Bất ngờ với Nguyễn cầm ca – Kiều

798

Trong khi điện ảnh thất bát với các phiên bản làm mới “Truyện Kiều”, Nhà hát Cải lương Việt Nam gây bất ngờ với vở diễn mới nhất Nguyễn cầm ca – Kiều.

Nhà văn Nguyễn Hiếu từng hai lần viết kịch bản chuyển thể Truyện Kiều cho sân khấu: Kiều cho Nhà hát Kịch Việt Nam do cố NSND Anh Tú dàn dựng. Thân phận nàng Kiều cho Nhà hát Múa rối Việt Nam. Kịch bản cải lương Nguyễn cầm ca – Kiều của ông viết cho Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSƯT Phan Ngọc Chi chuyển thể cải lương là một lát cắt mang màu sắc tươi mới.


“Nguyễn cầm ca – Kiều” là phép thử thành công của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

NSND, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai giải thích, GS Trần Văn Khê khảo cứu và khẳng định “nguyễn cầm” chính là tên cây đàn Thúy Kiều chơi trong Truyện Kiều, cho nên vở cải lương này lấy cảm hứng từ tiếng đàn của Kiều và lấy tên cây đàn cho vở diễn. Không tham vọng tái hiện trọn vẹn 15 năm lưu lạc cho tới khúc ca đoàn viên của nàng Kiều, đạo diễn và biên kịch gặp nhau ở ý tưởng chỉ chọn khắc họa nàng Kiều gắn với tiếng đàn. GS Trần Văn Khê từng có bài nghiên cứu về âm nhạc trong Truyện Kiều, tổng kết tám lần Kiều chơi đàn với nhiều cung bậc cảm xúc và đặc biệt gắn với những dấu mốc đáng nhớ của cuộc đời cô Kiều.

Từ những năm đầu thế kỷ 20, sân khấu cải lương đã khai thác kiệt tác của Nguyễn Du, cho nên khi chọn dựng Kiều NSND Hoàng Quỳnh Mai cũng chịu không ít áp lực. Chị nói đã sút 6kg sau khi dựng vở, phần vì lo lắng căng thẳng tìm ra cách thể hiện mới mẻ, phần vì trong bối cảnh dịch bệnh lo cho sức khỏe diễn viên. “Có loại hình chuyển thể Truyện Kiều thất bại, nhưng tôi tin cải lương có thế mạnh vì rất gần với chất thơ, lại lột tả được sự khốc liệt của cuộc đời nàng Kiều. Quê gốc ở Tiên Điền, tôi lớn lên bằng những câu Kiều và tôi luôn mơ ước một ngày đủ duyên để dựng Kiều”, NSND Hoàng Quỳnh Mai nói.

Đạo diễn kể, hồi bé thuộc lòng Truyện Kiều nhưng cứ đến đoạn Từ Hải chết đứng là khóc như mưa. Cho nên khi dựng Nguyễn cầm ca-Kiều, Hoàng Quỳnh Mai chọn điểm kết câu chuyện ở cảnh Kiều vừa đàn vừa khóc thương Từ Hải. “Tôi luôn ấp ủ Từ Hải không chết, bởi nếu Từ Hải còn sống thì cái đẹp không bị vùi dập, cuộc đời Kiều không thêm một lần bi thương. Chính vì thế tôi để cảnh kết Từ Hải sống lại trong tâm tưởng nàng Kiều. Đây cũng là cảnh chuyển tải khao khát, mơ ước: chỉ khi có chân-thiện thì cái đẹp mới được tôn vinh”, đạo diễn lí giải.

Lấy cảm hứng từ tiếng đàn và âm nhạc trong Truyện Kiều, đạo diễn xử lý sân khấu rất gợi. Không bục bệ phức tạp, sân khấu tràn ngập những cây đàn được tạo tác mang dáng hình cơ thể gợi cảm của phụ nữ. Những cây đàn ấy biến hóa rất phù hợp với từng tình huống, từng khúc cua của cuộc đời Kiều. Tiếng đàn là cuộc đời của Kiều. Cuộc đời ấy long đong lận đận theo mỗi cung đàn. Đạo diễn tái hiện các khúc đàn của Kiều khi gặp Kim Trọng, khi gửi thân ở lầu xanh, khi bị Hoạn Thư đánh ghen, khi Từ Hải chết.

Hoàng Quỳnh Mai là một nữ đạo diễn sân khấu, đặc biệt là sân khấu cải lương hiếm hoi phía Bắc. Chị tạo ra phong cách nữ tính, mềm mại riêng khi xử lý kịch bản từ đề tài lịch sử, chuyển thể từ tác phẩm văn học hay đề tài hiện đại. Khán giả yêu mến chị còn ở chỗ luôn được chiêu đãi những khúc hát triền miên dựa trên những bài bản cải lương quen thuộc. Nói vui rằng chị đã “làm khổ” diễn viên vì bắt họ hát từ đầu chí cuối, NSND Quỳnh Mai cười thừa nhận, bởi chị luôn muốn khán giả được nghe ca kịch nhiều nhất có thể.

Sự quyến rũ của Nguyễn cầm ca-Kiều còn nhờ vào tiếng hát của dàn nghệ sĩ. Vở diễn đánh dấu mốc 70 năm Nhà hát Cải lương Việt Nam, vì lẽ đó đạo diễn được huy động tổng lực các giọng ca vàng của hai đoàn như: Như Quỳnh, Minh Hải, Phương Thủy… Như Quỳnh là nữ diễn viên từng được nhiều giải thưởng, huy chương ở nhiều dạng vai khác nhau nên đủ sức đảm đương vai nặng như Thúy Kiều-vai diễn cần sự bền bỉ về sức khỏe và cảm xúc đong đầy.

Truyện Kiều thân thuộc, những câu Kiều đi vào tiềm thức, vào đời sống mỗi người dân Việt, ấy thế nhưng Hoàng Quỳnh Mai thành công khi khai thác một lát cắt khá đắt. Không sa đà đi theo cuộc đời truân chuyên của Kiều, đạo diễn chọn khắc họa cuộc đời Kiều qua những khúc đàn. Câu chuyện quen thuộc nhưng thông điệp vẫn thấm đẫm tính thời sự, tinh thần nhân văn Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền, hay Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Hơn 200 năm, người đời sau vẫn rung động với Truyện Kiều của Nguyễn Du, không chỉ ở những vần thơ “động đất trời” mà còn ở những phiên bản kịch, phim, video, tranh ảnh… Chuyển thể Kiều vì thế mà có khi đưa người này lên bục cao danh vọng, có khi cũng là cách nhanh nhất khiến một vài người ngã đau (như một vài đạo diễn điện ảnh gần đây nếm mùi cay đắng). Nguyễn cầm ca-Kiều may mắn thay là một tác phẩm khôn ngoan đến mực nói năng phải lời, vừa đẹp ở tạo hình nhân vật, sân khấu vừa hấp dẫn nhờ cách xử lý tài hoa của đạo diễn.

Theo Nguyên Khánh/TPO