Chiến tranh điên loạn và những mối tình tráng lệ

375

Bệnh nhân người Anh là cuốn tiểu thuyết lạ, lạ bởi cái đẹp và vẻ mông lung của nó. Bằng một cách tài tình nào đó, Michael Ondaatje đã luồn sợi chỉ của cái đẹp qua lỗ kim thời đoạn, để rồi từ đó ông khâu nên chiếc áo đẹp đẽ của những mối quan hệ, của tình người và đồng thời là cái giá phải trả vì máu, loạn lạc và chiến tranh. Tất cả được ông gom vào tác phẩm này như một bản trường ca day dứt về những mối tình, nỗi ám ảnh, hận thù, yêu đương… trong một bối cảnh đầy điên loạn.

Trong cuốn tiểu thuyết này, bằng bút lực của nhà mĩ học đi tìm cái đẹp trong lớp vỏ xấu xí, Michael Ondaatje làm nên một tổng thể hài hòa đến vô cùng. Bối cảnh câu chuyện được đặt trong tòa villa bỏ hoang ở vùng Florence nước Ý, bị ném bom và mang trong mình đầy chắp vá thời loạn. Đôi lúc độc giả sẽ cảm thấy thật may mắn khi ông không kiến tạo một thượng tầng kiến trúc đẹp đẽ đến phi lí để xây dựng câu chuyện, mà vẻ đẹp ở đây nằm ở chỗ nó hài hòa với con người. Bốn nhân vật chính là bốn câu chuyện. Mỗi người lại có một trúc trắc riêng, thế nhưng nhìn chung, hòa vào cảnh trí, hậu vị của những câu chuyện này đều đắng ngắt một vị không tưởng, và nó ào vào bối cảnh để rồi hòa tan như một nét mực mềm mại.

ĐẸP

Chiếm vị trí trung tâm là Caravaggio – bệnh nhân người Anh – người có câu chuyện đi suốt thời chiến. Cạnh đó là Hana, cô y tá đương thời xuân xanh, nhưng phải chứng kiến và đối mặt hằng ngày với cái chết khiến cô dần dần trở nên khô cứng, khác hẳn dáng hình cô bé Tây phương xanh xao gầy yếu hát Quốc ca nước Pháp: “Bây giờ cháu đã biết về cái chết, chú David. Cháu biết tất cả mùi của nó”. Trải qua cú sốc mất cha và hàng ngày nhìn thấy cái chết của những bệnh nhân mà cô chăm sóc, Hana từ khi nhìn thấy toà villa San Girolamo ấy đã quyết định cuộc chiến đã hết (với riêng bản thân cô), và tự mình gắn chặt với ông người Anh.

Cũng từ đây Caravaggio tìm về cô bé nhỏ nhắn như mẫu kí ức ấu thời, ông – một con say morphine chính hiệu, sau những năm tháng trà trộn vào trong chiến tranh và chịu nhiều tổn thất thể chất, dẫn đến cơn suy nhược tinh thần sau này, làm nên một tuyến nhân vật bạc nhược trung dung. Sau cùng là Kip, chủng tộc người Sikh, đến Anh như kẻ thí mạng luôn tin vào một lí tưởng.


Tác phẩm “Bệnh nhân người Anh” hai lần chiến thắng ở giải Booker.

Chỉ dùng một số ít nhân vật thế nhưng đó đều là những đại diện cho một tầng lớp đương thời: nếu Caravaggio hay Kip hay ông người Anh đều là những người xông pha đối mặt trực tiếp nhất với chiến tranh; thì Hana, ở phía hậu phương, như một lát cắt ở mặt tình cảm. Từ đây ông khai thác hết mọi khía cạnh mất mát đau thương của chiến tranh qua bốn con người. Giữa họ là những thời khắc đẹp khi bên nhau, là những tối nghe Jazz trườn qua không gian ẩm thấp của căn phòng ông người Anh nằm, là những con nghiện champagne – thứ rượu hiếm hoi thời chiến, rồi đôi lúc trở về ấu thời khi trốn vào giếng hút thứ sữa đặc, những điệu nhảy, cái ôm… tất cả làm nên một tiểu thuyết đầy tràn cái đẹp, cái đẹp mất mát, cái đẹp đau thương.

Với câu chuyện trải dài suốt chiến tranh và tràn khắp các miền địa líBệnh nhân người Anh cũng đồng thời mang trong mình nét đẹp của thứ tinh hoa văn hóa. Đó có thể là những bức vẽ thời Phục Hưng trong nhà thờ nước Ý; là nét đẹp của đồi cát, của những ốc đảo quên lãng mà chuyện tình của Almasy bắt đầu động cựa. “Trong ấy Zerzura được đặt theo tên người phụ nữ đang tắm trong một đoàn lữ hành sa mạc. Ở đó cũng có bóng quạt chậm rãi chập chờn. Và ở đây cũng có sự trao đổi thân mật và âm vọng của lịch sử ấu thời, của vết sẹo, của cách hôn”. Đó cũng có thể là tập quán của cư dân Phi châu, là những thầy lang lang bạt, vẫn tin thứ nước xay từ xương chim công có thể chữa bỏng…

Đọc Bệnh nhân người Anh ta như được gặp một phiên bản khác của cuốn Lịch sử của Herodotus, chỉ khác, trong cái cốt cách diễm tình hơn và đau thương hơn. Mỗi vùng địa chất ghé ngang qua đây đều mang trong mình một thứ vàng ròng – linh tính văn chương – một khi đã gieo khó mà gặt được.

MÔNG LUNG

Tràn ngập trong Bệnh nhân người Anh là những sắc thái tình yêu. Đó là thứ tình nồng thắm đến mức chết đi của ông người Anh và K., là thứ tình hờ mong manh của Kip và Hana, là thứ cảm tình khó mà giải thích giữa Caravaggio và Hana; và cũng có thể, là thứ đắng ngắt men tình bội phản,… Michael Ondaatje dùng bốn nhân vật móc nối vào nhau những sợi len rối tung trong một mê lộ tình cảm. Thời chiến là lúc con người ta chênh vênh lưu lạc ở một xứ sở không phải quê hương, và cứ thế họ bám vào nhau chẳng màng sai trái trong lớp sương che mờ của tình cảm. Và cũng thế, Michael Ondaatje đặt ra một lớp màn che cho những câu chuyện, mông lung hư ảo, thực thực không không.

Về ông người Anh và Hana, giữa họ là mối gắn kết đồng điệu không phải tình yêu cũng không đơn thuần tình bạn. Mức thủy ngân của cặp nhiệt kế đồng điệu ấy lên xuống tựa như thủy triều, có thể Hana thấy ở đó dáng hình của cha cô, một người nổ tung vì bom đạn; và cũng có thể, ông người Anh tựa vào cô như vào hình dáng K., hình dáng mà ông khó có thể quên. Mối quan hệ ấy ngột ngạt đến mức làm ta khó chịu, mông lung trong một mê cung để rồi tự hỏi, họ thật sự đang sống trong một cuộc đời thế nào. Sẽ ra sao, ai biết! Nhưng chắc một điều, giữa cái đẹp từ vẻ mông lung luôn luôn hàm chứa muôn hình vạn trạng đủ loại sắc thái, ta nhìn một thứ ở góc độ này, rồi thêm thứ khác ở góc độ kia. Mãi mãi vẫn là không đủ.

Về K. và Almásy – kẻ say mê sa mạc làm nên câu chuyện đậm chất điện ảnh. Ở hai người họ là cuộc vụng trộm trong cơn hôn nhân chao đảo không hơn không kém – là thật hạnh phúc hay nỗi nỗi tị hiềm? Khó mà kể được. Thế nhưng Michael Ondaatje mang vào câu chuyện của hai người đầy những trúc trắc, đằm thắm, say mê. K. và Almásy yêu thương lẫn nhau bằng thứ tình yêu vô cùng bạo lực. Có thể adrenaline bơm trong máu họ là thứ bản năng của loài thú dữ, kình chống và lao vào nhau, không màng thế sự. Cái dằn vặt trong bản thể hai người họ, giữa tình cảm chân thành và đời sống xã hội, làm nên mối tình quay ngoắt không thấy bến bờ.

Trong khi tôi viết cuốn sách ngắn của tôi, dài bảy mươi trang, cô đọng và đi thẳng vào vấn đề, cùng với bản đồ du hành, nói thực tôi bị ám ảnh nhiều hơn vì cái miệng hứa hẹn của nàng, làn da mịn sau đầu gối, phần bụng trắng thon. Tôi không thể tách rời thân thể nàng ra khỏi trang giấy. Tôi mong được đề tặng công trình chuyên khảo của tôi cho nàng, cho giọng nói của nàng, cho thân hình nở nang tôi tưởng tượng đang ngồi đây trên giường, trắng nuột như một cánh cung dài, nhưng đây là cuốn sách tôi hiến tặng một vị vua. Tin rằng sự say mê như thế sẽ bị chế nhạo, xem thường bởi cái lắc đầu lễ độ và ngượng ngập của nàng”. Thực sự yêu nhau hay chỉ nhìn thấy những bờ vọng ảo? Dù là vế nào chăng nữa thì đó cũng là những mặt tình yêu soi dưới góc nhìn trần trụi, bạo liệt, đầy đê mê.


Nhà văn Michael Ondaatje.

Hana, Caravaggio và Kip – bộ ba ngoằn nghèo làm nên thế trận của thứ tình cảm hình học, của những tam giác và đường trùng nhau. Ba con người ấy cùng mang trong mình những nỗi mất mát một phần thân thể, để rồi mỗi người sẽ lại giao nhau ở một đâu đó nào đó. Nếu Caravaggio và Hana là kí ức chung về người quá cố, Hana và Kip là những đồng điệu của thứ tình yêu đương mùa nở rộ, thì Caravaggio và Kip là hai con rối quay cuồng thời cuộc – chính thứ thời cuộc họ chẳng hiểu nổi và cũng chẳng biết mình đang làm gì. “Chúng ta đang làm gì ở châu Phi, ở Ý? Kip gỡ mìn trong vườn cây ăn trái vì lý do quái quỉ nào? Tại sao cậu ấy chiến đấu trong một cuộc chiến của người Anh?”

Cả 3 người họ như đường đồng quy hướng vào tâm chính của hình tam giác – tình yêu. Bernhard Schlink từng viết Người đàn bà trên cầu thang cũng cách bài trí như tiểu thuyết này, thế nhưng tràn gập trong tác phẩm của Michael Ondaatje là những mông lung để rồi đến cuối ta không thực hiểu trong họ là ai, là những cái gì, họ hướng về ai, họ căm ghét gì; tất cả như trò ú tim, trái bom nổ chậm.

Bệnh nhân người Anh là cuốn sách đẹp trong từng khuôn hình, bởi lẽ cái buồn trong vẻ mông lung. Ở đó bằng những tình buồn hầu như ngang trái, Michael Ondaatje khắc họa số phận của những con người mất đi một phần linh hồn, họ bước ủ dột như những bóng ma quanh căn phòng chứa đựng kí ức. Đồng thời ở đó, ta thấy chiến tranh như con lửa vàng vô cùng háu đói ăn lẹm vào sinh thể người, không chỉ ở mặt ngoại biên – cơ thể như những vết bỏng của ông người Anh; mà còn nội hàm – cơn say morphine đi đến tận cùng của Caravaggio, là sự bội phản, là cái khốn cùng trong Kip; và cái mất mát khó thể gột sạch ở Hana.

Chiến tranh kinh hoàng, chiến tranh khủng khiếp, và Michael Ondaatje thật sự là một bậc thầy, khi vẽ được chính nỗi kinh hoàng bằng vẻ trác tuyệt; cái đẹp tình yêu, mông lung nhân quần.

Theo Ngô Thuận Phát/VNQĐ