(Vanchuongphuongnam.vn) – Đối với Phạm Duy và nhạc của ông, tôi “như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát” (Nha Trang Ngày Về) giữa đại dương bao la! Nhiều người đã viết về Phạm Duy và nhạc Phạm Duy từ lâu, từ nhiều góc độ, quan điểm, thái độ, trình độ học thuật khác nhau… Nhưng tôi tự nhủ: Thế thì mình cứ viết những gì mình biết về nhạc của ông, những gì mình nghĩ là mình đã cảm nhận về nhạc của ông, những gì mình quý trọng ông.
Tôi còn nhớ có một lần, năm tôi học lớp 12, lúc đang đi bộ từ trường về nhà trên con đường nhỏ Xóm Chiếu thân quen ở quận 4 thì tôi nghe được bản nhạc Bên Cầu Biên Giới của Phạm Duy do ca sĩ Anh Ngọc hát. Bị âm điệu của bản nhạc cuốn hút, phát ra từ một chiếc radio của một căn nhà trên đường đi, tôi dừng lại để nghe:
“Em đến bên tôi, một chiều khi nắng phai rồi.
Nắng (ư) ngừng bên chiếc cầu biên giới.
Xa xa, thoáng đàn trầm vô tư.
Đâu đây dáng huyền đền duyên mơ.
Bên cầu biên giới, tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi…”
Từ đấy, về nhà, tôi “tương tư” nhạc Phạm Duy và giọng ca Anh Ngọc. Thoạt đầu, tôi cứ ngỡ ông sáng tác Bên Cầu Biên Giới sau năm 1954 tại cầu Hiền Lương nhưng không, nhạc phẩm nổi tiếng này được Phạm Duy viết trước đó… 7 năm (tức trước khi tôi được sinh ra… 6 năm) khi ông đi cùng với người đẹp của lòng ông dừng lại trên cây cầu bắc qua sông Nậm Thi ở thị xã Lào Kai.
Người đẹp đó cũng có thể cũng là thiếu nữ tên Hiếu (?!) trong Tiếng Đàn Tôi được ông sáng tác cùng năm tại chợ Đại Cống Thần thuộc tỉnh Hà Đông:
“Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt,
Với bao tiếng tơ xót thương người,
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao,
Lúc trăng hãy còn thơ ấu…”
Sau đó, tôi thường xuyên mê mẩn nghe Ngậm Ngùi (thơ Huy Cận):
“Nắng chia nửa bãi chiều rồi,
Vườn hoang trinh nữ, xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây.
Lòng anh mơ với quạt này…”
Tôi cũng chưa hiểu vì sao tôi lại mê mẩn đến vậy…Đến khi nghe Tiễn Em (thơ Cung Trầm Tưởng), thì nhạc Phạm Duy đã “hớp hồn” tôi lúc nào không hay. Chắc có đến lúc nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng không thể nào quên được:
“Lên xe tiễn em đi,
Chưa bao giờ buồn thế!
Trời mùa đông Paris,
Suốt đời làm chia ly!”
hoặc:
“Hỡi em người xóm học,
Sương thấm hè phố đêm,
Trên con đường em đi,
Lệ anh buồn vương vấn…”
Ca sĩ hát nhạc Phạm Duy thì khó mà kể hết, từ thế hệ này qua thế hệ khác: Thái Thanh, Anh Ngọc, Duy Khánh, Duy Trác, Sĩ Phú, Thanh Thúy, Kim Tước, Quỳnh Giao, Mai Hương, Hà Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Elvis Phương, Ý Lan, Julie Quang, Nguyễn Chánh Tín, Thái Hiền, Lê Dung, Ngọc Anh, Đức Tuấn, Quang Dũng, Mỹ Linh, Quang Linh…
Tôi còn nhớ trong một chương trình ca nhạc, khi cả hai đã ở độ tuổi “cổ lai hy” chín muồi, Phạm Duy đã nói “dứt khoát”: “Không có Thái Thanh thì không có Phạm Duy!”. Điều này cũng dễ hiếu: Thái Thanh chính là ca sĩ đầu tiên đã hát rất nhiều nhạc phẩm của Phạm Duy. Cho đến nay, nghe lại những Tình Ca, Về Miền Trung, Tình Hoài Hương, Ngày Xưa Hoàng Thị, Trả Lại Em Yêu… chúng ta khó tìm thấy ai có giọng hát cao vút, trong vắt và luyến láy tài tình khi thể hiện những tuyệt tác này như Thái Thanh!
Nếu như giọng ca Thái Thanh đã “phủ sóng” phần lớn sáng tác của Phạm Duy như một mặc định, tôi đặc biệt thích Anh Ngọc, Duy Khánh, Thanh Thúy, Hà Thanh, Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Duy Quang… với nhũng tình khúc Phạm Duy cụ thể.
Như đã nói ở trên, khi chưa biết Thái Thanh, Anh Ngọc với Bên cầu biên giới đã “mở mắt” cho tôi về nhạc Phạm Duy. Về sau, cũng phải khá lâu, tôi đã rất thích khi nghe ông hát Kỷ Vật Cho Em, rồi Mùa Thu Chết, một tuyệt tác mà Phạm Duy đã chuyển thể từ thơ của thi hào Guillaume Apolinaire của Pháp quốc:
“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo,
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi,
…
Ôi ngát hương, thời gian mùi thạch thảo,
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em!…”
Và tôi thật rất thích khi nghe Duy Khánh hát Người Về của Phạm Duy:
“Em có hay chăng anh về?
Thoạt nhìn người yêu ngỡ trong mộng mê.
Nhưng nước non chưa yên bề,
Thì đành tình duyên gát bên lời thề!
Em ơi, em ơi, xích lại gần đây nào,
Nhớ tới, nhớ tới những duyên và số nghèo,
Trời làm cơn mưa bão, tình nồng như tơ liểu,
Buồn vì ai đó khóc ai trong chiều…”
Với Phố Buồn, tôi nghĩ khó có ai mà “qua mặt” được “giọng hát khói sương” Thanh Thúy:
“Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em,
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên,
Qua mấy gian không đèn, những mái tranh im lìm,
Đường về nhà em tối đen…”
Nhịp hát nhanh của điệu nhạc tango nhưng người nghe vẫn cảm nhận được cái buồn, cái tối tăm, cái ướt át, cái nghèo nàn, cái cô đơn… của một con phố!
Lệ Thu đã “vô song” khi hát Thuyền Viễn Xứ (thơ Huyền Chi):
“Mịt mờ sương gió ra khơi,
Lũ thùy dương dạt bến lau thưa,
Chiều nay, trên bến sông xưa,
Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường …”
Khánh Ly thì quá “độc đáo” khi hát Bến Xuân (tên khác: Đàn Chim Việt, Phạm Duy viết chung với Văn Cao):
“Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước,
Em đến tôi một lần,
Bao lũ chim rừng, họp đàn trên khắp bến Xuân,
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca, ù u ú…
Cành đào hoen nắng chan hòa.
Chim ca thương mến, chim ngân xa, ù u ú…
Hồn mùa ngây ngất trầm vương…”
Mỗi khi nghe Hoa Xuân, ta sẽ cảm nhận sự tươi mát, trong lành của giọng hát của danh ca xứ Huế, Hà Thanh:
“Xuân vừa về trên bãi cỏ non,
Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn.
Hoa cười cùng tia nắng vàng son,
Lũ ong lên đường cánh tung tròn.
…..
Xuân! Hoa còn tươi mãi,
Hoa vì thế giới biết sum vầy cuộc vui.
Xuân! Hoa nở vì ai?
Tay nhịp bàn tay, cùng đắp xây ngày mai.”
Vợ chồng Tuấn Ngọc – Thái Thảo thì qua tình tứ và quý phái khi thể hiện tình khúc Cỏ Hồng của Phạm Duy:
“Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối,
Rước em lên đồi, hẹn với bình minh,
Đôi chân xinh xinh, như tình thôi khép nép,
Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm…”
Nhiều danh ca đã hát nhạc Phạm Duy là thế, tuy vậy, sau Thái Thanh không thể không đặc biệt kể đến Duy Quang. Với tôi, Duy Quang mới là ca-sĩ-phát-ngôn nhạc Phạm Duy. Với giọng hát nhẹ nhàng, trầm ấm và hiền hòa như chính khuôn mặt anh và có thể, cũng của chính tâm hồn anh, Duy Quang, người con trai cả của nhạc sĩ Phạm Duy, chắc hẳn đã mang trong anh cái gen sinh học lẫn tâm linh của vị nhạc sĩ tài ba, lỗi lạc. Nếu có dịp nghe lại những Ngậm Ngùi, Bao Giờ Biết Tương Tư, Cây Đàn Bỏ Quên, Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Chuyện Tình Buồn, Trả Lại em Yêu, Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên, Người Tinh Già Trên Đầu Non, Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài, Giọt Mưa Trên Lá, Rồi Đây Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà… chúng ta sẽ có cảm giác như Duy Quang đã “thổi hồn” Phạm Duy vào những tuyệt phẩm này với giọng hát thiên phú của anh.
Có lẽ trước hết và sau hết, tôi chỉ là một fan của nhạc Phạm Duy, không hơn không kém! Với âm nhạc, tôi chỉ biết lắng nghe và cảm nhận. Thế nên, với âm nhạc, tôi chỉ chú ý đến ca từ. Thế nhưng, tôi cũng không dám nói là tôi đã có thể hiểu hết những gì tôi nghe được từ nhạc của Phạm Duy.
Phạm Duy đã sống qua 2 thế kỷ và để lại cho đời hình như cả ngàn nhạc phẩm đủ các thể loại đoản ca và trường ca gồm nhạc sáng tác, nhạc phổ thơ, nhạc dịch…
Phải nói là đã có nhiều đánh giá rất ấn tượng và rất có giá trị về nhạc sĩ tài hoa này. Chẳng hạn:
Nhạc sĩ Dương Thụ: “Sự xuất hiện của Phạm Duy là một tất nhiên.”
Thi sĩ Nguyên Sa: “Phạm Duy, đại lực sĩ!”
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo: “Chỉ nhạc Phạm Duy thôi cũng đủ cho đời.”
Tôi thì thầm nghĩ: với di sản âm nhạc đồ sộ mà PD để lại cho chúng ta, với những ca từ dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, giống nòi, yêu dân nghèo, ruộng đồng, gánh lúa… đặc biệt qua những trường ca Tình Ca, Con Đường Cái Quan, Tình Hoài Hương, Mẹ Trùng Dương, Minh Họa Kiều…, nhiều lúc tôi đã thầm mơ về một công trình nghiên cứu về những sáng tác của Phạm Duy…
T.D.T