Tình quê – Tản văn của Đoàn Hạnh

733

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những xúc cảm dâng lên nghẹn ngào. Tôi đã không thể cầm lòng được trước hình ảnh đoàn người đi xe máy nối đuôi nhau từ TP.HCM vượt mấy nghìn cây số để về quê. Có cả những sản phụ mới sinh, những em bé chưa đầy mười ngày tuổi. Cả gia đình trên chiếc xe máy cà tàng, bìu ríu, gắng sức trên chặng đường xa tít. Bất kể nắng, bất kể mưa, bất kể đường xá xa xôi nguy hiểm, có lẽ mỗi người khi đó đều chung một suy nghĩ, một mục tiêu duy nhất là làm sao sớm về đến quê hương. Tôi chợt nhớ đến câu nói quen thuộc như đã trở thành chân lý, lẽ sống: “Con người ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để về”. Nơi đó là quê hương, là gia đình. Là nơi bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Tranh Lê Sa Long

Quê hương – nơi chúng ta được sinh ra, nơi chở che, nuôi dưỡng ta khôn lớn; nơi tiễn bước chân ly hương lên đường kiếm kế sinh nhai. Quê hương cũng là nơi dang rộng vòng tay đón chúng ta trở về. Dù giàu sang hay nghèo khó, dù ở bất cứ nơi đâu thì con người ta cũng đều hướng về quê hương. Sinh ra, lớn lên từ quê. Khi từ giã cõi đời, con người ta cũng có nguyện ước được nằm dưới mảnh đất nơi quê nhà. Những kiều bào sống xa Tổ quốc vẫn một lòng đau đáu về quê hương, bằng những cách khác nhau từ lời nói đến việc làm đều mong muốn dành trọn tình yêu cho chốn quê thân thương ấy.

Mộc mạc, giản dị, ấm áp nghĩa tình, không đâu bằng quê. Người đi xa nhớ bữa cơm quê quây quần bên gia đình với cá đồng kho, đĩa rau muống chấm tương, vài quả cà pháo giản đơn mà ngọt lành, mà ấm áp đến thế! Nhà thơ Đỗ Trung Quân trong bài thơ Quê hương cũng đã từng viết: “Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay/…/Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người/…”. Quê hương là vậy đó! Những gì gần gũi, thân thuộc nhất là quê hương. Vất vả lam lũ, nghèo khó cũng từ quê. Tình quê ăm ắp tròn đầy. Có ai đi xa mà không nhớ quê kia chứ!?

Sau chuỗi ngày bôn ba, sau biết bao thăng trầm của cuộc sống, ta lại mong mỏi về với quê. Quê nhân hậu, bao dung đón nhận những đứa con đi xa trở về. Về đoàn tụ với gia đình. Nơi ấy có cha mẹ ta, có anh chị em ta, có bạn bè, hàng xóm láng giềng sớm tối có nhau. Về nằm trên chiếc võng đu đưa giữa vườn cây mỗi buổi chiều hè, lắng nghe tiếng gió, tiếng chim ríu rít gọi đàn trong bình yên rất đỗi. Về với thênh thang đồng quê mát rượi tâm hồn, về với những đêm trăng quê thanh bình mênh mang sóng hát. Bên bát nước chè xanh, già trẻ gái trai tíu tít, râm ran những câu chuyện nhà nông không đầu không cuối. Chẳng bon chen, hơn thua với đời. Quê là thế!

Và giờ đây, giữa những tháng ngày căng thẳng, khó khăn do đại dịch gây ra, mảnh đất đã từng cưu mang, che chở cho biết bao người dân tứ xứ đến mưu sinh đang phải gồng mình chống giặc dịch. Sài Gòn – người mẹ nhân hậu, bao dung ấy mặc dù đã rất cố gắng nhưng mọi thứ dường như quá tải trước làn sóng Covid ngày một dâng cao. Thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, giãn cách xã hội, “Nhà nào ở yên nhà đó”. Người dân không có việc làm, không thể đi làm. Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhất là đối với những người dân mọi miền đến nơi đây sinh sống, lập nghiệp. Họ đã bộc phát. Họ liều mình. Họ quyết định trở về quê. Họ lo lắng, hoảng sợ sẽ bị lây bệnh chăng? Họ sợ bị đói chăng? Vậy là họ đã bất chấp quãng đường trên một nghìn năm trăm ki-lô-met giữa thời tiết lúc nắng nóng, lúc đổ mưa, bao hiểm nguy rình rập. Họ đi bằng xe máy để về quê. Về với nơi chôn rau cắt rốn mong sớm chiều vợ chồng, con cái rau cháo có nhau. Có lẽ, trong lúc khó khăn hoạn nạn thế này, chẳng có nơi nào bằng quê. Điều đầu tiên họ nghĩ tới là quê.

Nhìn cảnh những người dân mệt mỏi rã rời trên chặng dài hun hút, nằm vật ra vệ đường chợp mắt ít phút để lấy chút sức lực tiếp tục cuộc hành hương; hình ảnh người phụ nữ mới sinh còn chưa kịp cắt chỉ, đứa trẻ đỏ hỏn trên tay mẹ thiêm thiếp ngủ giữa mênh mông nắng gió đường dài mà xót thương, nghẹn lòng. Ai nghĩ rằng một người đàn ông đi xe máy ba ngày đêm từ TP.HCM về quê Thanh Hóa mà không ăn gì vì không có tiền. Anh đã ngất xỉu bên vệ đường. Thậm chí, có những bạn trẻ đi bộ ròng rã hơn một tuần để về Huế, về Đắk Lắk. Đau lòng hơn là những vụ tai nạn thương tâm, những người chồng, người con đã vĩnh viễn không thể về đến quê nhà. Còn gì xót xa hơn!

Dù sao nghĩa tình quê hương nơi đâu cũng thật ngọt ngào, ấm áp. Trên chặng đường thiên lý đầy gian nan ấy, có biết bao tấm lòng quê vô cùng cảm động. Hình ảnh những người dân, những nhà từ thiện, nhà hảo tâm chuẩn bị từng suất cơm, từng gói xôi, bánh mì, từng bắp ngô luộc, chai nước uống miễn phí cho đoàn người hồi hương khiến ta rưng rưng nước mắt. Đẹp biết bao hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát đứng bên đường giơ tay chào, chia cho họ từng hộp cơm, chai nước; hỗ trợ từng chai xăng để mọi người tiếp tục hành trình. Hình ảnh người phụ nữ đi đôi dép tổ ong cầm xấp tiền 500k phát cho những người khó khăn về quê tránh dịch. Thương và cảm động biết bao hình ảnh bốn mẹ con đi xe đạp từ Đồng Nai về Nghệ An được cán bộ công an và các mạnh thường quân giúp đỡ. Và, còn bao người trong hoàn cảnh như thế nữa. Quãng đường về quê của họ rút ngắn hơn nhờ những thảo thơm đời thường như thế! Ta càng thấm thía hơn bao giờ hết “nghĩa đồng bào”, nghĩa tình con dân đất Việt “chung một giàn”.

Đã nhiều tỉnh tổ chức những chuyến bay, chuyến ô tô, chuyến tàu miễn phí đưa bà con từ vùng dịch về quê hương, chuẩn bị khu cách ly đảm bảo an toàn khi trở về. Có những hỗ trợ thiết thực cho những hoàn cảnh nghèo khó. Ta cảm thông, chia sẻ trước những khó khăn chung khi biết rằng đâu đó vẫn còn những băn khoăn bất nhất của chính quyền địa phương cũng vì lo cho sự sống của mỗi người. Nhưng giá như không có cảnh đoàn người phải căng mình dồn sức lực trên những chiếc xe máy về quê với cả chặng đường dằng dặc đầy hiểm nguy thì tốt biết bao! Dẫu sao tình người, tình quê vẫn mãi luôn ngọt ngào, đầy ắp yêu thương.

 Đ.H (Thái Nguyên)