập vào rừng sâu. Những con đường bò quanh co luồn sâu dưới táng lá dày đặc đan kín trên cao như tấm ‘‘lưới trời’’ mênh mông che chở cho cả khu rừng ‘‘Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù’’(3). Rễ cây cổ thụ sù sì, những nhánh to giăng ngang nối dọc hay bệnh nhau như mắc võng, lòng thòng như dây đu của dũng sĩ rừng xanh Tar-zan, tất cả như là ‘‘võng đất’’ từng làm lá chắn bom đạn cho cán bộ chiến sĩ trong những ngày lũ ‘‘con ma’’, ‘‘thần sấm’’ của giặc lái Mỹ còn gây giông bão trên bầu trời miền Đông. Rễ cây, nhánh cây, lá cây hợp đồng làm nên chiếc tán thần che khuất những giao thông hào bò loanh quanh như con mãng xà vùi sâu mình dưới lòng đất. Chúng giấu kín các ngôi nhà lợp lá trung quân(4) của các đồng chí lảnh đạo và bộ đội. Thỉnh thoảng sáng lên một mãng trời xanh qua kẽ lá: ‘‘Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá’’(5). Giữa im vắng của không gian núi rừng chớm hạ, tôi bỗng nghe vang vọng đâu đây tiếng cúc cu của chim rừng, tiếng ‘‘ve sầu kêu miên man’’(6). Anh em văn nghệ sĩ khi đi chung từng đoàn, khi tách ra thành nhóm vài ba người tùy theo ‘‘gu’’ của mình để quan sát, ghi chép và chụp hình. Bỗng chị Trúc Linh phát hiện ra từ dưới đáy giao thông hào một con bò cạp núi to tướng, đen huyền trong lầm lì dữ tợn. Thấy bóng người, nó ngọ ngậy giương đôi càng to kềnh  như càng cua biển, rồi có vẻ sợ sệt tìm cách lủi sâu dưới đám lá mục trốn mất trong lúc nhạc sĩ Nhật Lệ đã thủ sẵn một nhánh cây khô chuẩn bị một trận quyết đấu với nó.

Mọi người đang thích thú lắng nghe đồng chí thuyết minh thao thao bất tuyệt về bao điều mới lạ chưa từng nghe thấy thì được thông báo anh em chuẩn bị đi Mộc Bài. Lúc lên xe đi biên giới Sa Mát, anh em phát hiện ra trong chiếc vỏ chai nước suối Vĩnh Hảo của ‘‘nhà thơ’’ bộ đội Nguyễn Thượng Hiền không biết từ lúc nào, đã khuất phục được một con thằn lằn giống hệt con cá sấu. Trông nó rất dữ dằn, mình lốm đốm hoa văn màu đen trắng đỏ. Nó có vẻ biết thân phận đang sa cơ thất thế, đành nằm yên, cụp chiếc đuôi dài, thu mình trong chai như một tên giặc bị anh giải phóng quân bắt nhốt.

Đêm thứ hai ở miền Đông, không khí giao lưu văn nghệ rất thân tình và hào hứng giữa anh em văn nghệ sĩ Cần Thơ và Tây Ninh. Vốn là một nghệ sĩ ưu tú của sân khấu cải lương từ công tác ở B5 căn cứ ‘‘R’’ anh Đỗ Thanh Hiền – tác giả bài vọng cổ nổi tiếng ‘‘Chuyến xe Tây Ninh’’, đã tự nhiên chủ động trước các tiết mục bài ca truyền thống với các nghệ sĩ ‘‘cây nhà lá vườn’’ trong câu lạc bộ đàn ca tài tử do anh sáng lập. Tiếng đàn nguyệt điêu luyện của anh đã cầm song lan gõ nhịp cho các bạn sử dụng nhạc khí khác cùng phụ họa giao hòa với tiếng hát ngọt ngào của các giọng ca nam nữ trẻ tuổi. Trừ nhà thơ Lê Minh Phán là sử dụng được nhiều loại đàn, anh em trong đoàn văn nghệ sĩ Cần Thơ đành chịu lép vế về nhạc cổ đối với anh em văn nghệ sĩ Tây Ninh. Vì vậy bên ‘‘Cần Thơ’’ đã cố gắng bù lỗ lại chương trình bằng các tiết mục đọc thơ, ngâm thơ, ca nhạc mới. Sau phần trình diễn của lực lượng văn nghệ chủ nhà với phần đọc thơ của nhà thơ Trần Hoàng Vy…đến các tiết mục ca vọng cổ, xen giữa những ly rượu chuyền tay ấm áp với lời mời thù tạc giữa những người bạn đồng điệu, ‘‘MC’’ Nguyễn Ngọc Tuyết với hồn thơ sẵn có, sinh động giới thiệu các anh chị Phương Huy, Khưu Ngọc Bảy, Ngũ Lang, Trúc Linh, Minh Nguyệt, Hoàng Nhạc Đô…tự đóng góp sáng tác thơ nhạc của mình. Nhà văn Nguyễn Khai Phong cũng hào hứng hòa đồng với anh em, trình bày một thi phẩm tâm đắc của anh khiến cho không khí càng thăng hoa trong hương trà men rượu nghĩa tình.

Ý nghĩa cuộc họp vui đầy lưu luyến, cảm thông vì tình văn nghệ với anh em văn nghệ sĩ vùng đất có Thánh Thất cao chót vót và chùa Phật Mẫu thâm nghiêm, sẽ là dấu ấn sâu sắc không quên đối với đoàn văn nghệ sĩ đồng bằng miền Tây.

Dù mến cảnh yêu người, vào sáng sớm hôm sau, chúng tôi sẽ lên xe tiếp nối cuộc hành trình trên chuyến xe về miền Đông tham quan các điểm đến còn lại. Trước hồ Dầu Tiếng mênh mông với sức chứa trên 8 tỷ mét khối nước, dù ở đây không có những thế núi hình sông hùng vĩ hữu tình như hồ Ba Bể hay hồ Than Thở, tôi vẫn cảm nhận sâu sắc sự quan tâm của Nhà nước với nhà nông trong mùa hạn hán. Đến núi Bà Đen, từ bến xe, chúng tôi đi ‘‘xe lửa’’ đến chân núi. Sau khi để hồn tỉnh lặng trong khoảnh khắc với mùi thiền của Phước Trung Tự, để lòng chơi vơi thoáng chút hồi hộp trên ca-bin cáp treo chạy lên chùa Bà ngự ở đỉnh núi, tôi càng thấy ngưỡng mộ sự hy sinh cao đẹp của liệt nữ Lý Thị Thiên Hương(7), thể hiện được khí tiết anh thư và tấm lòng chung thủy của phụ nữ Việt Nam.

Thời gian qua mau. Tôi cảm thấy nuối tiếc vì chưa được đi thăm đầy đủ chiếc nôi ấm của cách mạng miền Nam, một miền Đông ‘‘gian lao mà anh dũng’’ thì từ một sáng tinh mơ phải lên đường đi nơi khác. Không đợi có ly rượu chén trà, tiễn đưa tôi đã có muôn lời vẫy gọi của gió núi cây ngàn thay cho bạn bè đồng chí. Tôi giã từ rừng xanh như tạm biệt rừng người. Rời chiến khu xưa một quãng xa mà bên tai tôi vẫn còn nghe miên mang tiếng ve kêu, véo von lời chim hót từ thiên nhiên rừng núi đẹp như tranh. Phải chăng đây là đồng vọng của tiếng quân reo hò chiến thắng hay dư thanh của bản hùng ca giải phóng mùa xuân năm nào: ‘‘Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù. Tiến về Sài Gòn, ta giải phóng thành đô’’.(8)

 Chuyến đi thực tế miền Đông, 4.20…

Nguyễn Thanh

(1) Le paysage n’est qu’un état d’âme (Tư tưởng phương Tây)

(2) Ý nhạc ‘‘Sáng rừng’’ của Phạm Đình Chương.

(4) Lá trung quân: loại lá đặc biệt ở vùng Đông Nam Bộ, lúc khô đốt vẫn không cháy. Thời chống Mỹ, ở ‘‘R’’, lá này dùng để lợp nhà ở cho các cán bộ lãnh đạo.

(5) Thơ Xuân Diệu.

(6) Ý nhạc ‘‘nhạc rừng’’ của nhạc sĩ Hoàng Việt

(7) Lý Thị Thiên Hương: cô gái nhan sắc mặn mà, có nước da bánh mật, giỏi võ, hay đi chùa làm phước. Bị một bọn sơn tặc háo sắc đón đường cướp của, toan làm nhục, nàng đánh trả nhưng đuối sức phải nhảy xuống giếng sâu nguyên sinh để giữ tròn chữ tiết với người yêu. Và được nhân dân kính mộ, tôn thờ, gọi là Bà Đen.

(8) Bản nhạc ‘‘Tiến về Sài Gòn’’ của nhạc sĩ Hồ Bắc.