Xứ sương giăng: Ông già bán xôi ở cây số 6 – Truyện ngắn của Võ Anh Cương

203

CHƯƠNG 4

  1. Người xưa – 2008

Bằng trở mình, lúc mới mở mắt ra Bằng không nhận thức được mình đang ở đâu. Có lẽ là trời đã sang chiều từ lâu rồi, Bằng nhắm mắt lại khi một tia nắngxiêng chiếu trúng mặt mình. Một lát sau Bằng mới mở mắt ra, chính lúc này anh nhận rằng chiếc giường mình đang nằm được đặt trong một căn phòng xa lạ. Mũi Bằng ngửi được một mùi hương phảng phất rất lạ và cũng rất quen trong phòng càng làm cho anh xác định được rằng mình ngủ trong căn phòng không phải phòng mình.


Nhà văn Võ Anh Cương.

Phải chừng năm phút trôi qua trong tâm trạng bất an Bằng mới từ từ nhớ lại những gì xảy ra. Sáng nay Bằng lấy xe ra chợ Liên Nghĩa tìm mối bán bơ. Mùa bơ đã đến, nhìn những trái bơ đầu dòng lúc lỉu trên cành Bằng vừa mừng vừa lo. Mừng thì rõ rồi, làm vườn ai mà không vui khi nhìn thành quả của mình nhưng niềm vui qua mau y như một áng mây hồng trôi nhanh qua bầu trời mùa xuân. Năm ngoái vườn bơ nhà Bằng mới ra trái bói, mỗi cây độ hơn chục trái mà không phải cây nào cũng ra trái, Bằng thu hoạch kha khá. Năm nay khắp vườn hơn héc ta của Bằng cây nào cây nấy cũng trĩu quả, Bằng phải mua cây chống phụ để khỏi gẫy cành. Bằng không thể hái bơ ra ra ngã ba bán lẻ như năm ngoái được vì bơ đến lứa hái nhiều gấp cả chục lần. Phải tìm mối bán thôi, Bằng nghĩ. Chợ Liên Nghĩa là nơi Bằng chọn. Thiệt ra chính Văn mới là người tình cờ gợi ý cho Bằng. Hôm đó Văn lên nhà Bằng chơi, Bằng và Văn lai rai với nhau như nhiều lần trước. Người ngoài khó hình dung được giữa một ông nhà văn và một ông làm vườn lại tâm đầu ý hợp như vậy. Nhưng Văn thì rất rõ tình bạn của họ hợp với nhau vì tính cách. Văn hay nói, dường như nghề nghiệp tạo nên tính cách con người. Đúng vậy, Bằng nhớ lời sư phụ dạy sửa xe:

– Mày ít nói lại để tâm vô tiếng nổ của xe đi, nó cho mày biết chiếc xe đang bị bệnh gì!

Điều đó hợp với tính của Bằng, quả nhiên khi để ý Bằng nghe ra được tiếng xe của khách đem vào sửa. Lửa không đều, xe nổ lụp bụp nhưng xăng bị lẫn nước xe cũng lụp bụp như vậy có điều tiếng nổ để ý thì nghe giọng trầm đục hơn….

Lúc nói chuyện với Văn hay bất cứ ai, Bằng thường im lặng lắng nghe và chỉ mở miệng lúc cần thiết, điều này rất hợp với Văn! Vả, xét cho cùng người nói phải có người nghe chớ sao?

Bữa nhậu đó câu chuyện đưa đẩy đến…huyện Đức Trọng. Văn nói:

– Ông thấy không, huyện Đức Trọng là nơi hội đủ địa lợi để làm trung tâm của một vùng. Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh và cả Đà Lạt nữa đều cách Đức Trọng vài chục cây số nên nơi này là trung tâm là lẽ đương nhiên. Hôm nào ông xuống chợ Liên Nghĩa xem, nếu ông mua sỉ chắc chắn sẽ rẻ hơn nơi khác nhiều, đó là chợ đầu mối….

Bằng nhớ lời ông bạn nhà báo khi nghĩ đến vườn bơ nhà mình. Bất ngờ chờ anh ở Liên Nghĩa không phải là một cái chợ hoàng tráng, hàng hoá gì cũng có mà lại là… Thuỷ!

…Bằng đang ngơ ngác dạo qua mấy hàng trái cây thì nghe tiếng gọi:

– Anh Bằng…anh Bằng!

Bằng quay về tiếng gọi, khuôn mặt tươi cười của Thuỷ xuất hiện trước mắt Bằng khiến anh giật mình, Bằng ấp úng:

– Cô là…

Thuỷ cười, cô khoe cái lúm đồng tiền trên khuôn mặt tròn rạng rỡ:

– Em Thuỷ đây mà, anh không nhận ra em sao?

Sao vụ chồng Thuỷ bất thình lình xuất hiện khi Bằng từ phòng ngủ của vợ chồng Thuỷ bước ra, Bằng thầm hứa với lòng rằng hãy tránh xa phụ nữ, nếu như Văn sẽ nói chữ rằng thì là “kính nhi viễn chi” thôi. Rồi thời gian trôi qua, Bằng hầu như quên mất chuyện xưa và cũng không để tâm tìm hiểu chuyện Thuỷ trôi nỗi những đâu sau khi cô bán nhà dọn đi sau khi trả hai chục triệu cho Bằng….

Khi cả hai ngồi trong quán nước góc chợ, nghe chuyện Bằng đi tìm mối bán bơ Thuỷ tròn mắt ngạc nhiên:

– Bây giờ anh đã thành “đại gia” rồi à?

– Đại gia, tiểu gia gì tui…có điều tui không chạy xe ôm nữa!

Thuỷ không chịu hỏi tới về cuộc sống của Bằng hiện tại, bắt buộc lắm Bằng mới nói:

– Khi nào rảnh tui mời cô lên vườn tui thì biết, giờ chắc tui phải đi tìm mối bán bơ!

Nói xong Bằng dợm đứng dậy, Thuỷ níu áo Bằng:

– Anh đừng đi đâu hết, chuyện bơ của anh để em lo. Nói thiệt với anh nếu vườn bơ của anh rộng gấp chục lần em cũng “cân” hết! Em và con bạn hiện kinh doanh trái cây ở chợ đầu mối này, mối lái tụi em có khắp trong Nam ngoài Bắc, anh chớ lo….

Không để cho Bằng nói thêm câu nào, Thuỷ quyết liệt:

– Em mời anh đi ăn trưa với em, anh không được từ chối!

Nhìn thẳng vào mắt Bằng, Thuỷ nói tiếp:

– Anh để cho em nói một câu cám ơn mới phải đạo chứ, phải không?

Mắt Thuỷ ánh lên một tia nhìn khó hiểu.

2. Xin con – 2008

Bằng vùng dậy. Anh nhìn đồng hồ đeo tay, đã bốn giờ chiều. Dư âm của xị rượu buổi trưa phảng phất trong đầu Bằng. Mình đã làm gì, anh nghĩ khi chập choạng bước  ra phòng khách. Bằng gọi to:

– Thuỷ, cô Thuỷ ơi!

Dường như Thuỷ không nghe Bằng gọi, Bằng lập lại một lần nữa. Lần này thì có tác dụng, cánh cửa ngăn phòng khách và nhà bếp mở ra nhưng người xuất hiện trước mặt Bằng không phải Thuỷ mà là một người khác. Người phụ nữ nhìn Bằng cười tươi:

– Anh dậy rồi à?

Bằng ngơ ngác nhìn người đàn bà anh hỏi:

– Cô là….

Người phụ nữ giơ tay chỉ bộ sô pha:

– Anh ngồi xuống đi. Em là Hương bạn của Thuỷ.

Bằng hỏi:

– Cô Thuỷ đâu rồi, tôi cần gặp!

Hương mĩm cười:

– Thì anh cứ ngồi xuống đi đã, chuyện đâu còn đó mà!

– Không…cô phải cho tôi biết sao tôi lại ở đây?

Thấy vẻ mặt căng thẳng của Bằng, Hương nói:

– Đây là nhà của em, trưa nay Thuỷ nó chở anh về….

Hương chưa nói hết câu Bằng nôn nóng ngắt lời:

– Nhưng mà Thuỷ đâu rồi, tôi cần gặp cổ!

Đây là lần hiếm hoi Bằng nói nhiều như vậy, Hương không biết điều này nhưng khi cô nhìn vào mắt anh Hương thấy rõ sự bức bối biểu lộ hết mức. Dường như để chia sẻ tâm trạng của Bằng, Hương ôn tồn nói tiếp:

– Em là chị em kết nghĩa với Thuỷ, anh cứ an tâm để từ từ em sẽ nói rõ đầu đuôi cho anh nghe.

Hương rót tách nước trà đẩy về phía Bằng rồi tiếp:

– Anh bình tỉnh nghe em nói từ đầu. Thuỷ đã kể chuyện của nó và anh ngày trước cho em nghe, nó rất ân hận vì nó mà anh mang tiếng. Sau chuyện đó, nó chia tay chồng và bán nhà về ở với em, hai chị em cùng buôn bán trái cây. Trưa nay em thấy Thuỷ chở anh về, anh thì quắc cần câu ngồi phía sau ôm eo Thuỷ….

… Thuỷ giơ ly rượu ra mời Bằng:

– Mời anh trăm phần trăm mừng ngày gặp mặt này. Nói thiệt với anh em không ngờ có ngày gặp lại anh, em vui quá!

Uống thì uống sợ gì, Bằng nghĩ. Cùng lắm chỉ một xị thôi, Thuỷ là đàn bà làm sao qua mặt người trải qua trăm trận chinh chiến như mình? Mà thứ rượu gì ngon thiệt, nước rượu màu hỗ phách như thể khêu gợi con tỳ con vị, vị đậm đà khó cưỡng còn hương thì phảng phất mùi gì đó khó tả nhưng Bằng thấy rất thân quen, anh thả sức hít thứ hương vào lồng ngực vạm vỡ của mình.

Thuỷ nhìn Bằng uống rượu, cô chỉ nhắp môi như thể trợ hứng cho Bằng. Cái miệng tô son hồng trên gương mặt tròn, làn da trắng khiến đôi mắt trở nên lúng liếng, cái lúm đồng tiền…như một thứ “mồi” khiến Bằng không thể nào từ chối ly rượu cô mời. Thuỷ ép Bằng ăn một miếng thịt gà, cô gắp cái cánh bỏ vào chén của Bằng:

– Anh ăn chút đi nãy giờ uống hoài, coi chừng say đó!

Thằng Bằng này mà say à, chưa bao giờ Bằng say bởi anh biết dừng đúng lúc. Vả chăng bạn rượu của Bằng không có ai ép rượu như cách người ta hay nói “ép dầu ép mỡ ai nỡ ép…rượu?”. Hôm nay nghe Thuỷ nói mình say, Bằng thấy mình bị chạm tự ái quá chừng, Bằng quên bẳng sáng nay đi vội Bằng chưa kịp bỏ bụng thứ gì. Và Bằng càng không biết thứ rượu nước màu hỗ phách ấy có tên là Càn Long đệ nhất tửu, loại rượu đặc sản “ông uống bà khen” chỉ có ở quán Cây dừa chợ Liên Nghĩa! Đến nửa xị thứ hai Bằng quắc cần câu, Bằng không thấy nụ cười nửa miệng của Thuỷ khi cô nói:

– Anh ôm chặt em, coi chừng sút tay té đó. Đàn ông đàn ang chi mà chỉ hơn một xị đã say! Em cám ơn anh chủ quán, em chở chồng em về đây!

Thuỷ giơ tay làm dấu “bái bai” với ông chủ Cây dừa, còn ông chủ đứng ngẩn nhìn theo cô gái. Ông khẽ lắc đầu:

– Thằng đó làm sao chịu nỗi với…chân dài đó! Ha ha….

Bằng không biết chuyện đó, Bằng loáng thoáng nghĩ rằng mình đang ngủ trưa, nằm bên cạnh Bằng là một người khác phái. Chắc là Thắm thôi, chỉ có vợ mới rúc đầu vào cổ Bằng như vậy. Như một thứ quán tính, tay Bằng đưa ra vừa đụng tới bộ ngực để trần đầy sức sống! Hơi chút ngạc nhiên, Bằng nghĩ sao vú vợ lại tràn khỏi tay mình vậy nhưng cơn say và cơn nhục dục khiến đầu óc Bằng mụ mị, Bằng không còn sáng suốt để tìm hiểu vì sao chỉ trong một buổi mà vú vợ mình lại to gần gấp đôi như thế?

Quả nhiên Càn Long đệ nhất tửu danh bất hư truyền!

… Hương nói như thể kết luận:

– Thuỷ yêu anh từ lâu, hôm nay tình cờ gặp lại anh nó chỉ xin anh một đứa con thôi. Anh đừng nghĩ lăn tăn, anh không có chút trách nhiệm nào trong chuyện này!

Nói xong câu đó bỗng nhiên Hương thở dài:

– Giá gì em cũng được như vậy….

Hương nhìn ra khung cửa, bên ngoài bỗng dưng trời đổ một cơn mưa.

3. Nỗi lòng – 2008

– Sao dạo này tôi thấy ông khang khác?

Văn mở đầu câu chuyện khi hai người ngồi uống trà ở cái chỏng tre đặt trước hiên nhà. Nghe Văn hỏi, Bằng hơi biến đổi sắc mặt, vẻ khác lạ chỉ thoáng qua nhưng lập tức Văn nhận ra ngay. Không có gì là khó hiểu cả, da mặt Bằng đen quá nên khi anh biến sắc bởi câu hỏi của Văn màu đỏ xuất hiện liền. Bằng lắc đầu để trả lời Văn như trước giờ vẫn vậy nhưng Văn đâu chịu để yên:

– Có khó khăn gì thì nói ra để bạn bè còn biết đường giúp chớ để trong lòng là không được đâu!

Câu nói đó rơi vào khoảng không, Bằng không trả lời bạn mà hỏi gọn lỏn:

– Làm xị được không?

Văn cười phá lên:

– Vậy là có chuyện rồi…chiều nay tôi bận không nhậu với ông được, hẹn ông khi khác vậy.

Văn đi một lúc lâu rồi mà Bằng vẫn còn ngồi thừ trên cái chỏng tre. Phải chi nói ra được thì lòng thấy nhẹ nhưng làm sao Bằng có thể mở miệng cho được? Lâu nay Bằng thấy mình có lỗi với Thắm, nhiều khi anh ước giá gì đừng có buổi trưa định mệnh đó thì anh đâu phải mang một cục đá to tướng trong lòng! Cục đá mà mang trên người nếu có chỉ cần vứt đi là xong nhưng cục đá trong lòng Bằng dường như xuất hiện từ ruột gan phèo phổi, không cách gì Bằng vứt đi đâu cho được.

Những đêm chợt thức giấc Bằng lại nhớ đến cái mùi đó, chỉ một lần thôi nhưng nó theo Bằng suốt từ ngày ấy đến nay. Bằng không thể nào hiểu được tại sao mỗi người đàn bà đều có một thứ mùi riêng biệt, không ai giống ai mới thật lạ lùng. Trong cơn say hôm ấy, Bằng cứ chắc mẫm mùi người khác phái nằm bên là Thắm, anh hành động theo bản năng của giống đực đến thời điểm cao trào mới nhận ra rằng có cái gì đó sai sai nhưng sự kích thích làm mụ mị đầu óc của Bằng. Đến khi Bằng nằm vật ra giường anh lại chìm vào giấc ngủ mê mệt. Khi mở mắt ra, người nữ không còn nằm cạnh Bằng nhưng phảng phất trong chăn gối mùi hương ấy vương vấn bên anh, nó đeo đẳng bên Bằng khiến anh không làm sao quên được!

Mùi hương của Thuỷ theo Bằng từ bấy đến nay, mỗi khi anh ngồi thừ một mình hay bất chợt thức giấc nửa đêm lập tức nó xuất hiện liền. Bất giác Bằng nhớ đến câu ca dao “kim đâm vào thịt thì đau/thịt đâm vào thịt nhớ nhau suốt đời”. Bằng bàng hoàng, mình có nhớ Thuỷ không? Thật tâm anh không biết.

Nhưng sự dằn vặt thì Bằng biết rõ. Bằng mắng nhiết mình đã phản bội Thắm,  cô ấy một mực lo cho chồng cho con nay Bằng lại ngủ với người đàn bà khác. Là sao? Là chẳng ra gì chứ sao nữa, chú Tuất nếu mà biết chuyện sẽ rất giận Bằng cho xem. Bằng rất sợ làm ông già buồn.

Nghĩ đến ông Tuất Bằng lại thấy nghi ngờ. Không hiểu sao đã nhiều lần Bằng đặt vấn đề cha con với ông Tuất nhưng ông già đều né tránh. Mà ông Tuất né tránh rất tài, ông cứ để câu chuyện trôi dần theo mạch đến một lúc nó biến mất tăm mất tích. Đã nhiều cuộc rượu Bằng chắc mẫm mình sẽ được ông Tuất nhận cha con nhưng rốt cuộc rượu tàn ông Tuất vẫn là ông Tuất.

Vậy là sao?

4. Bởi cậu là nhà báo nhà văn… – 2008

Ông Tuất cầm một trái bơ trên tay, trái bơ thon dài màu xanh bóng bắt mắt. Đây là số bơ Bằng biếu ông ba bữa trước, ông chưng trên bàn thờ hôm nay bơ chín ông thỉnh xuống dùng. Trái bơ này áng chừng một ký cầm trên tay chắc nịch. Ông Tuất chưa kịp ăn trái bơ thì đã nghe ngoài cửa tiếng của Văn:

– Chú Tuất ơi, chú có nhà không?

– Cậu Văn hả, vào đây đi cửa không khoá.

Văn ập vào nhà như một cơn lốc, ông Tuất chưa thấy mặt người đã nghe thấy tiếng:

– Chú đang làm gì vậy cháu sợ chú không có nhà, may quá….

Ông Tuất mời Văn ăn bơ, cầm trên tay miếng bơ góc tư Văn vừa ăn vừa nói:

– Chắc bơ của Bằng biếu chú phải không, quả nhiên bơ đầu dòng chất lượng khác hẳn. Năm nay có lẽ Bằng thu hoạch cũng kha khá, bơ lại đang có giá!

Ngừng một chút Văn nói tiếp:

– Mừng cho vợ chồng Bằng…nhưng cháu có chút thắc mắc trong lòng?

Ông Tuất dường như không chú ý đến câu hỏi dò của Văn, ông lái qua chuyện khác:

– Hôm nay rảnh hay sao mà cậu lại ghé thăm tui?

– Cháu có chút chuyện đi ngang qua ngã ba nhớ chú ghé nhà trước thăm chú sau hỏi chú mấy chuyện!

Ông Tuất không lạ gì cánh nhà báo, sục sạo tìm kiếm là cách của họ để tìm ra đúng sự thật. Văn cũng vậy, anh đang viết một bài ký sự về kỷ niệm những năm 75, 76 lúc đó ông Tuất còn đang là một thanh niên. Chuyện ấp NS huy động thanh niên bạt một đỉnh đồi làm sân banh đang tiến hành thì một người phát hiện chiếc máy ủi đất của tên chủ người Pháp Ni Cô La bỏ lại ở một cánh rừng hoang cách ngã ba chừng hai mươi cây số, vậy là một toán gồm 5 du kích và 3 thợ máy được điều lên lấy chiếc máy ủi về làm phương tiện san lấp. Ai dè bọn Phun Rô phát hiện, trận tao ngộ chiến xảy ra và kết quả 3 thợ máy bị chết, từ đó công trình thanh niên bị bỏ dỡ…tất cả chi tiết ông Tuất kể lại cho Văn tuần rồi.

Tuất hỏi:

– Cậu hỏi chuyện gì, hay là lại hỏi về vụ chiếc máy ủi của thằng Tây Ni Cô La?

Văn cười:

– Dạ nó đã trở thành một bài báo rồi, con định hỏi chú chuyện khác kia nhưng chuyện đó thì hôm nào rảnh lai rai ba sợi chú kể cho con nghe, được không?

Tưởng Văn muốn biết chuyện làng trên xóm dưới gì chứ ai dè nó lại quan tâm đến chuyện của ông Vinh chồng bà Hoá và ông An, ông Tuất nghĩ. Chắc tay nhà báo nhà văn này lại muốn biết thêm tình tiết của mối quan hệ giữa hai người. Ông Tuất định hỏi nhưng chưa kịp lên tiếng thì Văn đã nói:

– Hôm qua con có ghé vườn nhà Bằng, gặp lúc Bằng đang cân bơ cho người mua sỉ. Mùa này vợ chồng Bằng bán hết lứa bơ cũng rủng rẻng tiền, mừng cho cậu ấy. Nhưng con thấy Bằng dường như gặp chuyện gì đó mà nhìn thấy Bằng có vẻ lo lo. Con ghé qua chú thử xem chú có biết chuyện gì không?

Ông Tuất ngạc nhiên lắc đầu, ông không nghe hai vợ chồng Bằng to tiếng cũng không nghe chuyện gì lạ xảy ra với vợ chồng Bằng. Mà Văn đã nói chắc là có chuyện, nhà báo nhà văn thường có cái nhìn thấu đáo hơn người thường, ông Tuất biết vậy.

Thấy ông Tuất lắc đầu, Văn ngạc nhiên. Hồi giờ chuyện gì xảy ra với Bằng ông Tuất đều biết cả, ông Tuất cứ như là cha của Bằng tuy cho đến giờ ông không xác nhận hay phủ nhận về chuyện này. Văn tiếp:

– Kể ra vợ chồng Bằng cũng giỏi, tay không bắt giặc mà giờ có đến cả mẫu bơ!

Ông Tuất nhìn Văn tủm tỉm cười, không biết ông nghĩ gì mà Văn thấy trong cặp mắt già nua của ông loé lên một tia sáng tinh quái. Hơn ba năm trước, Bằng nghe lời ông Tuất mua lại miếng vườn trồng cây tạp của một người muốn bán đất để về Bắc với giá khá hời, Bằng kể với Văn tuy có nợ nhưng cũng như những lần trước người cho Bằng mượn tiền là ông Tuất nên Bằng rất an lòng. Lúc đó nghe giá đất Bằng mua, Văn đã cảm thấy có điều gì đó không bình thường nhưng Văn xem giấy tờ đều đầy đủ, hợp pháp nên cũng không lấy đó làm điều. Nỗi hồ nghi Văn vẫn để trong lòng, nay vô tình anh bắt gặp ánh mắt tinh quái của ông Tuất anh mơ hồ nhận thức dường như có uẩn khúc gì đó trong câu chuyện này. Văn hỏi dò:

– Chắc có câu chuyện đằng sau chuyện Bằng mua vườn phải không chú?

Ông Tuất cười:

– Cậu nghĩ vậy à?

Nghe ông Tuất hỏi ngược như vậy Văn quả quyết rằng có bàn tay ông Tuất trong chuyện này, anh nhìn ông Tuất cười cười:

-Cha lo cho con là phải đạo rồi nhưng con thấy cô đã mất thì chú cũng nên công khai chuyện cha con với Bằng để cậu ấy vui. Danh có chính thì ngôn mới thuận phải không chú!

Ông Tuất cười to:

– Cậu cũng nghĩ như mọi người sao, lời khuyên của cậu tôi nghe quen tai từ lâu lắm kìa. Bởi cậu là nhà báo nhà văn, mà tui nói cậu đừng giận nhà văn nói láo còn nhà báo nói thêm cậu có cả hai thứ thì cậu có biến con kiến thành con voi cũng là chuyện…bình thường, còn bây giờ cậu muốn biết việc mua miếng vườn của thằng Bằng ra sao phải không?

Văn chỉ còn biết cười gượng.

5. Giấc mơ về đất – 2004

Người nông dân bao giờ cũng nuôi một giấc mơ về đất. Giấc mơ này truyền từ đời cha ông, dường như nó có trong máu của họ. Bây giờ đất vườn đã thuộc về những người làm vườn sau khi tập đoàn sản xuất tan rả, dân vườn đổ mồ hôi trên miếng vườn của mình những mong kiếm miếng ăn và để dành chút đỉnh phòng khi hữu sự. Nói vậy không có nghĩa là người làm vườn không biết làm giầu, ai chẳng mong muốn giầu có nhưng mấy ai đạt được?

Bằng mướn đất của ông Hương, khi nghe Văn nói về giống bơ 034 trong cuộc nhậu ở nhà ông An anh ước ao giá gì miếng đất mướn là của mình thì Bằng sẽ trồng cây này ngay, nghe Văn nói Bằng mê quá. Nhưng muốn sống được với nghề trồng cây ăn trái, Bằng biết mình phải có đất rộng rộng một chút, cỡ trên một mẫu mới có thể làm ăn. Một mẫu đất, đó là một con số trong mơ!

Khi ông An ươm giống bơ nước để trồng trên miếng đất sau nhà, lúc nào rảnh Bằng đều ghé qua ngắm nghía, ngay lúc đó giấc mơ về đất liền xuất hiện trong đầu Bằng. Mình mà có đất như ông An hay thằng Phúc thì hay biết mấy, Bằng nghĩ.

Giống bơ nước ông An ươm trong bịch ny lông “lên” rất mạnh, mới 3 tháng mà nó đã cao hơn gang tay. Đúng mùa mưa ông An đào hố trồng ngay số bơ ươm bằng hột này. Cây cách cây chừng năm mét, hàng cách hàng cũng chừng đó. Ông An đào hố sâu cả mét, ông đổ phân bò trộn phân dê ủ chung với thân lá cây quỳ thành một loại phân hữu cơ bốc lên mùi thum thủm nhưng ẩn chứa bên trong là những chất dinh dưỡng cho cây trồng, ông An giải thích với Bằng như vậy.

Mùa mưa vừa hết, những đọt bơ vươn lên trong nắng, cây nào cũng phơi phới xanh một màu non tơ. Ông An theo Văn đi Bảo Lộc mua đọt bơ về ghép. Văn cẩn thận dẫn theo ông chủ vườn bơ lên nhà ông An ghép giống bơ đầu dòng này cả ngày trời mới xong. Hơn ba tuần sau những đọt bơ non lú ra khỏi mắt ghép giống y như hy vọng nẩy mầm trong lòng ông An. Ông An thuê người đóng một cái giếng trên miếng đất này, phải đến vị trí thứ hai dòng nước ngầm mới phụt lên khỏi cái ống đóng thẳng từ mặt đất sâu đến gần ba mươi mét.

Bằng không nói với ai giấc mơ có một vườn bơ như của nhà ông An, vậy mà chuyện bất ngờ lại đến với anh trong một ngày nắng đẹp.

Ông Tuất điện thoại kêu Bằng về gấp, lúc đó Bằng tranh thủ nông nhàn – là cách nói của Văn, anh chạy một cuốc xe ôm đến tận Tuý Sơn. Một tiếng đồng hồ sau Bằng mới có mặt ở nhà ông Tuất. Trong phòng khách ông Tuất và một người đàn ông nói giọng miền Bắc đang trò chuyện coi bộ tâm đắc lắm. Thấy Bằng bước vào, ông Tuất nói ngay:

– Chú Thử đây có miếng vườn ở Tà Nung định bán để về quê, bay muốn mua không?

Bằng sửng người, trong lòng Bằng một thứ tình cảm mới mẻ xuất hiện. Đó là sự cộng hưởng giữa lòng biết ơn ông Tuất và giấc mơ về đất mà Bằng giấu kín trong lòng. Phải một chặp sau Bằng mới nói được:

– Con muốn lắm nhưng biết lấy tiền ở đâu?

Ông Tuất cười:

– Bay chớ lo, chú Thử đây để rẻ cho bay thôi bởi chú cần tiền gấp vả chăng miếng vườn chú nằm trên triền đồi lại là vườn tạp. Với giá chú đưa ra người ta biết là lấy ngay nhưng chú nhớ tới tao nên mới hỏi trước đó!

Ngừng một chút như để lấy hơi ông Tuất mới nói tiếp:

– Tao tính như vầy, số vốn tao gom tới giờ cũng gần bằng với cái giá chú Thử đưa ra, bay nói với con Thắm chạy vạy một ít nữa là đủ. Sao, lấy không?

Bằng muốn khóc quá, cha đối xử với con chưa chắc đã được như vậy, đằng này ông Tuất đối xử với Bằng còn hơn cả thằng Tuấn con ruột ông nữa. Dường như biết tâm sự của Bằng, ông Tuất cười sởi lởi:

– Bay đừng nghĩ lung tung chi cho mệt, là chú biết con có trách nhiệm và sòng phẳng nên chú mới cho con mượn tiền, vả cũng chẳng bao nhiêu so với người ta!

Bằng nghẹn lời chỉ biết gật đầu, anh nói:

– Con không biết nói sao nữa…

Ông Tuất hối:

– Con về biểu con Thắm xoay hai chục triệu đi, để tao chỉ cho, bay biểu con Thắm qua nhà bà Hoa dì nó hỏi mượn chắc là có!

Bằng quay mặt bước ra ngoài làm như vội lắm nhưng ông Tuất vẫn thấy được giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt một mí của Bằng.

6. Ganh tỵ – 2005

“Tui biểu nó phá hết vườn tạp đào hố trồng bơ như ông An đi, khi cây bơ còn nhỏ cứ lên vồng trồng khoai lang Nhật chớ để đất ở không làm gì, cậu thấy tui tính có đúng không?”.

Văn cười nói con biết rồi không có chú chống lưng thì Bằng khó tạo nên miếng vườn như vậy. Ông Tuất cười, thì tui chỉ việc nói thôi, còn nghe lời hay không là tuỳ vợ chồng nó chớ, cậu thấy tui nói có đúng không?

Không đúng mới lạ, Văn nghĩ. Ông Tuất hàng ngày ngồi ở ngã ba, đúng như người ta nói ngã ba như là một hãng thông tấn có điều chỉ là thông tấn…vỉa hè nên chuyện gì ông cũng biết cả. Thật ra người mua xôi của ông Tuất thấy ông già hay chuyện nên trong khi ăn hay chờ ông gói xôi, họ muốn có câu chuyện làm quà. Chuyện khoai lang Nhật ông Tuất cũng nghe được như vậy, ông nghe cậu thanh niên mua xôi còn nói rằng bên Nhật khoai lang mắc lắm, khi khan hiếm người ta còn tổ chức đấu giá để bán nữa kìa. Ông Tuất nghe vậy bán tin bán nghi, củ khoai lang Nhật ông không lạ gì, lúc trước người ta gọi là khoai lang Như Ngọc, chẳng biết sao lại có cái tên đẹp như vậy nhưng giống khoai này dưới Bồng Lai huyện Đức Trọng người ta trồng chừng hơn 3 tháng là thấy củ trồi lên mặt đất….

Bằng nghe lời ông Tuất, anh chạy xe qua Đắc Nông mua dây khoai Nhật về trồng. Khoai đất lạ, mạ đất quen, ông bà ta nói cấm có sai. Năm đó Bằng trúng lứa khoai cũng kha khá. Lái từ Đắc Nông qua mua khoai chở đi đâu Bằng không rõ nhưng tiền bạc sòng phẳng. Cầm sấp bạc trên tay, Bằng trả ngay cho bà Hoa và trả cho ông Tuất một ít.

Ông Tuất nhìn Văn:

– Thằng Bằng chịu khó lắm nên chi cho nó mượn tiền tui cũng yên tâm!

Văn cười nhìn ông Tuất:

– Con đoán cái gút ở chỗ tiền bạc này phải không chú?

Ông Tuất cười ha ha:

– Chịu nhà văn nhà báo các cậu, cậu đoán đúng lắm!

Văn nghĩ thầm, chỉ có người ruột thịt mới lo cho nhau như thế, đằng này ông Tuất lại không công nhận cũng không bác bỏ chuyện cha con với Bằng nhưng hành động lại khác hẳn lẽ thường. Hành động của ông Tuất khiến người ngoài bàn tán huống chi là người trong nhà. Sau khi Bằng mua đám đất chừng một tháng, thằng Tuấn về nhà gặp cha, hắn hỏi mượn tiền. Ông Tuất không lạ gì thằng con ông hỏi cặn kẽ Tuấn mượn tiền làm gì?

– Thì tui định mua con xe SH chạy với người ta!

– Mày tưởng loại xe đó ít tiền à, tao không có tiền!

Tuấn hỏi ngược lại:

– Ba nói không tiền sao lại cho thằng Bằng mượn mua vườn được?

Tuấn nhìn cha với cặp mắt ganh tỵ không che giấu, trong đôi mắt đó câu hỏi đọng lại thành một tia nhìn “bộ ba coi người dưng hơn con cái trong nhà sao?” như muốn bật ra cặp mắt có những tia máu đỏ. Ông Tuất trầm ngâm một lúc rồi mới trả lời con:

– Mày cứ chạy chiếc xe cũ đi, nó cũng ngon lành chứ có hư hỏng gì đâu? Mà nếu có tiền tao cũng không đồng ý cho mày mua loại xe đó đâu. Mày có biết đi loại xe đó là mang án tử chưa thi hành không?

Tuấn nhìn cha lộ rõ vẻ không hiểu ông Tuất muốn nói gì, ông Tuất tiếp tục câu chuyện:

– Tụi trộm, cướp ưa loại xe SH và Air Black vì dễ tiêu thụ lại được giá. Mày nghe chuyện đi xe SH ban đêm bị cướp chém thẳng vào tay để cướp xe chưa? Đã có người mất mạng rồi đó con ơi!

– Nhưng sao ba cho thằng Bằng mượn tiền được, còn tui thì không?

Tuấn tức tối hỏi, ông Tuất thủng thẳng trả lời:

– Vì nó mượn mua vườn, chịu khó làm ăn gom góp trả nợ liền, còn mày biết bao nhiêu lần tao và mẹ mày hồi còn sống đưa tiền cho mày mượn mà có thấy đồng tiền trả nợ từ tay mày mặt tròn mặt méo ra sao đâu?

Tuấn cứng họng.

Văn nghe ông Tuất kể chuyện Tuấn anh cười ha hả. Văn nói:

– Chắc còn chuyện thú vị hơn ở chỗ này phải không chú?

7. Tiểu thuyết hả, dữ à nhen… – 2008

Chuyện thú vị ở ngã ba này thì “khối”, ông Tuất nhìn Bằng như chờ đợi anh nhà báo nhà văn ngõ ý là ông kể liền. Biết ý ông già Văn cười:

– Chuyện của chú có chuyện nào không thú vị đâu, con đang lắng nghe đây!

– Làm xí chớ?

– Chiều nay con rảnh nên hóng chuyện của chú được. Chú cần gì con phụ một tay?

Bữa nhậu đột xuất của hai chú cháu không đơn giản quá mà cũng chẳng cầu kỳ gì. Ông Tuất xắt miếng thịt bò xào hành tây, đĩa bò xào được ông trang trí bằng mấy lá xà lách lô lô trông khá bắt mắt. Văn giúp ông làm món nước. Anh xắt bò viên, thứ này ông Tuất mua sẳn trữ trong ngăn đá tủ lạnh nấu chung với hai viên bún bò Huế và gia thêm củ hành tây xắt mỏng nêm thêm chút gia vị cho đậm đà. Món này ăn với bún gạo khô Tùng Nghĩa, Văn giải thích với ông Tuất:

– Nhà có thứ gì con nấu thứ đó, món này con cũng chưa làm bao giờ chú đừng có chê nghen!

Ông Tuất cười khà khà:

– Từ hồi trẻ đến giờ tui thích những chuyện bất ngờ. Có bất ngờ mới vui, cậu thấy đúng không?

Ông Tuất vừa dứt lời, từ nhà trên vọng xuống tiếng của Kim:

– Chú thích bất ngờ là có bất ngờ liền, “chời” ơi cái mùi gì mà thơm điếc mũi vậy ta?

Văn cười ha hả đón Kim:

– Ruồi kêu ông hay sao mà mỗi lần sắp nhậu ông có mặt liền, là sao hả?

Kim với vẻ vui tươi hiện rõ trên gương mặt, anh sà vào nhà bếp lấy chén dĩa sắp trên bàn, miệng nói:.

– Là tui có lộc ăn ông ơi, nói chơi thôi tui vừa về quê với anh Luông ghé qua gởi chút quà cho chú Tuất. Còn ông với ông Bằng tui để ở nhà bữa nào gặp lại sẽ đưa sau!

Hai gói kẹo dừa trong túi ny lông được Kim đưa tận tay ông Tuất:

– Con biết chú không thích của ngọt nhưng quà quê con có kẹo dừa là tình nghĩa nhứt. Hãng này trước kia là cơ sở sản xuất nơi má con làm khi mới dọn ra thị xã!

Ông Tuất mĩm cười:

– Chú thích chớ sao không…lâu lâu ngậm một cục kẹo để nhớ lại ngày xưa ăn đường tán, sao hồi đó khổ mà vui quá kìa!

Câu nói của ông Tuất rơi vào thinh lặng. Kim nhớ má những ngày hai mẹ con bao bọc nhau sống ở thị xã Bến Tre, mắt Kim đượm buồn. Còn Văn anh cảm động với câu nói của Kim và ông Tuất. Không gian bỗng nhiên trầm lắng, ông Tuất phá tan sự im lặng:

– Thôi hai cậu ngồi vô, đây là rượu linh chi rừng Đà Lạt tui ngâm mấy tháng rồi và có gia thêm ít táo khô, kỹ tử. Cái thứ này tốt cho sức khoẻ nếu uống vừa phải, mà hai cậu tính coi tui chừng này tuổi rồi nên xin một ly riêng còn hai cậu cứ thả ga đi!

Thả ga thì Văn không dám, Kim cũng vậy nhưng rượu tình rượu nghĩa cả hai cứ nâng lên đặt xuống theo đà câu chuyện. Kiểu này chuyện thú vị ở ngã ba của chú Tuất chắc để lại bữa khác mất. Văn nghĩ thầm trong bụng như vậy trong khi nghe Kim kể chuyện Bến Tre. Làm báo đi nhiều Văn không lạ gì đất Bến Tre và con người tình nghĩa trước sau như một nơi này. Hơn chục năm mới về thăm chốn cũ nhưng bà chủ vẫn nhận ra Kim, số kẹo dừa là của bà chủ biếu “cho bà con Đà Lạt thử kẹo dừa Bến Tre ngon ra sao, đeo bám lắm tui mới lấy lại được xuất xứ địa lý kẹo dừa Bến Tre từ tay người Trung quốc đó!”.

Văn gợi chuyện:

– Ông có gặp ông dượng không?

– Tui ghé nhà được một tối, nhậu với ông dượng vui quá xá vui.

Dường như chuyến đi Bến Tre khiến Kim thoả lòng. Kim kể nhiều chuyện với một giọng rất vui. Không vui sao được khi trở lại nơi mình sinh ra, gặp bạn bè bà con cô bác? Văn hiểu tâm trạng của Kim nên lắng nghe bạn, thỉnh thoảng bình luận mấy câu nên không khí cuộc rượu rất thân tình. Ông Tuất mời:

– Hai cậu ăn món cậu Văn nấu thử coi?

Kim cười:

– Nhà văn giống như đầu bếp, đầu bếp thì phải biết chế ra món ăn phải không Văn? Để tôi thử coi món chưa đặt tên của ông ra sao?

Kim gắp một đũa bún khô, chan nước dùng, Kim vắt một ít chanh và mấy miếng ớt đỏ bỏ vào chén của mình. Nhìn cách Kim ăn Văn biết rằng bạn mình để hết tâm hồn vào món ăn anh nấu. Kim gật gù:

– Vị được, nếu là tôi thì tôi thêm ít sả món này sẽ dậy mùi hơn. Ông biết còn thiếu gì không, đó là rau sống!

Nhìn bạn Kim nói tiếp:

– Tôi để ý thấy món ăn từ vùng miền nào du nhập về đây cũng đều được biến hoá thành hương vị riêng nhờ vào rau, điển hình là phở. Ông nhà văn thấy có đúng không?

Nhận xét của Kim khiến Văn suy nghĩ. Ai ngờ một tay tài xế mà cũng tinh tế dữ, mà Kim nói đúng, nhà văn thì phải sáng tác là lẽ đương nhiên nhưng so nhà văn với đầu bếp thì hơi buồn cười nhưng ngẫm đi nghĩ lại Văn thấy bạn mình so sánh…đúng!

Bỗng nhiên Văn thấy mình nợ ông Tuất khi nhớ tới trang viết về ông Trương Vĩnh Thuận, ông nội ông Tuất. Văn hỏi:

– Chú ơi hôm trước chú kể chuyện ông nội chú ở với hai bà vợ có phải là nhà này không?

Ông Tuất ngạc nhiên:

– Không phải đâu… là ở Suối Cát Nam Thiên kìa, mà sao tự nhiên cậu lại hỏi chuyện này?

Văn ngập ngừng:

– Con chỉ hỏi vậy thôi!

– Chắc là cậu đang “kể” về họ phải không?

Văn cười, thay vì xác nhận anh rót đầy ba ly rượu mời ông Tuất và Kim:

– Con mời chú và Kim ly rượu này…coi như con chưa hoàn thành được nhiệm vụ của mình!

Ông Tuất nói ráng lên đi, khi kể cho cậu nghe chuyện của ông nội tôi, tôi cũng muốn cậu “biên” thành cuốn sách. Kim thì nói:

– Tiểu thuyết hả, dữ à nhen…hay là ông viết về chuyện ông già tui đi? Tui thấy chú Tuất có mấy viên bò viên, hai cục bún bò, bún khô…mà ông biến chế thành một món ăn cũng được thì giờ ông lấy chuyện nhà chú Tuất, chuyện của tui và chuyện của thằng Bằng…xào nấu thành một cuốn tiểu thuyết, được không?

Văn chưa kịp trả lời bạn, cánh cửa nhà bếp bật ra. Bằng lách vào:

– Chào chú, ủa…cả hai ông nữa sao?

8. Trăng khuyết – 1965

Sự xuất hiện của Bằng khiến cuộc rượu vui vẻ hẳn, người ta hay nói trà tam rượu tứ. Ông Tuất đứng dậy định chắt thêm chai rượu khác, Bằng ngăn lại nói “chú để con lấy rượu cho”. Ông Tuất trầm ngâm nhìn đĩa bò xào vơi đi một nửa, ông nói với Văn và Kim:

– Để tui chiên thêm mấy cái trứng như quán bia bà Tàu cho mấy cậu lai rai nghen?

Quán bia lạnh bà Tàu nằm gần nhà thờ Tin Lành đường Nguyễn Văn Trỗi. Quán đông vào buổi trưa và buổi chiều kéo dài đến chín, mười giờ đêm. Đủ thành phần vào quán uống bia, những tiếng “dô” như một thứ kích thích khiến người ta hưng phấn và vui vẻ. Ông Tuất đập bốn quả trứng gà đánh đều lên với một củ hành tây xắt lát. Khi trứng chiên vừa chín tới ông để nguyên cái chảo nhỏ mang ra bàn nhậu:

– Các cậu ăn đi coi tui làm có giống bà Tàu không? Bằng, mày làm chén xì dầu ớt cho cậu Văn và cậu Kim chấm!

Ông Tuất cầm ly rượu của mình nhấp một hớp nhỏ. Lúc nãy ông nghe Kim đề nghị Văn viết chuyện của ông, của Kim và chuyện của thằng Bằng thành tiểu thuyết. Nghe Kim đề nghị như vậy ông Tuất hơi tư lự!

Chuyện của thằng Bằng thì đành một lẽ, chuyện cậu Kim cũng vậy còn chuyện của nhà ông chỉ là chuyện ông nội ông với hai bà vợ thì có gì là đặc sắc?

***

Vầng trăng khuyết treo trên trời cao bàng bạc. Một cơn gió nhẹ thoảng qua khiến mấy cành thông cạ vào nhau phát ra tiếng rì rào. Cây thông có hai thân cao cỡ ba mươi mét, tàng cây vừa phải không rậm cũng không thưa lắm. Cây thông này có lẽ sống gần trăm năm, chắc nó chứng kiến lắm cuộc bể dâu. Chuyện về cây thông nhiều lắm nhưng “ớn lạnh” nhất là chuyện… ma. Những năm thập kỷ sáu mươi thế kỷ trước, người làm vườn thường gánh rau đi chợ Mới bán. Đường xa, lại chỉ trông chờ vào sức con người nên họ phải lên đường từ rất sớm. Bà Năm Thẩm thức dậy lúc ba giờ sáng, ba giờ rưỡi bà gánh năm chục ký khoai tây trên đôi dóng gánh được đan bằng mây và tre. Khi lên hết dốc ông Năm Tần, bà đặt gánh khoai xuống đất nghĩ mệt. Thình lình bà nghe một tiếng hát ru con, giọng hát tha thiết buồn “ầu ơ…dí dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi…”.

Bà nhìn quanh trong lòng lấy làm ngạc nhiên, ai lại ru con vào giấc này? Bà ngước mắt lên cây thông hai thân, một thiếu phụ mặc quần áo trắng lưng tựa vào một thân cây, hai chân đạp vào thân cây còn lại, thân hình người đàn bà lưng lửng giữa trời. Mái tóc thiếu phụ thả dài bay trong gió, hai tay ôm một đứa nhỏ đòng đưa như nằm võng. Một dòng điển hay là nỗi sợ thâm nhập vào bà Năm, bà thấy cơn lạnh đột nhiên phủ kín con người bà khiến bà như bị đông cứng lại, đôi mắt bà nhìn trân trân vào cây thông còn tai bà vẫn nghe tiếng hát ru như vọng lại từ nơi đâu xa thẳm. Tình hình đó không biết kéo dài bao lâu, bà không ý thức được cho đến khi con ki chạy theo bà sủa một tràng bà Năm mới tỉnh, cây thông lặng như tờ nào có thấy điều gì khác lạ? Đận đó bà Năm Thẩm nằm liệt đến cả tuần. Dân xóm bảo bà gặp ma, con ma này là hồn của con bà Xâm chết vì băng huyết khi sinh con, ông Năm phải làm một mâm cúng cô bác trước sân nhà và một con gà luộc dưới gốc thông hai thân bà Năm mới hết bệnh…đó là Tuất nghe nói như vậy.

Bây giờ nhớ lại chuyện bà Năm gặp ma tại con dốc này, Tuất cảm nhận được một cơn ớn lạnh đang xâm chiếm lấy mình. Hương dặn Tuất mỗi khi một mình đi đêm thấy điều gì kỳ lạ:

– Mày mà gặp ma, cứ bắt ấn tý tay trái nghĩa là lấy ngón cái đặt vào gốc ngón áp út, nắm chặt tay lại rồi hít một hơi thật chậm thì sẽ lấy lại bình tĩnh ngay!

Tuất lấm lét nhìn lên chỗ thân cây, bỗng nhiên vầng trăng khuyết chui vào một đám mây, mường tượng trên hai thân cây thông có cái gì đó đung đưa, đung đưa khiến anh hết hồn. Tuất chưa kịp bắt ấn tý như lời Hương dặn thì đã nghe tiếng người lao xao.

Tuất ngay lập tức quên hết mọi chuyện, từ vầng trăng khuyết treo trên trời cho đến con ma trong tưởng tượng. Anh chuẩn bị tư thế cho thiệt đàng hoàng rồi bước ra khỏi bụi ngũ sắc mọc ven đường dưới chân dốc. Tuất biết sáng sớm nay cô Loan gánh rau đi bán với thím Hai, anh nghĩ mình chờ sẳn chỗ này để đưa hai người đi cho họ khỏi sợ ma và biết đâu cô Loan “chịu đèn” anh? Bà Hai Thị thình lình thấy một bóng người hiện ra bà quăng đôi dóng gánh hét lên:

– Mèn đét ơi…ma…ma!

Cô Loan là cháu bà Hai, cô cũng quăng gánh rau, cô la lên “má ơi…ma…ma…”, cô ôm cứng lấy bà Hai, cô khóc hu hu! Tuất vội vàng lên tiếng:

– Con đây mà thím Hai, con là thằng Tuất đây!

Khi đã bình tĩnh trở lại, bà Hai Thị chửi:

– Thằng quỷ làm tao hết hồn…mà bay làm gì ở chỗ này vậy?

Tuất cười cầu tài:

– Thím Hai và cô Loan đừng giận, con đi uống cà phé sáng nghe tiếng người con đứng đây chờ …chỗ này ma hay hiện lên nhát người lắm!

Cô Loan đã hết khóc và buông bà Hai ra giờ nghe Tuất nói như vậy cô lại ôm chầm lấy bà Hai:

– Là anh Tuất hay là m…a….

Hai tiếng.

V.A.C