Có điều chưa nói với Sông Trà

687

 

 

        

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ

(vanchuongphuongnam.vn) – Tháng ba, đêm xứ Ấn tiết trời mát mẻ, tôi cầm bản thảo tổng tập thơ của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ trên tay, lòng băn khoăn thầm nghĩ, không biết ở một đất nước xa lạ, đọc thơ ông có được cái cảm xúc như ở quê mình chăng? Và rồi nhiều đêm như thế, cứ nghĩ đến trạng thái này tôi lại chìm vào thơ ông. Đọc và chiêm nghiệm một đời người, một đời thơ…

Nguyễn Thế Kỷ có tên thuở nhỏ là Bích, ông sinh năm 1931, tại xã Nghĩa Trung (nay là thị trấn La Hà) huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Thi đỗ Primaire 1954.

Với bản chất phóng khoáng, thông minh hiếu học, say mê văn chương, năm 14 tuổi, trước khi đi thi Primaire ông viết bài thơ “Thương con phù du”. Đây là bài thơ cảm tác nhân câu nói của Bà nội quê mùa chân chất nơi xứ Quảng thân yêu, đã ám ảnh tâm hồn thơ ngây của ông, ông viết một mạch bài thơ này. Trong đó có đoạn:

“Đứng trước trời chạng vạng

Tôi thương con phù du

Sống ở đâu mịt mù

Chết cũng tìm chỗ sáng?”

Có thể nói, đó là tâm hồn của ông, nghệ thuật của ông, chỉ đơn giản vậy thôi, mà đậm sắc màu xứ sở. Khác với nhiều nhà văn, nhà thơ khác, trong thời đại ảnh hưởng văn học Pháp, chất lãng mạn, trữ tình được khai thác rộng rãi, thì Nguyễn Thế Kỷ vẫn ung dung một hồn thơ dân tộc chân chất, đơn mộc:

“Nhà nàng xưa ngõ hoa phong

Bình dân học vụ lớp trong, lớp ngoài

Mỗi khi mãn học, ngõ này

Vừa đêm hò hẹn đã ngày hợp tan”

(Ngõ tàn)

 Từ biệt Ngõ xưa đã tàn, chàng thanh niên Nguyễn Thế Kỷ viết bài thơ “Ngoảnh lại” chôn dưới chân cầu. Tôi cho đây là áng thơ đầy cảm xúc thi ca, mà sau này nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đức Quyền, trong lúc sinh thời đã có dịp bình bài thơ này:

“Ô hay! Trăng suông ôm chân cầu

Nghé nhìn đáy nước biết đêm sâu

Ngoảnh lại, đèn ai chong mắt mẹ

Canh mòn chặp tắt cuối chòm sao”

 (Nghoảnh lại)

 Đặc biệt, với sông Trà có bờ xe nước nổi tiếng, ông viết:

“Sông Trà nước cỡi bờ xe nước

Như ngựa tung bờm trăng trắng qua

Ve hát hè ran nghe bát ngát

Ống tre rưng rức múc trăng ngà…”

 (Sông Trà)

“Sông Trà” đẹp cuốn hút, và đầy thi ảnh. Hình ảnh con ngựa trắng của tráng sĩ xưa trong “Chinh phụ ngâm” bỗng hiện về trong thơ Nguyễn Thế Kỷ. Thuở ấy nào “vó ngựa”, “tráng sĩ hề”, “kiếm báu” vv…luôn ám gợi người làm thơ, nên cái “rưng rức” của ống tre như lòng người ra đi, dù có múc mãi thì nước cũng sẽ không bao giờ trở lại.

Trong “Hai cuộc tình của Lý Chiêu Hoàng”:

“Giữa đêm mưa gió Kinh thành

Thái sư binh mã núi xanh tận tường

Bắt Vua Trần Cảnh cung đường

Bắt anh Trần Liễu tình trường chông gai”

 Những giọt thơ cổ điển, như giọt nước mắt hiếm hoi trong tập thơ “Nghoảnh lại” của Nguyễn Thế Kỷ, điểm xuyết mối lương duyên “đứt nối” giữa xưa và nay. Tuy vậy, không hề hấn gì khi ông viết những câu thơ tự do đầy sung sức và tràn chất hiện đại:

“Tìm lại mũi tên

Tay mình lẫy nỏ

Chỉ còn thấy vệt cỏ khô”

(Vệt cỏ khô)

Độc giả sẽ cảm nhận được tính đa dạng qua thơ Nguyễn Thế Kỷ, dù viết với cung bậc nào, ông cũng dùng thủ pháp biến hóa sinh động trong từng thể loại. Ở mảng thơ về đề tài xứ Quảng, Nguyễn Thế Kỷ hướng đến những cảm xúc đầy ắp kỷ niệm của 12 cảnh đẹp miền núi Ấn sông Trà. Với đề tài này, thể Đường luật được sử dụng như một thế mạnh:

“Nghiêng xuống lòng sông ánh nắng lành

Đượm màu non nước – Ấn long lanh

(Thiên Ấn niêm hà)

Yêu quê hương xứ Quảng tha thiết, Nguyễn Thế Kỷ luôn tâm nguyện là hướng lớp hậu thế biết quay về cội nguồn. Tình quê hương tuôn trào theo ngòi bút một cách sinh động, từ “Thiên Ấn niêm hà, La Hà thạch trận, Thạch Bích tà dương”…vv… đến “Cổ Lũy cô thôn”. Đặc biệt, dòng sông Trà như mạch nguồn tuôn chảy suốt chiều dài thơ ông, tình cảm chân thật, ấm áp, hiền hòa nhưng mãnh liệt đã lôi cuốn người đọc tìm về cội nguồn linh thiêng trong từng trang thơ cảm xúc:

“Một mối tình, đã mấy thế kỷ qua

Có điều như chưa nói với sông Trà

Dát bạc đầu nguồn, lung linh nắng quái

Ánh tà dương “Thạch Bích”, ngỡ trăng ngà”

 (Điều chưa nói với sông Trà)

Quả thật, “điều chưa nói với sông Trà” là điều tha thiết nhất, rung động nhất của con tim về nơi chôn nhau cắt rún, nơi những kỷ niệm thiếu thời chất đầy ngăn ký ức. Phải chăng tâm thức sông Trà là đây? Là tiếng nói lặng im…mà bao người con đất Quảng ra đi nhất định sẽ quay về. Tôi có may mắn là người đồng hương, đồng cảm với tâm thức nhà thơ, nên viết đến đây từng sợi thần kinh cảm xúc trong tôi có dịp bừng dậy, rung lên…

 Có thể nói, trong bối cảnh lịch sử thời chàng trai Nguyễn Thế Kỷ đang sống đã vẽ nên bức tranh con phù du. Theo quán tính, loài phù du tiếp nhận ánh sáng, dân gian gọi là thiêu thân! Những câu thơ thấm đẫm chất nhân văn sẽ lung linh trong vầng hào quang của nó:

-“Thiệt cái loài phù du

Sống ở đâu mịt mù

Chết cũng tìm chỗ sáng”!

   Hãy đọc “Người sàng sỏi”, mà sau này ông viết như là một khẳng định cho con đường đã chọn: con đường tìm chỗ sáng!:

“Dặm trường còn lắm ngổn ngang?

Người sàng sỏi lại sàng

Ngày ngày không mỏi

Sàng sỏi… Sàng từng viên sỏi!”

Vâng, ông đã “sàng lọc” từng viên sỏi đời mình và chọn nghề cầm bút. Vất vả gian nan, lên thác xuống ghềnh là vậy, ngòi bút ông vẫn đứng vững là một điều không tưởng. Những thành tựu mà hôm nay có được từ những không tưởng, quả là mồ hôi nước mắt. Và như Nhà Biên kịch Lê Sinh Dân đã giới thiệu trong “Nghoảnh lại” rằng:Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ là một gia tài đồ sộ của sự sáng tạo không ngưng nghỉ. Anh là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà báo, Đạo diễn sân khấu…” Với một trong các vai trò đó thôi, một người thường cũng khó thành đạt, huống hồ bấy nhiêu vai trò. Trải nghiệm cuộc đời chính là vai trò lớn nhất làm nên thơ Nguyễn Thế Kỷ. Ông “sàng lọc” cuộc đời, và cuộc đời “chọn lọc” ông. Và chính Hà Nội hào hoa, Nguyễn Thế Kỷ đã gầy dựng cơ nghiệp cầm bút trên đất văn vật kinh kỳ suốt thời tuổi trẻ say mê.

Lặn lội sơn khê biết bao gian khổ, vậy mà về đến Hà Nội chất thơ lãng mạn bỗng trào dâng:

“Lâu không dám viết thơ tình

Đêm nay “đôi mắt” làm mình ngẩn ngơ”

 Ấy là Hà Nội mùa thu, chàng trai 26 tuổi ngẩn ngơ trước “dáng Kiều”. Nhất là đôi mắt ấy, đôi mắt đã từng tiễn đưa “người ra đi” bên bờ sông Trà năm nào:

“Đêm đến ghé nhà em

Dưới ánh đèn, anh bắt gặp

Hình anh trong đôi mắt

Đôi mắt huyền của em”

(Đôi mắt)

 Qua những phút chạnh lòng như thế, đứng trước Hồ Tây và nhìn lại bóng mình qua bóng nước:

“Ngỡ là cánh bướm chợt chao ngang

Khẽ chạm bờ vai lá sấu vàng

Đứng ngắm mặt mình trong mặt nước

Hồ Tây sóng gợn gió Thu sang..

(Thu Tây hồ 1962)

Quả thật, Hà Nội đất thiêng, đã gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp, là nơi trưởng thành của một nhà thơ miền Trung, như ông.

 Với tình yêu chân thành, ngòi bút ông hướng tới sự sống động:

“Cổng chùa “Quan Thánh” là đây

Đầu đường rẽ lối Hồ Tây, hẹn rồi

Mà sao mây cứ lờ trôi

Mà sao gió cứ xa xôi thế này?

Thuyền mô nhẹ đẩy chân ai

Mắt mô cứ nghé nghiêng hoài bên tê

Thôi rồi, hai con te te

Rủ nhau liệng xuống rặng tre cuối hồ…”

 (Thôi rồi)

Bài thơ như một bức tranh tuyệt đẹp, những nét chấm phá độc đáo theo cách riêng. Hai câu kết là một phát hiện kỳ diệu, xóa tan sự e ngại của cô gái chèo thuyền hái sen trên hồ Tây.

Và cuối cùng, Hà Nội cũng là “nơi đất ở” để ông tung bay thỏa chí tang bồng. Từ Hà Nội ra đi, đã có “Giọt buồn trên sân ga”:

Mưa rơi trên sân ga

Giọt buồn đâu rớt lại

Con tàu vừa đi qua

Khi gần em không nói

Tiếng còi xuyên gió tới

Đợi lúc con tàu xa

Bây giờ em mới gọi

 (Giọt buồn trên sân ga)

Tháng 10 năm 1989, ông làm Trưởng Đoàn nghệ thuật Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đi dự Hội thảo Sân khấu Thế giới tại Praha, và bài thơ “Đêm thu” ra đời:

“Tiếng gì trong đất lặng im

Hay là nhịp thở Hạ tìm sang Thu

Tiếng gì đâu phải tiếng ru

Đứt từ mây xuống, nối từ sông lên

 (Đêm thu)

 Đây là bài thơ ngẫu hứng nhưng có cấu tứ chặt chẽ, mạch thơ dường như sẵn có trong tâm hồn. Thông thường thơ làm ta bất ngờ ở câu kết, ngược lại ở đây khiến ta bất ngờ ở câu mở đầu:”Tiếng gì trong đất lặng im/ Hay là nhịp thở hạ tìm sang thu…”. Hóa ra sự lặng im của đất chính là tiếng nói sâu thẳm, ôm ấp mùa màng. Một sự chuyển dịch về địa lý, có thể lay động đến sự chuyển dịch trong tâm hồn. Ở Việt Nam có thể chưa lay động bằng ở xa Việt Nam. Praha chạnh nhớ về đất mẹ, nên trong thơ không có hình ảnh xứ lạ quê người mà có tiếng đỗ quyên, có lập lòe đom đóm; và vầng trăng cũng thế, ánh trăng nhiễu sầu của tâm trạng người xa xứ nhớ quê! Qua bài thơ, ta tìm thấy một thú vị khác: “Tiếng gì trong đất lặng im” hầu như là tiếng của tâm hồn nhà thơ, có gì đó liên lạc với quê hương, với mạch nước sông Trà. Thực ra, nghe được “tiếng gì trong đất” là nghe thiên nhiên. Chúng ta thường gọi đất là người mẹ vĩ đại, mỗi chúng ta đều ở trọ trên quả đất và trong vòng tay thiên nhiên. Sở dĩ mặt đất có tiếng nói, là để chúng ta có nơi liên lạc trong chính tâm linh mình và trong chính nơi mình được sinh ra và chết đi. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:” Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” luôn trở thành châm ngôn cho mọi thời, bởi vì đất hóa tâm hồn là một sự đúc kết, nghe được tiếng của “tâm hồn ấy” là tinh túy của tinh thần thi sĩ.

Tóm lại, những nhà thơ có phẩm chất, thường thể hiện bản sắc thơ mình đa chiều, đa dạng đề tài của cuộc sống. Nguyễn Thế Kỷ là một người như vậy, ông hít thở bầu khí quyển thi ca của thời đại, lấy đó làm nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho ngòi bút hiện thực lãng mạn của mình. Ông đã cố gắng vượt bậc tìm ra con đường thơ riêng cho mình, như nhà thơ Thanh Thảo đã nhận định rất đúng rằng: ” ít nhất, ông đã mở cho mình một lối đi mới”.

Ở tuổi 88, ngày ngày ông vẫn ngồi bên trang giấy, như con tằm rút ruột nhả tơ, lặng lẽ dốc tâm huyết và trải nghiệm của mình ươm cho đời những tác phẩm giá trị. Với ông, thành công chính là sự bình dị của ngôn từ, và sự chân thành của cảm xúc, nên đọc thơ ông ai cũng thấy gần gủi mà không dễ dãi, mộc mạc mà không thô nhám. Sự thâm trầm, sâu sắc ẩn hiện đâu đó trong từng câu chữ…

                         Nguyễn Thánh Ngã

 

 Chùm thơ của tác giả Nguyễn Thế Kỷ;

    Ngoảnh lại

Ô hay! Trăng suông ôm chân cầu

Nghé nhìn đáy nước biết đêm sâu

Ngoảnh lại, đèn ai chong mắt mẹ

Canh mòn chặp tắt cuối chòm sao

Dế run dưới cỏ, cỏ đầm sương

Cầu chùng mắc võng qua đêm buông

Võng chao như hứng treo trăng xuống

Một dải lụa in lấm tấm buồn

Lụa cuốn trăng mềm bên mé sông

Hoa đâu bay hương thơm bềnh bồng

Sương phun mây sơn đen thành sắt

Khoảng cầu trăng có, khoảng trăng không

7/1954.

Rời Trà Khúc

Con thuyền xuôi nặng con thuyền xuôi

Ngược chảy dòng xanh ngược bãi bồi

Chín khúc sông Trà như quặn thắt

Không lời mây trắng với sương thôi

Sương loang tiếng cuốc gọi xa lơ

Buồm cuộn đêm trôi nước lặng lờ

Cao thấp đôi bờ tre khắc khoải

Ngập ngừng xe nước cũng vò tơ

Tơ vương xuyên đan chia không gian

Người đi kẻ ở, sương không tan

Nước mắt, nước sông, chèo khuây khỏa

Tìm đâu Trà Khúc ánh trăng tàn

Quảng Ngãi, 1954

 

Một lời im lặng

Nằm mơ đụng phải hương Quỳnh

Nửa đêm bất chợt giật mình sáng bưng

Trường chinh nào nhớ quãng rừng

Bỏ quên tuổi trẻ giữa lưng chừng đời

Đông tàn ngồi đếm Xuân rơi

Bỗng đâu nghe rớt một lời… Lặng im!

 

Bên Hồ Gươm

Trăng Trung thu Hồ Gươm

Tròn xoe con mắt thỏ

Tay vói trăng, chân nhảy

Sóng dập dềnh trống lân

Điện quanh hồ nở hoa

Sao điểm vàng như bướm

Lạc đường, theo đom đóm

Đôi cánh bay lập lòa

 Mây chập chờn mắt thỏ

Trăng bỗng lao xuống hồ

Trời cũng bơi trong đó

Gió thơm lừng Thủ đô

Ẳm trăng lên em múa

Thoáng bóng “Rùa” đuổi theo

Cả trời Thu huyền ảo

Lá Thu rơi đánh vèo…

Hà Nội, Thu 1962