Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân – Tản văn của Lê Văn Huân

886

(vanchuongphuongnam.vn) – Mấy hôm nay pháp đình ở quê mở phiên tòa xét xử mấy vị quan không làm tròn chức trách do nhân dân trao cho. Đọc báo xong ai nấy đều buồn buồn, trầm mặc, nghĩ suy.

Tác giả Lê Văn Huân

Chuyện mấy quan chức tham ô, hối lộ, làm những chuyện xằng bậy báo hại dân lành bị Nhà nước, bị đem ra xử lâu nay đã nhiều rồi, không có chi là lạ. Mỗi lần nghe và thấy như thế ai nấy cũng đều mừng. Mừng vì Đảng và Nhà nước ta đã thẳng tay nghiệm  trị những vị quan tham, những  kẻ  “lưu manh hóa trí thức” cậy chức, cậy quyền làm những điều nát nhân nghĩa, vi phạm “triều cương”, nhũng nhiễu dân lành. Nhưng lần này nghe tin Nhà nước xử vụ án này thì nhiều người quê tôi lại cám cảnh, thương lòng.

Sáng sáng ra ngồi vỉa  hè mhâm nhi cà phê hoặc chiều chiều hóng mát lúc nào cũng nghe lạo xạo râm ran những chuyện này.  Lần này họ râm ran nho nhỏ thôi và ai ai cũng buồn buồn và  tiêng tiếc. Buồn, tiếc cho những con người như thế. Vì đó không phải ai xa lạ. Đó là những người thân quen, quen biết đã từng sống và từng công tác một thời với nhau, biết và đã hiểu với nhau. Tiếc quá đi chứ! một gia đình với một truyền thống cách mạng yêu nước, bản thân đã một thời được nhân dân thương yêu, cưu mang, giúp  đỡ, được Đảng và Nhà nước cho ăn học bồi dưỡng rèn luyện, bản thân đã gần hết cuộc đời phấn đấu vì nước vì dân bỗng chốc lại vào vòng lao lý, tội tù. Ai mà không không buồn.

Ngồi nghe mấy anh than vãn kể lể, tiếc thương cho những con người như thế. Trong tận đáy lòng dâng lên bài thơ “Thường dân” của Nguyễn Long một bài thơ mà đã rất tâm đắc với ngày nó mới đạt giải (2003). Tôi thốt ra hai câu cuối “Hòa vào trời đất mà xanh – vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”. Không ngờ anh bạn cũng là một lãnh đạo nho nhỏ cấp huyện xin sửa lại rằng “Phải tu mấy kiếp mới thành thường dân”. Như mấy ông đó chừ dễ gì mà thành thường dân, từ quan cấp tỉnh chừ có muốn làm thường dân cũng không được. Tiếp đến có người đế vào “ăn sạch mà để mà sống lâu”. Một chị lãnh đạo cũng châm vào câu chuyện “Không những bản thân mình đau khổ mà còn để lại di chứng cho con cháu. Với cái lí lịch cha ở tù sau này con cái nó làm sao. Có người hiểu, thương thì dể  chứ gặp người không thông thì tội cho chúng nó”.

Anh bạn lại kể thêm một câu chuyện: Ngày xưa bốn thằng đang học cấp ba, nghe tiếng gọi của sơn hà nguy biến đành phải tạm gác bút nghiên nhảy lên rừng theo cách mạng tham gia kháng chiến cứu quốc. Ngày hoà bình đứa làm thầy giáo, đứa làm lãnh đạo kinh tế, hai đứa vào công tác ở ngành tư pháp: một kiểm sát, một toà án. Đùng một cái hai thằng đi xử thằng bạn đã từng vào sống ra chết với mình. Một đứa công tố, một đứa phán xét. Tội nghiệp cho hai đứa không biết làm thế nào. Buồn đau đứt ruột báo cho thằng bạn làm thầy giáo. Thầy giáo nghe tin chết điếng như sét đánh ngang tai. Tất tả đạp xe lên thành phố để rõ sự tình. Nghe xong ba mái đầu hoa tiêu ngấp nghé về hưu trầm ngâm thở dài. Thầy giáo nói: “Thôi! thế sự đã thế rồi. Hai đứa bây ráng làm tròn chức trách của mình mà Đảng và Nhân dân giao cho”.

Ngày xử thầy giáo lặng lẽ đến toà để xem ba đứa bạn mình như thế nào. Nhìn phiên toà nghịt người mà lòng thầy hiu quạnh, nỗi đơn lẽ trong lòng tăng lên theo cùng với số người. Đến ngày phiên toà khép lại lòng thầy buồn, vui lẫn lộn, buồn nhiều, vui ít. Bởi tại pháp đình, công – tội đã phân minh, “luật pháp bất vị thân”.  Khi bạn nhập tù thầy giáo gọi hai đứa kia đi thăm. Ông công tố và ông tòa án  nghe thầy nói mà giật nẩy mình: “Không hiểu ông giáo này muốn làm chi đây”. “Thế tụi bây bỏ hắn à! Không mong cho nó có ngày về làm thường dân sao!”  “Chức trách với nước, với dân hai đứa bây đã làm xong. Còn chừ ba đứa mình phải có trách nhiệm với nó chứ. Hai đứa có nhớ ngày xưa nó đã từng lấy thân hứng đạn thay cho chúng mình không”. Nhìn vào một trong hai người thầy nói: Mi có nhớ ngày xưa mi bị thương trong lúc chiến sự xảy ra ác liệt thế mà nó đâu có bỏ, nó liều mình băng qua đạn bom để cõng mi về với sự sống, để đến ngày hôm nay. Thầy thuyết một hồi cả ba đồng ý.

Ngày ba đứa lên trại, thằng tù bước ra như chết đứng khi thấy ba đứa bạn mình đứng tần ngần trong phòng đợi. Quản trại hiểu và thông cảm cho bốn người tâm tình. Bốn thằng đàn ông quặn thắt trong lòng, ba cặp mắt đỏ hoe, còn một đứa nước mắt chảy dài. Trước lúc ra về thầy nói: “Thôi cố mà tu để sớm có một ngày về với thường dân”.

Đúng làm thường dân đâu có dễ. Thế mà lâu nay nhiều người lại xem thường thường dân. Chính những ai xem thường thường dân mới khó làm thường dân.

Ngẫm câu ông bà dạy chi là chí phải “Chức sắc, quan tước là đời cho mượn, đến một ngày rồi phải trả lại cho đời và trả cho đúng với lễ nghĩa của đời”. Từ đây suy ra ở trong thời đại ngày nay thì “đời” đây có nghĩa là “Đảng, Nhà nước và nhân dân”. Rồi ngẫm đến chuyên đề về “ Nâng cao trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục sự nhân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh  càng thêm thấm thía cho những người đang là công bộc của nhân dân.

L.V.H