Chặn cái xấu, được không?

575

26.02.2018-14:30

“Sau đêm giao thừa, tôi thấy khắp đường phố, nhất là xung quanh các điểm bắn pháo hoa, ở hầm Thủ Thiêm đầy rác. Đây là một thói quen rất xấu cần khắc phục” – Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói tại buổi họp tổng kết về chăm lo dịp Tết Mậu Tuất vào ngày 22.2.

 

Hành vi thiếu ý thức này đã làm ảnh hưởng đến văn hóa của TP HCM, một TP luôn hướng đến sự phát triển tốt đẹp, hài hòa các giá trị sống. Trên diễn đàn của Báo Người Lao Động, bạn đọc và các chuyên gia, các nhà quản lý góp nhiều ý kiến, tranh luận đa chiều.

 

Có thể nói, trên khắp cả nước, nhất là những dịp lễ, Tết, tình trạng rác tràn lan ở các khu vui chơi, các điểm du lịch, nơi tổ chức lễ hội. Một Đà Lạt thoáng đãng, trong lành đã không còn khi khu vực chợ, quanh hồ Xuân Hương đầy rác. Sau ngày khai hội chùa Hương, nhìn cảnh rác ngập bến đò mà kinh hãi. Ở nhiều nơi khác, người ta bạ đâu xả đó khiến không khí nặng mùi, mất vệ sinh đến đáng sợ…

 

Ngày thường đã có nhưng những lúc lễ, Tết, hội hè là khi người Việt chúng ta bộc lộ những thói xấu cố hữu. Những loại “rác” khác trong cách nghĩ, cách ứng xử thản nhiên được “quăng” ra, cho du khách cả trong và ngoài nước “biết tay”. Đó là tình trạng “buôn thần bán thánh” ở nơi lễ hội; buôn bán chụp giật, “chặt chém” với giá cắt cổ ở những nơi bán hàng ăn thức uống, bãi giữ xe và các dịch vụ khác… Ngay tại miền Trung, không ít nhà xe lợi dụng tình cảnh phải trở lại miền Nam của công nhân, đã nâng giá vé lên 3-4 lần, trong lúc đa số công nhân nghèo, chắt bóp tằn tiện mấy năm mới mua được vé xe về quê…

 

Tham dự lễ hội văn hóa, làm lễ ở các chùa, bái vọng thần linh là dịp để tỏ lòng thành tâm, làm điều lành việc thiện để tích đức, để làm gương và răn dạy cháu con. Tết nhất thăm viếng nhau, ai cũng chúc nhau mọi điều tốt đẹp, an lành, thế mà có người vẫn làm điều trái với lương tâm khi lợi dụng dịp Tết để “chặt chém”, bất chấp phản ứng của người mua, cốt sao thu thêm thật nhiều tiền.

 

Đã nhiều năm, chúng ta nói đến thực trạng này và quy về nhiều lý do xuất phát điểm của hành vi, từ sự “lùn” văn hóa hay ý thức cá nhân đến nền giáo dục hoặc việc không có gia phong, không ai dạy bảo gìn giữ nếp nhà… Sự đi xuống của đạo đức một bộ phận dân cư còn ở chỗ luật pháp không nghiêm, cơ quan có trách nhiệm thiếu giải pháp và quyết tâm thực hiện. Một thời TP Vũng Tàu nổi danh khắp nước về hàng quán “chặt chém”, bãi biển nhếch nhác. Thế nhưng, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Vũng Tàu đã quyết tâm thay đổi bằng tư duy và hành động, cấm tiệt tình trạng ăn nhậu, xả rác trên bãi biển; các hàng quán bán giá phải chăng, thân thiện với du khách. Hai năm qua, bộ mặt TP Vũng Tàu thay đổi, bãi biển dịp Tết vừa qua đông nghẹt du khách mà vẫn sạch sẽ.

 

Bài học từ Vũng Tàu cho thấy các địa phương khác không thể nại ra lý do gì để biện hộ cho sự nhếch nhác, chụp giật. Không cho cái xấu hoành hành mới là chính quyền biết vì dân.

 

THẾ LINH/NLĐ

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…