Trần Thị Thắng – Ngày Vu Lan thắp nén tâm nhang

621

05.9.2017-11:40

Nhà văn Trần Thị Thắng

 

Ngày Vu Lan thắp nén tâm nhang cho cả nhà

 

TRẦN THỊ THẮNG

 

NVTPHCM- Năm nay ngày Vu Lan tôi rất buồn, buồn từ đầu tháng 7, năm nhuận nên Vu Lan đến chậm càng buồn. Vì năm nay trong gia đình tôi chỉ còn một mình tôi trên cõi đời.

 

Anh trai tôi mới đi năm ngoái khi tròn 78 tuổi. Ước ao của anh là sống tròn 80 tuổi rồi theo các cụ ra đi, nhưng bệnh tật đã không cho anh ở lại với gia đình trong đó có tôi. Nhà ba anh em, em gái đi trước năm 2002, anh trai đi 2016, ba mất 1995 (88 tuổi), mợ mất 1999 (88 tuổi). Tất cả bỏ lại mình tôi trên thế gian này, đôi khi thấy anh em nhà chồng quây quần, tôi lại thèm hơi ấm gia đình của riêng mình.

 

Khi còn sống, ba tôi rất tự hào về ông nội đang ở Hải Yến (Hưng Yên) dám bán 5 tạ thóc đi về Quảng Ninh. Thấy nơi ấy người ta có công việc quanh năm làm ăn, ai cũng ăn bát cơm đầy. Còn ở tổng Hải Yến mang tiếng nhà giàu, cụ cố mới được ăn cơm trắng, còn mọi người ăn cơm độn ngô quanh năm. Vậy là ông nội sau khi chôn cất cụ cố xong là bán hết ruộng nương đem vợ và một đứa con 3 tuổi, một 6 tháng tuổi (là ba của tôi) ra Hòn Gai ở.

 

Sau này ông sinh thêm 2 người con trai tại Hòn Gai. Ngày đi làm, sau làm đêm, một mình ông đi làm nuôi vợ và 4 con trai. Tôi chỉ biết căn nhà ông dựng dưới chân núi Bài Thơ đề 1928 (tôi có về thăm) sau bán cho người khác để về Cửa Ông ở. Năm 1971, cả lớp đi tham quan Cửa Ông, tôi chỉ được nhìn căn nhà 2 tầng bị bom đánh sập một góc.

 

Ông tôi nuôi con trai đủ 18 tuổi là ông đuổi ra đường để tự lực sống. Người anh cả bị đuổi ra khỏi nhà uất ức và ông tìm đường vào Sài Gòn sống. Ba tôi đủ 18, ông nội đuổi đi, ba tôi ra lập nghiệp ở Hải Phòng. Vì muốn tìm anh trai, nên ba tôi nhận làm thầu đập tưới nước cho tỉnh Quảng Ngãi. Sáu tháng xây đập, mùa mưa bão đến, đập vỡ, sắt thép tan tành sau cơn lũ. Ba tôi ra tòa cùng một mảnh giấy về nhà: Có thể con bị tù nặng, con xin lỗi ba mợ và em (vợ). Sau khi tòa án Pháp xem xét những bản thiết kế, bản trả lương và mua sắt thép, xi măng, ba tôi được trắng án vì đó là do thiên tai gây ra. Lập tức ba tôi bị di ra Hải Phòng. Vậy là mộng tìm anh trai ở Sài Gòn đã tan vỡ.

 

Còn lại ba anh em trai, không một ai oán hận sự đuổi ra khỏi nhà của gia đình khi đã trưởng thành ở tuổi 18. Các chú tôi cũng cho phương pháp giáo dục như vậy là đúng. Đổi lại biết mình sẽ phải ra khỏi nhà khi trưởng thành thì khi còn ở nhà với cha mẹ ai cũng học rất giỏi. Nghe tin Hải Yến đói, ông nội tôi mua gạo, thuê xe tải của người Pháp, mặc com lê, chống ba tong về làng. Nông dân không nhận thóc của kẻ theo Pháp, ông tôi cho chất gạo ở gốc gạo rồi lên xe về Cửa Ông với bao nỗi buồn. Nhưng khi con út đi học nhận đưa thư báo trong đó có truyền đơn thì ông bảo: Con cẩn thận không mật thám theo dõi. Trong lòng ông tôi đầy những day dứt, và từ đó ông không về làng.

Hai chú tôi được ông nuôi và hoạt động từ trước 1945, sau này là bộ đội, một người cao nhất là Đại tá ở Quân đoàn 1 tiến về giải phóng Sài Gòn, sau về Cục Hậu cần. Ba tôi ở Hải Phòng, cùng em vợ thi thoảng trèo vào nhà bếp của Pháp ở khu nhà máy xi măng, xoa bột mì viết “Đả đảo đế quốc Pháp” bằng tiếng Pháp và Quốc ngữ”.

 

Mẹ tôi quê Vũ Thư, Thái Bình gần chùa Keo, có anh trai là Nhàn hoạt động cách mạng ở Hải Phòng – Quảng Ninh. Mẹ mất sớm, bố dạy học. Bác Nhàn tôi theo cách mạng từ khi 16 tuổi, sau khi cha mất, bác tôi đưa cả mợ tôi và em trai ra làm công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng. Chỉ còn người chị gái lấy chồng có con nên để ở quê. Ông vận động cả làng: Họ nào giỗ chung một ngày, còn giỗ riêng thì tùy từng nhà làm giỗ hẹp. Tinh thần ấy từ trước 1945 đến nay vẫn theo một quy ước như vậy.

 

Bác tôi còn vận động rất nhiều thanh niên của làng ra làm công nhân (biến nông dân sang giai cấp công nhân). Mợ tôi cũng trong guồng quay ấy để trở thành công nhân, đến 1945, bác tôi bị Nhật bắn ở Quảng Ninh, em trai theo mợ tôi ra Hải Phòng bị sốt rét định kỳ cũng mất. Chị gái ở quê con đông, sự bơ vơ một mình ở Hải Phòng (dù có gia đình), nhưng mợ tôi vẫn thấy cô quạnh.

 

Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, bà tôi và các chú, các cháu ở Cửa Ông ra Hải Phòng với gia đình tôi để đi tản cư (ông nội mới mất) và tất cả đi tản cư về Phú Thọ ở Ấm Thượng, Ao Châu, Chu Hưng. Một lũ chúng tôi được sinh ở đó từ 1948-1949- 1953, sau hòa bình, nhà chúng tôi lại về Hải Phòng nhưng bà nội thì mất ở vùng tự do Ấm Thượng. Bà tôi ra đi tản cư cứ nghĩ đi hai ba tháng thì về, ai ngờ chín năm, nên tuổi già không còn đợi được ngày hòa bình, bà mất năm 1952.

 

Sau này tôi lại lên Ấm Thượng học hành, khi ba tôi về hưu, Mỹ bắn phá Hải Phòng ác liệt, ba tôi trở lại vùng tản cư ngày xưa là Ấm Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú thọ để sống. Anh tôi thì học ở Hải Phòng và sau vào Đại học Bách khoa. Ai cũng bảo may mà hai chị em chúng tôi lên Phú Thọ học thì mới vào đại học, vì ở Hải Phòng chỉ cần học xong lớp bảy là có thể làm công nhân và có tiền tiêu ngay, nên bạn bè tôi ai cũng đi làm sớm vì miếng cơm manh áo đến rất dễ dàng.

 

Ngày Vu Lan xin có một nén tâm nhang thắp cho cả nhà, mong cả nhà cho con được sự bình yên.

 

12g30 ngày 4.9, đã sang rằm tháng Bảy, ngày Vu Lan

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…