Các cây bút trẻ tài năng được kỳ vọng là tương lai của nền văn học nước nhà. Ngoài nỗ lực tự thân của họ, cần có sự tìm hiểu, lắng nghe và củng cố, xây dựng, thực hiện tốt những chính sách đồng hành với người viết trẻ trong hiện tại và tương lai. Đó là hướng thiết thực để làm giàu thêm cho dòng chảy văn học, đóng góp vào đời sống văn hóa đất nước.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, việc nhìn nhận và tôn vinh sáng tác của người viết trẻ là điều rất cần thiết để thúc đẩy nền văn học nước nhà phát triển.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
* Được biết, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 dự kiến tổ chức từ ngày 17 đến 19/12 tại Đà Nẵng. Nhắc tới Hội nghị, điều gì khiến ông nghĩ tới đầu tiên?
– Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi thấy thời gian trôi thật nhanh. Nhiều chục năm về trước, thế hệ chúng tôi là nhà văn trẻ, thoáng cái đã trở thành người già rồi. Qua mỗi kỳ hội nghị, điều quan trọng nhất với tôi là được gặp những tác giả trẻ, cùng trang lứa mà mình đã đọc, đã biết và tại hội nghị, họ hiện ra, hòa vào những gặp gỡ với ký ức thật đẹp đẽ. Nhiều tác giả trẻ thuở ấy sau này trở thành cây bút vững vàng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác. Mỗi kỳ hội nghị, tôi cảm giác về trữ lượng kiến thức, nhu cầu sáng tác, hiểu biết… trong mỗi nhà văn trẻ được nâng lên cùng với xã hội. Đến năm nay, số lượng đại biểu được đề cử rất đông. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, chỉ có một số lượng nhất định, khoảng 120 đại biểu tham dự. Đó là điều tiếc nuối, nhưng chắc chắn những người viết trẻ dù góp mặt hay không cũng sẽ tự tin với con đường sáng tạo.
* Câu chuyện về sự giao lưu, học hỏi thường được đề cập nhiều ở các kỳ hội nghị văn chương, nhưng chắc hẳn còn có những giá trị sâu lắng và dư âm nhiều hơn thế?
– Thật ra, một sự kiện chỉ diễn ra trong khoảng vài ngày thì sự giao lưu vẫn là cơ bản, chia sẻ nghề nghiệp có, nhưng cũng hạn chế thôi. Dù vậy, tôi vẫn quan sát thấy đội ngũ cầm bút sẽ tiếp tục những mối quan hệ, chặng đường kết nối… sau khi đến hội nghị và cảm nhận vai trò, sứ mệnh, cảm hứng của mình được nâng lên. Họ sẽ có trách nhiệm hơn với đồng nghiệp, bạn đọc, xã hội. Thời đại bây giờ rất tiện lợi, họ có thể nối dài và tạo sự phong phú trong giao lưu, học hỏi. Điều nổi bật nhất trong ngày hội của người viết trẻ là họ hiện diện, cất tiếng nói, bày tỏ thái độ của mình với văn chương, xã hội, con người. Tôi cho đó là điều quan trọng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9, năm 2016 tại Hà Nội.
* Ông nhận định gì về sáng tác của người viết trẻ hiện nay?
– Suốt những năm qua tôi vẫn luôn đọc sáng tác của thế hệ trẻ. Ở đó, họ luôn nỗ lực kiếm tìm thi pháp mới, tiếp cận tốt các nền văn hóa, tri thức sâu rộng của đất nước và thế giới. Điều này có khác với thế hệ của tôi. Thời đó, chúng tôi vẫn còn điều gì đó ngây thơ, mong manh, dè dặt. Trong thời đại đầy rẫy sự thách thức, người viết trẻ đầy bản lĩnh và họ thể hiện điều đó bằng giọng điệu, ngôn ngữ, cấu trúc mới… mà vẫn chứa đựng những phẩm tính, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, vẫn áp sát với đời sống qua cách phản ánh từng mối đe dọa, sợ hãi, giấc mơ, ý chí của con người.
* Người viết hiện nay rất đa dạng về nghề nghiệp, sở trường… và có một thực tế là nhiều người chỉ coi văn chương như một cuộc dạo chơi, ông chia sẻ gì về thực tế này?
– Tôi nghĩ rằng hãy để văn chương là sự tự do và tự thân. Nghĩa là, khi người ta có nhu cầu, có sự thôi thúc thì sẽ viết. Vừa rồi, tôi đọc bản thảo của một doanh nhân trẻ thành đạt, tôi vô cùng bất ngờ. Họ là doanh nhân, đối mặt với bao nhiêu áp lực thị trường bảo vệ doanh nghiệp và người lao động. Song, những trang văn của họ cũng thấm đẫm trải nghiệm, triết lý đời sống. Xã hội đầy biến động và đã khác đi, chúng ta cần tiếp nhận điều đó. Có lần, tôi chia sẻ với một số bạn viết, các bạn có thể không trở thành nhà văn của hàng triệu bạn đọc, nhưng trước hết, cần phải trở thành nhà văn của một bạn đọc, đó chính là bản thân mình. Chính sự đa dạng sẽ mang đến đột phá bất ngờ. Phong trào văn chương đôi khi có thể cho chúng ta cảm giác rằng đang tản mạn, nhiều khuynh hướng khác biệt, nhưng khi còn có những người viết vì cảm thấy cần phải viết thì luôn có những tác phẩm đáng đọc.
* Thưa ông, bên cạnh tài năng thì khát vọng và trách nhiệm của người cầm bút cần được nhìn nhận thế nào, đặc biệt với đối tượng người trẻ tuổi?
– Điều tôi học được mà tôi nghĩ các nhà văn trẻ cần xem xét, đó là tâm thế của một nhà văn. Có thể có rất nhiều người viết chỉ để chơi, đưa lên truyền thông, làm hình ảnh… như có người nói “văn chương là cuộc chơi vô tăm tích”. Tôi lại không bao giờ cùng quan điểm đó. Kể cả các nhà văn trên thế giới, khi cầm bút, họ xác định một tâm thế và sứ mệnh rất lớn lao. Tâm thế của một nhà văn trước xã hội, đất nước… chúng ta cần học hỏi thế hệ trước. Họ là những nhà văn bước ra từ các cuộc kháng chiến, đã chiến đấu như người lính thực thụ, đã viết những trang sách đẫm máu và nước mắt. Và biết bao nhà văn – chiến sĩ đã hy sinh. Điều thiêng liêng, lớn lao nhất họ có được đều dành cho Tổ quốc. Trong nhịp điệu, tinh thần, tư tưởng… của thế hệ trước, Tổ quốc được đặt lên rất cao. Trong những người trẻ, chúng tôi mong muốn nhìn thấy điều đó, đặt trong sự sáng tạo và khác biệt.
* Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về cuộc trao đổi!
Theo Mai Lữ/Thời nay