Trần Nguyệt Ánh – Người ký họa chân dung Tây Nguyên bằng thơ 1- 2- 3

662

    (Đọc “Vọng núi” (Thơ Trần Nguyệt Ánh – NXB Hội nhà văn , 2022)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trần Nguyệt Ánh, tên thật là Trần Thị Nguyệt Ánh, quê gốc Thái Bình, hiện đang là giáo viên ở Trường Dân tộc nội trú thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk. Tác phẩm đã xuất bản: “Gọi về miền nhớ” (thơ – NXB Hội Nhà văn, 2019; “Miền gió say” (NXB Hội Nhà văn, 2021); “Vọng núi” là tập thơ thứ 3 (NXB Hội Nhà văn, 2022). Đây là tập thơ 1-2-3 khá mới lạ. Một dạng thơ chỉ xuất hiện trong vài ba năm trở lại đây. Trang Văn học Sài Gòn đã và đang có cuộc thi thơ 1-2-3 gây sự chú ý và thu hút được nhiều nhà thơ muốn khám phá, thử sức mình. Trần Nguyệt Ánh là một hạt nhân tích cực trong số đó, tháng 7/2021, chị đã nhận được giải thưởng cuộc thi thơ này.

Tác giả Trần Nguyệt Ánh

Tôi khá bất ngờ với thể thơ này! Càng bất ngờ hơn sau khi đọc hết tập bản thảo “Vọng núi”, với 123 bài thơ 1-2-3 của Trần Nguyệt Ánh, tôi nhận thấy như có một ma lực cuốn hút từ tập thơ này. Mỗi bài như một phác thảo, như một bức kí họa bằng thơ. Ở đó, bản chất, mảnh đất, tình yêu, tình người được nhà thơ Nguyệt Ánh chấm phá, tưởng như rất nhanh, nhưng những nhát cọ về một Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ lại hiện lên với khuôn mặt khá thần thái, cá tính, hoang sơ, bình dị, và ẩn chứa nội lực tiềm tàng.

Bản hòa tấu cồng chiêng vút lên/ Âm thanh cuộn trào từ dòng Sê Rê Pốk/ Bật ra từ những cánh rừng già/ Bung lên từ lòng đất ba zan/ Tiếng của núi sông, hòa âm vào hồn dân tộc/ Bên nhà rông, lễ thổi tai cho một sinh linh chào đời”.

Thơ 1-2-3 của Trần Nguyệt Ánh không đi sâu vào đặc tả sự vật  hiện tượng, tất cả như khái quát, như dàn ý của bài tập làm văn. Ở đó, khơi gợi khi nói về Tây Nguyên, người ta không thể không nhắc đến cồng, chiêng; đó là tiếng nói tâm linh của người dân bản địa với Yang (trời – đất), cầu bình an và mùa màng bội thu; người ta không thể quên sức mạnh sục sôi của con sông Sê rê pốc, có mạch nguồn trong sâu thẳm từ rừng già, từ trong mạch ngầm đất đỏ ba zan… Ở đó, trong ngôi nhà rông, lễ thổi tai cho một sinh linh chào đời, để tất cả như thấy một Tây Nguyên hoang sơ, dữ dội luôn được kế thừa và những mầm non được sinh ra và lớn lên mạnh mẽ. Những mầm non của đại ngàn được thai nghén, tôi luyện trong khí trời, âm thanh cồng chiêng, của sông cha, sông mẹ, có khi, nguồn cơn từ ánh mắt.

Ánh mắt mẹ sáng bừng trang cổ tích/ Soi cho con thoát kiếp nhọc nhằn/ Bàn tay mẹ chai sần vất vả/ Dắt con qua vùng lam lũ mưu sinh/ Hạt hạnh phúc mẹ gieo trồng ý thức/ Ngát đời con hoa thắm ân tình”.

Từ ánh mắt mẹ soi sáng, dẫn dắt con đi từ cổ tích bước ra đời thật, với bàn tay lao động chai sần, vất vả, cuộc sống làm lũ mưu sinh, để câu kết … “Ngát đời con hoa thắm ân tình” là một câu chuyện dài về cuộc đời, và một cái kết đầy nhân nghĩa. Mẹ luôn chấp nhận mọi gian khó, hy sinh để đời con tươi sáng trong một thế giới ngát hương hoa ân tình. Vẻ đẹp truyền thống, cốt cách của mảnh đất, con người, đặc biệt là hình ảnh người mẹ Tây Nguyên truyền lửa cho con được đúc kết sáng ở thì tương lai, có giá trị nhân văn và trường tồn vĩnh cửu. Những sinh linh của đại ngàn vừa chào đời ấy lại được được mẹ, cha, thụ phấn, ươm mầm trong lao khổ nhưng đầy tình yêu thương… để bức tranh mẹ vẽ tương lai con bừng sáng, rộng mở.

Ươm mầm xanh tỉa xới vun trồng/ Mẹ thai nghén cả mùa gieo hạt/ Cha thụ phấn cánh đồng ngô cuối vụ/ Giọt yêu thương ngấm mặn đất khô cằn/ Bờ vai nhỏ oằn cong miền ký ức/ Từ cánh đồng con thẳng bước phía trời xa”.

Hình ảnh Tây Nguyên, đôi khi chỉ là khung cửi ngày xưa ngủ quên trên gác bếp, đôi khi là chiếc gùi trên lưng lên rẫy, làm nương, với những củ sắn, đọt khoai, quả bắp, níu vịn với người đi qua nghèo đói, vào thơ Trần Nguyệt Ánh cũng hiện lên một hình ảnh Tây Nguyên tươi đẹp, đậm chất truyền thống:

Gùi tre, ta vịn vào em cùng nhau nương náu/ Đồng hành giữa nhịp sống muôn màu tràn hương sắc/ Củ sắn, đọt khoai, củi khô, quả bắp/ Dìu nhau vượt qua cái đói nghèo/ Ta vịn vào em thấy cuộc sống đẹp tươi/ Em trên lưng cho nét dân tộc sáng ngời huyền thoại”.

Nhà thơ Trần Nguyệt Ánh, một giáo viên với hơn 20 năm trên bục giảng. Chị thường xuyên tiếp xúc với số đông con em các dân tộc thiểu số, thấu hiểu sâu sắc những khó khăn vất vả và những thiếu thốn các em cần bù đắp, những giấc mơ ngủ vùi cần được khai sáng. Tập thơ “Vọng núi” của chị như tiếng vọng thời gian, hướng con người về cội nguồn, gốc rễ với những giá trị nhân văn sâu lắng, từ đó thắp sáng ước mơ, khát vọng của mỗi người.

Tiếng đàn Chapi đi tìm giấc mơ/ Theo ngọn gió vút cao đỉnh núi/ Mơ hạt lúa đầy bồ, hạt cà phê tròn mẩy/ Ché rượu cần ngọt thơm mùi nếp rẫy/ Ánh mắt Tây Nguyên nồng ấm ân tình/ Giấc mơ nảy mầm từ đất cổ bazan!

Từ những giấc mơ nhỏ nhoi, mơ lúa đầy bồ, hạt cà phê tròn mẩy, những “Giấc mơ nảy mầm từ đất cổ bazan”… là giấc mơ của mảnh đất, con người Tây nguyên. Cả những giấc mơ của con trẻ, cho dù phải đi qua năm nắng mười mưa, những mùa giáp hạt đói khát, vẫn luôn được nuôi dưỡng bằng ánh mắt ân tình của cha, của mẹ. Và cho dù “Tấm lưng mẹ uốn cong cả hoàng hôn” để đời con bước ra ánh sáng, được sống trong thơm thảo nghĩa tình.

Ngày đã cạn/ Thu trôi trên cánh đồng giáp hạt/ Tuổi thơ con lấm lem mùi rơm rạ/ Chiều nay bão chạy dọc cánh đồng/ Tấm lưng mẹ uốn cong cả hoàng hôn/ Tảo tần ngược xuôi cho đời con thơm thảo!”.

Hình ảnh “Tấm lưng mẹ uốn cong cả hoàng hôn” là một hình ảnh rất thơ, là một điểm sáng trong tập. Ta thấy hình ảnh người mẹ lưng còng cõng nắng, được ví von lưng mẹ uốn cong cả hoàng hôn. Nhà thơ Trần Nguyệt Ánh sử dụng biện pháp ẩn dụ nhân hóa ca ngợi đức hi sinh lớn lao của người mẹ. Một bức tranh nghệ thuật khơi gợi tư duy hình tượng, không chỉ riêng tạc vào trời đất hình ảnh người mẹ Tây Nguyên mà là người mẹ chung, người mẹ đất nước vĩ đại có giá trị xuyên thời gian. Nơi ấy, những đứa con được sinh ra, lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha, mẹ, được tắm gội trong dòng sông nhân nghĩa, chan chứa ân tình, những đứa con ấy, hơn ai hết cũng cảm nhận sâu sắc công cha, nghĩa mẹ tận sâu thẳm trái tim mình.

Chiều bên dòng Krông A Na/ Con dựa vào lòng sông mẹ/ Lắng nghe nước chạy dọc tim mình/ Dòng sông tình yêu từ lòng Cư Yang Sin bất tận/ Cùng hòa nhập vào dòng sông cha/ Dáng mẹ hiền hòa”.

Từ đó: “Con tự vẽ cho mình một đường bay/ Vẫy vùng trên bầu trời nhân nghĩa/ Cất cánh với ước mơ rộng mở…

Tập thơ Vọng núi của nhà thơ Trần Nguyệt Ánh là đứa con tinh thần thứ ba và là tập thơ đầu tiên viết theo thể thơ 1-2-3, chắc chắn cần lắm sự đầu tư, nghiên cứu, thẩm định của các nhà chuyên môn. Tôi là một người yêu thơ chỉ đọc, cảm nhận, nhìn tập thơ ở một góc nhỏ, còn nhiều bài thơ trong tập viết về muôn mặt cuộc đời sinh động, cảm động và lôi cuốn… Bên cạnh những mặt nổi trội như đã nói, ở tập thơ này có cảm giác nhiều bài vẫn nặng về tả, câu thơ còn thô, chưa được mềm mại. Tôi cho rằng, dù là thơ gì đi chăng nữa, thì lời lẽ, ngôn ngữ thơ phải đẹp, phải có nhạc tính, có thi ảnh, khơi gợi trí tưởng tượng và lôi cuốn người đọc. Dù sao cũng là một bước đột phá táo bạo của nhà thơ Trần Nguyệt Ánh. Tôi xin trích nguyên văn những trao đổi, suy nghĩ của chính tác giả tập thơ, để mọi người có thêm sự đồng cảm, và có thêm những ý kiến đóng góp cho nhà thơ Trần Nguyệt Ánh có thêm động lực, niềm tin, theo đuổi và thành công hơn ở những tập tiếp theo:

Để đi đến quyết định in tập thơ Vọng núi, tôi muốn “đổi mới” mình. Tôi rất vinh dự là một trong những người đầu tiên góp tiếng nói của mình, muốn đi sâu khám phá bản sắc văn hoá, phong tục của người Tây nguyên thể nghiệm ở loại hình thơ mới mẻ, đầy sức hấp dẫn này! Điều mà một cây bút mới như tôi vẫn đang trên con đường tìm kiếm phong cách cho riêng mình. Tôi mong đón nhận nhiều sự góp ý và hi vọng sau tập “Vọng núi”, bạn đọc sẽ được đón đọc nhiều hơn nữa về thơ 1-2-3”của tôi, cũng như của nhiều nhà thơ trên cả nước”.

                                              Trương Nhất Vương