Thương bến sông xưa – Tản văn của Nguyễn Thị Diệu Hiền

894

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có những buổi chiều không biết cất vào đâu, tôi một mình tản bộ dọc con đường ven sông nhấp nhô sỏi đá. Hoàng hôn ửng hồng ửng đỏ như gương mặt thẹn thùng của người thiếu nữ. Mây mơ màng trôi, nước long lanh trôi. Tôi cũng la đà trôi theo dòng thương nhớ. Ngày xưa, mỗi mùa lũ, bến sông này từng một thuở xôn xao.

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, từ thị xã Tam Kỳ lên huyện miền núi Trà My, chỉ có con đường huyết mạch 616 xuyên qua địa phận Tiên Phước. Đường tỉnh lộ Quảng Nam này bắc ngang vài con sông và rất nhiều suối. Mùa mưa, nhiều đoạn đường bị ẩn do nước lũ tràn về. Thế là những chuyến đò phải làm nhiệm vụ trung chuyển hoặc đưa khách sang sông. Bến sông Tiên quê tôi mùa mưa lũ cũng không ngoại lệ. Hình ảnh quen thuộc ghi sâu vào ký ức chúng tôi thời ấy là ông lái đò.

Tôi nhớ ông có tên là Hòe. Vóc người nhỏ nhắn săn chắc chứ không cao lêu nghêu như “tay lái ra hoa” của cụ Nguyễn Tuân. Ông chỉ chèo đò mỗi mùa nước lũ, nước ngập mất cầu chìm. Ông Hòe chèo đò suốt quãng đời tuổi thơ tôi, thế hệ học sinh 6x, 7x,  mãi đến khi dòng sông Tiên được xây thêm chiếc cầu cao hơn, mừng 20 năm quê hương giải phóng (1995). Con đò của ông bề ngang khoảng 1,2m, dài cỡ gấp đôi chiều rộng. Không phải loại độc mộc, đò ông Hòe được đóng bằng khung gỗ mít rất thô sơ. Thân đò được đan nong ba bằng nan tre. Tre được chọn để làm thân đò phải là loại tre già, thân dẻo. Sau khi ngâm dưới bùn non khoảng một tháng cho bền chắc, sâu mọt không dám mon men tới ăn, ông vớt tre lên chẻ nan. Mỗi nan rộng cỡ 2cm, được vót, chuốt rất cẩn thận, ông đan và đóng thành chiếc đò nhỏ. Sau đó, ông phết lên thân đò lớp phân trâu hoặc phân bò cho thật kín các lỗ nan, đem phơi khô, rồi thêm lớp dầu rái bên ngoài, phơi khô sẽ bền chắc, không thấm nước. Trét phân trâu bò hay dầu rái lên thân đò, phải dùng xơ trái dừa mới đều và mịn mượt. Khâu nào cũng cần bàn tay khéo léo và tỉ mỉ. Ông Hòe kể lại, hồi đó ông phải đón xe đò xuống tận Tam Kỳ mới mua được dầu rái. Mỗi con đò cho một mùa mưa lũ, ông đầu tư công sức hết gần hai tháng hè. Tôi cứ nghĩ rằng, mỗi chiếc nan là cả sự tỉ mẩn và tình yêu sâu lắng của ông dành cho con đò, phương tiện làm ăn của người nông dân mùa mưa lũ.

Bến sông Tiên chỉ xôn xao khi  mỗi mùa lũ đến. Con đò của ông Hòe chở khách và hàng hóa lại qua với tần suất khá cao. Đông nhất là lúc sáng sớm và khi tan chợ, tan trường. Các bà các thím chen nhau xuống đò để kịp bán gánh sắn, buồng chuối hoặc mớ rau lang… Học sinh thì đua nhau kẻo sợ trễ học. Bến sông đầy bùn nhão nhoét, nước ngập và rác rến tấp đầy vào bờ. Nước thì ngập mênh mang mà ai cũng tranh nhau lội ra để leo lên đò. Hồi ấy, bất chấp nguy hiểm, ai cũng mong được sang sông dù nước lũ tràn về cuồn cuộn, có khi cuốn cả những cây khô to, còn nguyên bộ rễ. Chiếc đò chênh chao nhỏ xíu được ông Hòe lái bơi ngang rất khỏe. Như xé cả dòng nước cuộn mà qua. Biết bao phận người nhỏ bé ngày ngày qua lại trên chuyến đò mong manh ấy. Mà tuyệt nhiên ông Hòe không để lại sự cố đáng tiếc nào xảy ra, mới cừ chứ! Cừ thiệt. Bây giờ, bạn bè chúng tôi mỗi lần nhắc lại chuyện đi đò mới rợn người: chẳng hề có một chiếc áo phao, mỗi chuyến đò hơn chục người, chưa kể chuối sắn. Một tay ông Hòe chèo chống không biết bao nhiêu lần lại qua nơi bến sông ấy! Thế mới thấy ông khéo léo và tài giỏi như thế nào.

Bến đò sông Tiên giờ đây chỉ còn là miền thương nhớ. Người ta đã xây thêm hai chiếc cầu cao hơn nối đôi bờ thị trấn. Nhưng hình ảnh của ông Hòe cùng những chuyến đò chở khách sang sông lại là một phần ký ức của người dân quê tôi. Sau một đợt lũ, con sông Tiên lại hiền hòa như chưa từng dữ dội. Ngang đoạn cầu chìm, tôi lại thấy thấp thoáng bóng hình ông đò nhỏ nhắn, khỏe khoắn quẫy mái chèo rất điệu nghệ, lại thấy bến sông xưa. Bến sông Tiên năm nào bỗng thành “bến My Lăng” với tôi, với tất cả những ai từng lại qua, từng đợi chờ chuyến đò ngang sông Tiên vừa mạo hiểm vừa đong đầy cảm xúc.

N.T.D.H

Giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước, Quảng Nam