Bao giờ đến được cánh đồng – Tản mạn của Phạm Quốc Toàn

201

(Vanchuongphuongnam.vn) – Buổi sáng ngày đầu tháng 3, nhà giáo Trần Quang Vinh nhắn tin cho tôi, theo cách thân mật mỗi ngày: “Bác Phạm ơi, sáng thứ 5, ngày 2/3 vợ chồng em lại lên nghĩa trang làm sinh nhật cho con trai, có hoa, có bánh kem… và những cuốn sách mà Hoa Nip yêu thích. 7 năm Hoa Nip ra đi, là ngần ấy năm ba mẹ  tổ chức sinh nhật cho con trai trên mộ”.

Bìa tập thơ Bao giờ đến được cánh đồng của Hoa Níp

Hoa Níp tên khai sinh là Trần Quang Minh Giảng, sinh 2/3/1985 tại thành phố biển Vũng Tàu, trong một gia đình nhà giáo quê hương bên dòng sông Ngàn Phố – Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hoa Nip là hội viên Hội VHNT Bà Rịa – Vũng Tàu, hội viên Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh  khi còn rất trẻ. Con trai nhà giáo Trần Quang Vinh theo gen cha và mẹ, học tấm gương mê sách của ba và mẹ, yêu sách từ nhỏ. Hoa Nip làm thơ với một phong cách riêng, không theo lối mòn, những câu thơ lạ, độc đáo và triết lý. Truyện ngắn, tản văn và thơ của Hoa Nip có bản sắc, gieo vào lòng người ám ảnh, ưu tư mà gợi mở. Chỉ tiếc, tài năng vừa lộ sáng thì Hoa Níp đã “đến được cánh đồng” – cánh đồng của miền Mây trắng, điều mà anh thảng thốt(!).

Nhà thơ Hoa Níp

Trên phần mộ của Hoa Nip ba mẹ, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã cho khắc nổi bật khổ thơ mà anh viết:

Đời con lắm cuộc nhiễu nhương

đành thôi nép lại bên đường cho xong

bao giờ đến được cánh đồng

quay đầu nhìn lại bóng hồng phôi pha

Thầy giáo Trần Quang Vinh và cô giáo  Nguyễn Thị Minh Tâm đều là giáo viên dạy văn học, vẫn cứ khóc mãi theo thời gian như không có năm tháng, yêu quý và thương nhớ con trai khôn cùng. Ngày 2/3 khi tổ chức sinh nhật cho con trên phần mộ, nhà giáo Trần Quang Vinh  đã nhắc lại cảm xúc của mình về những khổ thơ của Hoa Nip như là sự tâm linh, con trai suy tư về một định mệnh được báo trước?

Nhân đó, nhà giáo Trần Quang Vinh kể lại câu chuyện một lần về quê nhà bên dòng Ngàn Phố, được người chú dùng xe máy chở đi loanh quanh mấy xã để biết sự đổi mới của quê hương. Nhà giáo ngồi sau xe ông chú mải mê ngắm cảnh làng xóm, ruộng đồng đã có bao đổi thay. Đột nhiên Trần Quang Vinh cảm thấy có điều gì rất thân thiết, xin phép ông chú cho dừng xe. Thì ra đó là vị trí mà cha con nhà giáo hơn 40 năm trước đã xa lìa-phút chia tay của cha để ra trận, bước vào cuộc chiến sinh tử. Ngày chia tay ấy, Trần Quang Vinh ấy mới lên 10 tuổi, cũng là lần cuối cùng con trai ở bên cha. Cha của Trần Quang Vinh, ông nội của Trần Quang Minh Giảng đã hy sinh ngoài mặt trận, đến nay vẫn chưa tìm được mộ chí để quy tập-nỗi buồn chiến tranh mà nhà văn Bảo Ninh đã viết trong tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên. Trần Quang Vinh nhắn tin cho tôi: “Cuộc sống tâm linh, điềm báo thành hiện thực!”.

Ba mẹ của Hoa Níp, nhà giáo Trần Quang Vinh và Nguyễn Thi Minh Tâm bạn học cùng khoa văn, ĐHSP Vinh, có gần nửa thế kỷ đam mê làm nghề giáo tại Bà Rịa – Vũng Tàu, yêu văn học, đam mê đứng lớp, thành tâm khi được giao nhiệm vụ quản lý – Hiệu trưởng nhà trường. Ông sống đẹp với đồng nghiệp, hết lòng yêu thương, tâm phúc với các thế hệ học trò. Cao niên, nhà giáo Trần Quang Vinh được quyền nghỉ ngơi, nhưng hàng ngày ông vẫn viết các phiếm luận, tản văn như là một cách viết nhật ký trung thực có hình ảnh về cuộc đời, thời cuộc, về đất nước, quê hương, gia đình. Những dòng ông viết dành cho con trai từ trái tim thương yêu của một người cha, lay động lòng người đến lạ.

Gần như tuần nào nhà giáo Trần Quang Vinh – Nguyễn Thị Minh Tâm cũng tới  mộ Hoa Níp, có tuần đi vài ba lần. Thời kỳ đại dịch  COVID-19, hạn chế nghiêm ngặt sự đi lại, nhưng 2 nhà giáo Quang Vinh – Minh Tâm vẫn có cách lên thăm mộ con trai. Thăm mộ con đã trở thành nhu cầu, thói quen như cơm ăn nước uống, không đi không chịu được. Quãng đường mà nhà giáo Trần Quang Vinh-Nguyễn Thị Minh Tâm đi lên mộ Hoa Nip trong gần 7 năm qua  có lẽ đã dài bằng quảng đường vòng quanh trái đất. Nhà giáo Trần Quang Vinh tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp, người thân: “Con  nằm trong mộ cũng tựa như chú chim con bị nhốt trong lồng. Chúng tôi như cặp chim bố mẹ cứ miệt mài tha mồi đến nuôi con. Còn hơi sức là còn đi thăm nom, chăm sóc nhang khói và phần mộ cho con”. Ngày 2/3/2023 trước mộ Hoa Níp, những câu thơ “đến được cánh đồng” được ba mẹ đọc lên, vi vu bay về “cánh đồng” của con trai theo gió và làn khói hương trầm. Buổi tối, đông đủ  cả nhà ấm áp tập trung trước bàn thờ  tại ngôi nhà nhỏ của mình làm tiếp sinh nhật cho Hoa Níp. Ở nơi “cánh đồng” Mây trắng, nhà thơ trẻ Hoa Níp yên lòng, bởi anh luôn sống trong tình thương yêu không bao giờ nguôi ngoai của ba mẹ, của gia đình. Hơn thế, bạn bè, các đồng nghiệp xa gần luôn bên cạnh anh.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một nhà thơ tên tuổi, người nhận đỡ đầu cho nhóm thơ trẻ Hoa Nip vẫn luôn nhớ đến tài năng và dũng khí nhưng đoản mệnh Hoa Níp, như chính ông đã từng sẻ chia, gửi gắm, tin cậy: “Anh (Hoa Níp) là một chàng trai mang một trái tim như không có sự che chắn của lồng ngực. Anh mạnh mẽ hơn tôi, quả cảm hơn tôi, tự do hơn tôi, dấn thân hơn tôi, trên con đường sáng tạo”. Và sau ngày Hoa Nip ra đi, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp chung tay xuất bản tập thơ “Bao giờ đến được cánh đồng”, tập truyện ngắn “Nàng là nước Mỹ” (NXB Hội Nhà văn), được công chúng nồng nhiệt đón nhận.

Bìa tập truyện ngắn Nàng là nước Mỹ của Hoa Níp

Nhân sinh nhật và chỉ vài tháng nữa là tới ngày giỗ của Trần Quang Minh Giảng, bác Phạm đồng hương xứ Nghệ (vẫn theo cách gọi thân mật của ba Vinh) tản mạn mấy dòng, theo cách nhớ gì viết nấy, thay cho nén tâm nhang gửi về bên kia “cánh đồng” cùng Hoa Níp vậy!

TP. Vũng Tàu, 2/3/2023

Theo Phạm Quốc Toàn/ Báo Bà Rịa – Vũng Tàu