Văn học hải ngoại: Mạch ngầm vừa quen vừa lạ

733
Sơn Hồ
“Tôi rất vui, vì bây giờ gia đình và bạn bè ở Việt Nam có thể đọc được tác phẩm của tôi. Giấc mơ của tôi đã trở thành sự thật”. Đó là chia sẻ của tác giả Angie Chau (thuộc thế hệ nhà văn Việt Nam thứ hai tại Hoa Kỳ) khi tập truyện ngắn Những người thầm lặng vừa được NXB Tổng hợp giới thiệu đến độc giả trong nước.

Một số tác phẩm của các nhà văn hải ngoại được giới thiệu đến độc giả trong nước gần đây

Tiếng nói riêng

Những người thầm lặng gồm 11 truyện ngắn, được kết nối thông qua những cái tên nhân vật trở đi trở lại hay có lai lịch, mối bận tâm chung. Vậy nên, cũng có thể xem đây là cuốn tiểu thuyết mà mỗi chương lại mang đến một điểm nhìn và góc kể khác nhau. Qua đó, độc giả có thể biết được tâm tình, đời sống của một gia đình di cư gốc Việt, những va chạm giữa bố mẹ và con cái, giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa Mỹ. Đây là tác phẩm thú vị, hấp dẫn; được viết tự nhiên nhưng không kém phần tinh tế, đôi lúc hài hước đầy duyên dáng.

Trước Angie Chau, NXB Tổng hợp từng giới thiệu tập truyện ngắn Ai cũng có những ngày tồi tệ của tác giả Lâm Vân An (hiện định cư tại Mỹ). Vào năm 2016, nhà văn Viet Thanh Nguyen (định cư tại Mỹ) trở thành nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer; một năm sau đó, tập truyện ngắn Người tị nạn (Phương Nam và NXB Hội Nhà văn) của anh trở về với độc giả trong nước.

Sang năm 2018, tập thơ Trời đêm những vết thương xuyên thấu (Phanbook và NXB Hội Nhà văn) của tác giả trẻ Ocean Vuong (định cư tại Mỹ) được ra mắt tại Việt Nam. Tập thơ đã được trao giải văn học danh giá T.S. Eliot Prize năm 2017. Đầu năm 2019, tập truyện ngắn Phép tính của một nho sĩ (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) của Trần Vũ (định cư tại Mỹ) đến với bạn đọc như một món quà đầy bất ngờ. Đặc biệt, một số nhà văn như Thuận (định cư tại Pháp), Lê Minh Hà (định cư tại Đức), Linda Lê (định cư tại Pháp)… đã trở nên quen thuộc khi gần như các tác phẩm của họ được xuất bản trong nước khá đầy đủ.

Theo chia sẻ của PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh (ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TPHCM), trong khoảng 10 năm trở lại đây, văn học di dân ở các nước đã được chú ý tại Việt Nam. Cùng với những đóng góp của cộng đồng người Việt đối với đất nước trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội thì văn học hải ngoại cũng đã bắt đầu được chú ý. Mặc dù vậy, vẫn chưa tạo ra được bức chân dung đầy đủ của nhà văn hải ngoại tại Việt Nam.

Chị bày tỏ: “Theo tôi, không thể phủ nhận những đóng góp của các nhà văn hải ngoại ngay tại nước sở tại hay tại Việt Nam. Bởi vì chúng ta thấy, tùy vào phong cách, nội dung rồi thành tựu của từng nhà văn; tùy vào ngôn ngữ mà họ sử dụng (Việt, Anh, Pháp…) đã đem lại những điều hết sức mới mẻ cho độc giả trong nước. Đó chính là tạo dựng, đem lại một cái nhìn về cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại thông qua những góc khuất, tâm tình, cảm nhận hay những điều mà trên các phương tiện truyền thông đại chúng chúng ta không nhìn thấy, không thể nào cảm nhận được”.

Chờ đợi và hy vọng

 PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh cho rằng, xu thế hiện nay rất cởi mở, chúng ta không chỉ giới thiệu văn học Việt Nam ở hải ngoại mà còn dịch rất nhiều văn học hải ngoại các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Afghanistan… Với văn học hải ngoại của Việt Nam thì vẫn chưa tạo được diện mạo riêng. Bởi lẽ, một cộng đồng khoảng 5 triệu người, chia ra các khu vực, các quốc gia khác nhau nên số lượng tác phẩm xuất hiện trong nước thời gian qua, vẫn chưa thể hiện được đầy đủ chân dung toàn diện của văn học Việt Nam ở hải ngoại. Đây chính là điều đáng để trông đợi, không chỉ các tác phẩm mà còn những công trình nghiên cứu.

Vào tháng 10-2017, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” với sự tham gia của hơn 100 nhà văn tiêu biểu trong nước và nước ngoài. Đây được xem là động thái đầy ý nghĩa không chỉ giúp gắn kết cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, mà còn là cơ hội để phối hợp, gắn bó các nhà văn nước ngoài với Hội Nhà văn Việt Nam về sáng tác, công bố tác phẩm đến với độc giả trong nước. Trước đó, vào năm 2010, tác giả Angie Chau đã trở lại Việt Nam khi tác phẩm của chị lần đầu tiên được xuất bản. Với chị, được trở về quê nhà là một hành trình ấn tượng và xúc động.

Chị tâm sự: “Đó là một trải nghiệm đáng nhớ khi được trò chuyện với các sinh viên và cộng đồng. Mọi người rất tò mò, mong được có cái nhìn thực tế về cuộc sống của các gia đình Việt Nam đến sinh sống và lập nghiệp tại Mỹ. Tôi nghĩ và hy vọng những câu chuyện của tôi sẽ cung cấp một lát cắt về cuộc sống để thỏa mãn mong muốn của mọi người”.

Để sứ mệnh “đại đoàn kết dân tộc” thực sự có hiệu quả như mong muốn của Hội Nhà văn Việt Nam cách đây 3 năm, điều quan trọng nhất, theo PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh, “chúng ta phải xem nó là một bộ phận của văn học Việt Nam thì mới thúc đẩy công việc nghiên cứu, thúc đẩy việc dịch, giới thiệu và xuất bản được”.

“Văn học Việt Nam ở hải ngoại đang hình thành những thế hệ sáng tác khác nhau, trong đó thế hệ sáng tác bằng tiếng Việt không có gì khác biệt so với trong nước, vì đa số họ vẫn giữ phong cách sáng tác, đề tài mang tính truyền thống. Còn những nhà văn thế hệ thứ hai sáng tác bằng ngôn ngữ của nước sở tại, có sự khác biệt về kỹ thuật. Không phải họ học tập kỹ thuật của phương Tây, mà bản thân họ lớn lên trong môi trường văn hóa của nước ngoài nên tự thân họ sáng tác theo kiểu của nước ngoài. Về nội dung, cũng có sự khác nhau so với trong nước. Bởi những nhà văn thế hệ thứ hai, họ chú ý đến những chủ đề mà các nhà văn trong nước không quan tâm. Chẳng hạn, họ quan tâm nhân thân của mình là gì, là Việt Nam hay nước ngoài? Họ quan tâm đến chủ đề sự hòa nhập, va đập văn hóa, sự khác nhau giữa các nền văn hóa với nhau” – PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh cho biết.

Theo SGGP