Ông Võ Đại Hàm, người cháu thúc bá gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông, là người được “chọn” trông coi ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình như một “cuốn sử sống”, nắm giữ nhiều “bí mật” đời thường của gia đình Đại tướng.
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Ðịa linh sinh nhân kiệt
Theo ông Võ Đại Hàm, vùng đất Lộc Thuỷ và Đại Phong của huyện Lệ Thuỷ ngày nay, xưa có tên gọi Đại Phong Lộc. Từ lâu các nhà phong – thuỷ luôn xem vùng đất này là “địa linh”: Trước mặt có dòng Kiến Giang trong xanh uốn lượn; phía sau là phá Hặc Hải rộng lớn tôm cá tung tăng, xa xa là núi hệ núi An Mã như bức bình phong che chắn, tạo nên sự yên bình cho một vùng đồng bằng rộng lớn.
Xưa, ở Đại Phong Lộc sinh ra không ít nhân kiệt, có công với đất nước được ghi vào sử sách như: Hoàng Hối Khanh, đỗ Thái học sinh đời Trần Thuận Tông, sau làm đại thần nhà Hồ. Nhà Hồ suy yếu, nhà Minh sang xâm lược, cha con Hồ Quý Ly bị bắt nhưng Hoàng Hối Khanh vẫn chống trả đến cùng. Ông bị quân Minh bắt. Để giữ khí tiết ông đã tự vẫn, lúc đó mới 46 tuổi. Hay tiến sỹ Dương Văn An, làm đến quan Tả thị lang Bộ lại đời Mạc, người viết Ô Châu cận lục. Đây là cuốn địa phương chí sớm nhất của Việt Nam, ghi chép tổng hợp về núi sông, thành quách, phong thổ, nhân vật… của dải đất miền Trung từ Quảng Bình vào đến Quảng Nam ở thế kỷ thứ XVI; và rất nhiều danh nhân khác được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này như, Lê Đa Năng, Võ Khắc Triển đậu tiến sỹ và làm quan to trong các triều đại phong kiến…
Theo ông Hàm, vùng đất Đại Phong Lộc có một truyền thuyết khá thú vị: Vào cuối đời nhà Mạc, có thầy phong thuỷ nói rằng vùng đất này sẽ sinh ra nhân kiệt, tiếm ngôi nhà Mạc, cần phải cắt đứt long mạch nơi đây. Sau khi nghiên cứu, nhà Mạc đã cho người đào con kênh rộng chừng 20m chia đôi Đại Phong Lộc, bắt nguồn từ sông Kiến Giang chạy ra đến xã Ngư Thuỷ. Từ đó, Đại Phong Lộc bị chia đôi, thành Phong Thuỷ và Lộc Thuỷ ngày nay.
Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, con kênh này được khơi lại và sâu thêm, khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chỉ đạo phong trào nông nghiệp ở đây. Lúc đó ông nhận lệnh Bác Hồ xây dựng một điển hình về HTX nông nghiệp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chọn HTX Đại Phong, xã Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Chỉ trong một thời gian ngắn, HTX Nông nghiệp Đại Phong trở thành lá cờ đầu toàn miền Bắc, trở thành Phong trào “Gió Đại Phong”, với tinh thần người người thi đua, nhà nhà thi đua. Noi gương “Gió Đại Phong”, từ đây nhiều HTX nông nghiệp kiểu mẫu xuất hiện trên cả nước, là hậu phương vững chắc cho cuộc chiến tránh chống Mỹ cứu nước.
Gia đình hi sinh vì dân vì nước
Hai bên nội, ngoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là những dòng tộc có tiếng tăm ở vùng Lệ Thuỷ. Ông ngoại của Đại tướng làm đến chức Đề đốc trong Phong trào Cần Vương, sau bị giặc Pháp bắt. Ông nội cũng tham gia Phong trào Cần Vương chống Pháp. Cha của Đại tướng là cụ Võ Quang Nghiêm, một nho sinh thi cử bất thành, về làm hương sư và thầy thuốc Đông y trong làng, lấy bà Nguyễn Thị Kiên làm vợ. Hai ông bà sinh được 7 người con, 3 trai, 4 gái. Anh cả và chị cả mất từ nhỏ, còn lại năm người, 3 người con gái và 2 người con trai là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Võ Thuần Nho, sau này làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục.
Song thân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Anh cả của Đại tướng là Võ Toại, có trí thông minh đặc biệt từ nhỏ. Theo quan niệm người xưa, những người như thế khó nuôi, ông cụ phải mài mực nho cho uống để bớt thông minh. Tuy nhiên, năm lên 8 tuổi, người anh cả này qua đời do mắc phải bệnh thổ tả. Ông cụ thương con, buồn bực vì không cứu được con nên từ đó bỏ nghề thầy thuốc. Đến người chị thứ 2, lúc đó mới sinh, gặp năm lụt to, không hiểu sóng đánh thế nào mà cả hai mẹ con rơi xuống nước, ông cụ chỉ kịp túm được tóc vợ kéo lên, còn con gái mới sinh bị nước lũ cuốn trôi. Đến năm sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng gặp lũ lớn, ngôi nhà bị hư hỏng nặng, ông cụ dựng một chiếc lán tạm dưới gốc cây khế trước mặt nhà và… vị Đại tướng lừng danh thế giới sinh ra ở đó” – ông Hàm kể.
Bà Nguyễn Thị Quang Thái và con nhỏ Võ Hồng Anh.
Theo ông Hàm, cả mấy anh chị em nhà Đại tướng đều thông minh, sáng dạ, tuy nhiên do nhà nghèo nên chỉ có Đại tướng và em trai Võ Thuần Nho là học hành đến nơi đến chốn. Cả hai anh em Đại tướng đều thi đậu vào Quốc học – Huế và đều sớm giác ngộ Cách mạng. Tuy nhiên, ông Võ Thuần Nho phải nghỉ học sớm vì gia đình không đủ tiền chu cấp. Ông về quê gây dựng và lãnh đạo phong trào Cách mạng của huyện Lệ Thuỷ, còn Võ Nguyên Giáp tiếp tục sự nghiệp học hành và hoạt động Cách mạng. Võ Nguyên Giáp đã gặp và kết hôn với người đồng chí của mình là bà Nguyễn Thị Quang Thái (em gái của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai). Hai người có với nhau người con gái đầu lòng là Võ Hồng Anh. Bà Nguyễn Thị Quang Thái bị giặc Pháp bắt năm 1942 và hi sinh tại nhà lao Hoả Lò năm 1944, trong thời gian Võ Nguyên Giáp được cử sang Trung Quốc hoạt động.
Năm 1947, giặc Pháp vây ráp huyện Lệ Thuỷ, đốt nhà và bắt cụ Võ Quang Nghiêm, với lí do là “cha đẻ của hai Việt Minh cộm cán”. Sau 2 năm bị tra tấn, tù ngục, cụ Nghiêm cũng hi sinh trong nhà lao Thừa Phủ (Huế) năm 1949.
Ông Hàm kể: “Năm đó, cụ Võ Thuần Nho là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Lệ Thuỷ, hoạt động ở vùng Bang Rợn. Để an toàn, cụ Nho đưa toàn bộ gia đình lên sống ở đó, duy chỉ có cụ thân sinh đang nán lại để thu hoạch lúa. Nắm được thông tin giặc Pháp sẽ đi thuyền từ Đồng Hới lên càn quét vùng Lệ Thuỷ, cụ Nho đã cử ba tôi, lúc đó là Đại đội phó Đại đội 1 về đón ông cụ lên. Cụ Nho nói với ba tôi: ‘Bây giờ mi tìm mọi cách về đưa ông cụ lên đây, không là kiểu gì ông cụ cũng bị Pháp bắt’. Ba tôi nhận lệnh, bí mật về gặp, nhưng ông cụ từ chối: ‘Tau thì cũng ưng đi, nhưng bây giờ cả nhà trên ấy rồi, không có lương thực lấy gì mà ăn, để tau ở lại vài hôm gặt lúa đã, xong tau vận chuyển lên luôn’. Nghe có lí, ba tôi lên thuật lại với cụ Nho, lúc đó mặt cụ Nho biến sắc nói: ‘Chỉ một việc như thế mà không làm được, sau này cụ xảy ra chuyện chi thì làm sao đây?'”.
Đúng như nhận định của ông Võ Thuần Nho, giặc Pháp đã đi ca nô từ Đồng Hới lên đốt nhà và bắt cụ Võ Quang Nghiêm. Chúng giam cụ ở Đồng Hới một thời gian, sau đó đưa vào Huế, tra tấn, đánh đập cho đến chết. Sau năm 1975, gia đình đã vào Huế tìm và đưa mộ ông cụ về quê.
Theo Hoàng Nam/Báo Tiền Phong