Thơ, nhạc từ trường tôi – Tản mạn Trần Danh Thùy

845

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nếu ai có dịp qua Cầu Khánh Hội, theo đường Nguyễn Tất Thành (tên cũ là Trình Minh Thế), đến cầu Tân Thuận, sẽ đi ngang qua một ngôi trường phổ thông trung học duy nhất của Quận 4 trước năm 1975. Đó là trường Nguyễn Trãi. Đó là ngôi trường ngày xưa tôi đã có vinh hạnh học khóa đầu tiên từ đệ Thất (lớp 6) đến đệ Nhất (lớp 12), tức từ năm 1965 đến 1972. Tôi nói vinh hạnh vì nếu căn cứ trên tiểu sử của trường, học sinh trường Nguyễn Trãi sẽ không ai không có niềm hạnh phúc ấy.

Trước khi vào Sài Gòn, trường tôi đã từng mang tên trường École Normale Supérieure, được thành lập năm 1923, đặt tại cửa Bắc Hà Nội. Năm 1930, trường đổi thành trường Cao đẳng Tiểu học École Normale Supérieure Đỗ Hữu Vị. Đây là một trường lớn có thể sánh ngang các trường Bưởi (Lycée du Protectorat) và trường Đồng Khánh (Huế) thời bấy giờ. Từ khi thành lập đến năm 1945, hiệu trưởng của trường đều là người Pháp. Từ năm 1945, trường được mang tên vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Lúc này, hiệu trưởng là ông Đỗ Trí Lễ (Cử nhân Khoa học), hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên của trường.

Năm 1954, trường được di chuyển vào Nam và vẫn mang tên NT. Vì không có trụ sở riêng, nên trường phải học nhờ tại trường Tiểu học Trương Minh Ký (nay là trường Nguyễn Thái Học) ở đường Trần Hưng Đạo (Sài Gòn) và sau đó, chuyển về trường Tiểu học Lê Văn Duyệt (nay là trường Trần Văn Ơn). Đến năm 1964, trường mới chuyển về địa điểm bây giờ.

Theo như tôi được biết, ngoài những nhân tài về các lĩnh vực, trường chúng tôi có khá nhiều những cựu học sinh là những nhạc sĩ nổi tiếng như Vũ Thành An, Đức Huy, Ngô Thụy Miên, Nam Lộc, Võ Tá Hân… Tôi dự định, nếu có thời gian và sức khỏe, tôi sẽ thực hiện một công trình nhỏ, chuyên về nhạc của đồng môn đàn anh này.

Ở phạm vi bài này, tôi chỉ đề cập đến một trường hợp khá đặc biệt: một nhạc phẩm hình như được cho là sáng tác cuối cùng của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: “Tóc Xưa”:

“Ngày nào nhặt tóc quanh đây/ Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn/ Sợi dài buộc mối yêu thương/ Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê/ Mượt mà một thuở tóc thề/ Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm/ Sợi nào đánh rớt bên thềm/ Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng/ Sợi nào sáng gội chiều hong/ Gió đưa hương tóc qua song cửa mành/ Lạc vào ngõ vắng nhà anh/ Quen người quen cảnh không đành rời xa/ Tóc nào đen óng hôm qua/ Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày/ Sợi nào là sợi tóc mai/ Lòa xòa bên trán làm ai phải lòng/ Để mà sáng đợi chiều trông/ Sợi kề bên má sợi hôn môi người/ Sợi nào từ thuở đôi mươi/ Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau/ Sợi nhìn ngày tháng qua mau/ Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay/ Tóc xưa giờ đã xa bay/ Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa…”

Ca từ của bản nhạc là bài thơ cùng tên của một… bác sĩ. Bác sĩ y khoa Dương Văn Thiệt sinh sống và làm việc tại London vì thương vợ mất, đã sáng tác bài thơ đầy cảm xúc này. Anh gửi bài thơ cho bạn tâm giao là Lê Văn Thu, cũng là một bác sĩ, sinh sống và làm việc ở Australia để chia sẻ nỗi lòng của mình. Cảm kích trước tấm lòng của bạn đối với vợ, bác sĩ Thu đã chuyển tiếp bài thơ Tóc Xưa cho nhạc sĩ Ngô Thụy Miên ở Mỹ, tuy không quen nhưng nhờ… phổ nhạc. Nghe nói, tuy đã “gát đàn”, nhưng lại cảm kích trước lời hay, ý đẹp của thi phẩm, nhạc sĩ đến từ Hải Phòng đã phổ bài thơ thành bài hát trữ tình dễ thương, tuyệt vời này…

Và có lẽ, Tóc Xưa, như tôi đã đề cập, khá đặc biệt ở chỗ: nhạc phẩm là sự kết nối của thơ và nhạc của ba cựu học sinh đều của trường Nguyễn Trãi nhưng học những niên khóa khác nhau: Dương Văn Thiệt và Lê Văn Thu là học sinh trường Nguyễn Trãi niên khóa 58 trong khi Ngô Thụy Miên lại là học sinh trường Nguyễn Trãi niên khóa 60.

Và cũng có lẽ, Tóc Xưa là một tâm điểm giao hòa của thơ và nhạc của ba cựu học sinh Nguyễn Trãi gốc Việt đến từ ba đất nước cũng khác nhau: Anh, Úc và Mỹ, tức từ ba châu lục khác nhau như một mối thiên duyên.

Mối thiên duyên ấy là từ ngôi trường Nguyễn Trãi yêu dấu rất đỗi thân thương của chúng tôi…

T.D.T