Anh Quế – Ký sự của Khuynh Diệp

734

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Tôi hơn anh Quế hai tuổi nhưng gọi anh Quế bằng anh theo vai vế trong gia đình. Năm tôi lên học cấp III trường huyện, anh Quế mới học lớp sáu. Về ở với bố mẹ tôi, anh Quế biếng học, chỉ thích được ra cánh đồng lổn nhổn gốc rạ để tát cá, xúc tép. Hàng ngày, tôi đi học về đã thấy anh Quế lấm lem bùn đất, tay xách một xâu nào cá chuối (cá lóc), cá diếc, cá ngạo, có cả những con cá bò màu vàng ươm, hai mang nghạnh sắc như đinh nhọn. Anh Quế được cha mẹ tôi thương nhất. Nhiều lúc, thấy cha mẹ thương anh Quế nhiều hơn chúng tôi làm mấy đứa em gái tôi ganh tỵ. Mãi khi cả hai anh em tôi xa gia đình và cùng vào chiến trường tôi mới cảm nhận và lý giải vì sao cha mẹ lại dành nhiều tình cảm cho anh Quế.

Anh Trần Công Quế – thương binh hạng ¼ (đặc biệt) – và cháu nội trước ngôi nhà “tình nghĩa”

Quê ngoại của tôi nằm sát bờ biển ở phía nam thành phố Sầm Sơn xứ Thanh. Ngày tôi còn ở quê, Sầm Sơn chỉ là một thị trấn biển nhỏ với nhiều di tích mê hồn. Hòn Trống Mái. Chùa Độc Cước… Lâu lâu tôi theo mẹ về quê ngoại thăm các dì, các cậu và được thả hồn ngắm dãy núi Sầm Sơn giống cô Tiên nữ mái tóc thả dài nằm chờ gió biển. Những xuống biển, mẹ lại nói với tôi: “Con xuống thăm các cậu không?”. Dĩ nhiên là tôi rất thích. Đợi mẹ chụp chiếc nón lá cũ mèm lên đầu, tôi chạy hồng hộc ra đường đi trước. Mỗi khi về quê ngoại, qua một xóm nhà lợp toàn lá kè, mẹ níu tay tôi kể cho tôi nghe câu chuyện về người anh ruột của mình. Trước khi kể, bà thường thốt lên hai từ “Con ơi” rồi mới bắt đầu câu chuyện. Bà kể: “Con ơi, đây là đất của ông bà ngoại con. Cậu Tài là con cả nên được thừa hưởng cất nhà. Ông bà ngoại của con nghèo lắm, đâu có tiền xây nhà ngói tường gạch nên cậu của con chỉ lợp mái nhà bằng tàu kè. Lá kè chỉ vài ba năm là mục. Mưa xuống nhà cậu con dột nát tứ bề. Thấy sống ở miền quê ven biển nghèo khổ, cậu đưa vợ và con trai lên quê ngoại gần núi Nưa sát mí sông nhà Lê sinh sống. Cậu mợ của con chỉ sinh được một đứa con trai đặt tên Mộc. Lâu lâu mẹ đi bộ lên thăm, thấy anh Mộc của con cực khổ, mẹ thương lắm. Ở quê vợ được ít năm thì cậu con qua đời. Không bao lâu mợ con cũng về nơi chín suối. Thằng Mộc bơ vơ thiếu cha vắng mẹ phải sống nhờ bà con bên ngoại…”. Mẹ tôi kể, hai mí mắt của bà chớp chớp, ngấn đầy nước. Dưới chân tôi sóng biển vẫn ì ầm vỗ lên bãi cát quyện với tiếng gió sắc lẹm như mũi tên lao vun vút qua rặng phi lao. Tôi cảm nhận những con sóng đang bò dài dưới chân như cắt vào tim sự u buồn về cảnh đời nghèo khó của người miền biển xứ Thanh mà cậu Tài của tôi là người khổ nhất.

Năm tôi chuẩn bị lên học lớp cuối cấp III, một hôm bố tôi nói với vợ:

– Tôi thương thằng Mộc lắm. Bà lên bờ sông nhà Lê đưa thằng Mộc về nuôi. Để nó bơ vơ, tôi không an tâm!

Không bao lâu, bố mẹ tôi đưa anh Mộc về ở với chúng tôi. Gia đình tôi có thêm một thành viên mới. Lúc này anh Mộc bước vào tuổi mười tám. Về ở với bố mẹ tôi việc đầu tiên là bố tôi đặt lại tên cho anh. Anh Quế. Tiếp theo ông xin cho anh Quế vào học tiếp lớp sáu trường xã. Ở với bố mẹ tôi và mấy anh em tôi, anh Quế không gọi bố mẹ tôi bằng o, dượng như cách xưng hô của người xứ Thanh mà gọi bố mẹ tôi bằng bố, mẹ như chúng tôi. Thi thoảng, mấy anh em tôi cũng tỵ nạnh nhau chuyện xay lúa, giã gạo, hái rau nấu cám cho lợn… Những lúc như vậy, bố tôi can thiệp tức thì:

– Để đó tau mần cho. Chúng mày lo học bài đi!

Anh Quế có nét chữ nắn nót đẹp hơn chữ tôi nên bố tôi rất thích, lúc nào ông cũng động viên anh học hành đến nơi đến chốn. So với các bạn trong lớp anh là người đi học muộn nên có phần tự ti, chỉ thích ở nhà để được ra đồng bắt cá. Năm anh Quế 20 tuổi, tôi phải xa nhà ra Hà Nội vào trường Đại học. Trong khi anh Quế không còn tiếp tục đi học nữa. Tuy phải nghỉ học giữa chừng, bù lại anh Quế những chạc hẳn lên. Ngoài giúp bố mẹ chuyện đồng áng, anh còn tham gia các hoạt đông của thanh niên, dân quân trong xóm. Năm 1968, trong khi tôi đang học ở nơi trường sơ tán trên Thái Nguyên, ở quê anh Quế làm đơn xin vào bộ đội. Anh trúng tuyển nhờ chiều cao và cân nặng gấp rưỡi tôi. Nghe tin anh Quế đi bộ đội làm tôi ngỡ ngàng, lòng bâng khuâng hụt hẫng vì không được ở nhà tiễn anh ngày lên đường.

Năm 1969, từ Thái Nguyên, trường đại học mà tôi theo học chuyển về cơ sở nhà trường ở Thanh Xuân, Hà Nội. Thế nhưng, chúng tôi cũng chỉ đậu ở Thanh Xuân một thời gian rất ngắn sau đó phải sơ tán vào làng La Khê cách thị xã Hà Đông ba cột số vì thời kỳ này máy bay Mỹ liên tục bắn phá Miền Bắc, thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã khác. Một hôm, từ Thanh Hóa mẹ tôi báo tin anh Quế đang luyện tập ở Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Trong thư, bà ghi địa chỉ hòm thư của anh Quế cho tôi. Nhận tin mẹ, tôi háo hức xin nghỉ một ngày học, ra bến xe Hà Đông đón xe ca (xe chở khách) sang huyện Thanh Trì tìm gặp anh Quế. Gặp nhau, anh em tôi không cầm được nước mắt. Hôm ấy, anh Quế được chỉ huy đơn vị cho nghỉ mấy tiếng đồng hồ để chơi với tôi. Anh kể: “Tháng tám năm ngoái, khi chú vừa nghỉ hè xong trở lại trường thì tôi làm đơn tình nguyện đi bộ đội, được tuyển vào binh chủng đặc công. Hiện đơn vị đang huấn luyện kỹ, chiến thuật đánh chiếm sân bay địch”. Bữa đó, tôi được chỉ huy đơn vị của anh Quế mời cơm. Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh nhưng bộ đội đặc công vẫn được ưu tiên chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Tôi không ngờ, bữa cơm ấy lại là bữa cơm cuối cùng anh em tôi chia tay nhau để cùng lên đường vượt Trường Sơn vào hai chiến trường xa cách nhau hàng ngàn cột số.

 2.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, một lần từ Thanh Hóa, viết thư gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm tôi, anh Quế hồi tưởng: “Sau khóa huấn luyện đặc công kỹ thuật tập đánh chiếm sân bay ở ngoại thành Hà Nội, đơn vị của anh được lệnh hành quân ra chiến trường giúp bạn Lào. Vượt đường Trường Sơn sang đất bạn Lào, đơn vị hành quân bộ cả tháng ròng. Phải qua không biết bao nhiêu cánh rừng, đường đèo, ngọn núi lởm chởm dài dằng dặc. Lại còn chống chọi với bom na pan, bom B.52 của Mỹ chặn đường hủy diệt”. Trong thư anh còn kể với tôi sau gần một tháng hành quân trên đất bạn Lào, cuối năm 1970 anh bước vào chiến đấu. Những trận đánh không cân sức giữa đơn vị đặc công bộ đội Viết Nam với các lực lượng phản động Lào và biệt kích quân lực Việt Nam cộng hòa có sự hỗ trợ tối đa của hỏa lực Mỹ. Hết mặt trận Cánh Đồng Chum sang Xiêng Khoảng, Xa Va Na Khét rồi Hạ Lào… Sau khi được bộ chỉ huy mặt trận giao đánh mở màn cứ điểm Tà Ngàn thắng lợi, đơn vị của anh tiếp tục đánh chiếm Hội Mần, Hội Sai sau đó nhắm hướng Nam Lào chi viện chiến trường đường số 9 tham gia phá tan trận càn Lam Sơn 719 của Việt Nam cộng hòa. Năm 1973, anh Quế cùng đơn vị đánh cứ điểm Phù Công Tim. Anh kể: “Đây là cứ điểm khó đánh nhất, trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Anh bị trọng thương tại cứ điểm này. Lúc tỉnh dậy anh thấy mình đang nằm trong một căn hầm vừa sâu, vừa rộng. Anh đoán đây là trạm phẩu thuật tiền phương của một đơn vị bộ đội bạn Lào. Quả đúng như vậy. Xung quanh anh toàn là người Lào, nói tiếng Lào. Các bạn quân y Lào tận tình chăm sóc từng thìa cháo, rửa từng vết thương trên đầu, trên người anh. Nhờ đó, anh dần dần hồi tỉnh. Qua tìm hiểu, anh được biết căn hầm anh điều trị thương tật là trạm phẩu thuật tiền phương tiểu đoàn 14 của quân đội nhân dân Cách mạng Lào sát cánh cùng bộ đội Việt Nam chiến đấu”. Thời gian anh Quế bị trọng thương được các bạn Lào cứu chữa, đơn vị đặc công của anh tưởng anh đã hy sinh nên tiến hành các thủ tục “báo tử” gửi về địa phương và gia đình. Chính quyên địa phương cùng gia đình tôi đã tổ chức làm lễ truy điệu cho anh trong không khí trang trọng và xúc động. Sau này, nghe mẹ tôi nói: “Bố con khóc trong nước mắt nói có hai thằng con trai đều vào chiến trường. Nay một đứa hy sinh, một đứa công tác tít trong miền Nam vẫn biệt vô âm tín!”.

Năm 1974, gia đình tôi đón nhận một bất ngờ tưởng như nằm mơ giữa ban ngày. Anh Quế vẫn còn sống. Sau khi được các bác sỹ, y tá quân y tiểu đoàn 14 bạn Lào cứu chữa vết thương, các bạn Lào đã liên lạc được đơn vị đặc công của anh Quế, sau đó tìm cách đưa anh trở về với đồng đội, cho dù đơn vị đã làm thủ tục “báo tử” về gia đình. Sự “sống lại” và trở về của anh Quế làm đơn vị cảm kích về tình cảm đồng chí, đồng đội chung chiến hào đánh giặc giữa bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào. Kể lại câu chuyện anh Quế trở về. Bà nói, đại ý: Một hôm vừa đi làm đồng về, cả nhà nhận được thư anh Quế từ trại an dưỡng thương binh Đoàn 874 đóng tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An gửi về. Bà tưởng mình đang ngủ mơ. Không chần chừ, ngay hôm sau bà cùng cô em gái thứ tư của tôi ra quốc lộ Một đón xe đò đi Vinh, từ Vinh hai mẹ con đón tiếp xe lên huyện Tân Kỳ, phía Tây Nghệ An rồi hỏi thăm đường vào nới anh Quế đang điều trị để tận mắt thấy anh Quế .

Cách đây 20 năm, trong không khí cả nước mừng ngày thống nhất, anh Quế viết thư vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm tôi. Trong thư, anh Quế còn chép bài thơ anh sáng tác trước khi chia tay tiểu đoàn quân y 14 Lào. Bài thơ có đoạn:“Khi ra về Bạn gửi lời thăm; Thăm tình nồng ấm với Nhân dân; Bạn còn chúc gia đình mình nữa; Việt – Lào đoàn kết vững ngàn năm”.

K.D