Xung quanh bài thơ “Bắt nạt” gây tranh cãi: Thơ hay không cần tự mình đánh bóng

2119

Nguyễn Duy Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những ngày qua, mạng xã hội bàn tán nhiều về bài thơ “Bắt nạt” đặc biệt là thái độ hành xử của tác giả bài thơ trước phản ứng của dư luận.

Ảnh chụp một phần bài thơ Bắt nạt trong sách giáo khoa

“Bắt nạt” không xứng đáng đưa vào sách giáo khoa ngữ văn 6?

Bài thơ “Bắt nạt” trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, tập 1 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), Nhà xuất bản giáo dục năm 2021.

Phần lớn các ý kiến (trong đó có cả giáo viên đã tham gia tập huấn sách giáo khoa lớp 6) cho rằng, bài thơ không có giá trị nghệ thuật và không đồng tình việc đưa vào sách giáo khoa làm ngữ liệu dạy học ngữ văn trong nhà trường.

Trên trang facebook “Nhà văn”, trong bài viết “Bắt nạt” là bài thơ dở”, tác giả Mộc Nhân Lê Đức Thịnh cho rằng, một bài thơ đưa vào SGK thì phải luôn hội đủ hai điều kiện: thứ nhất là phù hợp với chủ đề giáo dục; thứ hai là có giá trị thẩm mỹ.[1]

Trong 8 khổ thơ, tôi chưa tìm thấy câu nào hay, từ nào sáng giá, chưa có biện pháp tu từ nào đạt đến độ thẩm mỹ. Ngay cả việc những từ và cụm từ lặp đi lặp lại: đừng, bắt nạt, đừng bắt nạt… nó có giá trị của phép lặp liên kết vừa là điệp từ nhưng do tần xuất lặp quá nhiều nên có cảm giác “nhại đi nhại lại”.

Ngay cả việc liên kết câu bằng quá nhiều “hư từ” trong bài thơ như: thì, thì là, cứ, vì… làm câu thơ không hay, nói theo kiểu các nhà phê bình cũ là lỗi thì mà là.

Hai câu cuối ở khổ 5 “Đừng bắt nạt nước khác/ Trên khắp trái đất tròn” có sự chuyển ý khá hay nhưng không giải quyết mạch thơ mà rơi sang ý bông phèn, tào lao làm mạch thơ đang lên cao thì lại rớt xuống sân khấu hài: “Bảo nếu thích bắt nạt/ Thì đến gặp tớ ngay”.

Theo tác giả Mộc Nhân Lê Đức Thịnh, “Đa số giáo viên và phụ huynh học sinh khi xem qua bài thơ này đã thể hiện sự không đồng tình với việc nó được đưa vào chương trình sách giáo khoa mới”.

Bài viết của tác giả Tào Nga trên báo điện tử Dân Việt cũng cho biết “Nhiều người phản đối bài thơ này vì có nội dung “ngô nghê, không phù hợp với học sinh lớp 6”, “có mùi bạo lực”,… và “không xứng đáng đưa vào sách giáo khoa“.[2]

Bài thơ có tư tưởng nhân đạo nhưng thể hiện chưa tới và thật ra quanh đi quẩn lại nó cũng chỉ là “đừng bắt nạt”. Với giá trị nội dung như vậy thì làm thơ vui vui chắc chẳng ai có vấn đề gì. Nhưng bài thơ được đưa hẳn vào SGK lớp 6, tức là sẽ trở thành bước đệm đầu tiên đưa các em đến với chương trình Ngữ văn cấp 2 thì chưa thấy được cái hay, cái đẹp, điểm sáng nghệ thuật của toàn bài“, tác giả Tào Nga đánh giá.

Trên trang của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đăng tải nhiều ý kiến phản hồi của các nhà thơ, nhà văn, bạn đọc. Nhà thơ Trần Quang Đạo: “Bài thơ này không phải dở, mà là quá dở. Tác giả chả hiểu gì tiếng Việt và thơ“; Nhà phê bình văn học Lê Thành Văn: “Đây là một bài thiếu phẩm tính thơ…“; Nhà thơ Thạch Quỳ (Quỳ Thạch): “Bộ Giáo dục đã chọn bài cho các cháu học kém cỏi và cẩu thả ở ngoài mức tưởng tượng. Sao chúng ta lại đến nỗi như thế?“; Nhà giáo Hoàng Quang Đông (Đông Quang): “Bài viết Bắt nạt quá tệ hại về ngôn ngữ, yếu kém về nội dung tư tưởng nghệ thuật…”; Nhà thơ Nguyễn Quyết Thắng: “Một khái niệm về từ láy mà còn không hiểu thì kém rồi. Đừng đưa sự ngô nghê ấy vào làm khuôn mẫu về văn chương cho trẻ nhỏ“; bạn Trương Hữu Dực: “Nếu gọi bài “Bắt nạt” là thơ thì không còn gì để nói vì xét về mặt nghệ thuật nó không có một chút chất thơ nào… Nếu đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học quả thật là thảm họa cho thơ nói riêng và văn học nói chung“…[3]

Trên trang cá nhân của Nguyễn Thế Hoàng Linh – tác giả bài thơ “Bắt nạt” – có rất nhiều ý kiến phê phán thẳng thừng “Bắt nạt”, rằng bài thơ này không có vần điệu, chỉ cố gắng gieo vần cho có: “Đọc xong bài chỉ nhớ mù tạt với hip hop chứ đọng lại được gì“.[4]

Rất ít tiếng nói ủng hộ. Xin nêu quan điểm của Phạm Lưu Vũ (nhà văn?), comment trên trang cá nhân của tác giả bài thơ: “Bài thơ chỉ duy nhất khổ thứ 3 là dở. Bỏ đi là thành bài thơ hay. Đưa vào SGK cho thiếu nhi là đúng lắm rồi”.

Thái độ và cách hành xử của tác giả bài thơ trước phản ứng của dư luận

Trước sự “tấn công” của dư luận, tác giả bài thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh tỏ thái độ vô cùng gay gắt, ngạo mạn (như chính tác giả tự nhận trong một status), khinh thường dư luận. Chúng tôi xin trích một vài status của tác giả đã đăng trên trang cá nhân [4] của mình:

“- 12 tháng 8 lúc 16:47Bạn không hiểu rằng, nói như vậy chính là cung cấp bằng chứng cho người đọc rằng bạn bị mất cảm thụ tự nhiên và cả thất học vì không thấy nổi vần điệu rất rõ ràng, đầy đặn và sắp xếp tinh tế trong văn bản.

Với năng lực như vậy, làm sao bạn nhân danh được được ai về điều đúng đắn hay cảm thụ. May ra là nhân danh được cho những người đã cảm thụ kém còn khoe thái độ sai, coi thường thiên tài như bạn. 

– 12h41, 13-8Đám đông dốt nát và đầy thủ đoạn hại người thật ảo tưởng khi nghĩ mình có thể thao túng người Việt Nam tinh tế với Tiếng Việt hiểu sai về bài “Bắt nạt” cũng như năng lực và nhân cách thiên tài thơ ca của họ.

– 14:12, 13-8: Những lời lẽ phê phán của mình chủ yếu là dành cho đám đông bất chấp đúng sai, hay dở ở đây. 

Bằng chứng của việc bất chấp đúng sai, hay dở ở đây là đầu óc không sáng ra chút gì dù đã có loạt bài tác giả chia sẻ kỹ càng, rõ ràng về bài “Bắt nạt” với các giáo viên”.

Tự cho mình là “thiên tài” vì đã “sống lâu với thơ ca xịn”, tác giả “Bắt nạt” coi cộng đồng mạng dám chỉ trích bài thơ là một “đám đông dốt nát”, “thất học”. Và thách thức: “Ai chứng minh đây là bài thơ dở xứng đáng được trao giải Nobel Văn học”.

Có lẽ trên đời này, chưa từng có một tác giả thơ nào lại ngông nghênh, ngạo mạn đến thế đối với độc giả của mình.

“Đánh bóng” tác phẩm của mình nhưng vô hình trung lại bộc lộ sự yếu kém, thiếu hụt về tri thức về tiếng Việt

Và cũng rất hiếm người tự khen thơ mình trước bàn dân thiên hạ như tác giả bài “Bắt nạt”.

Xin trích một số đoạn trong các staus đăng gần đây trên trang cá nhân của tác giả, khi cộng đồng mạng lên tiếng chê bai “Bắt nạt”.

– Staus đăng lúc 16:47 ngày 12 tháng 8: “Vần điệu trong bài Bắt nạt”:

Bên cạnh vần chân ở cuối dòng, vần lưng ở giữa dòng, vần nối gần như tất cả các khổ thơ, còn có những cách tạo nhạc tính khác.

Biện pháp điệp từ “BẮT NẠT” và “ĐỪNG BẮT NẠT” cũng được sử dụng với tần suất cao giúp kết nối hơn âm thanh của các câu.

“Hip hop”, “học hát”, “cái cây” đầu tiên là từ ghép nhưng nếu cảm nhận rõ ràng về âm thanh có thể thấy đó cũng là những từ có độ láy cao.

– Status đăng lúc 14h27 ngày 13-8: Từ láy được dân gian đặt tên và cảm nhận rõ ràng trước khi có SGK rất lâu. Láy gợi ngay cho người ta cảm giác về luyến láy, lặp. 

Cách lập luận “các âm trong từ này láy với nhau nhưng chưa thoả mãn việc có ít nhất 1 từ vô nghĩa nên không phải từ láy” thật không thuyết phục. Nhất là với những người thật sự tinh tế về Tiếng Việt.

Việc này giống bị bắt trên đường ra phường xin giấy thông hành vì không có giấy thông hành.

Không ai có quyền cấp giấy thông hành cho từ láy.

Nói “nghe láy nhưng không phải là từ láy” thì “nghe láy” đã là thừa nhận thuộc tính “láy” rồi. Cái thuộc tính hình thức đập vào tai, vào mắt (“mắt thấy tai nghe”) đó mới làm nên từ láy từ xa xưa chứ từ láy không nên bị phụ thuộc vào vòng thẩm định ngữ nghĩa ai ban cho. 

Mình gọi “học hát”, “cái cây”, “hip hop” là từ láy là theo thuộc tính láy âm đó. 

– Status đăng lúc 11:38 ngày 4 tháng 8: “Một số nghệ thuật trong bài “Bắt nạt”:

Với khổ 2: Nhiều nghệ thuật phân tích và thuyết phục được tung ra.

Đưa ra các hoạt động này (“học hát”, “nhảy hip hop cho hay”- người viết chú thích) chính là dùng nghệ thuật so sánh, làm nổi lên sự tương phản giữa các hoạt động đẹp để tự chơi và làm vui mọi người với cái xấu của bắt nạt, hành hạ người khác. Đây cũng là các giải pháp thay thế, chữa “bệnh” bắt nạt. Tìm ra giải pháp cũng chính là một dạng nghệ thuật hàng đầu trong cuộc sống.

Với khổ 3: Tiếp tục là nghệ thuật so sánh và tạo điểm nhấn. 

Điểm nhấn “mù tạt” là thủ pháp gây kịch tính giúp tác phẩm có những cao trào, như một cú đấm móc hay punch dễ gây knock-out trong đấm bốc.

Với khổ 4: – Sau cú đấm trực diện thẳng vào sự ngộ nhận mình ngầu trong nhận thức là nghệ thuật đánh vào lòng trắc ẩn. Đây là phép liên tưởng gắn đối tượng hay bị bắt nạt là kẻ yếu, các bạn nhút nhát với điều dễ thương như thỏ non. 

– Đến đây, lựa chọn dùng ngôn ngữ nói để tăng tính đối thoại, tương tác phát huy tác dụng rõ rệt với câu à ơi thân thiện: “Sao không yêu, lại còn…?”

Với khổ 5: Khổ 5, 6 là phép liệt kê cho thấy có một vòng tròn bắt nạt trên trái đất này và không chắc bạn là ngoại lệ… Câu chuyện bắt nạt là câu chuyện toàn cầu và gắn với cả đời người. Nhận thức sâu sắc về nó có thể giúp mỗi người và thế giới có một kết thúc có hậu hơn.

Với khổ 6: “Đừng bắt nạt mèo, chó, Đừng bắt nạt cái cây” là một điểm nhấn khác. Đây là nghệ thuật nhân hóa nhưng cũng chính xác vì mối quan hệ cộng sinh với cây cối quyết định sự sống còn của con người. 

Riêng câu “Đừng bắt nạt cái cây” cũng có thể triển khai như một luận đề về môi trường.

“Vì bắt nạt dễ lây” cũng là nhân hóa, coi bắt nạt như một con virus. Và điều này cũng đúng. 

Với khổ 7: Đây là nghệ thuật tương tác nối thơ với hiện tại tiếp diễn khiến nó đã xong những vẫn chưa xong, điều này ít thấy trong thơ. Đây là nghệ thuật gợi mở, gây tò mò xem bạn bắt nạt đến gặp tác giả thì tác giả sẽ làm gì.

Với khổ 8: Đây là nghệ thuật gây bất ngờ và tiếp tục gợi mở vì hoá ra tác giả cũng không nói rõ sẽ làm gì, lại có vẻ nhún nhường, gây cười

“Bắt nạt rất hôi!” cũng là nghệ thuật nhân hoá khiến bắt nạt có mùi. Bắt nạt hoàn toàn có thể coi là một trò chơi bẩn nên dùng từ “hôi” là hợp lí và đặc tả, tác động đến lòng tự trọng. 

“Hôi” cũng là chơi chữ. Bắt nạt thường có đám đông, gọi là “đánh hội đồng”, “đánh hôi”. Là một đám đông bắt nạt nhưng mỗi đứa đánh hôi một vài cú, nạn nhân ăn nhiều đòn hơn nhưng tội lên mỗi đứa lại nhẹ đi.

Mình tạm gọi “Vì bắt nạt rất hôi!” là nghệ thuật “Cái kết đắt”.

Cái kết đắt vừa tạo thêm sức bật, sự bừng nở cho tác phẩm vừa là thái độ cầu toàn, trọn vẹn với tác phẩm mà mình theo đuổi trong nhiều nghìn bài thơ suốt mấy chục năm nay. 

Cuối cùng, tác giả kết luận: “Việc chọn lọc từ ngữ và kết hợp nhiều cách gieo vần hợp lí, biến hoá ở nhiều vị trí cho bài thơ dài trôi chảy, không có chỗ phô cũng là một nghệ thuật và kỹ thuật không đơn giản.

Có thể thấy bài thơ khá “phức tạp” với nhiều tầng nghĩa nếu đào sâu nên việc dành cho các bạn lớp 6 là hợp lí hơn các lớp nhỏ hơn. 

Đầu tiên là cách triển khai bài thơ như một bài nghị luận có mở bài, thân bài, kết luận về chủ đề bắt nạt. Đây là một kết cấu chặt chẽ khiến mỗi câu thơ của bài thơ đều xoay quanh chủ đề nghị luận.

Với nghệ thuật nghị luận trong bài thơ thì nó sẽ cung cấp cho học sinh một ví dụ, một cảm giác về nghị luận chặt chẽ và dễ thấm”.

Với những gì tác giả đã “bộc bạch” ở trên, thiết nghĩ không cần bình luận gì thêm.

Có điều, mọi người hết sức ngạc nhiên rằng, một tác giả tự nhận mình “sống lâu với thơ xịn”, là “thiên tài” thi ca, chê người khác “dốt nát, thất học” mà lại có những nhận thức sai lệch, ấu trĩ mang tính áp đặt chủ quan cá nhân về tri thức tiếng Việt, đi ngược lại những gì mang tính phổ quát đã được khoa học về tiếng Việt và xã hội thừa nhận. Đó là việc tác giả cho rằng bất kỳ tổ hợp nào, nếu có một phần âm thanh giống nhau đều là từ láy: “Các từ láy phụ âm đầu như HỌC HÁT, HIP HOP, NHÚT NHÁT, CÁI CÂY hay láy đuôi như BẮT NẠT”.

Còn đây là quan niệm của tác giả về cấu trúc của “Bắt nạt”: “như một bài nghị luận có mở bài, thân bài, kết luận về chủ đề bắt nạt. Đây là một kết cấu chặt chẽ khiến mỗi câu thơ của bài thơ đều xoay quanh chủ đề nghị luận.

Với nghệ thuật nghị luận trong bài thơ thì nó sẽ cung cấp cho học sinh một ví dụ, một cảm giác về nghị luận chặt chẽ và dễ thấm”. Nếu thế thì “Bắt nạt” là văn vần chứ đâu phải là thơ đích thực?

Không ai, dù có đọc đi đọc lại hàng chục lần bài thơ cũng không thể nghĩ ra “Mù tạt là hình ảnh ẩn dụ về kẻ mạnh”; “Đừng bắt nạt cái cây”, “Vì bắt nạt dễ lây”, “Bắt nạt rất hôi!”  là nghệ thuật nhân hoá; “Hôi” là chơi chữ.

Những gì tác giả viết ra trên trang cá nhân của mình nhằm phản bác sự chê bai của độc giả về bài thơ thì lại tự bộc lộ những non kém trong cách ứng xử cùng những khiếm khuyết nghiêm trọng về tri thức tiếng Việt và lý luận văn học.

Chuyện khen chê của dư luận đối với tác phẩm là chuyện bình thường. Ngay cả những tác phẩm nổi tiếng cũng có thể bị dư luận săm soi. Bình tĩnh tiếp thu, biết cách gạn đục khơi trong những đánh giá, góp ý của độc giả để luôn tự hoàn thiện mình và thơ văn của mình, đó mới là thực sự cầu thị.

Hy vọng, đây sẽ là bài học thấm thía không chỉ riêng đối với tác giả “Bắt nạt” mà còn với cả những ai đang ngộ nhận mình là “thần thánh” là “thiên tài” thi ca.

17-8-2021

N.D.X

Nguồn tham khảo:

[1] https://www.facebook.com/photo/?fbid=515548169769234&set=p.515548169769234

[2] https://danviet.vn/du-luan-cho-rang-bai-tho-trong-sgk-ngu-van-lop-6-chuong-trinh-moi-ngo-nghe-tac-gia-giao-vien-noi-gi-20210814123640812.htm

[3] https://www.facebook.com/nguyenhuu.quy.3760

[4] https://www.facebook.com/nguyenthehoanglinh