Tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens của Trần Như Luận (chương 26, 27, 28)

279

 

Chương 26

Trước mặt tôi lúc này là dòng sông Amstel êm đềm chảy giữa lòng thành phố Amsterdam, thành phố sầm uất nhất Hà Lan. Với lòng háo hức của một kẻ vừa mới đến, tôi đã có mặt bên cạnh những con kênh nước trong vắt nối liền với dòng sông xinh đẹp ấy từ mãi bốn giờ chiều.

Thú thật, đầu tiên tôi phải dành ra hơn nửa tiếng đồng hồ để làm quen với chiếc xe gắn máy lâu ngày không dùng đến tại nhà chú Deiter ở khu vực phía tây thành phố. Sau đó, trong hơi rét của tiết trời đông, tôi cỡi xe dần dần từ nhà chú sang khu vực trung tâm. Tôi đã vô tình lọt vào tầm ngắm của bọn lính Đức gần như suốt buổi. Gã nào gã nấy mặt như sát thủ, tay lăm lăm khí giới. Nhưng mặc kệ họ, tôi cứ thẳng một mạch rú xe đi, tha hồ ngắm cảnh phố phường, sông nước.

Amsterdam quá đẹp! Rời khỏi vài dãy phố cạnh nhà chú Deiter, tôi bắt gặp ngay những tòa nhà cao tới năm bảy tầng, kiến trúc cổ kính, rất cân đối, màu vôi trang nhã và vô cùng tráng lệ. Lần lượt qua các con phố, tôi nhận ra ngay rằng: So với Paris, Amsterdam khoác lên mình dáng vẻ trẻ trung hơn, huyền ảo hơn nhiều lắm.

Hoàng hôn xuống dần. Khi dừng lại bên dòng sông, tôi bị cuốn hút ngay bởi bóng dáng chiếc cầu sơn xanh mang tên Blauwbrug lung linh trong ánh điện, tỏa sáng rỡ ràng trên mặt nước trong xanh.

Rời nơi ấy, tôi có dịp chiêm ngưỡng nét rực rỡ và kỳ ảo của chiếc cầu Magere nối liền các khu phố nhà thờ. Đó là chiếc cầu được thắp sáng bởi hằng nghìn bóng điện. Màu trắng tinh khôi cùng lối kiến trúc mái thanh mảnh của đoạn giữa cầu khiến nó rất nổi bật và duyên dáng, khác xa mọi chiếc cầu mà tôi từng trông thấy.

Trong hơi rét căm căm, tôi cứ ngồi bó mình mải mê nơi bờ sông, ung dung ngắm dòng nước trong xanh và chiếc cầu lung linh như thế cho đến khi sực nhớ ra là đã khuya. Tôi xoa tay, xoa mặt cho đỡ rét, rồi lẹ làng rồ máy, rú xe trở về nhà.

Nhà chú Deiter không rộng lắm. Nó nằm dọc theo dãy phố cổ ở cạnh kênh Prinsen cùng rất nhiều ngôi nhà có kiến trúc tương tự. Đêm ấy là đêm đầu tiên tôi ngủ lại với Amsterdam, làm quen với những thứ trong căn nhà của gia đình Müller.

Tôi nhớ khi vừa mới cùng nhau bước vô nhà, chú Deiter đặt tay lên vai tôi, nghiêm nghị nói:

– Nè! Tớ giao nhà cho chú mày đấy! Có ai đến hỏi bố mẹ tớ, hãy bình tĩnh đáp rằng ông bà đã thu xếp đi Paris thăm tớ, nhưng do tuổi già sức yếu, đã mất dọc đường và chôn cất ở Paris. Nhớ nhé! Chuyện quan trọng đấy!

Thật ra, chính tôi cũng không ngờ mọi chuyện diễn ra như vậy. Làm sao tôi có thể đoán ra được mình sẽ đến Hà Lan? Nhưng sự thật, tôi đã dời sang sống ở thành phố Amsterdam tháng Hai 1941 theo sự sắp xếp của chú Deiter. Chú nêu hai lý do thuyết phục tôi. Một là chú muốn tôi sang học tại Trường V.U Amsterdam, nơi chú gởi gắm các giảng viên để bảo đảm cái mà bố tôi hay gọi là “tương lai lâu dài” của tôi. Hai là chú muốn nhà chú có người trông coi.

Tôi đến với Amsterdam trong tâm trạng hoàn toàn khác so với khi ở lại cùng Paris. Dường như lúc ở đó, mặc dù luôn có nhiều người thân thiết bên cạnh, nhưng vì tôi cứ xót xa cho hoàn cảnh nước mất nhà tan của họ nên tôi chẳng thấy vui. Còn lúc đến với Hà Lan là tôi đến với niềm hy vọng và lòng háo hức. Tôi hy vọng với số tiền kha khá do grand père giúp theo yêu cầu của bố André, tôi sẽ học xong bậc đại học. Tôi háo hức vì thành phố bắt nguồn từ xóm dân chài bên dòng sông Amstel này đối với tôi còn rất mới lạ. Hẳn sẽ có nhiều điều thú vị để tôi khám phá trong những năm tháng ở đây.

Trong thời gian các trường đại học chưa chính thức mở cửa, tôi chủ yếu nằm nhà đọc sách hoặc lật tự điển học tiếng Hà Lan. Học đọc, học viết chán chê tôi lại khoác thêm áo ấm đi dạo quanh thành phố trên chiếc xe gắn máy hiệu H&W của chú Deiter. Đôi khi, để giải sầu, đồng thời để nghe cho quen tiếng Hà Lan, tôi bước sang nhà ông bà Gies sát vách để cùng trò chuyện.

Một buổi tối nọ, đang ngồi co ro ngước mắt nhìn chiếc cầu Magere lấp lánh ánh điện, tôi chợt trông thấy bóng dáng một người đàn ông xuất hiện ngay trước mặt. Tôi dụi mắt liên miên. Chợt nghe giọng nói rất thân quen:

– Po, con không nhận ra ta sao?

Đó là chuỗi âm thanh nhẹ như gió thoảng. Tôi tự nhủ, giữa thành phố này, ngoài ông bà Gies mình đã quen biết ai đâu.

– Dạ, thưa ông – tôi đáp, giọng lắp bắp. Con nghe giọng ông rất quen. Nhưng…

– Ôi, còn nhưng gì nữa! Ta là André đây.

Quá mừng rỡ, tôi vụt đứng dậy choàng tay ôm lấy bố. Nhưng lạ thay, trong vòng tay tôi chỉ là khoảng trống mênh mông. Tôi bàng hoàng lên tiếng:

– Bố ơi! Con không thấy bố đâu cả.

Rồi tôi mếu máo:

– Bố! Con muốn…có bố bên cạnh! Suốt mấy tháng qua chẳng có lúc nào con không nghĩ tới bố. Con nhớ bố!

Nhưng ngay lúc đó, tôi bừng tỉnh. Nước mắt đầm đìa. Thì ra, tôi đã thiếp đi hồi nào không hay.

Tôi cảm thấy luồng hơi lạnh lan tỏa khắp người. Tôi rùng mình. Nhưng điều đáng lo ngại là ngay lúc ấy, tôi có cảm giác, ngoài bố ra, dường như mình mất đi một thứ gì đó nữa.

Hồi lâu sau tôi mới hiểu ra mình mất xe. Nhưng xe nào nhỉ? Thôi, chết rồi! Không phải xe gắn máy của chú Deiter mà là chiếc xe đạp mới toanh của bà Miep Gies. Hồi trưa, vì tò mò muốn biết cảm giác đi xe đạp thế nào, tôi đã năn nỉ bà ấy cho tôi mượn đi thử.

Phen này rắc rối rồi! Cúi lạy thần linh, giờ con biết ăn nói sao đây với vợ chồng bà ấy?

 

Chương 27

 

Blaise Sanchez phì cười; anh không ngờ tại thành phố Amsterdam từ thời 1941, nghĩa là 17 năm về trước, nạn trộm xe đã trở nên ghê gớm như thế.

Anh định đọc tiếp thì Michael, con trai anh chạy xộc vào. Cậu bé lên tám nũng nịu :

– Ba ơi! Con không học nữa đâu! Mẹ cứ ép con!

Blaise xếp cặp kiếng lại. Anh ngồi dậy xoa đầu tóc xoăn xoăn tròn trịa của con:

– Ba sẽ cho con học ngay tại nhà, con thích không?

– Con không học mà! Con không chịu!

Blaise ôm lấy con:

– Nếu không học, lớn lên con chẳng làm được trò trống gì hết!

– Vậy thằng Matthew có học ở nhà luôn không ba?

– Đương nhiên. Em con sẽ học chung với con vài môn chứ.

– Ba ơi, con thích làm Force Publique!

Blaise tròn mắt, nói nửa đùa nửa thật :

– Ba muốn mai sau con phải làm tổng thống mới được, con hiểu không?

Tổng thống là sao?

– Ôi, trời! Mai sau từ từ con hiểu. Giờ con sang phòng mẹ, ngủ sớm đi!

Cậu bé đột nhiên xô nhào anh Blaise xuống nệm rồi cười sặc sụa, chạy ra khỏi phòng.

Blaise sửa gối lại cho ngay, rồi bắt đầu nằm ngẫm nghĩ. Anh lên một kế hoạch hoàn hảo về việc ai sẽ dạy môn nào cho các con. Thậm chí anh còn nghĩ tới cả những môn ping-pong, bơi lội và võ thuật. Về ngoại ngữ, ngoài tiếng Pháp ra, anh dứt khoát sẽ cho hai con học tiếng Anh thật nhiều. Anh cho rằng, nếu mọi chuyện êm xuôi, sau này Michael sẽ là nhà lãnh đạo của Công Gô chứ chẳng phải chuyện đùa.

Imani rất vui với sự chu đáo của chồng. Đôi khi cô tự nhủ, không hiểu sao dạo này cô lại được Chúa thương tình ban cho toàn những niềm hạnh phúc lớn lao như vậy. Trong sinh hoạt tôn giáo, cô đã nhanh chóng chiều theo ý chồng. Chúa nhật hằng tuần, dù bận mấy, cô vẫn sắp xếp để đến Hội thánh Tin Lành cùng anh.

Điều lý thú là vừa qua, anh Blaise nhận được giấy mời của chính phủ Ghana do một người bạn chuyển sang. Ở đất nước Gold Coast mà bây giờ thiên hạ gọi là Ghana, chính quyền đang chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm tròn một năm giải phóng. Đối với người dân Ghana, ngày 6 tháng Ba hằng năm đã trở thành ngày quốc khánh. Họ rất đỗi tự hào vì Gold Coast đã trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực hạ Sahara giành được độc lập. Và giờ đây, sau một năm, hẳn đất nước vùng Tây Phi ấy đã đổi thay nhiều lắm.

Sau khi trò chuyện với vợ, anh lặng lẽ bước vào phòng. Như thường lệ, anh bật đèn ngủ, đặt lưng xuống giường, tiếp tục đọc lại hồi ký của Po:

Tối hôm đó tôi lầm lũi chạy bộ về nhà, lòng rối như tơ vò. Với vốn liếng tiếng Hà Lan còn ít ỏi, làm sao tôi có thể nói cho vợ chồng bà Miep Gies rõ là tôi đã sơ ý đánh mất chiếc xe, đồng thời ngỏ lời xin lỗi và có ý bồi thường?

“Tuýt! Tuýt! …Tuýt…”

Không may cho tôi, khi đang chạy việt dã dọc lề đường, một tốp lính Đức mặt non choẹt thổi còi buộc tôi dừng lại. Tiếng la hét của lũ man rợ có vũ khí trong tay đúng là hung dữ!

Đương nhiên đối với tôi, việc đối thoại với bọn lính Đức thật khó khăn. Vào lúc đó, tôi ân hận vì thời gian ở bên chú Deiter quá lâu mà sao tôi không học tiếng Đức với chú? Trong khi tôi nghĩ tới điều ấy thì một gã lính Đức chìa còng số 8 ra, buộc tôi cho tay vào, kéo đi.

Nói đúng ra, việc thoát thân chẳng khó gì đối với tôi đêm đó. Bên mé đường có những bụi cây rậm rạp chạy suốt chiều dài bờ kênh; tôi có thể lủi nhanh vào đó và phóng người biến vào bóng đêm. Nhưng với bản tính hiếu kỳ, tôi muốn biết chúng bắt tôi để làm gì.

Chúng tống cổ tôi lên xe. Trên đó có sẵn năm bảy người mà sau này tôi mới biết toàn là người Do Thái. Tất cả đều bị nhét giẻ vào miệng, dù muốn la cũng không được. Chẳng có ai là người châu Phi như tôi cả. Dù già lụ khụ hay chỉ ngang tuổi tôi, tất cả đều nằm sóng soài hoặc ngồi lổn nhổn trong xe y như lũ súc vật được lôi ra chợ bán.

Để rồi xem chúng sẽ đưa tôi tới những đâu!

Nhà văn Trần Như Luận

Chương 28 

Đầu mùa mưa 1958. Khi vô số những lùm cây lấp thấp, rậm rạp bên bờ sông Công Gô bắt đầu tắm mình trong những cơn mưa đầu mùa, cũng là lúc anh Patrice Lumumba và đông đảo thân hữu của anh nở nụ cười đón nhận thành quả bước đầu. Họ vừa được chính phủ thuộc địa chính thức công nhận tổ chức chính trị của mình mang tên Phong trào Quốc gia Công Gô với tên viết tắt là MNC, một tổ chức bề thế do ông Loliki, người Bỉ làm cố vấn.

Đứng ở khoảnh sân rộng nhìn vào hội trường tường vôi hoen ố, phải chú tâm lắm người ta mới biết là bên trong, những người cùng chí hướng với anh đang tề tựu để tiến hành lễ ra mắt tổ chức chính trị của mình.

Ông Loliki cao lêu nghêu và anh Lumumba thấp hơn đứng giữa. Kề bên tay phải ngài cố vấn là anh Albert Kalonji, người sắc tộc Luba và bốn người cùng sắc tộc ấy. Sát bên tay trái anh Lumumba là hai thanh niên cùng sắc tộc Tetela và ba chàng trí thức có gương mặt rất quen thường hay đến sinh hoạt ở Câu lạc bộ Dân Trí.

Đứng ngay phía sau 12 người vừa kể là nhóm 13 anh chị thuộc năm sắc tộc khác nhau thường trú chủ yếu tại Léopoldville và Stanleyville.

Mọi người trong phong trào cũng biết, ngoài 25 người vừa kể, có nhiều nhân vật khác đã từng hoạt động ít nhiều nhưng theo lệnh anh Lumumba họ không được phép công khai xuất hiện ở đám đông. Trong số đó có chị Disanka và mấy người bạn từng bị bắt được thả ra hồi đầu năm, chị Kangelu (vợ ông Peeters), anh Gloire trước kia làm bên ngành bưu chính và anh Arthur, anh ruột chị Disanka.

Ngồi trong đám đông khán giả, ngoài những người làm trong các hãng tư nhân Bỉ, người ta dễ dàng trông thấy bốn người Bỉ bạn của ông Loliki đang làm việc tại IRSAC. Lưu ý hơn, người ta còn trông thấy đông đảo sinh viên Trường Đại học Công giáo Lovanium, ngôi trường mới thành lập được bốn năm và Trường Đại học công lập Elisabethville, nơi mới mở cửa hai năm trước, dù đường sá xa xôi cũng rủ nhau đến dự.

Ngồi trong hàng khán giả, Disanka cảm thấy hồn phơi phới. Cô cứ mong sao rồi đây mọi hoạt động của phong trào thật suôn sẻ, để tương lai không xa, người dân Công Gô thoát khỏi gông cùm, giành lấy độc lập, tự do. Cô cũng thầm cảm ơn giới trí thức tiến bộ Bỉ đã sốt sắng giúp đỡ anh Lumumba và những người cùng chí hướng. Bởi vì, nhờ sự đồng tình và sự khôn khéo của họ, các tổ chức dưới hình thức như thế này mới tồn tại hợp pháp được.

Trong bài phát biểu, anh Lumumba nhấn mạnh vai trò tiên phong của tổ chức chính trị của mình. Anh nêu rõ ai có nguyện vọng dấn thân bảo vệ những quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân Công Gô bằng những biện pháp không bạo lực thì có quyền đứng chân vào tổ chức.

Ngay sau buổi ra mắt, đông đảo bạn trẻ đến từ hai trường đại học đã hăng hái viết đơn xin gia nhập phong trào. Sang ngày hôm sau, thêm 30 sinh viên ở hai trường ấy đến xin tham gia vào tổ chức.

Chẳng mấy chốc, việc phát triển số lượng thành viên của MNC cũng như sự chuyển biến nội dung hoạt động của ABAKO đã dẫn tới sự cảnh giác cao độ của chính phủ thuộc địa. Quan toàn quyền ra lệnh cho bọn Force Publique tăng cường các biện pháp tuần tra. Ngay cả các đội mật vụ do Force Publique điều hành và các đội quân đô thị vừa mới được thành lập do các sĩ quan Bỉ chỉ huy cũng nhanh chóng gia tăng quân số.

Để thị uy đối với người bản địa, hằng tháng bọn Force Publique phối hợp tổ chức các buổi diễn tập quân sự quy mô lớn trên các nẻo đường thành phố cùng các đội quân được tiếng rất tinh nhuệ đến từ Kamina.

Ông Maxime Peeters và một số sĩ quan Bỉ được lệnh trực thường xuyên tại trụ sở. Chi phí của Force Publique trong vòng vài tháng đã tăng lên gấp ba lần. Trong bản báo cáo hằng tháng gửi về chính quyền Bỉ ở Bruxelles, ông Léon Pétillon nhấn mạnh rằng tại đất nước Công Gô Bỉ đang dấy lên những phong trào, những hiệp hội, những tổ chức có xu hướng đòi độc lập, tự do. Văn phòng Toàn quyền Bỉ Công Gô đề nghị chính phủ ban bố ngay những giải pháp thích hợp để kịp thời ứng phó với thực trạng ấy.

 

  1. Về sau môn này gọi là bóng bàn.
  2. Bờ Biển Vàng, nơi từng nổi tiếng có sản lượng vàng hằng năm nhiều nhất thế giới, một thuộc địa của Anh trước năm 1957
  3. Movement National Congolais.
  4. Institut pour la Recherche Scientifique en Afrique Centrale (Viện Nghiên cứu khoa học vùng Trung Phi), thành lập năm 1948.
  5. ABAKO (Alliance des Bakongo) : Liên minh Bakongo, một tổ chức văn hóa, tôn giáo, xã hội do ông Kasavubu thành lập năm 1955.