Tuyết Sương & Có những nụ hôn – Kỳ 2

795

28.8.2017-19:00

Nhà văn Nguyễn Thị Tuyết Sương – Ảnh: Lê Văn Duy

 

>> Có những nụ hôn như thế – Kỳ 1

 

Có những nụ hôn như thế

– Kỳ 2

 

BÚT KÝ CỦA TUYẾT SƯƠNG

 

NVTPHCM- Mặt trời đã sắp lặn, theo dân tộc Cờ Ho thì mặt trời còn một cáng xà gạc nữa sẽ đi ngủ, nhưng hai anh em vẫn chưa tìm được đường mòn nào cả. Nắm gạo rang dính theo dây nịt đạn mà tôi đã dành cho Khang cũng không còn. Tôi đòi quay lại chỗ cũ để kiếm lại bồng bị, thuốc men cho Khang uống và may ra có gặp ai không. Nhưng Khang bảo chúng nó đã cướp đi hết để làm chứng tích, chứ làm gì còn mà lấy. Thế nào chúng cũng gài mìn chờ ta quay lại. Em làm sao có kinh nghiệm gỡ mìn.

               

Vết thương nặng, lại gần hai ngày không có thuốc kháng sinh, đã bốc mùi hôi. Tôi tháo ống quần đem xuống suối giặt rồi băng lại cho anh. Cả ngày tôi chỉ hái được mấy trái rừng ít ỏi lót dạ. Đói quá, hoa cả mắt, lúc này tôi chỉ ước gì có lửa để xuống suối lật đá bắt cua mà nướng. Tôi hỏi Khang:

               

– Em nghe nói người dân tộc họ làm ra lửa từ đá, thế anh có biết cách làm không?

               

– Có hai cách, một là lấy thân và cật cây mum khô, mỏng, kéo hai vật cọ xát nhau bên nắm bùi nhùi thì nó phát ra lửa. Nhưng phải làm đến năm mười phút đồng hồ, kéo nhanh và liên tục thì mới loé ra lửa được. Khả năng này anh và em bay giờ không làm được đâu. Còn cách thứ hai thì không nặng nhọc lắm, nhưng bây giờ thì…

               

– Cách gì anh nói đi. – Tôi hối thúc.

– Là dùng hai hòn đá đánh vào nhau, lấy miếng bông gòn thấm xăng để cạnh nó.       

– Cách này thì càng không được, ta làm gì có xăng thấm bông.

               

– Vậy thì, em còn nhớ đường quay lại mộ của anh Hào không? Nếu anh không nhầm thì Hào cũng có hộp quẹt Zippo, ảnh bọc trong túi quần. Còn cái hộp quẹt của anh, lúc cởi quần băng chân, không biết nó có rớt ra không.  Không biết lúc anh cõng anh Hào chạy, nó có rơi ra không. Còn lúc băng chân thì lính quýnh anh chẳng để ý có cộm không, nhưng nếu còn thì đã ở đây rồi. Hay từ đây đến chỗ anh bị thương gần hơn, em chịu khó đến chỗ đó xem nó có rớt ở đấy không. Nếu không, chỉ còn cách đến mộ anh Hào mà lấy, chắc ảnh cũng tán thành. – Rồi Khang quả quyết: Theo anh có khả năng hộp quẹt đã rớt ở chỗ bị thương. Em còn nhớ gốc cây lúc băng cho anh Hào không? Từ gốc cây ấy ta chạy khoảng bốn năm mươi phút nữa anh mới bị thương.

               

– Chắc chắn chỗ đó còn vết máu, dễ tìm thôi mà.– Tôi nói.

– Em quên hôm qua có cơn mưa cứu ta đó sao?

               

À, phải rồi, em nhớ gốc cây đó trăng trắng phải không anh. Nhưng ở rừng núi thì  có biết bao nhiêu gốc cây trắng như thế.

               

– Có lẽ vậy, nhớ bẻ cây cho dy vào kẻo lạc đường nghen.

               

– Thôi anh nằm yên, đừng cựa quậy nhiều, vết thương ra máu. Anh nóng quá, có lẽ bị sốt nhiễm trùng rồi. Nước em để đây, anh nhớ uống ít một thôi đấy.

               

Tôi cố bình tĩnh nhắm hướng và thường xuyên bẻ cây làm dấu để lát quay lại. Tôi đi mãi, thấy nhiều gốc cây trắng nhưng không rõ chỗ nào là chỗ Khang bị thương. Tôi xoay qua, xoay lại, nhìn thấy con sóc trên cành. Tôi đưa súng lên bắn, con sóc rơi xống gốc cây, bước tới lượm mà lòng thầm nghĩ: Có thịt, mà không có lửa cũng như không. Khi quay người lại, bỗng tôi thấy có vật gì dưới đất ánh lên phản xạ những tia nắng cuối cùng của mặt trời trong ngày làm loá mắt. Nghi ngờ… Tôi liền chạy lại. Ôi! Mày đây rồi. Tôi mừng quýnh, vội quay về với Khang ngay, cũng là lúc màn đêm bao phủ. Tôi mò mẫm tìm củi, dự tính nướng chín con sóc mới đánh thức anh Khang dậy. Lòng tôi thấy bùi ngùi nhớ đến anh Hào, nhớ ánh mắt anh nhìn tôi lần cuối cùng và lời dặn của anh. Tôi lấy tấm ảnh mà anh Hào đã cẩn thận bọc trong túi giấy bóng ra xem, thấy một người mẹ trẻ, bồng đứa con trên tay, có nụ cười thật tươi. Thằng bé trông kháu khỉnh, tay đưa lên trán chào kiểu nhà binh, miệng cười toe toét hồn nhiên. Nó thật giống anh Hào. Tôi đưa tấm hình lên môi, thầm nghĩ: Chắc anh Hào yêu nó lắm! Tôi lật phía sau tấm hình, thấy dòng chữ đã nhòe một số chữ “Em và con traita, tại nhà thầy mẹ … môn, Hải Dương”. Rồi một dòng chữ khác nét, viết ở dưới, có lẽ chữ anh Hào, không bị nhòe “Anh nhớ và yêu mẹ con em lắm lắm!”

               

Tôi ngậm ngùi nhớ lại, lúc moi hố đặt anh trên mấy tàu lá xanh. Không một tấm vải bó cho anh… giờ đây anh đang lạnh lẻo giữa rừng hoang vắng. Còn cái đầu? Chắc bọn chúng sẽ dùng làm vật chứng để ghi nhận chiến tích và đã quăng đâu đó. Ôi, sao mà thảm thương quá! Tôi ngậm ngùi lau nước mắt rồi gọi khẽ:

               

– Anh Khang ơi, anh Khang! Dậy ăn chút gì đi anh.

               

Khang uể oải mở mắt. Thấy có lửa, anh mừng lắm nhưng không sao ngồi  dậy nổi.

               

– Anh nằm yên đó để em đút cho anh ăn.

– Có lửa hả em? Hộp quẹt ở chỗ nào vậy.

– Chỗ anh bị thương, hay trên đường ta chạy, em cũng không rõ.

               

– Em bắn thú à? Lúc nãy mơ mơ màng màng, anh nghe có tiếng súng nổ, rồi thiếp luôn đến giờ. Ôi, thịt thơm quá.

               

– Vậy anh cố ăn nhiều cho lại sức.

               

Khang muốn động viên tôi nên khen thịt thơm, chứ thật ra anh nuốt được vài miếng rồi thôi không ăn nữa. Tôi cũng đoán được nên buồn và lo lắng lắm.

               

Đến nửa đêm Khang không ngủ được, anh rên hừ hừ. Tôi dậy nhóm lửa sưởi cho anh. Khang khẽ nói:

               

– Anh làm em vất vả quá.

               

– Không đâu, em đang lo không biết ngày mai em có tìm được đường về đơn vị để gọi người ra cứu… – Tôi không muốn nói “trước khi quá muộn”.

               

Tôi đốt đống lửa rồi dập tắt chỉ để than cho Khang ấm, cầm nắm đuốc xuống suối lật đá lên bắt những con cua bỏ vào ca, rồi mang lên nướng, để dành cho Khang ăn vào ngày mai và tôi cũng mang theo một ít.

 

Tôi đi mãi đến xế chiều, vẫn không tìm thấy chỗ ở cũ, cũng không tìm thấy ai. Tôi trèo lên một cây cao ở trên ngọn đồi để xem có buôn làng nào ở gần đây không, vì có buôn làng thì sẽ có khói nấu ăn.  Mãi ở trên cây ngó tìm, đến khi thấy mây sà xuống thấp, xám xịt, sấm chớp đì đùng, tôi vội tụt xuống.

               

Trên mặt cây rừng, trời còn sáng, nhưng khi xuống gốc cây, dưới mặt đất thì màn đêm dày đặc, tối sầm, không tìm thấy được lối đã bẻ cây để đi. Trời đổ mưa. Tôi mất phương hướng, bị lạc trong đêm dưới mưa gió, hoảng quá. Tôi bắn ba phát súng chỉ thiên báo hiệu cho Khang. Liền sau đó tôi nghe một tiếng “đoàng!” rồi “đoàng!” Rồi “đoàng!” ba phát rời rạc. Tôi thầm mừng là Khang vẫn còn khoẻ, không mê man mới nghe được tiếng súng của minh và đáp lại. Tôi theo hướng tiếng súng mà tìm về với Khang. Mừng quá, nhưng vừa đốt lửa lên, tôi thấy bồi hồi xúc động vô cùng, khi thấy Khang bị ướt sũng, vì mái lá tôi làm chỉ che được nắng, đâuche được mưa! Mùi hôi vết thương xông lên khó chịu. Hàng chục con vắt no máu tròn như quả sim chín, rớt ra khỏi người Khang đang bò lổm ngổm. Hàng chục con vắt đói khác đang bám chắc vào các vết trầy xước mà hút máu anh. Những con cua nướng lúc sáng vẫn còn nguyên, ướt mem. Lòng tôi quặn đau, cổ nghẹn cứng, mũi cay xoè. Tôi vội thêm củi cho lửa cháy to lên, bắt vắt, hơ tay chân, dùng nửa ống quần khác làm băng, thay cho Khang, nhưng cũng bị ướt. Người Khang nóng ran, sức anh kiệt vì mất nhiều máu. Trước cảnh đó tôi thút thít khóc, rồi ngẹn ngào nói:

               

– Anh Khang ơi! Em thật vô dụng quá, em vẫn chưa tìm được người để cứu anh. Em còn suýt bị lạc, làm phiền anh. Anh nói đi, giờ em phải làm gì hở anh? anh nói đi!

               

– Em rất tốt! Em đã làm hết khả năng của mình rồi. Không tìm được người, đó là chuyện khác, em đừng tự trách mình như vậy.

               

Suốt đêm tôi ngồi chụm lửa, túc trực bên Khang, thỉnh thoảng nhúng tay vào ca nước lạnh rửa mặt cho anh để làm hạ sốt. Song, đó chỉ một phần, còn cơ bản phải có thuốc kháng sinh, chống nhim trùng thì mới mong cứu được. Nhưng Khang hiểu rất rõ, vết thương anh đã nhiễm hoại thư sinh hơi, sốt cao, có lúc người bị co giật. Ngày hôm qua cơn co giật còn thưa thớt, sáng nay xảy ra liên hồi. Anh đã có lúc tỉnh, lúc mê sảng.  Khi mê sảng anh nói như người đang chiến đấu: “Xông lên các đồng chí! Nó chết hết rồi… một thng, hai thằng…. Khẩu B40 đâu…Anh Hào ơi, tôi trả thù cho anh đây!” Lúc tỉnh, anh bảo tôi thôi, đừng đi tìm đường nữa, hãy ở bên anh. Nhưng có lúc anh bảo tôi hãy đi tìm đơn vị, tìm người, hãy tự cứu mình, đừng vướng víu vì anh, cứ để anh nằm đây một mình, mặc kệ anh. Thấy anh sốt cao quá, thường xuyên bị co giật, tôi không muốn xa anh một chút nào hết. Nhưng ngồi đây cũng không thể cứu sống anh được. Tính cách nào cũng không xong, lòng dạ tôi rối bời. Tôi rất sợ khi quay lại thì anh đã… . Như vậy tôi ân hận lắm. Nhưng giờ này Khang đang trong cơn nguy kịch, tôi chưa có cách nào khác, chỉ biết ngồi túc trực bên anh. Thấy anh thở yếu ớt tôi nghĩ chắc sức anh không còn cầm cự lâu hơn được nữa.

               

Ông trời như cũng buồn thương, ủ rũ, mây đen phủ kín, cảnh quan hiu quạnh. Từ chiều hôm qua đến giờ, tôi cũng chẳng thiết gì ăn uống. Từ ngày gặp anh tôi chỉ  biết tên chứ chưa biết họ, biết anh người Nam bộ nhưng cũng chưa biết ở tỉnh nào, gia đình, cha mẹ ra sao? Ai còn, ai mất, không biết Khang có gửi gắm, nhắn nhủ, hay để kỷ vật gì cho người thân, như anh Hào chẳng hạn. Tôi đang miên man với bao ý nghĩ, thì Khang kêu:

               

– Hà ơi, cho anh miếng nước.

– Dạ, có ngay đây anh!.

                 

Tôi kê ca vào miệng, khẽ đổ nước cho anh. Nuốt được hai hớp, anh đẩy ca, không uống nữa, mắt mở to nhìn tôi như muốn nói điều gì, rồi lại thôi. Anh nhắm mắt lại, hai giọt nước đọng tròn trên hai khoé. Tôi kéo tay áo chậm cho anh, rồi nói:

               

– Anh Khang, anh cần gì, anh nói đi!

               

Tôi muốn hỏi rõ ra: Muốn nhắn nhủ gì với người thân? Nhưng không đủ can đảm. Khang lại mở mắt to và sáng hẳn ra làm cho Tôi có linh cảm như anh muốn nói gì trong lúc lâm chung, nhưng còn ái ngại. Tôi chưa đủ độ tin cậy chăng?

               

Em có thể đỡ anh dậy một chút được không?

– Dạ.

               

Tôi dịch vào gần anh hơn, đưa tay đỡ đầu, co gối kê hai đùi mình dưới lưng anh.

               

– Như vậy được không anh, có dễ thở hơn không?

– Được.

– Anh uống nước không?

– Có.

               

Tôi với một tay lấy ca nước kê vào miệng cho anh. Hớp hai hớp liền một lúc, rồi anh nhìn ra phía trước vẻ thoải mái.

               

Em à, chúng ta gặp nhau nhưng chưa có điều kiện hiểu rõ hoàn cảnh của nhau phải không em?

               

Tôi vội nói như sợ anh nói nhiều sẽ mệt:

               

– Dạ đúng. Anh người Nam bộ phải không? – Khang gật đầu.Còn em gốc gác ở miền Trung, nhưng em sống và lớn lên ở mảnh đất cực nam này. Mấy anh chị hay trêu là “đứa mất gốc”. – Tôi cố gượng cười. Khang cũng hé môi. Tôi nói tiếp: – Em có anh có chị, ba mẹ còn cả, em rất quý họ và mong muốn được gặp lại.

               

Khang thở một hơi dài, nhỏ nhẹ nói:

               

– Còn anh thì không có ai để mà mong gặp, chỉ có thương mà thôi chứ cũng không bày tỏ được, bởi họ không còn.

 

Qua đó tôi biết, Ba anh là con một, bị giặc Pháp giết lúc anh còn trong bụng mẹ. Anh ra đời cũng là con một. Mẹ gửi anh cho nội, đi tham gia đánh Pháp trả thù cho Ba. Hai năm sau mẹ bị bắt rồi chết trong tù. Anh lớn lên trong sự đùm bọc của nội. Anh cũng có một thời tuổi thơ gọi là êm đềm. Anh được cắp sách đến trường, cũng có quần áo mới. Sáng sáng, nội dúi vào tay củ khoai lùi. Nội cho anh hay, ba má anh cùng ở trong rừng đánh giặc, hết giặc sẽ về. Anh vui như chim sáo. Tối đến ngồi nghe bà kể chuyện đánh giặc của ba mẹ như chính chuyện của bà. Bà in vào lòng tuổi thơ của anh sự kiêu hãnh về ba mẹ, mà anh chưa một lần biết mặt. Nhưng tuổi thơ của anh ngắn ngủi lắm. Lúc anh mười ba tuổi, nội đã ngã gục trên tay anh bởi một viên đạn của tên bán nước. Từ đó anh sống côi cút một mình. Đi ra đồng mót củ, tự nuôi thân. Đến năm mười bảy, anh đi theo quân Giải Phóng, do một người đồng đội của ba anh đưa đi. Nhưng giờ bác ấy cũng không còn nữa. Có thể nói anh là người “Tứ cố vô thân”.

 

Nhưng rất may là anh không bị lầm đường lạc lối. Anh chiến đấu có mục đích, và hy sinh cho mục đích chính nghĩa đó. Như vậy cũng đủ lắm rồi phải không em. Nhưng… anh chỉ tiếc có một điều.

               

Nói câu đó rồi bỗng Khang như quá mệt, hơi thở gấp gáp, đứt quãng. Tôi vội lấy ca nước cho anh uống. Hớp một hớp xong, anh lại mở to mắt nhìn tôi như khẩn khoản, cầu xin. Tôi nghẹn ngào không nói được, lắc khẽ tay đang đỡ đầu anh, như thúc giục, anh cứ nói đi, nói hết ra đi!

               

– Trước giờ anh chưa được yêu một cô gái… chưa được…  em có thể…

               

Ánh mắt anh nhìn tôi triều mến. Hiểu rõ ý anh, tôi nghẹn ngào gật đầu và cúi xuống gần anh hơn. Ánh mắt Khang trở nên tươi tắn, long lanh diệu kỳ. Anh đưa hai tay lên áp vào hai má tôi vuốt nhẹ, rồi hơi rướn người lên, đôi môi hé rung đặt vào môi tôi. Tôi để yên như thế. Bỗng hai tay anh buông thỏng, đầu anh trở nên nặng trĩu trên tay tôi, tôi vội kêu lên:

               

– Khoan đã! anh Khang ơi! Để em…

               

Rồi tôi đặt lên môi anh những chiếc hôn… Tôi nức nở:

               

– Anh Khang ơi, tội nghiệp anh quá, tội quá Khang ơi!

                 

Không hiểu sao, trong tôi không hề có cảm giác sợ là gì. Để Khang nằm xuống, tôi đưa tay vuốt đôi mắt khép hờ rồi ôm cổ, gục vào ngực anh khóc rưng rức. Cứ thế, tôi khóc mãi trên xác anh, mặc cho mưa rừng bắt đầu trút nước ướt sũng cả hai người. Gió thổi ù ù như muốn vùi dập, làm tê tái da thịt, thêm tan nát lòng tôi.

               

Nước mắt như cạn kiệt, sức lực cũng không còn nữa. Giờ thì đôi bàn tay nhỏ bé lại moi đất để an táng cho người đồng đội nữa của mình. Tôi không vội vã, muốn làm cái gì đó thật tốt một lần cuối cùng cho Khang. Tôi đào một cái hố đủ rộng, dài, để cho Khang nằm thoải mái, chỉ bằng đôi tay nhỏ bé đã mệt lả của minh, rồi bẻ lá rừng thay chiếu, lót xuống đáy mộ cho êm lưng anh.

               

Việc đào hố tuy vất vả, nhưng từ từ đào rồi cũng rộng, cũng to. Giờ đây đưa thi thể Khang xuống huyệt mới là khó khăn hơn nhiều. Người chết vốn đã nặng, mà Khang lại to con …

               

Tôi nhớ câu Khang nói về anh Hào, và giờ đây, như đang văng vẳng bên tai: “Anh biết, em đã làm được điều đó!… em có nhớ vuốt mắt cho anh Hào không?”. Tôi vái lầm thầm “vâng, em sẽ làm được anh à! Em đã vuốt mắt cho anh, giờ đây anh cho phép em đặt thi thể anh xuống huyệt. Hãy giúp em thêm sức mạnh.”i cúi xuống bợ đầu anh nhích qua một chút về chỗ huyệt, xuống dưới chân anh bợ qua một chút,  lại lên đầu, rồi xuống chân. Cứ thế không biết đến bao nhiêu bận. Cuối cùng cũng đưa được Khang xuống huyệt ngay ngắn. Song, bùn, đất, làm anh lem luốc không khác gì tôi. Không đành lòng để như vậy, tôi xé tiếp vạt áo bà ba còn lại, xuống suối vò sạch, múc ca nước lên lau mặt cho anh,  rồi giặt lại, vắt khô nước, đắp lên mặt anh. Tôi khẽ nói:

               

– Anh Khang ơi, chỉ có vậy thôi! Em không biết làm gì cho anh hơn nữa… Vĩnh biệt anh!

               

Trời vẫn mưa tầm tã, gió thổi ù ù, cây cối nghiêng ngả, Tôi ngồi xuống nắm từng nắm đất thả xuống mộ Khang một cách chậm chạp. Nước mưa tưới vào mặt, tóc rối bời, rũ xuống phủ cả mặt. Nước mưa hoà lẫn nước mắt, tôi kêu lên thảm thiết, vang cả núi rừng:

               

– Vĩnh biệt anh Khang…! Em sẽ trả thù cho anh… trả thù cho Ba Má anh, Cho Nội của anh nữa…!

               

Rồi tôi lại bật lên khóc như chưa bao giờ khóc. Vừa khóc,  vừa đưa hai tay cào đất đẩy xuống huyệt. Đắp mộ xong, tôi bẻ cây khô cắm chung quanh, bẻ nhiều cành tươi đậy lên nấm mộ.

 

Tôi lội xuống suối, lấy ca múc nước dội cho sạch quần áo. Rồi lật đá bắt một nắm cua. Nhìn lên bờ suối, thấy một bụi hoa huệ rừng trổ ba bông tươi thắm, tôi bước đến dùng lưỡi lê bứng đem lên trồng trên đầu mộ của Khang. Tôi nhóm lửa bên cạnh mộ, nướng những con cua, đựng vào cái lá bên bụi huệ, chân thành mời Khang như  anh đang còn đó:

 

Đống lửa lập loè bên mộ. Tôi ngồi tựa lưng vào gốc cây, chỗ Khang nằm lúc còn sống. Bỗng tôi giật thót, khi nghe tiếng lào xào. Nửa mừng, nửa lo, không biết người hay là thú dữ, tôi vội núp bên nấm mộ Khang, quan sát… thì ra là con gà lôi. Tôi đưa súng lên ngắm nhưng không định vị được, gối mỏi tay run, không còn sức lực, bắn đại, trúng cũng được, không cũng được. Đoàng! Con gà không chết, nó cứ lỉa lỉa chạy. Đoàng! con gà cũng không chụi nằm lại. Tôi chưa muốn đi ngay. Tôi ở lại đốt lửa cho ấm cúng mộ Khang một đêm nữa, coi như làm thêm một điều gì đó cho người đồng đội đã đi xa mãi mãi. Nhưng hình như tôi không làm gì được nữa rồi, và cũng không đi nỗi nữa rồi! Người nóng ran, chân tay bời rời, tôi gục trên mộ Khang lịm đi lúc nào không biết.

 

Lập tức một người dân tộc KờHo biết đường, dẫn hai chiến sĩ đến chỗ có chiến sự. Họ mang theo lương thực, thuốc men và cả cuốc tiểu liên nữa, phòng khi phải cần đến.

               

Đoán không sai, bọn giặc Mỹ đã gài mìn lại láng trại thương binh để tiêu diệt khi ta quay về. Nhưng hai chiến sĩ ta đã có kinh nghiệm, nên không bị. Sau khi xem xét hiện trạng trận địa, họ nhận xét:

 

Anh em ta bị địch bất ngờ phát hiện, đánh úp. Họ rút quân theo sườn đồi, vì có dấu đạn bắn về một hướng. Họ có bắn trả nhưng rất ít. Có lẽ có người bị thương.

Hai chiên sĩ mem theo dấu đạn, gặp cái mộ, và từ đó mất dấu luôn.

               

Có lẽ một chết, hai bị địch bắt sống. Nhưng nếu địch bắt họ đi rồi, thì ai chôn người dưới mộ? Hay họ chôn rồi mới bị địch bắt? Khả năng này cũng không đúng, vì địch rượt, họ lo chạy thoát thân, chứ có thời gian đâu mà moi lỗ chôn người! Hay địch chôn? Làm gì chúng có lòng nhân ái như thế. Đến lúc hai chiến sĩ thấy dấu hiệu máy bay gáo quạt đám bòng bông xơ xác, thì khả năng hai người bị bắt sống đã có cơ sở hình thành trong họ. Họ tính quay về.

               

Ngay vào giờ phút định mệnh ấy, thình lình họ nghe một phát súng nhưng chưa kịp định hướng. Nhờ phát đạn thứ hai, hai chiến sĩ theo hướng tiếng súng tìm mãi, họ kêu tên của ba người, nhưng chỉ nghe hồi âm bằng chính tiếng của mình. Mãi đến ngày hôm sau họ mới thấy tôi trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Những điều đó sau này tôi mới được biết qua bạn của người KơHo dẫn đường.

 

Phải chăng có định mệnh?! Nếu như không có con gà lôi.  Nếu như phát súng đầu tôi bắn trúng. Rồi tôi sẽ ra sao? Có còn được đi viết cùng đoàn văn thơ mà tôi quí mến như hôm nay, để được một số nhà thơ làm thơ tặng, có người đề tặng có người không, nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm tốt đẹp qua thơ, qua cử chỉ mà các bạn văn, thơ dành cho tôi. Tôi cảm ơn tất cả về điều đó!

 

Và cuối cùng đoàn nhà văn cũng về đến trụ sở Hội ở 81 Trần Quốc Thảo, kết thúc trại sáng tác, ai nấy đều bắt tay nhau chào tạm biệt với nụ cười thật tươi như hứa hẹn sẽ có những tác phẩm chất lượng gửi về Hội Nhà văn TP.HCM.

 

Trại sáng tác Mã Đã – Chiến Khu Đ tháng 8.2017

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…