Trưng  Nữ Vương – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (Hồi thứ 3 phần 2)

310

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Phùng Văn Khai sinh năm 1973 tại ại Thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Anh hiện đang công tác Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cấp bậc thượng tá, chức danh Phó Tổng Biên tập, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2007), Phó Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam Nhiệm kỳ (2020 – 2025). Phùng Văn Khai được biết đến là một tác giả viết nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử nhất gồm 6 bộ gồm: Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc. Và sắp tới đây anh sẽ ra mắt bộ tiểu thuyết thứ 7 “Trưng Nữ Vương”. Trong những tiểu thuyết lịch sử của anh, bạn đọc đặc biệt chú ý đến các bộ tiểu thuyết; Phùng Vương, Ngô Vương, Triệu Vương phục quốc, trong đó bộ tiểu thuyết Ngô Vương nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thời kỳ 2016 – 2019. Qua trao đổi trước khi bộ Trưng Nữ Vương sắp được ra mắt, anh cho biết, bộ tiểu thuyết lịch sử này sẽ có nhiều nét mới trong lối hành văn nên văn phong cũng khác hẳn. Và tiểu thuyết Trưng Nữ Vương là tiểu thuyết đầu tiên của anh có nhiều tình tiết hư cấu, có nhiều giai thoại lẫn thần thoại xoay quanh các nhân vật chính, nó thể hiện sự khác lạ so với các tiểu thuyết trước đây. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Hồi thứ nhất của Bộ tiểu thuyết lịch sử này.

Phùng Hiệu giới thiệu

Nhà văn Phùng Văn Khai

 

Bến nước Đầm Dạ Trạch buổi tối.

Bến đầm đang tiết cuối xuân hãy còn se lạnh. Ánh đèn nến lung linh hắt xuống mặt nước lóa nhóa như muôn vàn vảy lân tinh nhất loạt bung tỏa trên mặt nước. Mấy năm gần đây, các thương đoàn, tiêu cục lớn nhỏ do mến mộ Dương công tử đều đua nhau về đóng bản doanh, lập kho xưởng trên dưới bến đầm vô cùng tấp nập. Đội thương thuyền của họ Dương luân phiên đi biển đã nhiều năm dày dặn kinh nghiệm cơ nào đội nấy chỉnh tề. Theo kiến nghị của các thương đoàn, tiêu cục, cũng là để tạm thời che mắt quan quân người phương Bắc ở Luy Lâu, Dương công tử đã cho phân tán đội thương thuyền phần lớn trú đóng nơi cửa biển Đại Ác cách Đầm Dạ Trạch hơn nửa ngày đường. Hơn nữa, đám hải thuyền lớn vốn cồng kềnh, độ giãn nước, thể thức xoay trở chỉ có thể thực hiện dễ dàng nơi cửa biển. Việc vận chuyển các thức vật, gỗ, gạo, muối… thường dùng loại thuyền nhẹ luân phiên vào ra cũng là tạo thêm công ăn việc làm cho các thương đoàn, tiêu cục.

Tại bến nước Đầm Dạ Trạch, họ Dương đã từ lâu cho dựng mười bảy căn nhà nổi trên mặt đầm kết nối liên thông bằng các cây cầu tre thanh thoát nhưng không kém phần vững chắc. Các loại vầu già, luồng lớn, tre đực già khi ngâm xuống nước dẻo dai vững chắc vô cùng, nắng mưa đều không hề hấn. Có những chiếc cọc gốc tre cắm xuống bùn đầm ba, bốn năm sau vẫn nảy lộc nơi mắt đốt như thường. Trên các sảnh nhà tre gỗ, cầu tre liên thông, bọn gia nhân còn đặt các chậu cây xanh, dây leo, nhiều chỗ trồng xen cây dây leo bầu, bí, mướp, hoa quả mùa nào thức nấy rất vui mắt. Tôm, cá, cua, ốc Đầm Dạ Trạch đã vô số kể thì những khoảng nước xung quanh dãy nhà tre gỗ càng đông đặc. Buổi sáng sớm, cứ xem các mẹ cá quả dẫn bầy con lấm tấm như thóc gạo kiếm ăn quanh đám bèo tấm, rau muống dập dềnh nhộn nhịp. Có mẹ cá tinh ranh quăng vút người lên gốc cây chậu cảnh mặc cho đàn kiến tha hồ bâu đến cắn cấu kín người rồi bất thình lình lăn tùm xuống nước, kiến bám theo vô số chính là thức mồi khoái khẩu cho đám cá con tinh nghịch háu ăn. Lại không ít những chàng ếch cốm ẩn nấp trong đám hoa bèo, bất chợt từ trên giàn cao rơi xuống dăm ba nụ hoa mướp chàng ếch phóng theo vồ hụt ngờ đâu chính là lưỡi câu của mấy cậu bé đã mắc sẵn từ trước khiến ếch ta đến lúc bị tóm vào trong giỏ vẫn còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Những khi tiết trời nắng ráo, ngay sát dãy nhà nổi đã xuất hiện một cảnh thần kỳ, mười bảy ông rùa to như chiếc nong phơi thóc cứ thế thản nhiên nổi lên luân chuyển xếp hình chữ nhất, chữ nhị, chữ công, chữ quốc cũng là lúc các vị bô lão trong hai mươi bảy làng chài quanh đầm cùng với lão huyện lệnh Dương Thái Bình bắc ghế trúc ngồi thưởng lãm kỳ vật thiên nhiên. Những năm nổi đủ mười bảy ông rùa tức thời mùa màng tươi tốt, tôm cá xum xuê và đội thương thuyền đi biển đều bình an trở về. Có đến hai năm liền các ông rùa không xuất hiện tức thời bão lớn mưa to khắp nơi, đội thương thuyền đi biển buộc phải sớm trở về cũng đã vỡ đắm đến mười mấy chiếc.

Từ khi được giao trù hoạch mọi công việc cho cuộc kết nối thông gia hai nhà Trưng – Dương, vợ chồng vị sư phụ Đỗ Năng Tế – Cẩm Nương chưa đầy một tháng đã có tới ba lần ngược sông tới đất Mê Linh, xuôi dòng trở về Dạ Trạch chủ trì thực hiện các cuộc đưa đón sính lễ theo luật tục hai vùng đất Mê Linh, Chu Diên cũng là các tộc quy của hai họ Trưng – Dương. Theo tộc quy Trưng thị, nhất là huyện lệnh Trưng Định chính là tộc trưởng, bất luận tộc nào kết nối thông gia với tộc trưởng, việc đầu tiên phải đem tới bảy con trâu trắng, mười bảy thúng muối trắng, hai mươi bảy bộ da dê trắng, ba mươi bảy thúng gạo nếp trắng, bốn mươi bảy cặp chim câu trắng, năm mươi bảy xấp vải tơ lụa trắng, sáu mươi bảy cặp bánh giày trắng. Các thức vật tới nơi phải được hội đồng kỳ lão mười bảy vị cũng là mười bảy tộc trưởng Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái, Lý, Lưu, Đồng, Đỗ, Phan, Phạn, Phùng, Hùng, Hoàng trên vùng đất Mê Linh thẩm định kỹ càng nhất loạt đồng ý cũng là lúc đích thân tộc trưởng họ Trưng thử tài rể quý. Dẫu từ trước đó, Dương Thi Sách đã nổi tiếng thần lực trong cuộc gỡ bọn trâu chọi từ dưới hố sâu, nhất là việc chỉ bằng cây gậy gỗ lim một mình đả bại mãnh hổ nơi Khe Cấm đã mau chóng đồn thổi khắp vùng, song mọi việc đều phải chính danh diễn ra nên Trưng huyện lệnh vẫn cho thi tài đúng như tộc quy đã định.

Cuộc thi bao gồm văn và võ, trí và dũng với các môn: câu đối, đánh cờ, bắn cung, nhổ cọc. Về thần lực, ai cũng biết Dương công tử sẽ dễ dàng vượt qua, song hai môn đầu là câu đối và đánh cờ thì chưa chắc. Nhất là đối thủ của cuộc chơi chính là lão ma kỳ họ Vững vốn hành tung quái đản, cờ lực phi phàm. Lão ma kỳ không bao giờ dự thi hội cờ từ đầu mà chỉ đến lúc tuyên bố trạng cờ trong hội hàng năm lão mới thủng thẳng xuất hiện chấp luôn trạng cờ một mã. Chẳng hiểu lão đánh thế nào chỉ độ hơn chục nước, bên đối phương đã phải xin thua. Thực ra lão ma kỳ đến là để gặp gỡ Đỗ sư phụ và Trưng huyện lệnh cho vui chứ hơn thua với đám trẻ chỉ là cái cớ. Họ Đỗ năm nào cũng đều tuyên bố lão ma kỳ phạm quy, bỏ qua vòng loại lại còn chấp quân chấp nước, kỳ đạo cổ quái không được tính, lão cũng chẳng quan tâm đã khật khưỡng bỏ đi cùng Trưng huyện lệnh tìm chỗ nhắm rượu rồi. Năm nào vắng lão, đám cao thủ dẫu ẵm giải cao cũng đều tự thấy mình còn lâu lắm mới bằng phân nửa lão ma kỳ.

Đấu cờ với con người cổ quái như vậy, Dương công tử quả thực rất khó qua cửa ải này.

Bàn cờ đã được bày ra ngay chính sảnh căn nhà gỗ lớn đất Cổ Lôi sơn trang. Chẳng hiểu bằng cách gì, lão ma kỳ đã đến rất đúng hẹn. Hôm nay trông lão càng cổ quái. Đầu lão ma kỳ chít chiếc khăn vải đỏ đã xỉn màu. Bộ trường bào bằng vải khô rộng thùng thình như chiếc đại cà sa đã vá mấy miếng tướng trước ngực, phía sau lưng thủng lỗ chỗ lão bỏ mặc kệ từ lâu. Chân lão đi đôi giày da dê trắng còn đủ cả bốn chân và chiếc đuôi ngoe nguẩy rất ngộ nghĩnh. Cặp mắt lão ánh lên tinh nghịch ngó hết bên này bên khác mà không thèm nhìn vào bàn cờ.

Đã được căn dặn từ trước, Dương công tử bận bộ trường bào màu xanh thanh thoát, đầu để trần, những lọn tóc xoăn đen nhánh càng như tạo thêm vẻ cương nghị, trang nghiêm trước bậc lão bối.

Dương công tử kính cẩn thi lễ nói:

– Hậu sinh xin kính chào tiền bối! Hôm nay, lão trượng hãy cho hậu sinh được hầu cờ ngài.

Không buồn nhìn mặt người đối diện, lão ma kỳ nói véo von giọng như chim hót rất khó nghe:

– Hân hạnh! Hân hạnh! Đạo cờ thấp thấp cao cao. Cao cao thấp thấp tào lao ấy mà. Voi voi ngựa ngựa binh xa. Tốt đen tốt đỏ ta bà thắng thua.

Dương công tử thấy vị tiền bối lời nói tinh nghịch nhưng ẩn tàng sự phóng khoáng tiêu dao trong lòng rất thích bèn trang nghiêm đáp:

– Lão tiền bối! Cảm ơn ngài đã chỉ đường đi nước bước cho hậu sinh.

Lão ma kỳ chợt hơi sững người lẩm bẩm:

– Giỏi! Giỏi! Đơn xa độc mã đối trận lưu tình. Quân đợi quân chờ quân ăn quân nghỉ. Ván này chưa đánh lão Vững ta xin được thua Dương công tử.

Nói đoạn, lão ma kỳ thuận tay thủng thẳng cứ thế xóa hết bàn cờ.

Những người xem xung quanh, nhất là hội đồng kỳ lão hết sức kinh ngạc.

Sư phụ Đỗ Năng Tế nhanh trí vuốt chòm râu bạc dõng dạc tuyên bố:

– Ván thứ nhất, Vững tiền bối hạ thủ lưu tình hậu đãi, Dương công tử thắng!

Bàn cờ lại mau chóng được sắp đặt cho ván thứ hai.

Nguyên trong lệ đấu cờ, từ trước đến nay đều chơi ba ván. Nếu ai thắng liền hai cuộc, sẽ không phải đánh ván thứ ba. Lão ma kỳ xưa nay chưa bao giờ đánh với ai ván thứ ba, càng không có ván nào quá hai mươi bảy nước mặc dù lão luôn bỏ đi một mã. Sự việc hôm nay quả thực hết sức lạ lùng, chỉ bằng vào phong thái và mấy lời nói của Dương công tử, lão ma kỳ đã tặng họ Dương một ván thắng, thật đúng như tính nết cổ quái khó lường của lão.

Bàn cờ vừa được bày xong, lão ma kỳ không khách khí lập tức nhấc quân đi trước.

Mọi lần đều là lão cầm con mã ném vèo đi, song lần này lại cấp bách nâng một vành xe bên tả hết sức khác thường.

Mọi người ai nấy đều lắc đầu không hiểu.

Dương công tử biết lực cờ của vị lão bối đã vào hàng tuyệt đỉnh mới nhất cử tùy tiện khích bác đối phương bèn cung kính đưa tượng lên chính giữa.

Phía bên kia, lão ma kỳ lại nâng tiếp một vành xe bên hữu.

Trận cờ đúng là kỳ cục.

Dương công tử chẳng nói chẳng rằng thong thả nhấc sĩ đặt lên.

Nhìn qua một lượt, đột nhiên, lão ma kỳ nghiêm trang hỏi đối thủ:

– Ván này lão già hiếu thắng đã nhỡ tay đi bừa mấy nước, nay ta xin hòa cờ với công tử, chẳng biết có được chăng?

Dương Thi Sách thoáng sững người. Không thể ngờ cờ mới đi hai nước chưa đâu vào đâu, lão ma kỳ đã đề nghị cờ hòa. Biết được đây chính là kế thử bèn tươi tắn đáp:

– Hậu bối xin đa tạ tiền bối đã chỉ bảo. Hậu bối xin được nghe theo!

Thế là cuộc cờ tưởng sẽ căng thẳng kéo dài, ngờ đâu hai ván qua mau chỉ trong tích tắc.

Người mừng nhất có lẽ là Đỗ sư phụ, bởi ông cũng không dám chắc, nếu tiếp tục đánh sẽ ra sao, bởi xưa nay lão ma kỳ chỉ mười mấy nước đi, cỡ cao thủ như ông đều bị dồn vào thế bí cứ thế dần mất quân, thất nước, mau chóng thảm bại. Nay mới hai nước cờ đã đích thân lão ma kỳ xin cầu hòa quả là may mắn lắm.

Đỗ sư phụ bèn xướng to:

– Ván thứ hai, hai bên hòa cờ, hãy mau cho bày ván thứ ba!

Bọn hầu cờ toan tới chỉnh lại đưa quân về như cũ, bỗng đột ngột lão ma kỳ giơ tay chắn lại bảo:

– Không cần! Hãy cứ để thế tiếp tục ván thứ ba!

Mọi người lại ồ lên trước sự khác người của họ Vững.

Lão ma kỳ bất thần đẩy tốt biên.

Trong bụng, Dương công tử đã ngộ ra bảy, tám phần, chính là cuộc cờ này vị lão trượng đã thành tâm tặng họ Dương phần thắng bèn cung kính nói:

– Đa tạ lão bối đã hai lần nhường nước, nhường thế cho hậu bối.

Chỉ bảy, tám nước sau, rồi mười lăm, mười sáu nước kế tiếp, binh tướng hai bên quấn chặt lấy nhau vô cùng hiểm hóc. Những nước đi thần bí của lão ma kỳ khiến mọi người bên ngoài toát hết mồ hôi đều được Dương công tử hóa giải. Cặp mã của họ Dương đúng là cặp thần mã vừa nương nhau bịt hết các đường hiểm, lên công về thủ nhịp nhàng, che chắn trước sau kín kẽ. Phía sau, cặp pháo mở khép luân phiên, che chắn vững vàng, tạo thế xuất chiến công thành bất cứ lúc nào khiến lão ma kỳ cũng không dám khinh suất ồ ạt đưa quân sang.

Dương công tử lượng sức mình tuyệt không ham tiến công mà chỉ luân đảo tượng, sĩ, đôi lúc tướng cũng bôn ba, song thế trận trước sau đều vô cùng vững chắc. Đánh tới nước ba mươi tám mà hai bên mới chỉ mất đi hai cặp tốt biên quả thực quá lạ lùng. Cặp song xe của lão ma kỳ ẩn hiện chập chờn đông tây nam bắc mà vẫn chưa làm gì được hàng thủ vững chắc của đối phương.

Đột nhiên, lão ma kỳ đứng lên vái các vị kỳ lão chủ trì cuộc thi tài thong thả nói:

– Các vị kỳ lão! Lão phu đây quả thực đã già lão lẩm cẩm rồi. Ba mươi tám nước đi mà Dương công tử tuyệt không sai sót một nước. Lão ma kỳ ta sáu lần đưa xe vào miệng mã, Dương công tử đều cẩn thận không ăn, thực là người hiểu biết sâu xa nặng nhẹ, kỳ cuộc không cốt tham mà cốt vững, tâm thế không để tranh hơn mà là trọng đạo lý nhu thuận bao dung. Khi thấy rõ binh ta ồ ạt dâng lên đều không rối. Lúc ta sơ hở trở về không thừa cơ vây ép, quả thực xưa nay hiếm lắm thay. Lão ma kỳ ta cam tâm tình nguyện nhận thua, tâm phục khẩu phục, quyết không đánh thêm một nước nào nữa.

Nói đoạn, lão ma kỳ họ Vững còn không đợi các kỳ lão phân định thế nào cứ thế thủng thỉnh bỏ đi.

Lúc bấy giờ, ngay cả Dương Thi Sách cũng chỉ biết đứng há hốc nhìn theo. Chỉ khi tiếng trống mừng chiến thắng ầm ầm nổi lên, mọi người mới sực tỉnh đã không thấy bóng dáng lão ma kỳ đâu nữa.

Cuộc thi đấu cờ tưởng phải kéo đến giữa buổi sáng, thành thử mới già nửa khắc đã mau chóng khép lại.

Theo sắp đặt của huyện lệnh Trưng định, cuộc thi câu đối lập tức được bắt đầu.

Cuộc này, đích thân huyện lệnh Mê Linh sẽ ra một vế đối cho rể quý. Xưa nay, trong các huyện lệnh, Trưng Định không chỉ nổi tiếng tài cung kiếm, mà thi ca từ phú đều hết sức tinh thông. Các cổng đền, miếu thờ khắp nơi trong dãy Tản Lĩnh hễ có câu đối cổ nào, Trưng huyện lệnh đều tìm tới sưu tầm, sao chép về đàm đạo với các vị lão trượng ở Cổ Lôi sơn trang. Bởi vậy, cửa ải này cũng không phải là dễ với Dương công tử.

Hội đồng kỳ lão ngay ngắn ngồi chuẩn bị chấm giải cuộc thi đặc biệt.

Trưng huyện lệnh ngắm nhìn Thi Sách, trong lòng vô cùng cảm mến, song nơi chữ nghĩa quyết không thể xuề xòa bèn trang nghiêm nói:

– Thi Sách! Đạo làm người không chỉ biết hiếu kính thảo thơm trên dưới, mà còn phải biết lễ nghi, pháp độ, phong tục, điển cố xưa nay; không chỉ dựa vào sử sách tinh thông các phương đất, mà ý chí phải chính trực, nhìn nhận cao xa, ôm chứa tất thảy vạn vật chúng dân. Những điều đó hẳn một phần con đã biết. Ta nay ra một vế đối cho con.

Nói đoạn, ngài huyện lệnh thong thả đọc:

Lạc tướng đất Mê Linh, quyết nếm mật nằm gai khơi nguồn quốc thống.

Mỗi chữ đọc ra, ai nấy đều thấy như có một luồng khí huyết đột ngột khởi phát chạy rần rật trong người. Vẫn biết xưa nay, Trưng huyện lệnh vốn dòng Lạc tướng của các vua Hùng suốt cuộc đời chăm chút cho chúng dân siêng năng không nghỉ nhưng những lời ngài nói hôm nay mới thực là tâm can ấp ủ từ rất lâu ai nấy đều vô cùng khâm phục.

Nghe huyện lệnh đọc xong, Dương Thi Sách cũng giống các vị kỳ lão thấy cảm xúc trào dâng, khí thiêng sông núi như hun đúc tụ về, gương mặt chàng trai trẻ thoắt hồng lên tươi tắn. Những câu chữ bỗng như đột ngột ùa về như sóng trào dâng. Không phải suy nghĩ nhiều, vô cùng dõng dạc, họ Dương kính cẩn thi lễ rồi đọc:

 Lạc hầu Đầm Dạ Trạch, thề óc gan lầy đất nối chí Hồng Bàng.

Lời đọc vừa dứt, nhất loạt các vị kỳ lão không ai bảo ai đứng bật cả dậy, gương mặt đầy xúc động líu ríu khen luôn miệng:

– Hay lắm! Câu chữ đăng đối dưới trên. Ý tình mạnh mẽ khoáng đạt. Quả là một cặp câu đối hay.

Cứ thế, các vị kỳ lão đồng thanh đọc:

Lạc tướng đất Mê Linh, quyết nếm mật nằm gai khơi nguồn quốc thống.

Lạc hầu Đầm Dạ Trạch, thề óc gan lầy đất nối chí Hồng Bàng.

Sau hai cuộc đầu xuất sắc vượt qua những cửa ải trước sự khâm phục của hội đồng kỳ lão, các cuộc thi còn lại thực ra cũng chỉ là mọi người xem Thi Sách biểu diễn thần lực và tài bắn tên bách phát bách trúng của mình. Những đường tên vun vút như sao đổi ngôi bắn trúng hồng tâm trong tiếng reo vang của quân chúng Cổ Lôi sơn trang. Đặc biệt, màn nhổ loạt cọc gỗ lim mười bảy chiếc của họ Dương mới khiến mọi người phục sát đất. Cột lim to cỡ một người ôm chôn sâu dưới đất hơn một thước dẫu bọn lực sĩ cũng phải hai, ba người mới nhổ nổi mà Dương công tử cứ thế phăm phắp nhổ từng chiếc một trước sự kinh động như không tin vào mắt mình của các vị kỳ lão và dân chúng nghe tin huyện lệnh Trưng Định thi tài kén rể đã nô nức kéo đến xem đông nghịt. Người vui nhất có lẽ chính là lão sư phụ Đỗ Năng Tế. Nhận đảm đương sắp đặt cuộc kết nối thông gia hai nhà Trưng – Dương, bên trong dẫu nhị vị huyện lệnh Trưng Định, Dương Thái Bình cùng trưởng nữ Trưng Trắc, công tử Dương Thi Sách đều đã thông suốt song việc bên ngoài, nhất là các cuộc thi đánh cờ, câu đối giữa bàn dân thiên hạ nếu không khéo léo thu xếp sẽ dễ trở thành chuyện đàm tiếu trong chốn dân gian nên họ Đỗ phải hết sức cẩn thận. Cũng may, như được trời giúp, Thi Sách đã vượt qua hết ải này ải khác khá thuận lợi. Chỉ riêng việc lão ma kỳ họ Vững vốn tính tình cổ quái đã tâm phục khẩu phục thực là chuyện nằm ngoài dự liệu của Đỗ sư phụ. Nếu chẳng may lão ma kỳ chấp nhất như mọi khi chỉ ưa thích đả bại các trạng cờ rồi cứ thế bỏ đi sự việc chưa biết ra sao. Quả thực là lão ma kỳ đã sớm trao khẩu quyết đối trận cho họ Dương từ lúc nói suông mấy câu trước lúc nhập trận rồi. Cũng quả thực, Thi Sách vốn thông minh hơn người đã mau chóng lĩnh hội xuất thần vào trận mới khiến lão ma kỳ tâm phục mà đi. Mọi chuyện đúng như là có trời đất, thần Phật cùng giúp rập họ Dương vậy.

Sau cuộc đó, Cổ Lôi sơn trang mở hội suốt nửa tuần trăng. Đúng thật là xuân tiếp xuân vui tươi hớn hở, hội nối hội muôn tiếng nói cười. Mười bảy thị tộc Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái, Lý, Lưu, Đồng, Đỗ, Phan, Phạn, Phùng, Hùng, Hoàng trên vùng đất Mê Linh hộ nào tộc ấy đều tới chúc phúc cho Trưng thị đã kén được rể quý đường văn đường võ tinh thông, trí tuệ tâm cơ trầm hậu quả là hiếm có xưa nay. Theo phong tục vùng đất Mê Linh cũng là tộc quy họ Trưng, Thi Sách phải đến ở rể trong vòng một tháng đi chào hỏi khắp mười bảy thị tộc trong vùng. Vốn trước sau chu đáo, lại từng hứa với Trưng huyện lệnh, Dương công huyện lệnh Chu Diên giao cho Đỗ sư phụ cùng các gia thần, gia tướng sắp xếp năm mươi khinh thuyền chở đầy sản vật gạo muối, đồ gốm đồ sành tới tận nơi chia thành các phần quà đầy đặn cho mười bảy thị tộc đất Mê Linh. Các hộ tộc trong vùng Mê Linh ai nấy đều cảm ân đức của vị Lạc hầu họ Dương với vùng đất cổ. Các vị lão trượng đều ân cần cầm tay vợ chồng Trưng Trắc – Thi Sách chuyển lời cảm tạ tới Dương công. Mười bảy thị tộc cũng đều có các thức quà quý miền đồng rừng gửi tặng Dương huyện lệnh. Nào thịt nai, thịt hươu khô gác bếp săn chắc thơm lừng; nào mộc nhĩ, nấm hương từng xâu khô quắt tai dơi nhóng nhánh; nào vô số măng trúc khô vàng óng đều tăm tắp; nào những vò sành cổ thắt bên trong sóng sánh mật ong vàng. Thật là muôn nẻo thức quà ẩn chứa tấm lòng thành của mười bảy thị tộc nơi vùng đất Mê Linh gửi tới Dương huyện lệnh và các hộ tộc vùng đất Chu Diên. Thành thử, cuộc kết nối thông gia hai nhà Trưng – Dương chính là ngày hội của bách tính thị tộc nơi hai vùng đất vậy.

Cuộc kết duyên, thi tài, mở hội ở Cổ Lôi sơn trang khép lại cũng chính là mở ra một kỳ hội nữa trên vùng sông nước Đầm Dạ Trạch nơi đất Chu Diên. Nguyên trong các huyện Giao Chỉ bấy giờ, Chu Diên là rộng nhất cũng là vùng đông dân cư nhất với hai mươi bảy thị tộc lớn nhỏ trải suốt từ thượng du đồng rừng tới cửa biển Đại Ác, thông suốt từ trung lưu sông Nhĩ Hà nơi bến Giang Biên tới chân dãy núi Thất Tinh Hồng Điệp với quan ải hiểm trở Đèo Cổ Họng. Đặc biệt, khu Đầm Dạ Trạch dài rộng vài chục dặm cây cỏ um tùm cá tôm vô số kể có tới vài chục làng chài đánh bắt thủy sản cũng là nơi hình thành truyền đời các thương đoàn, tiêu cục lớn nhỏ buôn bán, vận chuyển, bảo tiêu đã hàng trăm năm. Nơi cửa biến Đại Ác và các cửa biển Tuần Vường, Long Lỗ, Thần Phù, Vực Vòng, nơi các nhánh sông đổ ra biển đều có các đội thương thuyền buôn bán giao lưu. Đã có nhiều đường thuyền từ lân quốc India, Mala, Kasa… xa tít tắp đem hàng hóa tới mua bán, đổi chác càng khiến vùng đất Chu Diên ngày thêm đông đúc nhộn nhịp. Các thương đoàn mùa nước lớn thường ngược dòng Nhĩ Hà tới các vùng thượng lưu Gâm giang, Thao giang, Hắc giang, Thạch giang chuyên chở gỗ quý, quặng sắt, sản vật đồng rừng về trao đổi với các thương nhân India, Mala, Kasa… đã trở thành nền nếp. Dân gian thường truyền tụng câu ca:

Ai ơi đến đất Chu Diên

Thăm Đầm Dạ Trạch thần tiên nhất đời

Dâng hương Nhị Thánh về trời

Ấm no, sung túc muôn đời cháu con.

Âu cũng là tấm lòng của dân chúng biết ơn tới các vị tiên thánh đã phù hộ độ trì vùng đất Chu Diên vậy.

Không hề thua kém các thức hội trong lễ kén rể của huyện lệnh Trưng Định nơi Cổ Lôi sơn trang, hai mươi bảy vị tộc trưởng vùng đất Chu Diên dưới sự sắp đặt của sư phụ Đỗ Năng Tế cùng toàn tộc Dương thị đứng đầu là tộc trưởng huyện lệnh Dương Thái Bình, trong suốt tuần rước dâu về vùng Đầm Dạ Trạch, các vị kỳ lão đã ân cần chu đáo đón tiếp đoàn kỳ lão cùng cô dâu đất Mê Linh hết sức chân thành. Các cuộc thăm thú nơi đầm nước, cửa sông, kéo tận ra cửa biển. Các cuộc du ngoạn, thưởng lãm các làng nghề đóng thuyền, đánh cá, trồng dâu, dệt lụa, xẻ gỗ, luyện đất, nung gốm, nấu sành muôn màu muôn vẻ. Các vị kỳ lão đất Mê Linh quá đỗi ngạc nhiên trước cách thức chế men gốm đủ hai mươi bảy sắc màu lóng lánh kỳ thú của các nghệ nhân làng gốm Đầm Dạ Trạch. Hấp dẫn nhất chính là các xưởng đóng thuyền ngay sát mặt đầm mênh mông sóng nước. Tiếng xẻ gỗ đan nhau từ sáng sớm tới tận đêm khuya. Những tấm lưng trần đẫm mồ hôi bắt nắng xen tiếng cười lấp lóa. Thi thoảng, toán thợ ở trần giữa lúc giải lao cứ thế giữ nguyên vuông khố nhỏ phóng mình xuống mặt nước bơi một mạch ra xa rồi cứ thế tha hồ bơi lặn. Có anh chàng bơi tít ra xa lặn một mạch xuống đáy bùn nhấc lên ba, bốn dây củ sen dài đến vài thước cứ thế chia nhau rửa sạch, chén ngon lành trên mặt nước. Lại không ít chàng trai lặn bắt được những chú tôm càng to như chiếc đũa cứ thế bóc ra lấy phần thịt trắng phau phau đánh chén ngon lành. Đúng là cỏ cây tôm cá vô hồi kỳ trận, thức vật thiên nhiên vốn nơi đâu cũng chiều đãi con người.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, sau khi cử hành nghi lễ cưới đúng theo luật tục đất Chu Diên, nhất là tộc quy Dương thị, đích thân lão huyện lệnh Dương Thái Bình cùng với vợ chồng sư phụ Đỗ Năng Tế – Cẩm Nương tiếp đón trọng thị các vị bô lão, các vị trưởng đoàn từ sáu huyện Liên Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái tới chúc mừng. Suốt nửa tuần trăng, doanh trấn bến Đầm Dạ Trạch, trị sở huyện lệnh Chu Diên khách khứa ra vào tấp nập toàn là những bậc trưởng lão, các vị anh hùng, chủ các thương đoàn, tiêu cục lớn trong ngoài đất Chu Diên.