Bí ẩn lời yêu trong Đêm thơm lựng mùi sen

1844

15.10.2017-20:45

Nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm

 

Bí ẩn những lời yêu trong

“Đêm thơm lựng mùi sen”

 

TRÚC LINH LAN

 

“… Giọt sương

Trên lá lạnh băng

Đài sen nghiêng ngả, cầm bằng… ngả nghiêng

Mơ trăng, tịnh một giấc thiền

Tỉnh ra, tiếc một thuyền quyên xanh ngời”

 

          (Mùa sen tinh khôi – trang 18)

 

I. TÔI SEN.

        

“Đêm thơm lựng mùi sen” (NXB Hội Nhà văn năm 2017) là tập thơ thứ hai tôi được nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm gửi tặng sau tập “Và ta quét dọn nỗi buồn”. Tôi đến với nhà giáo, nhà thơ này thật tình cờ ở một thành phố sương mù ngập tràn sắc hoa, trong lần hội ngộ với “Quán Văn” tại Đà Lạt. Người nhận thơ và tặng thơ hình như cũng không nhớ về nhau mấy. Vả lại tôi là người đọc thơ rất chậm, bao giờ đọc hết, cảm hết một tập thơ tôi mới viết về tập thơ được tặng. Từ đó tôi và Tâm trở thành bạn, và lần gặp thứ hai tại Cần Thơ tôi thêm yêu quý cô bạn này. Đọc “Đêm thơm lựng mùi sen” tôi không bắt gặp bóng dáng người đàn bà trong “Và ta quét dọn nỗi buồn” nữa mà là một bứt phá mới mẽ hơn, dịu dàng hơn và có chút gì đó hư ảo hơn, cổ kính với những hoài niệm trong trẻo hơn, nồng nàn nhưng rất mãnh liệt.

      

Đọc trang thơ đầu. Tôi có cảm giác như mình đang đi dạo trong môt không gian đêm lơ lửng môt vành trăng non, nhìn một chiếc lá mang mùa thu chơi vơi trên dòng suối, ngan ngát hương sen trong ký ức hồi sinh của nhà thơ nữ đất Bình Thuận đầy Dã miên hoa trên đồi Trinh nữ. Tôi nâng tách trà sen để cảm nhận được “Sen khóc, sen cười/sen hỉ nộ,sen ái ố…” trong “Bộn bề trầm tích/ Bộn bề lá noãn/ Bộn bề hoa”… và cuối cùng với câu hỏi mà nữ sĩ đã trầm mặc trong thơ “Bí ẩn sen ơi/ Nào đêm địa ngục? Nào mộng thiên đàng?” (Bí ẩn, này sen – trang 11-12). Tiếng họa mi đang hót trong lồng son thôi thúc tôi đi tìm “Bí ẩn những lời yêu” mà nhà thơ đang giấu trong ngôi đền thơ đầy sen kia. Ngôi đền mà “Nơi đêm qua/ Có một người đợi mong/Hái một búp sen tăng người xưa cũ… Nơi đêm qua/Như đã bao đêm/ Có đôi mắt ngóng hoài miền cổ tích…” (Nơi đêm qua sen chưa nở – trang 14). Đã giải mã được câu hỏi mênh mông hoài cổ của nhà thơ nữ tài hoa này chưa nhỉ? Tôi bắt gặp đâu đó “Một bóng thuyền sen” trên thuyền không có hoa sen mà bạn yêu thơ bắt gặp một nàng thơ ngồi dưới trăng mờ huyển hoặc với những lời thì thầm cùng đêm:

 

“Là sen. Là sen của anh đây

Từ năm em mười bảy tuổi

Ruổi dong. Bao mùa… Rong ruổi

Ngọt ngào. Hạnh phúc dậy men…”

 

Nàng thơ: Thương thương, nhớ nhớ, tình sen/Đêm trăng chong đèn vời vợi/Em chập chờn trong ngóng đợi/Thuyền sen… Hắt bóng thuyền sen.” (Một bóng thuyền sen – trang 16). Ảo ảo thực thực. Liên Tâm như đưa bạn yêu thơ vào giấc mộng liêu trai nào đó dịu dàng quá. Đẹp quá một chuyện tình đầy hương hoa. Tình ơi, có biết. Những câu thơ mang hơi thở xưa, một chút  tịch mịch qua “Khúc tỳ bà trong sen” với tiếng “lá xào xạc” hồn “lá xao xác/ Lá như thở…chiều thơm, đang hát ca dao…”Một sự tinh tế tuyệt vời của nhà thơ nghe được những rung động của lá, mùi thơm của chiều… Nhưng không là ảo giác: … “Bàn tay che… ngon đèn. Bóng mờ ảo thức/ Có tiếng chân. Rất thực/Rớt lại cuối vườn khuya… Vọng  khúc. Tỳ bà đêm/Xa lăng lắc về… xưa” (trang 22). Những dấu chấm lửng, dấu chấm hỏi, dấu chấm ngắt khúc nửa chừng… Tâm trạng phân vân, chờ đợi, hy vọng rồi thất vọng tan loãng vào tiếng đàn đã xa, đã xưa. Tôi thích cách diễn đạt chặt chẽ và đầy ý tại ngôn ngoại như vậy. Bởi vì chính những dấu câu mang yếu tố nghệ thuật mới đưa chúng ta thấy được “Người đàn bà bước ra từ sen?/Rồi trở vê cùng xanh biếc sen”. Người đàn bà “… mỏng manh như lá/Xót xa như cỏ/Hứng những giọt buồn/Chạm vào da thơm/Rồi lạnh lùng quay mặt”. Là một tiến sĩ ngữ văn, Nguyễn Thị Liên Tâm đi qua bao nhiêu trang sách và bao nhiêu trang viết về số phận người phụ nữ hạnh phúc thì ít mà bất hạnh thì nhiều chị mới có những câu thơ đầy tính nhân văn, mang một cảm thông yêu thương sâu sắc đến số phận hồng nhan: … “Người đàn bà “…Long đong./Mười hai bến nước/Bến trong sao chẳng đến?/ Lạc bến đục rối bời” (Mơ hồ bóng sen – trang 26-27). Người đàn bà đi tìm một nửa của mình không dễ, một vầng trăng tròn đầy cho cuộc tình viên mãn thật hiếm hoi, có chăng chỉ là những:

 

“… Ký ức hoàng hoa

theo em suốt những tháng năm dài mộng mị

sao cứ nghe câu thơ lưng chừng trôi giữa mùa sen?

sao cứ thấy những chiếc lá xanh phập phồng nhịp thở

hồ như ai đã vắt câu thơ lên chiều hoang vỡ?”

                        

                      (Giấc mơ sen – trang 34)

             

“Tri âm đợi người hái sen”. Tìm ra cái tinh túy của hồn sen, hương thơm của sen để đem đến hạnh phúc đời người. Chờ mãi, chờ mãi chỉ thấy:

               

“Cuối mùa vớt lá sen phai

Tìm trong hư ảo, gót hài vương mây

Bên đèn, nhấp chén rượu cay

Gió lùa đêm trắng, thổi bay… tang bồng.”

 

         (Người đàn bà cuối mua sen – trang 29).

              

Sen đã cuối mùa vì:”Trăng đã chín một vầng thơm/Người vẫn  phương trời biền biệt/Sen nở ngọc ngà tình ơi có biết/Đáo hạn mấy mùa trăng/Khép lá mộng xanh ngời” (Bên bờ ao sen trắng – trang 10). Và rồi:

 

“… Trên thuyền con, ai đã tắt đèn

Hồng lạp cháy, đĩa đầy thêm…thần thánh

Một bóng lá gầy, mảnh khảnh

Gói tình riêng, vào thơm lựng miền sen

 

         (Đêm thơm lựng mùi sen – trang 36)

Tập thơ “Đêm thơm lựng mùi sen”

của Nguyễn Thị Liên Tâm

 

II. BÍ ẨN CỦA NHỮNG LỜI YÊU:

        

Được giải mã từ khi:

 

“Con thuyền đã nhổ neo… và đi mãi

Sao người ta cứ nhớ… người ta?

 

           (Mùa biển động – trang 42)

         

Cách sử dụng ngôn từ chơi chữ thật tuyệt người ta này cứ nhớ người ta kia làm nên bí ẩn của những lời yêu. Đó là những cơn bão lòng của sự chia xa: “Mùa biển động/và lòng em cũng động…./Tựa hồ như thành bão, thành giông…”Những mơ hồ tuyệt đẹp như giấc mộng hoàng hoa, hình như đưa bạn yêu thơ trở lại không gian vừa huyển hoặc vừa hào sảng, thật – hư đan xen nhau tạo nên những cảm nhận nhiều cung bậc. Cái hay của nhà thơ là chỗ đấy: … “Ánh sáng mờ khuôn mặt mỹ nhân/Tiếng cười chạm vào sóng vỗ/Mạn thuyền lơ ngơ tìm bàn tay gõ/Chỗ ngồi tựa hồ ai đó vẫn hồn nhiên… Loang loáng. Phù vân. Ảo ảnh/Đôi tay anh thật mảnh/Biết làm sao vỗ khúc tang bồng…”. Để rồi “ Đành thôi!/ Mưa bay. Mắt cay.” M. Gorki từng nói “ Tình yêu là thơ ca của cuộc đời. Cuộc sống thiếu tình yêu không phải là sóng mà chỉ là tồn tại. Không thể sống thiếu tình yêu vì con người sinh ra có một tâm hồn để yêu”. Khi nói đến thơ tình không ai không nhắc đến nhà thơ Xuân Diêu với một triết lý: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”. Nhà thơ của chúng ta cũng rất am hiểu tình yêu, trong thơ chị, bạn yêu thơ khi bước vào sẽ bắt gặp một khu vườn đây hương sắc, đầy giai điệu.Tôi không thích màu đỏ nhưng tôi lai yêu sắc đỏ trong thơ Nguyễn Thị Liên Tâm, Sắc đỏ cháy bỏng, mê đắm, nồng nàn đấy quyến rũ, nó làm ấm lại cái lạnh của mùa đông, của đêm trăng lẻ loi cô quanh. Sắc đỏ của “Dã miên hoa” Dã miên hoa/Rực cháy hồng đào/Em. Giấu lửa trong tim/Đốt. Tình anh/Suốt một đời kiêu bạc….Em. Giấu lửa trong tim/Đốt. Đời anh/Bỏng cháy” (trang 51 – 52). Mạnh mẽ, dứt khoát giữ lấy tình yêu của mình :”Em suốt đời ủ trong tay ngọn lửa/Bùng cháy. Ấm áp/Bất chấp giá buốt trời đông” (Giấc mơ trên đồi Trinh Nữ – trang 50). Trong “Tự khúc màu đỏ” ta thấy nữ sĩ đã viết :”Cái màu đỏ nồng nàn…Cứ rực cháy, cho tình yêu say lời mật ngọt” và …”Lửa vẫn cháy trong tim người ngây dại/Dẫu ngoài kia là giá buốt đêm đông” (trang 57 -58).

 

Tôi lai say tình rồi, say cái tình mà người đàn bà trong suốt tập thơ đã say:

 

                 “Chén phù dung ai rót mà say

                   Xô lệch cả góc vườn đầy gió

                   Vói tay hái một chùm hoa nhỏ

                    Thả vào đêm

                    Cho tỏ lối về

                    ……….

                   Chén phù dung rót tràn vội vã

                   Có nghĩa gì đâu

                   Mà nghiêng ngả suốt đời nhau

                   ………..

                  Uống đi thôi cho sóng nổi ba đào

                  Cho say khướt để đêm dài lắm mộng…”

 

                               (Chén phù dung – trang 43)

                 

Một cơn say buồn, buồn với cuộc đời như bóng câu cửa sổ, như giấc mộng qua cầu. Trong cơn say sao nghe như có nước mắt, có tiếng thở dài, sao nghe lòng lạnh dưới trăng: “Nào nâng chén! Ta cùng nhau uống cạn/Chén phù hư/Chén cô độc…”Đời có biết? Đời bao nhiêu tuổi/Mộng phù vân/Tay trắng/Trắng tay.” (Như một đời trầm – trang 63). Hình như đã hé dần câu trả lời với chúng ta. Bí ẩn của lời yêu là những cảm xúc cung bậc tình cảm của một mối tình đẹp đã qua trầm tích trong ký ức, mối tình để lại những yêu thương và mối tình hiên hữu gần nhất bên ta: “Nỗi buồn dậy men. Ủ trong tà áo lụa. Áo mong manh, cho buồn chảy tràn thu. Rót vào đêm. Một chén phù du. Ta nốc cạn mùa thu vào phiến ngực.” (Mùa thu, trôi trong biển nhớ – trang 94). Ta bắt gặp một bóng nàng Tô Thị được chạm khắc “Dù đợi cả đời ta vẫn đợi”…”Người không đến/ suốt đời ta vẫn đơi. (Đợi trang 48) “ mạch thơ bỗng nhiên vở òa ra khi nhà thơ chợt nhận ra rằng: “…Có một vòng tay nhớ về một vòng tay khác/ Có một đôi môi nhớ về một đôi môi thơm mát/ Có một người thương nhớ một người xa….”(Giữa vườn đêm yên tĩnh – trang 31)

                    

Thôi thì một người đã xa “…Khi ai đó bỗng dưng một hôm dừng bước lại, chấm dứt trò chơi bóng đuổi hình hay hình đuổi bóng mà họ sang đuổi bắt chính mình, tìm vào nội tâm của mình nơi trước đây chập chùng bóng tối giờ bỗng lập lòa vài tia lửa sáng… (Nguyên Cẩn – Tính thiền trong thơ và sự ngộ nhận).

 

“Bí ẩn những lời yêu” được gửi gắm qua những trang thơ là câu chuyện tình yêu mà chủ thể xuyên suốt là một bóng hồng gửi đến người mình yêu những lời yêu, nhưng chất Thiền trong thơ lại được Nguyên Tâm bộc lộ rất rõ qua cách nhìn, cách sử dụng ngôn ngữ để diễn tả tâm trạng qua cái hiện hữu đó là (Sen, sỏi đá, hạt bụi, tiếng chim hót, tiếng đàn Tỳ bà,,…) đến những cái vô minh, huyễn hoặc: (“chén phù dung:”, ảo ảnh, chén phù hư, mộng phù vân….) Thương quá Tâm ơi! Nhà thơ viết về chữ tình trong số phận người đàn bà quá đẹp, quá yêu thương. Yêu và cho đi rất nhiều nhưng đành phải trở về thực tại bởi cuộc đời hữu hạn hãy yêu những gì chúng ta đang có, đang nắm giữ trân trọng và giữ gìn: “…Nói như nhà thơ Phạm Thiên Thư:…”Chấp nhận thực tại để rồi buộc phải nói lời ly tan “ Thôi thì thôi nhé”. Bản chất của hiện hữu là thế, và tình yêu, dù thăng hoa đẹp đẽ thế nào cũng không thoát ra được….” (Bùi Công Thuấn – Một cách tiếp cận thơ Thiền).

           

Khép trang thơ cuối cùng, tôi và các bạn yêu thơ cùng nhà thơ ngồi trên “Chiếc ghế đá trong vườn đêm qua”, nhấp một ngụm trà sen,  xem lại những bài thơ tình thật đẹp mà trong lòng  cứ ngậm ngùi:”Ao lạnh.Sen tàn/Thu hắt hiu/Gió lay.Rèm động/Ngả nghiêng chiều/Trả người sương khói vể đông giá/Mượn bóng trăng gầy/khóc tịch liêu” (Hắt bóng –trang 30).

 

Viết xong đêm 28.8.2017

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc – Huyền Minh

>> Chữ bầu lên nhà thơ – Lê Đạt

>> Những câu thơ viết trong miên cảm – Nguyễn Minh Khiêm

>> Chúng ta đã phản bội thơ như thế nào? – Nguyễn Thanh Tâm

>> Trần Thế Tuyển & Phía sau mặt trời – Nguyễn Vũ Quỳnh

>> Đinh Hùng một hồn thơ kỳ ảo – Võ Tấn Cường

>> Về mái nhà xưa tìm thời đã mất – Phan Hoàng

>> Trải lòng với Bóng chữ của Lê Đạt – Lưu Khánh Linh

>> Khuynh hướng LLPBVH ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở miền Nam- Trần Hoài Anh 

>> Nhỏ mà không nhỏ – Phạm Đình Phú

>> Những thực-thể-chữ-tạo-sinh trong Ga sáng – Hoàng Thuỵ Anh

>> Vài suy nghĩ về lục bát Nguyễn Bính – Đoàn Minh Tâm

>> Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại – Trương Đăng Dung

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…