Nguyễn Quế
(Vanchuongphuongnam.vn) – Một ngày cuối thu, tôi ghé thăm nhà thơ Lê Tiến Mợi tại ngôi nhà riêng của anh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Quê gốc là Thạch Hà, Hà Tĩnh nhưng sớm chọn vùng đất phương Nam làm nơi lập nghiệp, Lê Tiến Mợi đã có gần 35 năm là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương.
Nhà thơ Lê Tiến Mợi
Sau vài câu chuyện hàn huyên, anh dẫn tôi lên thư phòng ở tầng hai. Vừa bước vào phòng, tôi bị thu hút bởi bên cạnh bàn viết là tủ sách bày các tác phẩm của anh, với 9 tập in chung và 13 tập in riêng, trong đó có 9 tập thơ.
Lê Tiến Mợi sinh ra trong một gia đình có nguồn gốc nhà nho yêu nước, nhiều đời tham gia cách mạng. Bà nội anh từng tham gia phong trào Xô viết Nghệ – Tĩnh, bị địch bắt, giam cầm và mất trong tù, được Bác Hồ truy tặng Kỷ niệm chương. Ông nội anh là cơ sở nuôi dấu cán bộ của Đảng, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng Có công với nước. Bố anh có hơn 50 năm cống hiến tài sức cho cách mạng, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương. Anh ruột anh chiến đấu, hy sinh ở Thành Cổ Quảng Trị. Truyền thống cao đẹp của gia đình đã sớm hun đúc trong anh những phẩm chất đáng quý. Từ nhỏ, Lê Tiến Mợi đã thể hiện ý chí phấn đấu và tinh thần ham học. Năm cuối trung học phổ thông, anh đã có thơ đăng trên báo Hà Tĩnh. Sau một thời gian tham gia quân ngũ, anh học qua đại học công an, đại học tổng hợp, Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du và có nhiều năm phục vụ trong ngành công an. Tuy vậy, anh yêu thích văn chương, báo chí và gắn bó với nghiệp cầm bút như một duyên nợ.
Lê Tiến Mợi từng tham gia viết báo và có những tác phẩm đạt chất lượng cao, được in trên báo Đảng và các tờ báo lớn ở trung ương, nhưng anh chủ yếu làm thơ, viết văn. Đề tài trong thơ Lê Tiến Mợi khá phong phú, trong đó các tác phẩm anh viết về biển đảo tạo được sức hút đối với người đọc. Vốn là người con của vùng biển Cửa Sót, Hà Tĩnh và từng tham gia lực lượng vũ trang, Lê Tiến Mợi mang tình yêu tha thiết đối với biển đảo và luôn hướng lòng mình về vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Cho đến nay, anh đã có 63 bài thơ viết về đề tài này, được tập hợp trong cuốn Trường Sa trong trái tim ta, do nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2013, trong đó có 17 bài được dịch sang tiếng Anh, sáu bài đã được phổ nhạc. Hình ảnh biển cả quê hương hiện lên trong thơ anh thật đẹp. Đứng trước biển, lòng anh ngân lên niềm rung cảm, tự hào với những câu thơ có âm điệu ngọt ngào, tươi tắn:
“Thạch Kim quê em đẹp tuyệt vời
Buồm căng gió lộng giữa biển khơi
Mực tôm đầy khoang thuyền cặp bến
Quê hương giàu đẹp sáng biển trời”
(Chiều khơi)
Về thăm “Đảo Nam Giới cát màu lấp lánh”, nhà thơ đắm say trước vẻ đẹp của thiên nhiên và các sản vật trong cảnh đất nước thanh bình:
“San hô trên đảo màu trắng ngọc ngà
Mọc từ đáy biển nở hoa trên cạn
Trong không gian tĩnh nhuốm màu lãng mạn
Tựa hoa ti gôn – hoài vọng đợi chờ”
(Hoa tigôn trên đảo Nam Giới)
Lê Tiến Mợi yêu biển đảo quê hương với tình yêu tha thiết và sâu lắng. Những năm tháng xa cách, lòng anh không nguôi nỗi nhớ. Anh thầm hẹn ước một ngày sẽ cùng người thương trở về thăm vùng biển quê nhà:
“Đón em về quê mẹ – Biển Thạch Khê
Ngắm quặng sắt trào lên từ đáy biển
Cảng Vũng Áng sáng bừng trong ánh điện
Đoàn tàu về cặp cảng dưới đêm trăng”
(Biển mặn tình em)
Với âm điệu sống động và những từ “trào lên”, “sáng bừng” cùng hình ảnh đêm trăng, khổ thơ vừa như một đoạn clip ngắn đặc tả cảnh sắc kỳ vĩ của biển cả, vừa nói lên tình yêu tha thiết và niềm tự hào của tác giả trước sự đẹp giàu của quê hương, đất nước.
Đứng trước biển, bằng ngòi bút tinh tế của mình, Lê Tiến Mợi đã khắc họa nên bức tranh thiên nhiên lãng mạn và đầy chất thơ, với những đợt sóng nhẹ nhàng, êm đềm như cánh tay dịu dàng đang vuốt ve bờ cát, giữa không gian vừa yên bình, vừa hư ảo, lung linh:
“Sóng vỗ về trên từng triền cát trắng
Chiều hoàng hôn gom nắng giữa biển mơ
Biển thì thầm điều gì trong sóng biếc?
Chia góc nhân tình cho trăng và thơ”
Trong tâm thức tác giả, biển quê hương thật gần gũi, thân thương nhưng luôn mang trong mình một vẻ huyền bí sâu xa. Sự huyền bí ấy gắn liền với những biểu tượng về cái đẹp vĩnh cửu của vũ trụ và con người là trăng, thơ và tình yêu, tạo nên một không gian đầy mơ mộng. Nhà thơ cảm thấy lòng rạo rực, băn khoăn:
“Cứ nôn nao như có gì lỗi hẹn…
Sợi tơ trời giăng giữa biển đêm trăng
Dùng dằng mãi…
có gì chưa trọn vẹn…?
Anh và em duyên nợ biển Thiên Cầm”
(Biển Thiên Cầm)
Càng yêu tha thiết vùng biển quê hương, Lê Tiến Mợi càng trải lòng mình với mọi miền đất nước. Anh đã đến với nhiều vùng biển từ Bắc chí Nam, đã đi tàu thủy gần 2000 cây số tới các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Anh hòa mình vào sóng biển Thuận An; bén duyên với vùng cửa biển Phan Rang; tự tình cùng biển Cam Ranh trong đêm trăng thơ mộng; dang vòng tay ôm Nha Trang “biển nắng”; thả hồn về Mũi Né, Ninh Chữ, Vũng Tàu; dõi mắt về ngọn “sóng hồng” Hoàng Sa; xôn xao nỗi nhớ Trường Sa yêu dấu… Một lần đến với vùng biển Đà Nẵng của “khúc ruột miền Trung”, nhà thơ hòa lòng mình với những người đang bơi lội, vẫy vùng giữa sự vỗ về của sóng biển, và anh ngỡ hàng ngàn mái đầu vừa nhô lên khỏi mặt nước đều đang hướng mắt về một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc với lời thề son sắt thủy chung:
“Cát vẫn trắng trên biển Mỹ Khê
Em bơi trên sóng – sóng vỗ về
Nghìn cái đầu nhô lên mặt nước
Hướng mắt Trường Sa – trọn câu thề”
(Biển Mỹ Khê)
Đó là một một hình ảnh rất đẹp, rất sống động và có ý nghĩa, thể hiện sự tinh tế của tác giả. Phải có một tình yêu sâu nặng đối với biển đảo của Tổ quốc mới viết được câu thơ như vậy.
Hình như hình ảnh của biển luôn hiện hữu trong tâm tưởng nhà thơ. Với anh, biển đảo của Tổ quốc không chỉ đẹp mà còn giàu có, với nguồn tài nguyên to lớn. Một lần, ngồi trước đại dương mênh mông, Lê Tiến Mợi mãi suy nghĩ về tình yêu, về cuộc sống, nhưng rồi trái tim anh lại hướng nhịp đập về với biển cả. Anh liên tưởng sự đẹp giàu của biển với ánh bình minh rạng ngời của quê hương, đất nước:
“Hai mươi năm một nhịp cầu
Phố xưa xao động một câu thơ tình
Đêm khuya ngắm biển một mình
Lửa hồng dầu khí hay bình minh lên?”
(Tìm trong lãng vắng)
Đến với biển Nha Trang, trong lòng nhà thơ dội lên những câu thơ hào sảng:
“Hỡi biển Nha Trang gió mát
Hãy chở chị Hằng lên
Chiếu ánh sáng trên sóng bạc
Cho tàu thuyền ta như những mũi tên
Đuổi cá kình
Vây cá thu
Làm chủ ngư trường”
Lê Tiến Mợi không nói “chờ” mà anh gọi biển “chở chị Hằng lên”. Chữ “chở” thể hiện một tinh thần hoàn toàn chủ động. Trước mắt người đọc, hình ảnh vầng trăng vàng đang hiện dần trên đại dương mênh mông, tỏa ánh sáng xuống muôn ngàn ngọn sóng bạc thật đẹp và kỳ vĩ. Giữa không gian thơ mộng ấy, cảnh những đoàn thuyền như những mũi tên vây đuổi các đàn cá, làm chủ ngư trường tạo nên một thước phim thật sống động.
Trước mắt nhà thơ, mùa xuân về trên biển rất chậm nhưng để lại những ấn tượng không thể phai mờ, với những sắc màu lung linh, những âm thanh trong trẻo, hòa nhịp với cuộc sống con người, tạo nên một khung cảnh thật hùng tráng và rực rỡ:
“Ôi! Lạ thật!Mùa xuân về rất chậm
tiếng xuân rơi trên biển ngọc giàn khoan
biển xanh thẳm
những cánh buồm vươn ngang tầm hoài niệm
tôi với biển
biển Vũng Tàu xanh quắc màu ngọc bích
biển với người – người và biển nên thơ”
(Mùa xuân về trước biển)
Cụm từ “tiếng xuân rơi” được tác giả sử dụng thật đắc địa!
Nhân dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, vinh dự được tham gia phái đoàn từ đất liền ra thăm Trường Sa, nhà thơ Lê Tiến Mợi cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui sướng, tự hào. Trên hành trình cùng con tàu rẽ sóng ra khơi, biển đảo của Tổ quốc hiện lên trước mắt anh thật lộng lẫy:
“Quốc khánh thu này rực sắc hoa
Tàu anh rẽ sóng ra Trường Sa
Trên đảo Sinh Tồn hoàng hôn đẹp
Em buông cặp mắt giữa biển hoa”
Hình ảnh con tàu sẽ sóng ra khơi vừa nói lên sự mạnh mẽ, hùng dũng, vừa gợi tả cảnh đất nước thanh bình và tư thế của những người làm chủ đại dương. Qua ngòi bút tác giả, hoàng hôn trên đảo diễn ra giữa “biển hoa” thật rực rỡ và huyền ảo, làm say đắm lòng người. Có lẽ, bên cạnh sự phản chiếu từ mặt biển bởi ánh đèn pha của con tàu và ánh đèn điện của những người “lính đảo”, sự rực rỡ, huyền diệu ấy còn là thần thái của một đêm “trời sao trên biển, biển nhân sao” như nhà thơ Huy Cận đã diễn tả trong một bài thơ nổi tiếng.
Nhưng, bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ, đảo tiền tiêu luôn phải đối mặt với bão tố, phong ba cùng sự cách chia với đất liền một khoảng không gian xa vời vợi. Đến với biển đảo mới thấy hết sự vất vả, thiếu thốn của những người chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi. Vì sự trường tồn và hưng thịnh của đất nước, họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình. Là người từng ở trong quân ngũ, nhà thơ thấu hiểu sâu sắc sự vất vả, thiếu thốn ấy. Tự đáy lòng, anh dành cho họ niềm yêu thương, cảm phục sâu sắc thông qua sự so sánh tinh tế:
“Tôi ra biển xa đất liền nhớ mẹ
Lính trẻ Trường Sa nhớ cả quê nhà
Nhưng vì chủ quyền thiêng liêng trên biển đảo
Lý tưởng các anh trong sáng ngọc ngà”
(Trường Sa trong trái tim ta)
Tập thơ Trường Sa trong trái tim ta
Đối với mỗi chúng ta, nỗi nhớ mẹ khi xa là nỗi nhớ ray rứt khôn nguôi. Nhưng, trong sự cảm nhận đầy tinh thần nhân văn của nhà thơ, những người lính đảo không chỉ nhớ mẹ mà“nhớ cả quê nhà”. Đó là tình cảm to lớn, đồng thời là sự hy sinh vô giá chỉ có ở những con người sẵn sàng dấn thân cho lý tưởng cao đẹp. Nói lên điều đó, tác giả đã thể hiện sự chia sẻ sâu sắc với nỗi niềm của người chiến sỹ và tôn vinh họ một cách trân quý nhất.
Với tình yêu và nỗi nhớ Trường Sa, mỗi khi ngắm nhìn những hạm đội hải quân của Quân đội Nhân dân Viêt Nam vượt sóng ra khơi, nhà thơ – chiến sỹ Lê Tiến Mợi lại hướng tầm mắt ra đại dương và lòng anh ngân lên những câu thơ đầy xúc cảm:
“Đẹp làm sao hình ảnh anh người lính biển
Những chuyến hải trình giữ gìn giới tuyến
Trăng soi đường biển tình tự đêm đêm…”
(Biển đêm đêm tình tự với mình)
Trong tâm tưởng nhà thơ, hình ảnh người lính biển thật gần gũi và cao đẹp, và chính vì lẽ đó, thiên nhiên cũng thể hiện sự cảm phục và hết lòng hỗ trợ họ, xem họ như người bạn tâm tình. Qua những câu thơ chắt lọc từ đáy lòng, tác giả muốn gửi tới những người con thân yêu của Tổ quốc đang xem “đảo là nhà, biển cả là quê hương” những tình cảm sâu đậm nhất.
Đọc những bài thơ viết về biển của Lê Tiến Mợi, ta cảm nhận rõ những rung động chân thực và sâu sắc của anh. Những rung động đó bắt nguồn từ tình yêu, niềm tự hào về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển đảo và những người chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ quyền chủ quyền ấy.
Để chuyển tải nội dung trên đây, tác giả đã sử dụng các biệp pháp so sánh, suy tưởng, nhân cách hóa… khá chủ động, linh hoạt. Ngôn ngữ, hình ảnh trong thơ anh thường sinh động, súc tích và có khả năng biểu đạt cao. Nhiều tác phẩm của anh như là sự kết hợp đẹp đẽ giữa thơ, nhạc, họa và điện ảnh, làm cho câu thơ có sức lay động và lan tỏa. Tuy nhiên, bên cạnh những vần thơ vừa uyển chuyển, bay bổng, vừa có sức mạnh nội sinh, một số câu thơ của anh còn tạo cảm giác chông chênh. Có lẽ, nguồn xúc cảm sôi nổi và dồi dào của tác giả đã tạo nên sự xô đẩy ý thơ cùng ngôn từ chăng?
Thơ Lê Tiến Mợi là sự bộc bạch tư tưởng, tình cảm một cách tự nhiên, mạnh mẽ và có chiều sâu. Đọc những bài thơ viết về biển đảo của Lê Tiến Mợi, ta cảm thấy lòng ấm áp hơn. Gấp tập thơ Trường Sa trong trái tim ta của anh lại, hình ảnh tươi đẹp, hùng vĩ và giàu có của biển Việt Nam cùng những con người đang ngày đêm gìn giữ chủ quyền, khai thác tiềm năng của biển đảo như vẫn đang hiện về trong tâm thức và trước mắt ta.
N.Q