Từ thơ chữ Hán đến thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương

6923

Mai Ngọc Phát

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thi sĩ Hồ Xuân Hương có hai hình mẫu thơ, thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán. Tôi gọi thơ chữ nôm của bà là thơ thuần Việt, bởi hầu như nhà thơ đã “tẩy sạch” vết tích của Đường thi[1], Tống thi[2], mà thấm tẩm vào trong đó bản sắc, cốt cách Việt, cũng như phủ ngập hương vị dân gian nơi bà đã lớn lên và trải nghiệm. Bên cạnh đó, thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương lại cho bạn đọc hình dung khác về diện mạo thi sĩ của bà.

Nhà nghiên cứu Mai Ngọc Phát

Trong suốt nhiều thế kỷ ở Việt Nam, thơ văn chữ Hán luôn chiếm địa vị độc tôn “chính thống”, còn thơ văn chữ Nôm bị coi như “ngoài luồng” mặc dù nó luôn được nhân dân nâng niu, gìn giữ. Thơ chữ Hán vốn là thơ của tầng lớp nho sinh, của vua quan và kẻ sĩ dùng để xướng họa, bày tỏ nỗi niềm riêng, “tức cảnh sinh tình”. Hồ Xuân Hương cũng được các học giả đương thời đánh giá rất cao tài thơ chữ Hán của bà. Nương theo dấu tích thời gian cho thấy, Hồ Xuân Hương đã sáng tác thơ chữ Nôm đan xen với thơ chữ Hán. Nhưng người viết bài này xin coi từ thơ chữ Hán đến thơ chữ Nôm của bà là một hành trình. Đó là hành trình của một nhà thơ từ nơi xa hoa, “mũ cao áo dài”, điện phủ uy nghiêm đến với đời sống lầm than, dân gian lấm bụi, tinh nghịch và khát vọng tự do, đậm chất phong tình và phản kháng.

Ở nước ta khi chưa xuất hiện phong trào Thơ Mới, ngoài các thể thơ như lục bát, song thất lục bát, đồng dao v.v., các nhà thơ từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Bùi Kỷ, Trần Tế Xương, Tản Đả, Nguyễn Khuyến… đều ảnh hưởng thơ Đường, thơ Tống Trung Hoa. Khi các nhà thơ viết thơ bằng chữ Hán gọi là thơ Hán Đường luật, và viết thơ bằng chữ Nôm gọi là thơ Nôm Đường luật.

Tôi đọc tập thơ “Lưu Hương ký” của Hồ Xuân Hương, được ông Trần Thanh Mại công bố năm 1964, cho thấy, thơ chữ Hán của bà nằm trong hệ hình thẩm mỹ và hệ thống quy tắc phức tạp của thơ Hán Đường luật. Thơ Hán Đường luật có thể “thất ngôn bát cú” được coi là dạng chuẩn nhất, biến thể có các dạng “thất ngôn tứ tuyệt”, “ngũ ngôn tứ tuyệt”, “ngũ ngôn bát cú” cũng như các dạng ít phổ biến khác. Hồ Xuân Hương phần lớn làm thơ chữ Hán theo thể “thất ngôn bát cú”. Xin dẫn nguyên văn một bài thơ chữ Hán “Nhãn phóng thanh” của bà đã được phiên âm tiếng Việt và bản dịch thơ của cụ Hoàng Xuân Hãn, có tên “Mắt tỏa màu xanh”. Bài thơ này nằm trong loạt bài vịnh cảnh ca ngợi vẻ đẹp non sông đất nước.

NHÃN PHÓNG THANH

Vi mang loa đại tháp thương minh

Đáo thử tu giao nhãn phóng thanh

Bạch thuỷ ma thành thiên nhẫn kiếm

Hàn đàm phi lạc nhất thiên tinh

Quái hình vị dĩ tiêu tam giáp

Thần lực hề dung tạc Ngũ Đinh

Phảng phất vân đồi đầu ám điểm

Cao tăng ưng hữu toạ đàm kinh.

Bản dịch nghĩa:

Mầu lam nhạt mờ mờ nối trời xa với bể xa.

Đến đây, tưởng như trong mắt tỏa sắc xanh ra

Nước bạc mài đá thành nghìn mũi gươm nhọn

Giữa đầm vắng, hình như có một sao trời sa xuống.

Vách đá hình kì quái không dễ dùng làm bảng đề danh kẻ đỗ đại khoa,

Nếu không sức thần thì sao tạc nổi tượng lực sĩ hùng dũng như vậy.

Phảng phất mây xuống thấp, phía trên đã xẩm tối,

Chắc đã có vị cao tăng ngồi yên lặng tụng kinh.

Bản dịch thơ:

MẮT TỎA MÀU XANH

Bể xanh lấp loáng tận trời xa,

Đây ngỡ màu xanh mắt tỏa ra.

Nước bạc mài nên nghìn mũi kiếm,

Đầm im rơi xuống một sao sa.

Quái hình chưa dễ đề khoa bảng,

Thần lực đâu đà tạc tượng ma.

Phảng phất mây rà đầu xẩm tối,

Cao tăng đang tụng chốn chiền già.

Tôi không đánh giá bài thơ dựa theo quy ước của thơ Đường luật, như “nhất tam ngũ bất luật” (chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm không cần theo luật), “nhị tứ lục phân minh” (câu thứ hai, bốn và thứ sáu phải đối ý), cũng như không đối chiếu từng câu trong bài thơ của Hồ Xuân Hương theo luật, niêm, vần, đối và bố cục của Đường Thi.

Nói chung, nếu thiên nhiên cảnh vật trong thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương mang tính tượng trưng, nhân hóa, phúng dụ thì trong thơ chữ Hán của bà, cảnh vật do con người kiến tạo cùng các danh thắng thiên nhiên thường hiện ra chân thực và trữ tình. Sự chân thực trong thi ảnh hiển hiện trong tâm trí bạn đọc là chính nó và tính trữ tình xuất hiện từ góc độ người quan sát, chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy. Bài thơ “Nhãn phóng thanh”/ “Mắt tỏa màu xanh” cho thấy cái tư thế khiêm nhường và có phần khép nép của người viết. Câu thơ “Nước bạc mài nên nghìn mũi kiếm/ Đầm im rơi xuống một sao sa” cho thấy bóng dáng nhỏ bé của nhà thơ đã hòa vào thiên nhiên rộng lớn. Tác giả bài thơ như vừa mỏng manh xuất hiện tựa một cánh hoa đã vội vàng rụng xuống, mất hút trong đám cỏ. Ngay hai câu kết của bài thơ (câu thứ bảy và tám) cho thấy, tác giả vẫn nương theo tâm trạng của người ngâm vịnh đã xuất hiện từ câu thơ Phá đề, mà không tạo cho bạn đọc sự bất ngờ, không gây nhiều thảng thốt. “Phảng phất mây rà đầu xẩm tối/ Cao tăng đang tụng chốn chiền già”. Tâm trạng này cho thấy, tác giả đang cố giấu đi một nỗi lo toan, nỗi buồn thường phảng phất trong các bài thơ chữ Hán của bà. Đó là tâm trạng chung của tầng lớp nho sĩ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, lúc chế độ phong kiến suy tàn, nhiều biến động.

Có thể nói, thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương chưa thoát khỏi hệ quy chiếu thẩm mỹ thời đại của bà. Tuy vậy qua thơ chữ Hán, bà vẫn được đánh giá là một trong những nhà thơ tài hoa và có phong cách riêng. Nếu so sánh bài thơ “Mắt tỏa màu xanh” với bài “Tức cảnh chiều thu” của Bà Huyện Thanh Quan, ta thấy, hai nhà thơ có tâm trạng khá tương đồng và cùng được biểu đạt bằng lối thơ tả cảnh, ngâm vịnh, bàng bạc một nỗi niềm u hoài cố quận.

TỨC ẢNH CHIỀU THU

Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa,

Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ.

Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,

Trắng xoá trường giang phẳng lặng tờ.

Bầu dốc giang sơn, say chấp rượu,

Túi lưng phong nguyệt, nặng vì thơ.

Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ,

Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.

Như người viết đã đặt vấn đề từ đầu, nếu coi những bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương là nền tảng, nơi xuất phát, thì thơ chữ Nôm của bà chính là điểm đến. Thơ chữ Nôm đã đưa bà trở thành thi sĩ xuất sắc nhất của văn học trung đại và được mến mộ đến tận bây giờ. Xin dẫn bài thơ “Hang Cắc Cớ” hầu như có chung một góc quan sát thiên nhiên, giải bày tâm trạng, nhưng bạn đọc không còn nhận ra khuôn khổ gò bó của thơ Đường luật. Vẫn thể thơ “thất ngôn bát cú”, nhưng tác giả đã Việt hóa nó bằng xúc cảm, âm điệu, đặc biệt cách dùng từ ngữ dân gian rất linh hoạt và sáng tạo.

HANG CẮC CỚ

Trời đất sinh ra đá một chòm,

Nứt làm đôi mảnh hổng hòm hom.

Kẽ hầm rêu mọc trơ toen hoẻn,

Luồng gió thông reo vỗ phập phòm.

Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm,

Con đường vô ngạn tối om om.

Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc,

Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.

(Theo bản khắc 1922)

Theo bố cục của thể thơ “thất ngôn bát cú”, phần Mạo với hai câu thơ Phá đề (câu 1) và Thừa đề (câu 2), Hồ Xuân Hương đã thay đổi hẳn cái tư thế nghiêm cẩn, dè dặt thường thấy trong thơ chữ Hán. Những hình ảnh tinh nghịch, sinh động như “đá một chòm”, đặc biệt với bút pháp và từ ngữ khêu gợi chỉ Hồ Xuân Hương mới có: “Nứt làm đôi mảnh hổng hòm hom” gợi cho bạn đọc liên tưởng tới hình tượng Yoni (âm vật), cặp đôi biểu tượng “Linga – Yoni” trong tín ngưỡng phồn thực có từ thời nguyên thủy. Chữ “hòm hom” vốn ít xuất hiện trong văn viết, mà dùng phổ biến trong ngôn ngữ dân gian như một phương ngữ để giao tiếp, đùa nghịch, ám chỉ sự sâu hút, gợi đến những hố, hốc tối om. Chữ “hòm hom” độc đáo này được Hồ Xuân Hương dùng lại trong bài “Động Hương Tích” rất sinh động và có phần gợi cảm hơn: “Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm/ Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom”.

Cách dùng chữ đậm tính dân gian “folklore (phôn-clo)” được tác giả tung tẩy tiếp ở hai câu Thực khai triển tựa đề và cả ở hai câu Luận của bài thơ. Những hình ảnh quen thuộc ta vẫn gặp trong đời sống hàng ngày được Hồ Xuân Hương miêu tả bằng thứ ngôn ngữ giầu âm điệu và hình tượng, “trơ toen hoẻn”, “vỗ phập phòm”, “tối om om”. Với hệ thống từ vựng độc đáo này, bà đã đưa bạn đọc tới một nơi mà họ cảm nhận có lẽ chỉ tác giả bài thơ mới biết địa danh đó.

Đặc biệt, Hồ Xuân Hương đã chọn cách gieo vần độc đáo, vần “om” gợi cho bạn đọc nhớ đến một câu trong tiếng Phạn, được xem là câu thần chú cầu Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara): “Om Mani Padme Hum”[3]. Tạm phiên âm theo tiếng Việt: “Ôm Ma Ni Pa (đơ) Mê Huum”, hoặc theo âm Hán -Việt “Úm ma ni bát ni hồng”. Câu chú này bắt nguồn từ khái niệm về chân lý tuyệt đối và trạng thái rỗng không. Theo Lạt Ma Thubten Zopa Rinpoche: “Âm thanh và câu chú, như tất cả những dạng biểu thị khác nhau, đều ở vị trí của cõi tương đối xuất hiện từ rỗng không” (Thanh Liên dịch).

Trong ba phần bố cục (Đề, Thực, Luận) của bài thơ “Hang Cắc Cớ” vừa trình bày, Hồ Xuân Hương đã Việt hóa tối đa phương thức biểu đạt, từ tâm trạng, cảm xúc đến hình ảnh và ngôn ngữ. Bài thơ có chăng chỉ còn dấu vết Đường thi trong số chữ, số câu và cách gieo vần. Kể cả hai câu Kết “Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc/ Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm” cho thấy, các hình ảnh trong bài đã chuyển động không ngừng, bất tuân theo quy luật cảm xúc. Niêm luật và bố cục của bài thơ như đã được phá bung, như tạo ra một thể thơ khác, rất gần với ca dao dân ca, thơ dân gian truyền miệng. Đặc biệt hơn, với hai câu Kết giàu tính phúng dụ, bài thơ đã tạo sự khiêu khích, khêu gợi mang đậm tính dục (libido) nhưng diễn đạt rất tài tình, hóm hỉnh. Hai câu kết bài “Hang Cắc Cớ” cùng với những câu thơ kết của một số bài thơ khác, “Ốc nhồi”, “Quả mít”, “Hang Thánh Hóa”, “Đèo Ba Dội”, “Đánh đu”, “Vịnh cái quạt”… đã đưa Hồ Xuân Hương trở thành thi sĩ dám nhảy múa bên miệng vực nguy hiểm và cũng thật hấp dẫn. Bà đã trở thành thi sĩ độc đáo có một không hai trong văn đàn Việt xưa và nay.

Từ thơ chữ Hán đến thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương quả là một hành trình, một khoảng cách khá xa và khác biệt. Thơ chữ Hán du nhập vào Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước, và dĩ nhiên, đó là sản phẩm của văn chương “ngoại nhập”. Đã qua bao thế kỷ và cũng có nhiều nhà thơ Việt Nam tên tuổi áp dụng niêm luật của lối thơ chữ Hán. Nhưng sức sống của tiếng Việt, nói rộng hơn là văn hóa Việt trường tồn đã trỗi dậy ở những thi sĩ tài năng và giàu lòng tự tôn dân tộc. Những bài thơ chữ Nôm bất hủ của Hồ Xuân Hương là minh chứng sống động cho tinh thần dân tộc Việt, bản sắc văn hóa Việt chúng ta.

Hà Nội, 17/3/2020

M.N.P

 

 

[1] Những bài thơ làm dưới thời nhà Đường, Trung Hoa (618 – 907).

[2] Những bài thơ làm dưới thời nhà Tống, Trung Hoa (960 – 1279).

[3]  Ý nghĩa câu chú: Om Mani Padme Hum. Nguồn: Website tuyenphap.com